T
Tuyền Nguyễn
Guest
View attachment 15376
Oanh lấy chồng năm mười bảy tuổi và yêu chồng bằng một mối tình si. Nàng không những yêu chồng mà còn si mê và sùng kính. Đến bây giờ, khi đã vào tuổi bốn mươi, con trai đầu đã vào đại học, tình yêu của nàng với chồng vẫn vậy, vẫn vô cùng si dại và sùng mộ.
Bằng tuổi nàng, các bà các chị cùng dạy một trường ăn nói bạo tợn lắm. Thì vẫn là yêu quý đấy, nhưng sau mấy chục năm chồng vợ, cuộc sống chung như đã quen nhàm, giờ đây hễ gặp nhau là họ lại lôi các đức ông chồng ra mà bỉ bai, đùa cợt. Họ gọi chồng là lão hói, lão cận, lão hâm đơ, lão móm, lão sún… Cứ như là sau mấy chục năm trời đã gạn hết cái hay cái đẹp ở gã đàn ông chồng mình, giờ chỉ thấy rặt những cái dở, cái xấu, cái xoàng xĩnh, tầm thường ở người bạn đời già. Vì vậy chẳng ngại ngần gì mà không một thôi một hồi kể ra cả loạt những chuyện về thói xấu của họ: ở bẩn, lắm lời và nhất là tính dâm dê của các lão…
Oanh hoàn toàn khác. Với chồng nàng vẫn nguyên vẹn một tấm tình đam mê sùng ái. Chồng nàng là cuốn sách đáng xưng tụng duy nhất mà nàng hằng đọc mải mê, là ảnh tượng để tôn thờ. Nàng không mảy may bình phẩm bằng ngôn ngữ thông thường, đừng nói là sàm sỡ như bạn bè, đừng nói tới sự không chung tình. Oanh sùng ái chồng hết mực đâu phải vì nàng yếu kém về nhan sắc, tài năng, tài sản. Trái lại, Oanh đẹp một vẻ đẹp đàn bà, gợi cảm. Oanh là cô giáo dạy toán giỏi ở trường trung học. Ba nàng là tổng giám đốc một công ty lớn. Nàng là hình bóng ao ước của nhiều vị chức sắc tỉnh nhỏ này, là người đàn bà mơ tưởng của cánh đàn ông giàu có, là giấc mơ tiên của giới mày râu đủ loại sang hèn. Nàng yêu mê, kiêu căng về chồng đến mức nhiều khi người ta phải nghi ngờ, nhưng ngẫm ra thì nàng hoàn toàn có lý. Chồng Oanh là một người đàn ông thật sự, xứng đáng với sự tôn sùng của nàng.
Ngọc Đức, chồng Oanh là một con người hoàn hảo mọi mặt. Anh cao một mét bảy mươi hai phân, trong khi đa phần các vị đồng liêu ở tỉnh giỏi lắm là cao mét sáu, chưa kể vào tuổi năm mươi tất thẩy đều xệ bụng, bạc tóc, hói đầu, chân tay nhẽo nhèo. Trong khi Đức tuổi năm hai mà vẫn giữ được vóc hình trai trẻ, ngực nở, bụng thon, bắp chân bắp tay nở nang như lực sĩ. Mặt vuông, da bánh mật, mũi cao, mắt đen, tóc mượt, trông Đức hao hao đàn ông Ấn Độ ở chiều sâu thâm trầm.
Con người đẹp một cách nam nhi ấy lại vui vẻ, hoạt bát, nói năng thì ngoài sự chính xác của ngôn từ, lại còn hóm hỉnh. Ba mươi hai tuổi, từ một hiệu trưởng trường trung học lên thẳng ghế giám đốc sở. Ba mươi lăm là tỉnh uỷ viên, thường trực uỷ ban nhân dân tỉnh, vì ở bất cứ lĩnh vực nào, nhà lãnh đạo trẻ tuổi cũng có ý kiến độc đáo, nhờ tầm kiến văn sâu rộng và trí nhớ như thần.
Đức còn là hình mẫu của đạo đức, với hai bàn tay sạch. Anh còn là một hồn thơ lai láng, chứng cớ là một trong hàng trăm bài được chính anh phổ nhạc và trở thành tỉnh ca, dùng làm bản nhạc khai đề của Đài phát thanh tỉnh mỗi sớm mai. Anh còn chơi được đủ các loại đàn, chưa kể thời trai trẻ anh có chân trong đội bóng rổ, bóng chuyền của tỉnh, là cây vợt bóng bàn có tiếng.
Hổn hển tiếng nọ lấp tiếng kia, Oanh tiếp nối bản tụng ca: Anh ấy động vào cái gì thì cũng nên danh cả. Vừa rồi bắt đầu chơi máy ảnh đã có ảnh tham gia câu lạc bộ nghệ sĩ nhiếp ảnh, bắt đầu cầm bút vẽ đã có ông hoạ sĩ ở Hà Nội về xem tranh cứ xuýt xoa khen. Nói các bạn không tin, anh ấy chơi xổ số thì không trúng giải nọ cũng giải kia. Một lần trúng sáu mươi triệu, mua được căn nhà này. Năm kia trúng giải khuyến khích, mua được cái tủ lạnh. Chưa kể khi mua bán anh mặc cả giỏi hơn đàn bà, nếm mắm tôm tinh hơn bà lão. Anh biết mua loại ngon nhất thịt ba chỉ để nướng chả và bạc nhạc bò để nấu sốt vang. Ăn thì biết chọn miếng giò đầu, miếng chả cạnh. Muối cà pháo thì vừa chua vừa giòn…
Đại hội tỉnh vừa rồi anh ấy lại xin rút. Tôi đang có quá nhiều việc phải làm, anh ấy nói vậy. Thật ra thì anh ấy chỉ bận đọc sách thôi. Mọi việc trong nhà, em lo tất tật, ngay đồ lót của anh ấy, anh ấy cũng không phải động tay vào. Anh rút nhưng các đại biểu không đồng ý. Họ nói: Không có ông Đức thì cấp uỷ đâu còn là gì. Gần đây em nghe nói, trung ương sắp rút anh ấy về Hà Nội nữa kia, các chị ạ.
