Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Mối quan hệ biện chứng giữa cái riêng và cái chung
Cái riêng là phạm trù chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình nhất định.
Cái chung là phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính không những có ở một kết cấu vật chất nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ khác.
Cái đơn nhất là phạm trù dùng để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính… chỉ có ở một sự vật, một kết cấu vật chất, mà không lặp lại ở sự vật, hiện tượng, kết cấu vật chất khác.
* Mối quan hệ biện chứng giữa cái riêng, cái chung và cái đơn nhất
Phép biện chứng duy vật cho rằng cái riêng, cái chung và cái đơn nhất đều tồn tại khách quan và có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Điều đó thể hiện ở chỗ:
- Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình.
- Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung
- Cái riêng là cái toàn bộ, phong phú hơn cái chung (vì ngoài những đặc điểm gia nhập vào cái chúng, cái riêng còn có những đặc điểm riêng biệt mà chỉ riêng nó có – tức cái riêng còn có cái đơn nhất). Cái chung là cái bộ phận nhưng sâu sắc hơn cái riêng (vì nó phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ ổn định, tất nhiên, lặp lại ở nhiều cái riêng cùng loại. Do vậy, cái chung là cái gắn liền với cái bản chất, quy định phương hướng tồn tại và phát triển của cái riêng)
- Cái đơn nhất và cái chung có thể chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật. Sự chuyển hóa cái đơn nhất thành cái chung là biểu hiện của tiến trình phát triển tiến lên. Ngược lại, sự chuyển hóa cái chung thành cái đơn nhất là biểu hiện của quá trình cái cũ, cái lỗi thời bị phủ định.
* Ý nghĩa phương pháp luận
- Vì cái chung là cái sâu sắc, bản chất hơn cái riêng, do đó trong nhận thức và hoạt động thực tiễn phải biết phát hiện ra cái chung, vận dụng cái chung để cải tạo cái riêng. Nếu không hiểu biết cái chung sẽ rơi vào tình trạng mò mẫm, mù quáng.
- Vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, nên bất kỳ cái chung nào khi áp dụng vào trường hợp riêng cũng cần được chú ý đến các đặc điểm cụ thể, nếu không sẽ rơi vào bệnh rập khuôn, giáo điều. Ngược lại, nếu xem thường cái chung, tuyệt đối hóa cái riêng sẽ rơi vào bệnh cục bộ, địa phương chủ nghĩa.
- Cần phải tạo điều kiện cho cái đơn nhất và cái chung chuyển hóa lẫn nhau theo chiều hướng tiến bộ, có lợi.
( Sưu tầm )