Miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ra sức chi viện cho Miền Nam (1973 - 1975)
1. Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế:
- Sau Hiệp định Pa – ri, quân Mĩ và đồng minh của Mĩ rút về nước, tình hình so sánh lực lượng thay đổi theo hướng có lợi cho cách mạng miền Nam. Miền Bắc trở lại hòa bình, có điều kiện thuận lợi để khôi phục và phát triển kinh tế, ra sức chi viện cho miền Nam.
- Trong hai năm 1973 – 1974, trên khắp miền Bắc, giai cấp công nhân, nông dân tập thể, tri thức…đã hăng hái lao động, sản xuất. Nhờ vậy, những hậu quả của hai cuộc chiến tranh phá hoại nhanh chóng được khắc phục, nền kinh tế từng bước khôi phục và phát triển.
- Cuối tháng 6 năm 1973, miền Bắc đã hoàn thành công tác tháo gỡ bom mìn.
- Đến cuối năm 1974, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế về cơ bản đã được khôi phục, các cơ sở cũng đi vào ổn định và có bước phát triển mới. Tổng sản phẩm xã hội năm 1973 cao hơn năm 1965 (trước chiến tranh phá hoại), năm 1974 cao hơn năm 1973 là 12,4%.
- Những kết quả trên đã góp phần ổn định đời sống nhân dân miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi để miền Bắc chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ - Ngụy ở miền Nam và Lào, Campuchia trong giai đoạn 1973 – 1975.
2. Tăng cường chi viện cho miền Nam
- Ngay sau khi Hiệp định Pa - ri được kí kết, Đảng và Nhà nước đã chủ trương tập trung sức người, sức của sẳn sàng chi viện đột xuất cho miền Nam.
- Trong năm 1973 - 1974, 20 vạn bộ đội, hàng vạn thanh niên xung phong, cán bộ chuyên môn, kĩ thuật đã được đưa vào chi viện cho miền Nam. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã đưa 57.000 bộ đội vào chiến trường miền Nam.
- Từ mùa khô 1973 – 1974, đến đầu mùa khô 1974 – 1975, miền Bắc đã chi viện cho miền Nam một lượng hàng hoá, phương tiện, vũ khí rất lớn: 26 vạn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang, quân dụng, xăng dầu,… tăng gấp 9 lần so với năm 1972.
- Bên cạnh đó, miền Bắc còn viện trợ cho Lào và Campuchia.
ST