Oanh dừng lại lấy hơi rồi tiếp:
-Có kẻ xấu bụng nói anh ấy khôn. Em nói thật, nhà em anh ấy không thèm khôn đâu. Ví dụ như chuyện nhà cửa, có cần xin xỏ, mua bán gì đâu, thế mà ở Hà Nội bọn em đã có một toà biệt thự ba tầng ở Láng Hạ rồi đấy.
- Sao mà tài thế?
- Vì ông anh của anh ấy mất, để lại.
- Anh trai anh ấy mới mất?
- Đang ngồi vỉa hè uống chè thì một cái ô tô do thằng xế say rượu chồm lên, đè luôn. Đấy, số anh ấy chẳng cần chờ đợi, mà lộc đến cứ ùn ùn. Như chuyện đi nước ngoài, đến nay đã ba bốn chục lần, ngấy tận cổ mà cứ bị chỉ định đi. Em nhớ năm 1985, em gặp anh ấy ở Mátxcơva. Hai năm sau chúng em cưới nhau ở đại sứ quán ta bên đấy. Thằng con đầu mới vào năm nhất đại học kiến trúc em đẻ ở bên ấy. Hồi ấy ăn uống chả thiếu gì nên cháu mới cao lớn khoẻ mạnh thế, các chị ạ.
Sự ghen tức của đàn bà tuổi ngoại tứ tuần ranh ma quỷ quái khôn lường. Một bà đập khẽ tay Oanh, nháy mắt, giả lả:
- Này, chỗ chị em tớ hỏi thật. Còn cái khoản ấy của lão thế nào? Có được như thằng cha Khoản lái xe của lão đêm nào cũng hầm con vợ tơi tả, hay chưa đến chợ đã hết tiền?
Đòn ra thật hiểm nhưng, cú đòn hiểm đã trượt. Vì Oanh chưa trả lời, đã có một bà béo tốt ôm ngang sườn Oanh, nguýt bà kia một cái rõ dài:
- Trông nó cứ phây phây thế này, ngực như gái đang xuân, mặt sáng như cái mâm đồng, hỏi không có thằng đàn ông đêm nào cũng tưới tắm, cho lên tiên thì được khối.
Ở tỉnh lẻ, bao chuyện tốt đẹp xấu xa ở mỗi gia đình, mọi người đều rỉ tai cho nhau biết hết, làm sao giấu được. Quan hệ nam nữ luôn là mối quan tâm của đời sống, là đề tài hấp dẫn nhất trong các cuộc phiếm luận. Như chuyện ông phó chủ tịch bất lực, nên bà vợ phải nhờ anh thư ký đô con thay thế. Như chuyện lão Khoản lái xe cho Đức chồng Oanh, loại rậm râu sâu mắt đêm bảy ngày ba vào ra không kể khiến bà vợ già hơn lúc nào cũng hây hây như thiếu nữ hai mươi. Nếu vợ chồng Oanh có trục trặc thì từ lâu đã chẳng ầm ĩ lên rồi ư?
Không chen vào được để phá hoại quan hệ vợ chồng của Đức- Oanh thì họ tung dư luận xấu, chê Oanh ngố, Oanh lố. Ai lại đi khoe việc giặt đồ lót cho chồng, chiều chồng đến mức như thế là con hầu chứ đâu phải vợ. Một số lại cho vì có trục trặc nên Oanh mới phải dùng lời lẽ để cố che đậy. Rằng Đức là thằng cha kém cỏi về mọi phương diện, lên chức to là nhờ ông anh ở ban tổ chức trung ương. Sợ ma thì hay hò hét, lùn tì thích vĩ đại. Oanh cũng vậy. Nàng sắp chết khô rồi. Tâng chồng lên cao thế để bù đắp cơn khát thèm không được thoả mãn thôi.
***
Bảy giờ ba mươi sáng mỗi ngày, chiếc xe Nissan sang trọng bóng loáng màu cổ vịt, từ cổng ủy ban tỉnh bon bon chạy qua con phố dốc với tiếng còi nhịp ba vui vẻ nhại điệu cha cha cha. Mười lăm phút sau, nó quay trở lại cổng uỷ ban, nhả ra một người đàn ông tráng kiện trong bộ com lê xám, tay xách cặp da, đẹp như người mẫu thời trang. Người đó đóng cửa xe, cúi xuống nhìn vào trong, giơ tay ngang đầu, âu yếm: “Em đi nhé!”, và chiếc xe quay đầu trở ra. Qua một con phố dài, rẽ trái chừng hai trăm mét, chiếc xe đậu lại trước cổng ngôi nhà ba tầng, để từ xe bước ra một thiếu phụ tuổi bốn mươi, đẹp gợi cảm. Đó là cô giáo Oanh. Cô đi nhờ xe chồng. Chồng cô là phó chủ tịch tỉnh, có xe đưa đón.
Lái xe là một gã đàn ông tên Khoản bốn mươi lăm tuổi, to lớn, vai u, cổ rụt, râu rậm, mắt sâu, môi thâm, da sần sùi và như dính nhọ nồi. Gã là một tương phản so với thủ trưởng. Toát lên từ vóc dáng, diện mạo, ngôn ngữ của y một sự thô bỉ, vô học, bản năng ngùn ngụt. Thoạt đầu y gây cho Oanh nỗi kinh sợ, nhất là khi thi thoảng lại bắt gặp cái nhìn trộm của y. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, Oanh chẳng hề để ý đến y nữa.
Hôm ấy là buổi sáng không bình thường so với các buổi sáng khác. Chiếc Nissan màu cổ vịt bóng loáng đậu lại trước cổng trường và khi Oanh mở cửa bước ra, gã lái xe thò đầu ra cửa xe: “Chiều nay cứ đón bình thường chứ?”. Không lưu tâm cách nói trống không của Khoản, Oanh đáp: “Cám ơn. Tôi không có tiêu chuẩn” rồi quay đi.
Chồng nàng sáng nay đi Hà Nội họp một tuần, như mọi hôm nàng đi nhờ xe chồng là hợp lý, nhưng từ chiều nay nàng nghĩ đến việc sẽ nhờ bạn đèo. Tan trường, nàng bám theo một bạn đồng nghiệp dắt xe đạp ra cổng. Nhưng nàng giật mình vì thấy chiếc Nissan đã đậu sẵn với cánh cửa khép hờ. Nàng đã khước từ nhưng cuối cùng lại chui vào xe, ngồi ở ghế cạnh tài xế. Bạn đồng nghiệp của nàng đùa cợt: “Thôi đi đi, được anh ấy chiều chuộng lại còn võng hãnh” rồi chỉ cái lốp xe đạp mòn vẹt, bảo rằng xe của mình non hơi lắm.
