Miền sóng vỗ - Anh Đức

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Chiếc xe lam cũ kỹ chở đầy khách chạy về tới bến chợ xã Kiểng Phước thì dừng lại. Đã quá ba giờ chiều, chợ chỉ còn là bãi trống, nhưng mấy dẫy phố quanh chợ vẫn còn người lui tới uống cà phê, mua đồ tạp hóa hoặc lúm xúm ở tiệm sửa đồng hồ. Hành khách trên chiếc xe lam đã lục tục xuống, phần lớn là cô bác đi chợ huyện về. Anh Hai Chí ngồi rốn lại sau băng xe, đợi cho mọi người đi hết mới quơ quơ cây gậy trúc dợm bước xuống. Chú Tư Râu, người tài xế đeo kính râm, để râu cá trên, ngồi ở phía trước lên tiếng:
- Chú Hai cứ ngồi đó, tôi đưa tới nhà luôn!

Anh Hai Chí chỏi cây gậy xuống sàn xe:
- Thôi khỏi đưa chi cho tốn xăng anh Tư, tới đây tôi đi được rồi. Tại bữa nay tôi về thình lình nên không nhắn kịp, chớ mọi khi...

Anh Hai Chí tính nói chớ như mọi khi thì con Nhụy, con em út của anh tháng nào cũng lên trên trại thương binh tỉnh đón anh về chơi, cũng có khi là Sáu Hạnh, phó bí thư huyện ủy. Nhưng thường vẫn là út Nhụy, còn Sáu Hạnh, chị đón anh lúc nào chị có việc lên tỉnh họp. Chị là người từ lâu đã hẹn ước cùng anh, có thể nói là vơ chưa cưới của anh, nhưng một đôi năm nay chính anh lại là người do dự chưa muốn làm đám cưới.

Chú Tư Râu đã cho xe rồ máy. Anh Hai Chí buộc lòng phải ngồi xuống băng. Anh nhếch một nụ cười nửa như cám ơn nửa như ngượng nghịu. Thiệt ra mới thoạt trông, khó ai mà biết anh Hai Chí sắp bị mù cả hai mắt. Con mắt phải của anh thì hỏng hẳn, chỉ còn lại con mắt trái này. Độ chừng non tháng nay, nó cũng bắt đầu hơi mờ đi, Thành ra anh hết sức lo lắng. ở trên trại thương binh, mới rồi anh đã đi khám. Bệnh viện tỉnh quyết định ngay trong tuần tới, anh phải lên Viện quân y Thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị. Vậy là tình thế đời anh coi mòi lại thêm nghiêm trọng. Sau ngày đại thắng của đất nước, giữa lúc mọi người vui vầy hè hội, tiệc tùng đoàn tụ, thì anh lại phải lên đường ra miền Bắc, vì đôi mắt của mình. Vốn là chủ nhiệm pháo binh của tỉnh trong hồi chống Mỹ, rồi kế đó trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn pháo, sau chiến tranh trên người anh lưu lại tới mười tám vết thương, hầu hết là do miểng pháo, từ những cuộc phản pháo của địch sau khi đơn vị anh nã đạn vào chúng. Các vết thương này nằm ở lưng, ở sườn, ở bả vai, nhưng không đâu gây hiểm họa cho bằng mấy vết nhỏ dưới mang tai. Hình như ở đó có những sợi giây thần kinh bị phá hủy, ảnh hưởng trực tiếp tới mắt. Tại quân y viện 108 Hà Nội bác sĩ đã khám kỹ, và bằng các phương tiện hiện đại, đã cố gắng tối đa nhưng chỉ giữ lại cho anh được một mắt mà thôi. Anh Hai Chí cảm thấy như vậy là được, là may mắn lắm rồi, vì sau một cuộc chiến dài ngày và dữ dằn đến thế, mà anh vẫn còn sống, vẫn còn lại được một con mắt để ngó thấy ngày vui, trong khi biết bao đồng đội anh đã không còn nữa. Sau khi ở quân y viện 108 ra, anh xin phép ở lại một tuần để đi thăm thú những di tích quanh Hà Nội, để được một lần ngó thấy tận mắt những nơi chốn, mà hồi thơ ấu, anh chỉ được nghe nói tới trong sách Quốc văn giáo khoa thư và bản thân đã đọc ra rả, thuộc làu hồi lớp đồng ấu ở cái trường làng nằm giữa cánh đồng biển. Với một con mắt còn lại, anh vui thích bồi hồi ngắm chùa Một Cột, đền Trần Quốc, và những chiều heo heo cơn gió thu, anh đi tha thẩn quanh Hồ Gươm, ngó mặt nước hồ gờn gợn, lăn tăn dưới chân Tháp Rùa. Trở về miền Nam, nằm ở trại thương binh tỉnh, lâu lâu anh nhớ lại mấy ngày thu ấy với ấn tượng lắng sâu, sung sướng.

