Mối quan hệ biện chứng của nhân gian và Phật giáo

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Mối quan hệ biện chứng của nhân gian và Phật giáo
Minh Chánh

thumbnail.php

Phật giáo đã có một lịch sử lâu đời trong nền văn hóa nhân loại, đặc biệt là định hướng cho nhân sinh hướng đến hòa bình, an lạc và giải thoát.
Tuy nhiên, từ ngàn xưa cho đến nay, Phật giáo không bao giờ đặt mình vào một đoàn thể hay tổ chức, cá nhân riêng lẽ để thực thiện mục đích dù rằng rất cao cả của mình, ngược lại, Phật giáo luôn hòa nhập với cộng đồng trong bất cứ hoàn cảnh hay thời đại nào và lấy nhân gian làm đối tượng trọng tâm để giáo hóa.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể nhận định một cách chính xác: suốt cuộc đời huấn đạo của đức Phật, ngài không hề cho mình là một bậc vĩ nhân siêu phàm nhập thánh có quyền năng ban phúc giáng họa cho chúng sinh, mà ngài vô cùng bình dị khi truyền bá học thuyết của mình chỉ với tư cách người thầy hướng dẫn học trò qua phương châm thoát ly khổ đau.
Trên bình diện triết học, Phật giáo xem nhân gian là đối tượng hiện sinh chứ không phải là nơi chốn u mê để mặc sức tung hỏa mù của nhận định. Phật giáo và nhân gian song song tồn tại trong cái vĩnh hàng của hiện thể.
Trên phương diện đối lập, tuy có sự phân biệt rõ rệt giữa cái xấu và cái tốt, cái thiện và cái ác, giác ngộ và trầm luân.., nhưng thực chất chúng không hề tách rời nhau để tồn tại.
Sự tồn tại này là một chuỗi dài vô tiền khoáng hậu gắn bó chặt chẽ với nhau xuyên suốt cả thời gian và bao trùm trong vô hạn của không gian. Thời gian và không gian chúng ta đang sống là khái niệm của ý thức đặt ra để xác định hạn cuộc trong một phạm vi nào đó.
Nếu chúng ta thoát ly thời gian và không gian, thì thế giới này sẽ hoạt động ra sao? Có lẽ lúc đó thế giới sẽ không còn khái niệm và hiển nhiên nó vẫn tồn tại với tự thể của nó.
Phật giáo và nhân gian, nói chung, là sự biện chứng thống nhất qua mọi phạm trù của hiện tượng, nếu chúng ta đứng trên lập trường của nhận định để khảo sát.
Sự hàm dung tất cả có thể trở thành đặc chất bất biến của phật giáo và nhân gian. Đặc chất này trãi qua mọi biến cố tuy nói thăng trầm chuyển dịch, nhưng nó vẫn bình yên nguyên vẹn trước mọi đắc thất vô thường của vạn hữu.
Để hiểu rõ hơn về mối liên hệ bền vững này, chúng ta thử phân tích những cặp biện chứng của Phật giáo và nhân gian mà Pháp sư Tịnh Không đã đề cập đến trong tác phẩm Nhân gian Phật giáo quan của Pháp môn Tịnh độ.
1) Nhân gian là nhập thế. Phật giáo là xuất thế. Vậy, nhân gian Phật giáo là biện chứng thống nhất của nhập thế và xuất thế.
Biện chứng thống nhất ở đây chính là lấy tinh thần xuất thế để thực hiện sự nghiệp của nhân gian chứ không phải bỏ sự nghiệp của nhân gian để đạt thành giải thoát xuất thế.
Nghĩa là chúng ta phải đem tinh thần xuất thế hòa nhập vào dòng đời vạn biến để hóa độ nhân gian, tạo nên cảnh giới cực lạc ngay trong nhân gian đầy mộng mị và huyễn hư này.
2) Nhân gian là căn cơ sở hóa. Phật giáo là lý năng hóa. Vậy, nhân gian Phật giáo là biện chứng thống nhất của khế lý và khế cơ.
Nói đến khế lý khế cơ là nói đến tính hoàn thiện tuyệt đối trong sự nghiệp giáo hóa của đức Phật và các bậc thánh. Bởi vậy, nếu chúng ta nói đúng với chân lý, nhưng không hợp với trình độ căn cơ của thính chúng, hoặc chúng ta nói hợp với căn cơ của thính chúng, nhưng không đúng với chân lý, thì đều trở thành phi pháp hoặc phi lý, chẳng phải mục đích mà Phật giáo nhân gian định hướng.