Đó là lần đầu tiên Oanh một mình ngồi cùng xe với Khoản.
Lần này tuy không còn kinh sợ do thấy Khoản cũng chỉ khác người khác ở chỗ rất ít lời và hay liếc trộm nàng, nàng vẫn không thật thoải mái. Và nàng tự dặn mình: Chỉ lần duy nhất này thôi.
Oanh không ngờ nàng đã không thực hiện được điều đó. Nàng đã phải ngồi với Khoản một chặng đường dài suốt đêm, trong nỗi âu lo kinh hoàng, vì một tai hoạ khủng khiếp đã xảy ra với chồng nàng.
Chiều hôm ấy vừa về tới nhà, chuẩn bị cắm nồi cơm điện, nàng đã phải chạy tới bên điện thoại. “Anh Đức bị tai nạn ô tô ở ki lô mét 220. Chị xuống ngay”. Chỉ nghe được có vậy, nàng đã cuống cuồng vùng chạy ra cửa. Và Khoản với chiếc Nissan mở sẵn cửa đang chờ nàng ngoài đường.
Cả đêm hôm đó, chiếc Nissan thực hiện một cuộc chạy đầy tốc độ và can trường vì đường xấu, mưa lớn lũ về, nhiều chỗ sạt lở cả đoạn dài. Tới nơi xảy ra tai nạn, nó lại chạy thêm hơn hai trăm cây số để về một bệnh viện lớn của Hà Nội.
Ô tô của Đức trên đường đi họp đã bị một ô tô tải đâm trúng. Đức bị chấn thương sọ não, dập nguyên cánh tay, tính mệnh ngàn cân treo sợi tóc.
***
Số mệnh đã thực hiện nguyên lý tạo vật ố hoàn danh, nó không cho ai được hạnh phúc tròn vẹn cả. Kinh khủng và trớ trêu làm sao.
Chỉ sau mấy ngày, cảnh sống của Oanh đã đảo lộn hoàn toàn. Từ một thiếu phụ xinh đẹp, tràn trề kiêu hãnh và yêu đời, Oanh biến thành một người đàn bà buồn nản, bơ thờ tuyệt vọng. Nếu trước nàng sung mãn, tràn đầy bao nhiêu thì nay nàng héo hắt, âu sầu bấy nhiêu.
Còn may là chồng nàng không chết. Sau sáu tháng nằm viện, anh trở lại đời thường với một cánh tay cụt tới khuỷu, một mắt bị hỏng và não suy giảm già nửa hoạt động. Xét công lao của anh, người ta cho anh nghỉ dài hạn tại gia cho đến khi đủ tuổi để chuyển sang chế độ hưu.
Oanh đã đi dạy trở lại sau một năm nghỉ dạy ở nhà chăm sóc chồng. Không còn xe ô tô của chồng để đi nhờ, nàng lôi chiếc xe đạp bấy lâu quẳng ở xó bếp bụi bặm phủ đầy, mang đi sửa chữa lau chùi và dùng nó làm phương tiện đi về. Chiếc xe tàng trông cũng buồn thiu như nàng. Nàng quá buồn và sợ hãi. Buồn cho số kiếp và sợ sự linh nghiệm của những điều tiền định.
Rất ít khi nàng có mặt ở văn phòng, nơi lúc nào cũng sẵn những cuộc tụ tập, đàm luận của đồng nghiệp. Ngay cả những lời hỏi han về sức khoẻ chồng của bạn bè với nàng cũng trở thành những lời mai mỉa hoặc ẩn sự đắc chí. Buộc phải có mặt ở những buổi hội họp thì nàng im lặng, gắng giữ vẻ tự nhiên nhưng trong lòng thì vô cùng ngượng ngập.
Lại vẫn như xưa, các bà các chị tuổi đã nhòng nhòng hễ gặp nhau lại lôi các đức ông chồng ra mà bỉ bai, gọi là lão hói, lão cận, lão hâm đơ, lão móm, lão sún. Cứ như sau mấy chục năm đã gạn hết cái hay, cái đẹp, giờ chỉ còn thấy ở họ rặt những cái xấu, cái dở, cái tầm thường, nhất là tính dâm dê của các lão…
Oanh chỉ còn cách thui thủi một mình một bóng. Một hôm đang lủi thủi dắt chiếc xe tuột xích đi trên đường, Oanh bỗng giật mình vì tiếng còi xe ô tô với điệu cha cha cha ở ngay sau lưng. Nàng không hiểu sự thể đã diễn ra thế nào mà chiếc xe đạp hỏng của nàng nhanh chóng được đặt vào cốp xe, và khi sực lên trong khứu giác mùi thơm hắc của hạt pơ mu nơi tấm đệm đặt trên ghế xe, nàng mới biết mình đã chui vào lòng xe.
Khoản đánh tay lái vòng qua cổng uỷ ban tỉnh, đậu xe cách nhà Oanh chừng vài chục mét. Rồi, không một lời, gã nhấc chiếc xe đạp hỏng ra khỏi cốp, lồng lại xích, nhấc yên xe, đạp thử, nghiêng tai nghe bánh xe quay rù rù, đoạn trao lại cho nàng.
- Đừng đón tôi nữa, anh Khoản.
Lần thứ ba được Khoản đón đường, khi đã ngồi trong xe, Oanh mới run rẩy nói. Nhận ra sự khẩn thiết lẫn nỗi lo sợ trong giọng Oanh nhưng hai con mắt sâu của Khoản chỉ lặng tờ dõi về phía trước.
- Mọi việc rồi sẽ qua đi thôi…
- Tôi thấy...
- Anh ấy bị hỏng con mắt nào?
- À… à... bên trái.
- Thông thường thì khi mắt này hỏng sẽ kéo theo mắt kia cũng hỏng.
- Anh nói sao?
