Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động?

ĐỀ 3 : Anh/ chị suy nghĩ gì về quan niệm “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” ( M.Xi – xê – rông )

BÀI LÀM

Khi mỗi người trong chúng ta làm một việc tốt, bất kể là việc gì, có ai biết rằng chúng ta đang thể hiện đức hạnh của chính mình. Hay nói cách khác như lời của nhà văn Pháp M. Xi – xê – rông: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.

Mỗi con người khi sinh ra đều có mặt tốt và mặt xấu. Trong mặt tốt, một phần chính là đức hạnh của mỗi người. Đức hạnh là đạo đức, là phẩm chất, là những đức tính tốt đẹp của con người, có sẵn hay phải trải qua quá trình rèn luyện mới có được. Hành động có thể được định nghĩa là những việc làm cụ thể, được bộc lộ hằng ngày, và quan trọng hơn đó là sự thể hiện của đức hạnh. Đó cũng chính là phần còn lại của mặt tốt trong mỗi người. Câu nói của M. Xi – xê – rông mang ý nghĩa như chính nghĩa gốc của nó. Mọi phẩm chất tốt đẹp cần được thể hiện ở trong những hành động cụ thể. Một người không phải tự nhiên được biết đến là có đức hạnh, mà điều đó còn phụ thuộc vào những việc làm ý nghĩa mà người ấy đã làm. Đơn giản hơn, đó chỉ là những công việc bình thường, như giúp đỡ người già qua đường, nhường chỗ cho phụ nữ và trẻ em trên xe buýt hay biết quan tâm đến người khác và đối xử tốt với mọi người xung quanh. Đó chỉ là những công việc nhỏ hằng ngày được xuất phát từ một tâm hồn trong sáng , luôn hướng về cái đẹp, cái thiện, điều đó sẽ chính là sự thể hiện của đức hạnh. Người ta thường nói rằng: “Ý nghĩa là nụ hoa. Lời nói là bong hoa. Việc làm mới là quả ngọt”. Khi ta suy nghĩ làm những việc tốt đẹp cho mọi người thì phải quyết tâm biến những suy nghĩ đó thành hành động. Chúng ta phải làm điều đó bằng tất cả tấm lòng, như vậy mới tạo thành “quả ngọt” trong cuộc đời. Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp cần được xem xét trong từng hoàn cảnh. Nói dối được xem là một hành động xấu và sai. Nhưng trong trường hợp một bác sĩ phải nói dối về bệnh tình của bệnh nhưng để người ấy yên tâm tiếp tục điều trị, đó lại là một hành động cao cả. Thế nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều những người thiếu đức hạnh. Họ nói ra những điều lớn lao, cao cả nhưng hành động thì ngược lại, vì thực chất, họ làm vậy vì những mục đích ích kỉ riêng của mình. Chúng ta không nên loại bỏ họ mà nên cảm hóa họ thành những người chân thành, sống đẹp và có ích cho cuộc đời.

Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có những con người làm nhiều việc tốt, biết tu dưỡng bản thân, hoàn thiện tâm hồn. Điều đó được xuất phát từ đức hạnh. Vì vậy câu nói của M.Xi – xê – rông vẫn còn chân giá trị đến ngày nay và muôn đời sau.

Theo Sách Chuyên đề Văn nghị luận XH*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”

“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”

Ý kiến trên của nhà văn Pháp M. Xi-xê-rông gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân.

1. Mở bài:

- Trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện và học tập, phấn đấu, không phải ai cũng xác định một cách đúng đắn, rõ ràng những tiêu chí để đánh giá đúng giá trị bản thân.
- Giá trị của một con người được thể hiện, khẳng định qua suy nghĩ, nhận thức hay lời nói, hành động?
- Nhà triết học cổ đã có gợi ý: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Theo M. Xi-xê-rông, hành động mới chính là thước đo mọi phẩm chất của con người.

2. Thân bài:

a. Giải thích nội dung câu nói:

- Đức hạnh là phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm hồn tốt đẹp của con người.

- Hành động: những việc làm cụ thể có ý thức, có mục đích.

- Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động: đạo đức, phẩm cách tốt đẹp của con người phải được thể hiện qua hành động, thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Đức hạnh sẽ soi đường, định hướng cho hành động. Và hành động phải là tấm gương phản ánh đức hạnh, luôn luôn song hành, gắn bó mật thiết với đức hạnh.

b. Phân tích, chứng minh tính đúng đắn của câu nói:

- Vì sao “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”?

+ Hành động sẽ thể hiện trực tiếp giá trị, bản chất của một con người.