Bởi vậy, khi nói pháp, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và quán sát trình độ của thính chúng sao cho phù hợp để đem lại lợi ích thiết thực.
3) Nhân gian là phàm tục. Phật giáo là thần thánh. Vậy, nhân gian Phật giáo là biện chứng thống nhất của phàm và thánh.
Xưa nay, chúng ta thường cho rằng thánh và phàm có những lĩnh vực cách biệt, nhưng trên mặt tự thể, thánh và phàm luôn có sự đồng điệu đó là thống nhất qua phương diện biện chứng.
Nếu không có phàm phu, thì thánh nhân cũng không cần xuất hiện để làm gì và ngược lại. Bởi vậy, phàm và thánh luôn song song tồn tại trong muôn trùng của tự thể, hay nói cách khác thánh và phàm luôn thống nhất trên mặt biện chứng.
4) Nhân gian là hình thức. Phật giáo là nội dung. Vậy, nhân gian Phật giáo là biện chứng thống nhất của hình thức và nội dung.
Hình thức và nội dung là hai phương diện đối lập trong một sự thể. Tuy nhiên, trên mặt thống nhất, thực chất chúng luôn có tính cân đối lẫn nhau và hiện sinh trong một cơ chế thăng bằng.
Đôi lúc chúng ta nhìn thấy chúng khác biệt và đối kháng nhau đó là do khái niệm của mình, chứ trên cơ sở liên hoàn vận động, thì chúng luôn nhịp nhàng theo luật tự nhiên của chúng.
Bởi vậy, chúng ta không nên đánh giá sự vật bên ngoài mà hãy nhìn thẳng vào sự vận động liên hoàn của chúng. Đây chính là biện chứng thống nhất của hình thức và nội dung.
5) Nhân gian là điểm xuất phát. Thành Phật là mục đích đến. Vậy, nhân gian Phật giáo là biện chứng thống nhất của điểm xuất phát và mục đích đến.
Thông thường, khi muốn thực hiện một điều gì đó, thì chúng ta luôn đặt ra sự khởi đầu mà điểm kết thúc, hay nói khác đi là điểm xuất phát và mục đích đến. Tuy nhiên đây chỉ là khái niệm mà chúng ta thường nhìn nhận theo thiển cận của ý thức, chứ theo Phật giáo điểm xuất phát hay mục đích đến là một khối thống nhất không thể tách rời.
Theo quan điểm của Tịnh Độ Tông, chúng ta nên xây dựng nước Cực lạc ngay trong cõi nhân gian này, vì như vậy mới có giá trị.
Nếu không có chúng sinh, thì không có Phật và ngược lại. Do đó, thành Phật và chúng sinh là biện chứng thống nhất trên phương diện tự thể. Có như vậy, chư Phật mới giáng trần để độ chúng sinh và chúng sinh trở thành đối tượng được chư Phật giáo hóa.
Tóm lại, Phật giáo và nhân gian là hai phương diện của một tự thể. Như mặt trái và mặt phải của một bàn tay, nếu chúng ta tách rời chúng ra từng mảng, thì bàn tay không thể hình thành.
Phật giáo luôn sát cánh với nhân gian để chuyển hóa nhân gian trở thành cõi Tịnh độ. Suốt cuộc đời giáo hóa của đức Phật, Ngài luôn lấy nhân gian làm trọng tâm để hóa đạo.
Ngài không hề nói những gì siêu hình trừu vượt thoát khỏi tầm nhận thức của nhân gian để tôn vinh cá nhân của mình, ngược lại, Ngài nói những điều hết sức gần gũi và thiết thực trong nhân gian khiến con người tiến hành theo và đem lại lợi ích cho chính bản thân họ.
Theo gót đức Từ Phụ, ngày nay, chúng ta giảng pháp thuyết đạo sao cho phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội đương đại, tùy thuận vào mọi biến sự trong nhân gian nhằm thực thi đúng với di huấn của Ngài, đồng thời đem đến an vui hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại.
Thiết nghĩ, chúng ta nên thuận với biện chứng thống nhất của Phật giáo và nhân gian nhằm liên kết thành một khối bền vững nhưng không đánh mất tự thể để giáo đạo.
Đây chính là hình thành một tính cách thực thụ trong sự nghiệp hoằng hóa của Phật giáo.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top