Xe đột ngột dừng. Khoản xoay hẳn người lại, hai mắt khép nhỏ. Giờ thì không cần phải nhìn trộm nữa trong khoảng cách thật gần. Trong âu sầu, người đàn bà hình như còn gợi cảm hơn so với khi nàng kiêu căng. Khuôn ngực nở nang giờ phập phồng những lo âu. Tấm thân ấy giờ đây bé nhỏ tội nghiệp vì thiếu sự chở che, ôm ấp.
- Khổ! Tàn tật thế thì chỉ hầu ông ấy cũng đủ khổ rồi. Làm gì còn ai chăm sóc cho.
Một hơi thở dài như dấu chấm than. Khẽ quay người lại, lướt đôi mắt qua gương mặt Oanh, Khoản dịu dàng rất bất ngờ: “Oanh đi làm lại tóc đi. Trông Oanh bơ phờ quá”.
Oanh nhìn ra. Hiệu làm tóc ở ngay bên đường nơi xe vừa đậu. Đúng là đã nhiều tháng rồi nàng không còn để ý đến tóc tai, quần áo… Như bị điều khiển, nàng mở cửa, bước ngay ra. Khoản hất hàm rất thản nhiên: “Yên tâm, anh chờ!”.
***
Oanh đã đi làm tóc rồi quay về ô-tô hôm ấy. Nàng cúi mặt ngượng ngập khi Khoản đưa tay quệt một hạt nước mưa đọng trên má nàng: “Phụ nữ bọn em rắc rối nhất là đầu tóc”.
Hàng rào đầu tiên đã vượt qua, con chim tình ái sẽ chẳng việc gì phải ngần ngại mà không giang cánh thoải mái trong khu vườn yêu đương.
Tất cả đã đảo lộn. Đức ngày xưa đẹp đẽ giỏi giang khoẻ mạnh còn Đức bây giờ chỉ là gã đàn ông tàn tật, vô dụng, trắng tay. Y không còn đem lại hãnh diện, cũng không còn khả năng đem lại thoả mãn thể chất cho nàng.
Cái trớ trêu của cuộc đời là Oanh không còn ai để giãi bày tâm sự. Từ khởi thuỷ nàng đã giữ một khoảng cách kênh kiệu với mọi người chung quanh. Khoản là kẻ duy nhất nàng có thể bộc lộ tâm sự lúc này mà không thấy ngượng ngùng. Và Khoản cũng không tồi tệ hơn những gã đàn ông khác. Khoản từng là chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn trong chiến tranh, được thưởng huân chương vì hành vi dũng cảm. Khoản còn là cựu chiến binh, một thương binh.
Đàn ông xưa nay có bao giờ chịu bỏ lỡ cơ hội chiếm đoạt tình yêu và thể xác đàn bà? Khao khát cô vợ đẹp khêu gợi của thủ trưởng cũng là điều bình thường với mọi kẻ đàn ông. Còn giờ đây, trong chiếc xe đang chạy chậm giữa mưa thu dầm dề, Khoản nghe người phụ nữ đẹp kể lể nỗi khổ về người chồng trái tính trái nết sau tai nạn, chốc chốc anh ta lại gục gặc ra chiều thông cảm.
Xe dừng cách nhà Oanh mấy mươi mét. Khoản quay sang người đàn bà đẹp đang đưa khăn lau mắt, thở ra một hơi dài.
- Không ngờ ông ấy đổ đốn thế.
Rồi rất tự nhiên, anh ta vòng tay sang, kéo nàng về phía mình. Bừng lên một cảm giác nhục thể do sự đụng chạm, Oanh run bắn lên, trân người.
- Anh yêu em, Oanh. Từng có lúc anh nghĩ: chỉ cần được ân ái với em một đêm rồi có chết anh cũng cam lòng. Oanh ơi…
Câu nói thô bỉ đã được khéo léo chuyển thành lời tỏ tình mạnh mẽ, rất đậm chất đàn ông. Oanh như chỉ chờ có vậy.
Cô chồm sang, ngả hẳn vào lòng y.
***
Mùa thu ấy là khoảng thời gian hồi xuân của Oanh. Nàng bừng nở và tươi rói như một hoa cúc đầu mùa. Ngực nàng căng lên như thiếu nữ mới lấy chồng. Mặt nàng như tráng lớp men hồng. Hai con mắt nàng long lanh niềm xúc động. Nàng như cứ lâng lâng ở giữa đời thực và giấc mơ, lúc nào cũng lơ mơ chờ đợi, mê mải ngất ngây.
Nàng vẫn không tham gia những buổi chuyện phiếm của đồng nghiệp. Cũng không một lời nhắc tới Đức. Dường như chưa từng có một người đàn ông tên Đức từng được nàng tôn thờ, si mê. Có ai hỏi thăm về chồng, nàng chỉ đáp quấy quá: “Cũng đỡ rồi. Bận quá nên mình phải thuê một bà cụ chăm sóc anh ấy... ”.
Đến trường, dạy xong là nàng vội vã ra về. Xe của Khoản đã nấp ở một nơi nào đó, đón nàng. Tùm hum trong áo mưa, như một cái bóng vô danh, nàng đi trong màn mưa, kéo cánh cửa xe đã mở sẵn, chui vào. “Anh đợi em lâu không? Hôm nay sẽ đi đâu?”. Khoản không đáp, với tay sang sập cửa lại rồi đổ cả thân mình to lớn lên khuôn ngực căng đầy của người đàn bà đang rạo rực…
***
Tôi là bạn thân từ nhỏ của Đức. Một hôm đến thăm Đức, đang dở câu chuyện thời sự, Đức bỗng nghiêm giọng bảo tôi: “Có một việc riêng muốn nhờ cậu, được không?”. Hỏi xong, anh cứ đà đận mãi hồi lâu rồi mới nghiến răng, ứa nước mắt tiếp:
- Từ ngày bị tai nạn, hơn ba năm rồi tôi chưa hề động đến thân thể Oanh. Vậy mà vừa rồi nghe phong thanh cô ấy đi Hà Nội nạo thai. Tôi hiểu cô ấy đến chân tơ kẽ tóc. Tôi không trách gì cô ấy. Nhưng nhờ cậu nói với cô ấy rằng với ai cũng được, nhưng với thằng Khoản lái xe thì cô ấy làm nhục tôi quá lắm. Thằng Khoản vốn là học trò của tôi. Xưa nó là học trò của tôi. Tôi là thầy dạy của nó. Cô ta là vợ của thầy giáo nó kia mà…
Oanh lấy chồng năm mười bảy tuổi và yêu chồng bằng một mối tình si. Nàng không những yêu chồng mà còn si mê và sùng kính. Đến bây giờ, khi đã vào tuổi bốn mươi, con trai đầu đã vào đại học, tình yêu của nàng với chồng vẫn vậy, vẫn vô cùng si dại và sùng mộ.