... Chiếc xe la của chú Tư Râu chạy qua một khúc đường đất giồng trồi sụt, tới chỗ xuóm nhà anh Hai Chí. Đó là một cái xóm nằm cách biển chừng trên cây số, trong các vườn nhà có trồng nhiều cây sua đũa và cây anh đào treo đầy trái chín giống như những chùm đèn lồng đỏ.
Chú Tư Râu mở cửa xe, nhảy xuống kêu:
- Bác Bảy ơi, có chú Hai về nè!

Thế rồi chú ra sau xe, đưa tay dìu anh Hai xuống. Anh Hai cầm cây gây quơ quơ ra phía trước, không chịu dắt. Anh tự mình bước xuống xe chầm chậm, nhưng chắc chắn. Bà Bảy từ trong nhà chạy ra, mừng rỡ nắm tay con và vội móc túi lấy tiền để trả cho chú Tư Râu, nhưng chưa chi chú đã thót lên xe, khoát tay:
- Thôi bác, tôi đâu có bán giấy xe cho chú Hai. Chú đi xe ai thì tôi không biết, chớ hễ đụng nhằm xe tôi là tôi thực thi chánh sách thương binh của Nhà nước liền... ối, tôi lấy của tụi con buôn đắp qua, kể như khỏi lo đi bác!

Bà Bảy cười, cằm móm mém, nói lời cám ơn chú Tư Râu rồi nắm tay con, dắt đi trên cái ngõ lạo xạo cát dẫn vô nhà. Anh Hai Chí theo mẹ, bước đi từng bước. Anh hơi xốn xang thấy tay mẹ gầy guộc răn reo hơn, liền chạnh nghĩ tới cảnh hiu hắt của mẹ mà thấm buồn. Những cơn gió biển từ phía cửa Xoài Rạp thổi vào, vuốt ngược mái tóc anh ra phía sau. Cảnh vật nơi chốn quê nhà của anh đây, từ rặng dừa nước xanh biếc ở xẻo rạch cho tới những gốc rạ vàng khô xơ rơ đứng giữa trời chiều thảy đều ngả mình về phía đất liền. Cả ngôi nhà của anh cũng vậy, ngôi nhà ba gian lợp lá xé, trải qua bao năm tháng nằm trên một vùng cận biển, mặc dù vẫn còn đó những cây cọc do cha đóng giữ năm xưa, giờ ngôi nhà cũng hơi nghiên đi trước thời gian và gió. Để yên cho bàn tay mẹ cầm tay mình dắt đi. Anh Hai Chí cười cười. Cái cười của anh lúc nào cũng như có vẻ ngượng nghịu vì thấy ai cũng chăm sóc mình. Anh chầm chậm đi vô nhà, đi luôn ra sau bếp. út Nhụy đi theo, vừa đi vừa nói:
- Bữa nay có cá sạo tươi chong. Để em chưng tương nấu với canh chua..

Anh Hai nhấp nháy mắt, tủm tỉm:
- Canh chua nấu với bông sua đũa nghen..

Út Nhụy cười, gật đầu. Con nhỏ thừa biết ý thích của anh. Cái thứ bông sua đũa mà nấu canh chua, nhứt là nấu với cá sạo, anh Hai cho là nhứt hạng, bởi lẽ nó tổng hợp một lượt các vị béo chua bùi ngọt rồi lại còn cộng vô đó cái vị đắng nhân nhẩn khiến cho khẩu vị tăng lên một cách đột ngột. Anh ngồi xổm coi em gái làm cá. Thấy mẹ mới đó đã đi đâu, anh hỏi em:
- Má đi đâu rồi?

Con Nhụy vẫn cắm cúi làm cá, và cười. Lát sau nó mới nói:
- Chắc má đi bắn tin cho chị Sáu biết là có anh về.
Dừng lại một chút để lách lưỡi dao rọc đứt mang con cá, út Nhụy tiếp:
- Hên cho anh lắm à nghe.. Thứ nhứt là bữa nay có cá sạo, chớ mấy bữa trước ghe tập đoàn về toàn là cá gúng, cá bốp. Thứ hai, là bữa nay có chị Sáu về công tác trên xã, đâu như là chỉ đi về vận động bà con thâu nhặt hiện vật truyền thống cách mạng để đem trưng bày ở nhà văn hóa huyện...