+ Những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn, cao cả chỉ là biểu hiện bản chất, giá trị con người ở dạng tiềm ẩn, trừu tượng, khó nhận biết.
+ Lời nói tuy cũng biểu hiện trực tiếp bản chất một con người nhưng không có độ tin cậy cao: “Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm”.
+ Héc-béc (Anh) cũng khẳng định: “Câu trả lời ngắn nhất là hành động”.

- Đức hạnh là cội nguồn của hành động, là cơ sở chi phối hành động của một con người:

+ Một người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha sẽ luôn có những hành động ứng xử đẹp đẽ, cao thượng:
. Một đứa trẻ lễ độ, có học thức: sẽ dắt cụ già qua đường khi thấy cụ đi lại khó khăn.
. Một chàng trai hào hiệp, có nghĩa khí: ra tay cứu giúp người cô thế bị hà hiếp.
. Một người mẹ có tấm lòng nhân hậu: cưu mang một đứa trẻ lang thang cơ nhỡ dù nhà mẹ chẳng khá giả gì.
+ Ngược lại: mọi hành động tàn ác, đố kị, giẫm đạp lên tình người chắc chắn bắt nguồn từ những kẻ phi đạo lí, tâm hồn bị tha hóa.

- Hành động là biểu hiện cụ thể của đức hạnh:

+ Nhà thơ – chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu: Không mệt mỏi dùng văn chương để chiến đấu vì dân vì nước. Ông còn khẳng khái khước từ tên tỉnh trưởng người Pháp khi hắn định mua chuộc ông: "Đất chung còn mất thì đất riêng có nghĩa lí gì." Đó là biểu hiện rõ nét nhất lòng yêu nước thương dân, bất hợp tác với giặc của cụ.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Suốt đời phấn đấu, hi sinh cho dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, trẻ em ai cũng được học hành… Bác sống giản dị, vị tha, nhân ái chan hòa với thiên nhiên và con người. Hành động của Bác thống nhất với quan niệm nhân sinh, đạo đức của Người, là minh chứng cho những lời Bác căn dặn, dạy bảo cán bộ, thanh thiếu niên.
+ Những năm tháng chiến tranh: lớp lớp thanh niên gác tình riêng, hi sinh hạnh phúc cá nhân để lên đường chiến đấu đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Đó là biểu hiện cụ thể của phẩm chất anh hùng, lòng yêu nước sâu sắc.
+ Trong cuộc sống hôm nay: biết bao người có hành động đẹp đẽ, cao thượng vì hạnh phúc của người khác. Tất cả là biểu hiện sinh động của những tấm lòng giàu đức hạnh.

c. Phê phán, bác bỏ:

- Lối sống đạo đức suông, đạo đức giả.
- Lối sống, hành động vị kỉ, sống vô bổ, đua đòi.

d. Bàn bạc, rút ra bài học:

- Với tuổi trẻ học đường: cần rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp. Cụ thể:
+ Xác định được lí tưởng, mục đích sống cao đẹp.
+ Tự giác, thường xuyên rèn luyện thể chất, chăm lo sức khỏe bản thân.
+ Xây dựng cho mình một lối sống đẹp: nhân ái, năng động, tự tin, có trách nhiệm với tương lai của chính mình và của đất nước.
+ Có ý chí, quyết tâm vượt khó, có lòng say mê, sáng tạo, các định được phương pháp học tập khoa học để tích lũy, làm giàu tri thức; biết vận dụng hiệu quả những tri thức, hiểu biết ấy vào cuộc sống…
- Bản thân mỗi người: cần có những hành động cụ thể:
+ Quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ những người thân.
+ Tham gia tích cực, tự nguyện các hoạt động xã hội, từ thiện.
+ Tránh xa, tích cực đấu tranh chống lại những tệ nạn xã hội có sức cám dỗ tuổi trẻ: nghiện hút, trộm cắp, đua xe…
+ Đoạn tuyệt với những thói quen xấu mà tuổi trẻ thường mắc phải: sống buông thả, đua đòi, lười biếng, cẩu thả, vô tâm, ích kỉ; những hành vi, lối ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng…
- Chính mình:
+ Đã xác định cho mình lí tưởng, mục đích sống đúng đắn chưa?
+ Có kiên trì theo đuổi lí tưởng, mục đích đó không?
+ Trong lối sống của mình, có gì cần phát huy, có gì cần khắc phục, thay đổi?
+ Cần từ bỏ những thói quen xấu nào?

3. Kết bài:

- Bài học có ý nghĩa nhất mà bản thân đúc kết được từ câu nói: Mỗi con người có cách tự bộc lộ, tự khẳng định mình khác nhau, song cách tự bộc lộ, tự khẳng định mình ngắn nhất, thuyết phục nhất là thông qua hành động và bằng hành động.

- Hành động cũng là thước đo tin cậy nhất để nhận biết, đánh giá bản chất, giá trị tốt đẹp của con người. Đó là một chân lí.


Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top