Bằng tuổi nàng, các bà các chị cùng dạy một trường ăn nói bạo tợn lắm. Thì vẫn là yêu quý đấy, nhưng sau mấy chục năm chồng vợ, cuộc sống chung như đã quen nhàm, giờ đây hễ gặp nhau là họ lại lôi các đức ông chồng ra mà bỉ bai, đùa cợt. Họ gọi chồng là lão hói, lão cận, lão hâm đơ, lão móm, lão sún… Cứ như là sau mấy chục năm trời đã gạn hết cái hay cái đẹp ở gã đàn ông chồng mình, giờ chỉ thấy rặt những cái dở, cái xấu, cái xoàng xĩnh, tầm thường ở người bạn đời già. Vì vậy chẳng ngại ngần gì mà không một thôi một hồi kể ra cả loạt những chuyện về thói xấu của họ: ở bẩn, lắm lời và nhất là tính dâm dê của các lão…
Oanh hoàn toàn khác. Với chồng nàng vẫn nguyên vẹn một tấm tình đam mê sùng ái. Chồng nàng là cuốn sách đáng xưng tụng duy nhất mà nàng hằng đọc mải mê, là ảnh tượng để tôn thờ. Nàng không mảy may bình phẩm bằng ngôn ngữ thông thường, đừng nói là sàm sỡ như bạn bè, đừng nói tới sự không chung tình. Oanh sùng ái chồng hết mực đâu phải vì nàng yếu kém về nhan sắc, tài năng, tài sản. Trái lại, Oanh đẹp một vẻ đẹp đàn bà, gợi cảm. Oanh là cô giáo dạy toán giỏi ở trường trung học. Ba nàng là tổng giám đốc một công ty lớn. Nàng là hình bóng ao ước của nhiều vị chức sắc tỉnh nhỏ này, là người đàn bà mơ tưởng của cánh đàn ông giàu có, là giấc mơ tiên của giới mày râu đủ loại sang hèn. Nàng yêu mê, kiêu căng về chồng đến mức nhiều khi người ta phải nghi ngờ, nhưng ngẫm ra thì nàng hoàn toàn có lý. Chồng Oanh là một người đàn ông thật sự, xứng đáng với sự tôn sùng của nàng.
Ngọc Đức, chồng Oanh là một con người hoàn hảo mọi mặt. Anh cao một mét bảy mươi hai phân, trong khi đa phần các vị đồng liêu ở tỉnh giỏi lắm là cao mét sáu, chưa kể vào tuổi năm mươi tất thẩy đều xệ bụng, bạc tóc, hói đầu, chân tay nhẽo nhèo. Trong khi Đức tuổi năm hai mà vẫn giữ được vóc hình trai trẻ, ngực nở, bụng thon, bắp chân bắp tay nở nang như lực sĩ. Mặt vuông, da bánh mật, mũi cao, mắt đen, tóc mượt, trông Đức hao hao đàn ông Ấn Độ ở chiều sâu thâm trầm.
Con người đẹp một cách nam nhi ấy lại vui vẻ, hoạt bát, nói năng thì ngoài sự chính xác của ngôn từ, lại còn hóm hỉnh. Ba mươi hai tuổi, từ một hiệu trưởng trường trung học lên thẳng ghế giám đốc sở. Ba mươi lăm là tỉnh uỷ viên, thường trực uỷ ban nhân dân tỉnh, vì ở bất cứ lĩnh vực nào, nhà lãnh đạo trẻ tuổi cũng có ý kiến độc đáo, nhờ tầm kiến văn sâu rộng và trí nhớ như thần.
Đức còn là hình mẫu của đạo đức, với hai bàn tay sạch. Anh còn là một hồn thơ lai láng, chứng cớ là một trong hàng trăm bài được chính anh phổ nhạc và trở thành tỉnh ca, dùng làm bản nhạc khai đề của Đài phát thanh tỉnh mỗi sớm mai. Anh còn chơi được đủ các loại đàn, chưa kể thời trai trẻ anh có chân trong đội bóng rổ, bóng chuyền của tỉnh, là cây vợt bóng bàn có tiếng.
Hổn hển tiếng nọ lấp tiếng kia, Oanh tiếp nối bản tụng ca: Anh ấy động vào cái gì thì cũng nên danh cả. Vừa rồi bắt đầu chơi máy ảnh đã có ảnh tham gia câu lạc bộ nghệ sĩ nhiếp ảnh, bắt đầu cầm bút vẽ đã có ông hoạ sĩ ở Hà Nội về xem tranh cứ xuýt xoa khen. Nói các bạn không tin, anh ấy chơi xổ số thì không trúng giải nọ cũng giải kia. Một lần trúng sáu mươi triệu, mua được căn nhà này. Năm kia trúng giải khuyến khích, mua được cái tủ lạnh. Chưa kể khi mua bán anh mặc cả giỏi hơn đàn bà, nếm mắm tôm tinh hơn bà lão. Anh biết mua loại ngon nhất thịt ba chỉ để nướng chả và bạc nhạc bò để nấu sốt vang. Ăn thì biết chọn miếng giò đầu, miếng chả cạnh. Muối cà pháo thì vừa chua vừa giòn…
Đại hội tỉnh vừa rồi anh ấy lại xin rút. Tôi đang có quá nhiều việc phải làm, anh ấy nói vậy. Thật ra thì anh ấy chỉ bận đọc sách thôi. Mọi việc trong nhà, em lo tất tật, ngay đồ lót của anh ấy, anh ấy cũng không phải động tay vào. Anh rút nhưng các đại biểu không đồng ý. Họ nói: Không có ông Đức thì cấp uỷ đâu còn là gì. Gần đây em nghe nói, trung ương sắp rút anh ấy về Hà Nội nữa kia, các chị ạ.