Anh Hai nghe cô em út bảo mình hên vì hai lẽ ấy thì anh lặng im. Lẽ thứ nhất thì cho là được đi, nhưng lẽ sau, dù câu nói của em mình là sự thật, nhưng giữa lòng anh còn có một sự thật nữa có thể dẫn tới đớn đau, bi thảm, khiến anh mỗi lần sực nhớ là chết điếng trong lòng. Thiệt ra anh đâu có hên, đâu có may. Sự thể là ở con mắt duy nhất còn lại, sự thể là lâu lâu anh lại thấy nhưng nhức ở màng tang, ở quanh con mắt đó và gần một tháng nay, tuồng như có một làn sương mỏng xuất hiện trước tầm nhìn, tuồng như trước tầm nhìn, tuồng như trước cảnh vật, cây cối, sông rạch, con người đều tráng nhẹ một lớp hơi nước. Thế là anh biết rằng anh lại lâm vào một trận chiến mới, một cuộc thử thách mới. Chết thì chắc là không chết, nhưng buồn biết mấy, vì lần này anh dám mất đi thứ quý giá nhất của con người, là ánh sáng. Và cái sau, đau đớn hơn, là Hạnh, Sáu Hạnh. Người con gái đã đợi anh tới trên mười năm rồi chớ đâu có ít, hồi cô ta mới có mười bảy, mới vô du kích xã, quanh hông đeo một chùm lựu đạn gài, lặn lội theo anh chống càn diệt địch. Có lúc hai người trốn chung dưới một hầm bí mật, có lúc anh đã ngồi canh giấc ngủ cho Hạnh và ngược lại. Cho tới khi anh rời du kích lên bộ đội chủ lực, Sáu Hạnh vẫn đợi chờ, lâu lâu gởi lên cho anh một bộ quần áo, một chiếc khăn rằn, một vài trăm bạc. Ngày hòa bình, khi anh trở thành một thương binh xếp vào loại nặng nhứt, Sáu Hạnh vẫn y nguyên bụng dạ. Nhiều lần chị giục thúc làm đám cưới nhưng anh thì lại dùng dằng do dự. Chị biết anh bị thương tật, chỉ còn có một mắt, do đó mà anh không muốn buộc đời chị vào đời anh nữa. Chị chưa biết hết là anh có thể sẽ hỏng cả hai mắt.

Điều này thì anh đã được báo trước, không khẳng định, nhưng các bác sĩ ở quân y viện 108 đã lưu ý anh rằng con mắt trái còn lại rất có thể bị đe dọa hỏng nốt, vì những vết thương ở đầu và mang tai có thể sẽ làm liệt dần một vài dây thần kinh nào đó, nên các bác sĩ đã căn dặn anh phải gìn giữ sức khỏe, giảm hút thuốc, không uống rượu, hạn chế đọc sách. Ba khoản đó, trong mấy năm nay, anh bỏ đứt được khoản rượu, bởi vốn dĩ anh cũng không hay uống, nhưng thuốc hút và sách, thì anh không sao kềm chế được. ở trên trại, ngoài các cuộc trò chuyện giữa anh em đồng đội cùng là thương binh với nhau, ngoài những công việc như làm đồ mộc, chế biến xà bông cùng những đồ chơi cho trẻ, anh đương làm muộc cuốn ghi lại chặng đường đi bộ đội của mình. Cuốn này anh đã ghi được đầy bốn tập giấy học trò. Một cuốn khác, anh sưu tầm về Trương Định, người anh hùng chết tại làng anh cách đây một trăm mười sáu năm. Mở đầu tập này, anh ghi lại lời Trương Định "Nếu sau cùng trong tay chúng ta không còn gì nữa, khi đó chúng ta sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy thân cây làm gậy gộc mà chiến đấu với quân thù!".Lấy lời ghi đó làm răn, anh tiếp tục chiến đấu, làm việc, nhưng khốn thay những công việc ấy lại đòi anh phải tập trung nhỡn lực, phải đọc, phải viết. Rồi điếu thuốc trên tay, như là một người bạn đồng hành, anh thật khó lòng bỏ được.

