Môn Giáo dục công dân đang rối
Bảo vệ môi trường, giáo dục an toàn giao thông, giới tính, giáo dục quốc phòng, kỹ năng sống, phòng chống tham nhũng... tất cả đều được dồn vào môn Giáo dục công dân khiến giáo viên và học sinh mệt mỏi.
Thời gian gần đây, mỗi lần xã hội “nóng” lên vấn đề gì thì nội dung đó lập tức được đề xuất đưa vào lồng ghép trong bộ môn giáo dục công dân (GDCD) để giảng dạy khiến giáo viên và học sinh của nhiều trường tại TPHCM lên tiếng than vì quá mệt mỏi và khổ sở, đặc biệt là ở bậc THPT.
Ôm đồm, khó hiệu quả
Hiện tại, bộ môn GDCD đã phải “gánh” thêm quá nhiều nội dung khác, như: Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục về an toàn giao thông, giáo dục chính sách quốc phòng... Vì thế, nhiều giáo viên cho biết việc giảng dạy nhiều lúc rất nặng tính hình thức.
Mỗi tuần, chỉ có một tiết GDCD trong khi chương trình lồng ghép thì dạy khi bài nào đó có nội dung tương tự hoặc liên quan. Có nội dung học sinh chỉ học đúng một lần trong năm.
Một tiết sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề tâm lý học đường tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5 - TPHCM), cho biết trước đây nhà trường đã lồng ghép giáo dục pháp luật tại lớp nhưng không hiệu quả vì số tiết quá ít, vậy là phải có thêm 2 tiết chuyên đề vào giờ chào cờ đầu tuần để giáo dục cho học sinh. Giáo dục pháp luật mà chỉ giao cho bộ môn GDCD là không kham nổi nên nhà trường phải tiếp sức.
Khi được biết Bộ GD-ĐT dự kiến lồng ghép nội dung phòng chống tác hại game online có nội dung bạo lực, không lành mạnh vào môn GDCD, ông Nguyễn Việt Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10 - TPHCM), cho biết: “Hiện môn GDCD đã tích hợp các vấn đề xã hội nên làm sao đảm nhận thêm được. Ngay đến hiệu trưởng cũng phải đối phó với rất nhiều mảng trong sinh hoạt ngoài giờ. Tôi rất sợ mỗi khi nghe môn này sắp phải lồng ghép thêm nội dung gì khác”.
Một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT cho biết bộ môn GDCD ngoài việc lồng ghép giáo dục an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ma túy, mại dâm... sắp tới còn thêm phòng chống tội phạm, chống tác hại game online... Lồng ghép quá nhiều thì không chỉ giáo viên mệt mỏi, nhà trường mệt mỏi mà cả ngành giáo dục cũng rất vất vả. Lồng ghép những nội dung này tất nhiên là hợp lý nhưng mức độ cũng phải cân nhắc.
Nỗi sợ của ông Cường là có lý, vì cứ mỗi lần có nội dung lồng ghép cần đưa vào là một lần giáo viên mất công chỉnh sửa giáo án và đi dự tập huấn, trong khi sách giáo khoa GDCD cũng đã bao gồm các nội dung này trước khi được yêu cầu lồng ghép. Ví dụ, khi Bộ Công an trình Chính phủ đề án lồng ghép dạy phòng chống tội phạm vào môn GDCD thì môn này cũng đã có phần giáo dục pháp luật với nội dung ấy.
Khó và khô
Học sinh Tr.T.L (lớp 10 Trường THPT Trần Khai Nguyên) cho rằng môn GDCD quá khó và khô vì mới vào lớp 10 đã học một số nội dung triết học nên rất... “choáng”; thầy giáo cứ phải tìm cách mềm hóa thuật ngữ, đưa ví dụ gần gũi để học sinh chịu học.
Cô Nguyễn Ngọc Dung, Tổ trưởng Bộ môn GDCD Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), nhận xét nội dung công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong sách lớp 10 thực sự khó với học sinh.
Vừa bắt đầu chuyển cấp, học sinh không thích ứng kịp để học ngay vào nội dung này. “Nếu chương trình này để sang lớp 11 cũng không được vì nội dung công dân với kinh tế, công dân với các vấn đề chính trị - xã hội ở lớp 11 cũng đã nặng rồi. Đưa vào chương trình lớp 12 thì lại quá muộn”, cô Dung nói.
Cần điều chỉnh giáo trình
Thầy Nguyễn Thành Long, giáo viên Bộ môn GDCD Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM), cho biết để giúp học sinh vừa được học chương trình lồng ghép vừa cảm thấy nhẹ nhàng với chương trình nền, thầy đã phải bỏ rất nhiều công sức tìm kiếm tài liệu liên quan như hình ảnh, phim, clip, bài báo... vừa phải nghĩ ra nhiều phương pháp giảng dạy giúp lớp học sinh động (như thảo luận nhóm, tiểu phẩm...). Thầy Long cũng đề xuất một số bài của môn GDCD quá dài nên giáo viên rất khó phân phối chương trình. Nếu bắt học sinh học ở nhà thì sợ các em không nhớ hết. Bản thân giáo trình khá khô, hình ảnh, tư liệu đã cũ, không hợp với tâm lý học sinh nên cần điều chỉnh để giáo viên dạy chương trình lồng ghép có hiệu quả hơn.
Còn với nội dung GDCD ở cấp THCS, bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), cho rằng nội dung nền môn GDCD lớp 6, lớp 7 khá nhẹ nhàng nhưng ở lớp 8 và lớp 9 thì khô quá.
Theo ý kiến của một giáo viên dạy lớp 9 bộ môn GDCD, nhiều bài trong chương trình có nội dung khá gần nhau, lẽ ra nên ghép lại để giáo viên có nhiều thời gian cho lồng ghép nội dung thì lại tách thành nhiều bài riêng biệt.
Như bài 4 (bảo vệ hòa bình), bài 5 (tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới) và bài 6 (hợp tác cùng phát triển) trong sách giáo khoa lớp 9 có nhiều nội dung tương đồng với nhau. Ngay cả nội dung lồng ghép của Bộ GD-ĐT đưa xuống cùng sách hướng dẫn cũng rất chung chung.
Giáo viên “bơi”
Với những nội dung khá nặng nề, mang tính trừu tượng của môn GDCD khối lớp 10, 11, cô Nguyễn Ngọc Dung cho biết giáo viên phải “vận công” rất nhiều để đưa ra các ví dụ gần gũi nhất cho học sinh hiểu. Cho nên, những giáo viên ít kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giảng dạy sẽ rất khổ sở với môn này.
Nói về những nội dung lồng ghép, một giáo viên nhiều năm dạy GDCD bậc THPT bức xúc: “Nghe nói giảm tải nội dung chương trình đâu không thấy, chỉ thấy giáo viên phải gồng mình để nghĩ cách dạy sao cho dễ hiểu.
Những nội dung cần tích hợp là đúng nhưng tích hợp thế nào cho vừa sức giáo viên chứ như thế này thì mệt quá”. Cô Dung cũng đề nghị những nội dung lồng ghép nên tách ra thành các môn khác để học sinh được tiếp nhận đều đặn hơn, đồng thời giảm tải cho môn GDCD.
Theo Dân trí.