Oanh dừng lại lấy hơi rồi tiếp:
-Có kẻ xấu bụng nói anh ấy khôn. Em nói thật, nhà em anh ấy không thèm khôn đâu. Ví dụ như chuyện nhà cửa, có cần xin xỏ, mua bán gì đâu, thế mà ở Hà Nội bọn em đã có một toà biệt thự ba tầng ở Láng Hạ rồi đấy.
- Sao mà tài thế?
- Vì ông anh của anh ấy mất, để lại.
- Anh trai anh ấy mới mất?
- Đang ngồi vỉa hè uống chè thì một cái ô tô do thằng xế say rượu chồm lên, đè luôn. Đấy, số anh ấy chẳng cần chờ đợi, mà lộc đến cứ ùn ùn. Như chuyện đi nước ngoài, đến nay đã ba bốn chục lần, ngấy tận cổ mà cứ bị chỉ định đi. Em nhớ năm 1985, em gặp anh ấy ở Mátxcơva. Hai năm sau chúng em cưới nhau ở đại sứ quán ta bên đấy. Thằng con đầu mới vào năm nhất đại học kiến trúc em đẻ ở bên ấy. Hồi ấy ăn uống chả thiếu gì nên cháu mới cao lớn khoẻ mạnh thế, các chị ạ.
Sự ghen tức của đàn bà tuổi ngoại tứ tuần ranh ma quỷ quái khôn lường. Một bà đập khẽ tay Oanh, nháy mắt, giả lả:
- Này, chỗ chị em tớ hỏi thật. Còn cái khoản ấy của lão thế nào? Có được như thằng cha Khoản lái xe của lão đêm nào cũng hầm con vợ tơi tả, hay chưa đến chợ đã hết tiền?
Đòn ra thật hiểm nhưng, cú đòn hiểm đã trượt. Vì Oanh chưa trả lời, đã có một bà béo tốt ôm ngang sườn Oanh, nguýt bà kia một cái rõ dài:
- Trông nó cứ phây phây thế này, ngực như gái đang xuân, mặt sáng như cái mâm đồng, hỏi không có thằng đàn ông đêm nào cũng tưới tắm, cho lên tiên thì được khối.
Ở tỉnh lẻ, bao chuyện tốt đẹp xấu xa ở mỗi gia đình, mọi người đều rỉ tai cho nhau biết hết, làm sao giấu được. Quan hệ nam nữ luôn là mối quan tâm của đời sống, là đề tài hấp dẫn nhất trong các cuộc phiếm luận. Như chuyện ông phó chủ tịch bất lực, nên bà vợ phải nhờ anh thư ký đô con thay thế. Như chuyện lão Khoản lái xe cho Đức chồng Oanh, loại rậm râu sâu mắt đêm bảy ngày ba vào ra không kể khiến bà vợ già hơn lúc nào cũng hây hây như thiếu nữ hai mươi. Nếu vợ chồng Oanh có trục trặc thì từ lâu đã chẳng ầm ĩ lên rồi ư?
Không chen vào được để phá hoại quan hệ vợ chồng của Đức- Oanh thì họ tung dư luận xấu, chê Oanh ngố, Oanh lố. Ai lại đi khoe việc giặt đồ lót cho chồng, chiều chồng đến mức như thế là con hầu chứ đâu phải vợ. Một số lại cho vì có trục trặc nên Oanh mới phải dùng lời lẽ để cố che đậy. Rằng Đức là thằng cha kém cỏi về mọi phương diện, lên chức to là nhờ ông anh ở ban tổ chức trung ương. Sợ ma thì hay hò hét, lùn tì thích vĩ đại. Oanh cũng vậy. Nàng sắp chết khô rồi. Tâng chồng lên cao thế để bù đắp cơn khát thèm không được thoả mãn thôi.
***
Bảy giờ ba mươi sáng mỗi ngày, chiếc xe Nissan sang trọng bóng loáng màu cổ vịt, từ cổng ủy ban tỉnh bon bon chạy qua con phố dốc với tiếng còi nhịp ba vui vẻ nhại điệu cha cha cha. Mười lăm phút sau, nó quay trở lại cổng uỷ ban, nhả ra một người đàn ông tráng kiện trong bộ com lê xám, tay xách cặp da, đẹp như người mẫu thời trang. Người đó đóng cửa xe, cúi xuống nhìn vào trong, giơ tay ngang đầu, âu yếm: “Em đi nhé!”, và chiếc xe quay đầu trở ra. Qua một con phố dài, rẽ trái chừng hai trăm mét, chiếc xe đậu lại trước cổng ngôi nhà ba tầng, để từ xe bước ra một thiếu phụ tuổi bốn mươi, đẹp gợi cảm. Đó là cô giáo Oanh. Cô đi nhờ xe chồng. Chồng cô là phó chủ tịch tỉnh, có xe đưa đón.
Lái xe là một gã đàn ông tên Khoản bốn mươi lăm tuổi, to lớn, vai u, cổ rụt, râu rậm, mắt sâu, môi thâm, da sần sùi và như dính nhọ nồi. Gã là một tương phản so với thủ trưởng. Toát lên từ vóc dáng, diện mạo, ngôn ngữ của y một sự thô bỉ, vô học, bản năng ngùn ngụt. Thoạt đầu y gây cho Oanh nỗi kinh sợ, nhất là khi thi thoảng lại bắt gặp cái nhìn trộm của y. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, Oanh chẳng hề để ý đến y nữa.
Hôm ấy là buổi sáng không bình thường so với các buổi sáng khác. Chiếc Nissan màu cổ vịt bóng loáng đậu lại trước cổng trường và khi Oanh mở cửa bước ra, gã lái xe thò đầu ra cửa xe: “Chiều nay cứ đón bình thường chứ?”. Không lưu tâm cách nói trống không của Khoản, Oanh đáp: “Cám ơn. Tôi không có tiêu chuẩn” rồi quay đi.
Chồng nàng sáng nay đi Hà Nội họp một tuần, như mọi hôm nàng đi nhờ xe chồng là hợp lý, nhưng từ chiều nay nàng nghĩ đến việc sẽ nhờ bạn đèo. Tan trường, nàng bám theo một bạn đồng nghiệp dắt xe đạp ra cổng. Nhưng nàng giật mình vì thấy chiếc Nissan đã đậu sẵn với cánh cửa khép hờ. Nàng đã khước từ nhưng cuối cùng lại chui vào xe, ngồi ở ghế cạnh tài xế. Bạn đồng nghiệp của nàng đùa cợt: “Thôi đi đi, được anh ấy chiều chuộng lại còn võng hãnh” rồi chỉ cái lốp xe đạp mòn vẹt, bảo rằng xe của mình non hơi lắm.