Lời dự báo từ xa về con mắt trái của anh, bấy lâu anh không hề thổ lộ cùng Sáu Hạnh. Anh đã giấu đi, im nín, bởi anh không muốn đem đến cho Hạnh bất cứ nỗi buồn nào, bởi cô đang cần có niềm vui, sự yểm trợ mạnh mẽ trong công tác. Mấy năm nay, anh tự coi mình là người đã lui về tuyến sau, trong khi Hạnh đương đứng chịu trên tuyến một. Là Phó bí thư huyện ủy chịu trách nhiệm khối tuyên huấn văn xã, Sáu Hạnh cần có sự hỗ trợ của anh, chớ không lẽ lại phải chia xẻ nổi đau buồn và lãnh thêm mất mát từ phía anh. Sự dùng dằng, trì hưỡn của anh trong việc chính thức xây dựng nên vợ nên chồng giữa hai người là do vậy. Sáu Hạnh hiểu được, tuy hiểu một cách chung chung, về cái nguyên cớ ấy. Chị vừa cảm động lại vừa giận dỗi. Là vì như vậy, hóa ra anh không ngó chị đúng mức như ngó một người cộng sản hay sao?

Mới đây Sáu Hạnh giận anh dữ lắm. Chị bảo như vậy là anh khi dễ chị, rồi chị ngồi khóc rưng rức, đến nỗi anh phải hoảng lên, lật đật năn nỉ, nói ý anh đâu phải vậy, rằng tại vì anh không muốn là một gánh nặng đèo sau chiếc xe Hạnh đang bon bon chạy về phía trức, rằng phải chi anh không bị thương nhiều đến thế thì mọi sự sẽ dễ dàng hơn. Anh nói một thôi, rồi tự mình cảm thấy mình đâm lẩn quẩn, lập luận bắt đầu chông chênh, dẫn tới chổ chính anh cũng thấy tuồng như mình vừa đưa ra một thứ đạo lý là sau cuộc chiến tranh, ai còn nguyên vẹn thì người đó được tự ý triển khai hạnh phúc, ai rủi ro trở nên tàn phế phải tự mình gánh chịu. Điều này có thể làm cho một người con gái nào đó cảm thấy vô cùng khỏe nhẹ vì không hề bị buộc ràng. Nhưng mà điều này làm cho Sáu Hạnh, một người con gái được anh dẫn dắt đi đánh giặc, đi làm cách mạng từ tuổi còn thơ, và bằng hành động của chính mình, anh cũng đã từng chỉ dạy cho Hạnh một thứ đạo lý không giống như cái đạo lý anh vừa biện bạch một chút nào. Nhờ anh dẫn dắt từ những bước đi đầu mà về sau này, Hạnh trưởng thành, dày dạn, trở nên một đảng viên, một nữ bí thư huyện ủy, biết nhìn lẽ sống ở đạo thủy chung, là một cái đức cốt lõi của người cộng sản nên chi chị nghe anh, rời bỏ anh, thì có thiếu chi người khác. Một nữ bí thư huyện ủy mới co băm hai, nhan sắc mặn mà có thể kể vào loại trên mức trung bình, với đặc điểm khi nói ra câu nói nào thì đôi lúm đồng tiên bên má cùng chiếc răng duyên hơi khểnh thường gây nên mối cảm tình đến là dễ chịu cho bất cứ ai ngồi nghe. Người con gái đó có thể ngồi chầm tấm lá cần đốp một cách thành thạo, biết rành rẽ cách đặt xà vi để bắt con cá thòi lòi trên bãi bùn xẻo biển, đồng thời lại biết ăn nói về chủ nghĩa Mác ?; Lênin cùng các chữ dùng ít khi sai trật. Đó la một thứ trí thức ở nông thôn chúng ta hôm nay, chưa qua trường học có bục giảng, nhưng lại kinh qua đường đời đấu tranh lăn lộn từ các cuộc biểu tình xuống ghe lướt tới ào ào trên sông, từ hầm bí mật các kiểu, lại được dạy dỗ dặn dõ mỗi ngày một ít bởi những người đi trước là các bậc cha anh có kỳ công nhen nhóm nổi lửa phong trào từ buổi tối trời mà rất nhiều người có vốn trí thức mà thực tiễn sâu rộng sắc sảo, và cho tới hôm nay ngày rạng, hầu như họ không còn có mặt bao nhiêu.

Tình thiệt, anh Hai Chí chỉ vì thương người mình yên nên không muốn để người đó cực, chớ lòng anh đẹp đẽ lắm thay. Hiềm vì muốn lãnh chịu một mình, nên anh né tránh, nói ra những lời qua quít. Khốn nỗi, người con gái đó có bụng dạ đẹp chẳng nhường anh, cho nên cũng chẳng chịu bứt rời.