Đó là lần đầu tiên Oanh một mình ngồi cùng xe với Khoản.
Lần này tuy không còn kinh sợ do thấy Khoản cũng chỉ khác người khác ở chỗ rất ít lời và hay liếc trộm nàng, nàng vẫn không thật thoải mái. Và nàng tự dặn mình: Chỉ lần duy nhất này thôi.
Oanh không ngờ nàng đã không thực hiện được điều đó. Nàng đã phải ngồi với Khoản một chặng đường dài suốt đêm, trong nỗi âu lo kinh hoàng, vì một tai hoạ khủng khiếp đã xảy ra với chồng nàng.
Chiều hôm ấy vừa về tới nhà, chuẩn bị cắm nồi cơm điện, nàng đã phải chạy tới bên điện thoại. “Anh Đức bị tai nạn ô tô ở ki lô mét 220. Chị xuống ngay”. Chỉ nghe được có vậy, nàng đã cuống cuồng vùng chạy ra cửa. Và Khoản với chiếc Nissan mở sẵn cửa đang chờ nàng ngoài đường.
Cả đêm hôm đó, chiếc Nissan thực hiện một cuộc chạy đầy tốc độ và can trường vì đường xấu, mưa lớn lũ về, nhiều chỗ sạt lở cả đoạn dài. Tới nơi xảy ra tai nạn, nó lại chạy thêm hơn hai trăm cây số để về một bệnh viện lớn của Hà Nội.
Ô tô của Đức trên đường đi họp đã bị một ô tô tải đâm trúng. Đức bị chấn thương sọ não, dập nguyên cánh tay, tính mệnh ngàn cân treo sợi tóc.
***
Số mệnh đã thực hiện nguyên lý tạo vật ố hoàn danh, nó không cho ai được hạnh phúc tròn vẹn cả. Kinh khủng và trớ trêu làm sao.
Chỉ sau mấy ngày, cảnh sống của Oanh đã đảo lộn hoàn toàn. Từ một thiếu phụ xinh đẹp, tràn trề kiêu hãnh và yêu đời, Oanh biến thành một người đàn bà buồn nản, bơ thờ tuyệt vọng. Nếu trước nàng sung mãn, tràn đầy bao nhiêu thì nay nàng héo hắt, âu sầu bấy nhiêu.
Còn may là chồng nàng không chết. Sau sáu tháng nằm viện, anh trở lại đời thường với một cánh tay cụt tới khuỷu, một mắt bị hỏng và não suy giảm già nửa hoạt động. Xét công lao của anh, người ta cho anh nghỉ dài hạn tại gia cho đến khi đủ tuổi để chuyển sang chế độ hưu.
Oanh đã đi dạy trở lại sau một năm nghỉ dạy ở nhà chăm sóc chồng. Không còn xe ô tô của chồng để đi nhờ, nàng lôi chiếc xe đạp bấy lâu quẳng ở xó bếp bụi bặm phủ đầy, mang đi sửa chữa lau chùi và dùng nó làm phương tiện đi về. Chiếc xe tàng trông cũng buồn thiu như nàng. Nàng quá buồn và sợ hãi. Buồn cho số kiếp và sợ sự linh nghiệm của những điều tiền định.
Rất ít khi nàng có mặt ở văn phòng, nơi lúc nào cũng sẵn những cuộc tụ tập, đàm luận của đồng nghiệp. Ngay cả những lời hỏi han về sức khoẻ chồng của bạn bè với nàng cũng trở thành những lời mai mỉa hoặc ẩn sự đắc chí. Buộc phải có mặt ở những buổi hội họp thì nàng im lặng, gắng giữ vẻ tự nhiên nhưng trong lòng thì vô cùng ngượng ngập.
Lại vẫn như xưa, các bà các chị tuổi đã nhòng nhòng hễ gặp nhau lại lôi các đức ông chồng ra mà bỉ bai, gọi là lão hói, lão cận, lão hâm đơ, lão móm, lão sún. Cứ như sau mấy chục năm đã gạn hết cái hay, cái đẹp, giờ chỉ còn thấy ở họ rặt những cái xấu, cái dở, cái tầm thường, nhất là tính dâm dê của các lão…
Oanh chỉ còn cách thui thủi một mình một bóng. Một hôm đang lủi thủi dắt chiếc xe tuột xích đi trên đường, Oanh bỗng giật mình vì tiếng còi xe ô tô với điệu cha cha cha ở ngay sau lưng. Nàng không hiểu sự thể đã diễn ra thế nào mà chiếc xe đạp hỏng của nàng nhanh chóng được đặt vào cốp xe, và khi sực lên trong khứu giác mùi thơm hắc của hạt pơ mu nơi tấm đệm đặt trên ghế xe, nàng mới biết mình đã chui vào lòng xe.
Khoản đánh tay lái vòng qua cổng uỷ ban tỉnh, đậu xe cách nhà Oanh chừng vài chục mét. Rồi, không một lời, gã nhấc chiếc xe đạp hỏng ra khỏi cốp, lồng lại xích, nhấc yên xe, đạp thử, nghiêng tai nghe bánh xe quay rù rù, đoạn trao lại cho nàng.
- Đừng đón tôi nữa, anh Khoản.
Lần thứ ba được Khoản đón đường, khi đã ngồi trong xe, Oanh mới run rẩy nói. Nhận ra sự khẩn thiết lẫn nỗi lo sợ trong giọng Oanh nhưng hai con mắt sâu của Khoản chỉ lặng tờ dõi về phía trước.
- Mọi việc rồi sẽ qua đi thôi…
- Tôi thấy...
- Anh ấy bị hỏng con mắt nào?
- À… à... bên trái.
- Thông thường thì khi mắt này hỏng sẽ kéo theo mắt kia cũng hỏng.
- Anh nói sao?
Xe đột ngột dừng. Khoản xoay hẳn người lại, hai mắt khép nhỏ. Giờ thì không cần phải nhìn trộm nữa trong khoảng cách thật gần. Trong âu sầu, người đàn bà hình như còn gợi cảm hơn so với khi nàng kiêu căng. Khuôn ngực nở nang giờ phập phồng những lo âu. Tấm thân ấy giờ đây bé nhỏ tội nghiệp vì thiếu sự chở che, ôm ấp.
- Khổ! Tàn tật thế thì chỉ hầu ông ấy cũng đủ khổ rồi. Làm gì còn ai chăm sóc cho.
Một hơi thở dài như dấu chấm than. Khẽ quay người lại, lướt đôi mắt qua gương mặt Oanh, Khoản dịu dàng rất bất ngờ: “Oanh đi làm lại tóc đi. Trông Oanh bơ phờ quá”.
Oanh nhìn ra. Hiệu làm tóc ở ngay bên đường nơi xe vừa đậu. Đúng là đã nhiều tháng rồi nàng không còn để ý đến tóc tai, quần áo… Như bị điều khiển, nàng mở cửa, bước ngay ra. Khoản hất hàm rất thản nhiên: “Yên tâm, anh chờ!”.
***
Oanh đã đi làm tóc rồi quay về ô-tô hôm ấy. Nàng cúi mặt ngượng ngập khi Khoản đưa tay quệt một hạt nước mưa đọng trên má nàng: “Phụ nữ bọn em rắc rối nhất là đầu tóc”.
Hàng rào đầu tiên đã vượt qua, con chim tình ái sẽ chẳng việc gì phải ngần ngại mà không giang cánh thoải mái trong khu vườn yêu đương.
Tất cả đã đảo lộn. Đức ngày xưa đẹp đẽ giỏi giang khoẻ mạnh còn Đức bây giờ chỉ là gã đàn ông tàn tật, vô dụng, trắng tay. Y không còn đem lại hãnh diện, cũng không còn khả năng đem lại thoả mãn thể chất cho nàng.
Cái trớ trêu của cuộc đời là Oanh không còn ai để giãi bày tâm sự. Từ khởi thuỷ nàng đã giữ một khoảng cách kênh kiệu với mọi người chung quanh. Khoản là kẻ duy nhất nàng có thể bộc lộ tâm sự lúc này mà không thấy ngượng ngùng. Và Khoản cũng không tồi tệ hơn những gã đàn ông khác. Khoản từng là chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn trong chiến tranh, được thưởng huân chương vì hành vi dũng cảm. Khoản còn là cựu chiến binh, một thương binh.
Đàn ông xưa nay có bao giờ chịu bỏ lỡ cơ hội chiếm đoạt tình yêu và thể xác đàn bà? Khao khát cô vợ đẹp khêu gợi của thủ trưởng cũng là điều bình thường với mọi kẻ đàn ông. Còn giờ đây, trong chiếc xe đang chạy chậm giữa mưa thu dầm dề, Khoản nghe người phụ nữ đẹp kể lể nỗi khổ về người chồng trái tính trái nết sau tai nạn, chốc chốc anh ta lại gục gặc ra chiều thông cảm.
Xe dừng cách nhà Oanh mấy mươi mét. Khoản quay sang người đàn bà đẹp đang đưa khăn lau mắt, thở ra một hơi dài.
- Không ngờ ông ấy đổ đốn thế.
Rồi rất tự nhiên, anh ta vòng tay sang, kéo nàng về phía mình. Bừng lên một cảm giác nhục thể do sự đụng chạm, Oanh run bắn lên, trân người.
- Anh yêu em, Oanh. Từng có lúc anh nghĩ: chỉ cần được ân ái với em một đêm rồi có chết anh cũng cam lòng. Oanh ơi…
Câu nói thô bỉ đã được khéo léo chuyển thành lời tỏ tình mạnh mẽ, rất đậm chất đàn ông. Oanh như chỉ chờ có vậy.
Cô chồm sang, ngả hẳn vào lòng y.
***
Mùa thu ấy là khoảng thời gian hồi xuân của Oanh. Nàng bừng nở và tươi rói như một hoa cúc đầu mùa. Ngực nàng căng lên như thiếu nữ mới lấy chồng. Mặt nàng như tráng lớp men hồng. Hai con mắt nàng long lanh niềm xúc động. Nàng như cứ lâng lâng ở giữa đời thực và giấc mơ, lúc nào cũng lơ mơ chờ đợi, mê mải ngất ngây.
Nàng vẫn không tham gia những buổi chuyện phiếm của đồng nghiệp. Cũng không một lời nhắc tới Đức. Dường như chưa từng có một người đàn ông tên Đức từng được nàng tôn thờ, si mê. Có ai hỏi thăm về chồng, nàng chỉ đáp quấy quá: “Cũng đỡ rồi. Bận quá nên mình phải thuê một bà cụ chăm sóc anh ấy... ”.
Đến trường, dạy xong là nàng vội vã ra về. Xe của Khoản đã nấp ở một nơi nào đó, đón nàng. Tùm hum trong áo mưa, như một cái bóng vô danh, nàng đi trong màn mưa, kéo cánh cửa xe đã mở sẵn, chui vào. “Anh đợi em lâu không? Hôm nay sẽ đi đâu?”. Khoản không đáp, với tay sang sập cửa lại rồi đổ cả thân mình to lớn lên khuôn ngực căng đầy của người đàn bà đang rạo rực…
***
Tôi là bạn thân từ nhỏ của Đức. Một hôm đến thăm Đức, đang dở câu chuyện thời sự, Đức bỗng nghiêm giọng bảo tôi: “Có một việc riêng muốn nhờ cậu, được không?”. Hỏi xong, anh cứ đà đận mãi hồi lâu rồi mới nghiến răng, ứa nước mắt tiếp:
- Từ ngày bị tai nạn, hơn ba năm rồi tôi chưa hề động đến thân thể Oanh. Vậy mà vừa rồi nghe phong thanh cô ấy đi Hà Nội nạo thai. Tôi hiểu cô ấy đến chân tơ kẽ tóc. Tôi không trách gì cô ấy. Nhưng nhờ cậu nói với cô ấy rằng với ai cũng được, nhưng với thằng Khoản lái xe thì cô ấy làm nhục tôi quá lắm. Thằng Khoản vốn là học trò của tôi. Xưa nó là học trò của tôi. Tôi là thầy dạy của nó. Cô ta là vợ của thầy giáo nó kia mà…