Tội nghiệp cho bà mẹ, ngay sau khi cầm tay con dắt vô nhà, bà đã lặng lẽ tự mình đi kiếm Hạnh. Bà mẹ muốn con trai mình có được người con gái đó. Băng qua giồng cát còn nóng bỏng nắng chiều để ra trụ sở ủy ban xã, bà mẹ bước đi như chạy, bụng thấp thỏm chỉ sợ Hạnh làm xong công tác, chị lại trở về trên huyện. Bà không muốn sai đứa con gái út đi, mà muốn chính mình đi, để cho Hạnh thấy bà là thấy được tầm quan trọng, thấy được niềm ước mong tha thiết của mình. Bấy lâu, bà đã lo lắng, run sợ biết bao. ý thức được mức độ tàn phế của con trai mình, bà biết rằng nó chỉ còn có cơ hội này. Để tuột mất cơ hộ này, nó sẽ không còn ai khác, và cuộc đời nó sẽ trơ trọi biết chừng nào. Bước chân bà mẹ giờ đây đi như chạy trên cát giồng hầm hập, nhiều lần bị lún sụp, mấy lượt loạng choạng suýt ngã. Đó thật là những bước chân hết sức đáng thương. Những giọt mồ hôi chảy thấm ướt lưng áo mẹ trong buổi chiều này thật là những giọt mồ hôi vất vả cật lực cho niềm hy vọng cuối cùng. Và trái tim thình thịch đập mạnh giữa lồng ngực già nua thật là trái tim của một người mẹ.

Bữa cơm chiều ấm cúng quá. Bốn người ngồi quanh bàn, trong đó Hạnh. Hệt như điều mơ tưởng, trong phút chốc quên đi bệnh tật, anh Hai Chí bỗng thấy hạnh phúc tợ như đã trong tay. Anh ngó mẹ, thấy mẹ ăn ít mà coi bộ vui nhiều. Mẹ anh mừng rỡ trông thấy, luôn tay gắp cá cho anh, cho Hạnh. Anh thiếu điều muốn chảy nước mắt. Nhưng những thớ cá sạo, thịt trắng ngần, chấm với thứ nước mắm đặc biệt do mẹ anh chế lấy, lẽ ra đối với anh rất ngon mà sao anh vẫn thấy không ngon. Những cánh bông sua đũa tươi trắng em Nhụy vừa hái từ hàng sua đũa trước nhà ăn vào có vị đắng, lẽ ra đã khiến khẩu vị anh tăng lên, thì ngược lại, anh cũng thấy không ngon. Nhưng anh vẫn giữ vẻ bình thường, như là anh ăn ngon lắm. Anh còn luôn giữ trên môi, nụ cười tủm tỉm nữa. Là bởi anh ngó thấy rõ ai cũng đang mừng từ mẹ cho tới em gái. Và Hạnh, nỗi mừng của Hạnh ẩn che kín đáo bằng những cử chỉ anh ngó qua biết được, như là Hạnh không ngồi cạnh anh, mà ngồi giữa mẹ và em Nhụy. Hạnh còn có vẻ nghiêm với anh nữa, như là không ngó tới anh.

Cơn giận tháng trước chắc đã qua rồi, nhưng bề ngoài Hạnh như có vẻ còn giữ nguyên dỗi hờn. Như nói cho anh biết rằng anh phải chừa đi ý nghĩ vớ vẩn về nỗi mặc cảm tự cho mình giờ đây chỉ là mớ gánh nặng đèo bồng.

Chiều xuống mát dịu. Gian nhà sau, chỗ bốn người ngồi ăn cơm hơi tôi tối. Hạnh nhẹ gác đũa, đi lên nhà trên, hồi sau trở lại với cây đèn hoa kỳ đã thắp sáng. Anh Hai Chí nhận thấy hạnh coi bộ quen chỗ trong nhà lắm. Hẳn là Hạnh vẫn thường tranh thủ ghé tạt về đây khi anh đi vắng.

Ăn xong, Hạnh dọn mâm bưng ra sau bếp định rửa thì bà mẹ gạt:
- Để em út nó rửa, lên nhà uống nước đi con. Hai đứa bây lâu lâu mới gặp, có chuyện gì thì bàn soạn với nhau, để nay mai đây rồi lại mỗi đứa một ngả!
Hạnh bước tới bên, cầm tay bà mẹ:
- Má ơi, con có chuyện gì mà bàn nữa đâu má. Trước con thế nào, sau con vẫn vậy. Ngặt anh Hai ảnh cứ chùng chình, ảnh nói là ảnh sợ con mang thêm gánh nặng...
- Ờ, chắc nó nghĩ vậy...
Hạnh cười nhỏ:
- Hôm rồi con giận ảnh, cũng vụ đó đó má!
- Bữa nay nó về chưa nói chi với má. Không biết có chuyện gì không, mà thấy nó có vẻ buồn buồn…
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top