- Xu
- 0
MICROSOFT, GOOGLE, AMAZON: KHI MỀM MUỐN CỨNG
Không hẹn mà gặp, cả 3 gã khổng lồ về dịch vụ phần mềm là Microsoft, Google và Amazon đều đang tập trung đầu tư vào thị trường phần cứng - máy tính bảng. Mỗi hãng đều có những toan tính riêng khi tham gia thị trường này.
CEO của Microsoft Steve Ballmer cho biết: “Microsoft vẫn là công ty phần mềm, nhưng trong tương lai bạn có thể nghĩ đến chúng tôi như một công ty chuyên về thiết bị và dịch vụ”.
Microsoft tạo cặp đôi hoàn hảo:
Một trong những lý do chính để Microsoft đầu tư vào máy tính bảng Surface là để hỗ trợ sự ra mắt của Windows 8. Rất nhiều người đã nghĩ rằng Windows 8 sẽ là một thất bại nữa, giống như Windows Vista không thể lấn át người tiền nhiệm Windows XP.
Lý do họ đưa ra là: tại sao tôi phải cần một hệ điều hành trên máy tính và laptop mới, khi các thiết bị cầm tay đang làm quá tốt rất nhiều chức năng mà laptop phải kiêm nhiệm ngày trước.
Microsoft hiểu rõ điều đó - như hiểu rõ Windows Phone vẫn chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn trong miếng bánh nền tảng ứng dụng so với iOS và Android.
Bằng việc ra mắt Surface, Microsoft chấp nhận chơi một canh bạc lớn để giới thiệu Windows 8 như một nền tảng đa thiết bị và hoàn toàn thích ứng với thiết bị di động hơn là hình ảnh cũ kỹ của một hệ điều hành máy tính.
Công thức “Windows 8 + Surface” có lẽ là cơ hội tốt nhất để Microsoft đe dọa Apple, hãng đã làm tốt cả phần cứng và phần mềm.
Chiến lược là như vậy, nhưng theo số liệu của Zdnet.com - doanh số bán của Surface trong năm 2012 là khá thất vọng. Trang thông tin này ước tính chỉ có tầm 3-5 triệu máy bán ra trong suốt năm.
Rõ ràng so với mức 3 triệu iPad4 bán được trong tuần đầu tiên ra mắt thì Microsoft vẫn là một gã khổng lồ chậm chạp so với Apple.
Điều an ủi duy nhất đối với Microsoft là Surface phần nào thật sự thúc đẩy xu hướng di động hóa của Windows 8. Các nhà phân tích cũng cho rằng với nỗ lực đầu tư nghiêm túc, Microsoft có thể giành được vị trí thứ ba trong thị trường nền tảng di động sau Android và IOS vào năm 2016 với 39% nếu chuyển tiếp nhịp nhàng lượng khách hàng từ máy tính bàn sang thiết bị di động.
Amazon ứng dụng:
Khi người tiêu dùng vẫn còn hình dung máy tính bảng đồng nghĩa với iPad và Samsung Galaxy Tab thì Amazon làm sửng sốt giới công nghệ bằng loạt máy tính bảng giá rẻ Kindle Fire.
Thiết bị này được mô tả là rẻ hơn giá sản xuất, với chiến lược rõ ràng là sẽ kiếm tiền từ doanh thu thương mại điện tử. Chính bước đi táo bạo này của Amazon đã làm giảm thị phần của Apple từ 90% xuống còn 60% vào cuối năm 2012.
Máy tính bảng Amazon Kindle Fire HD 7inch.
Thực ra Amazon không chủ định cạnh tranh với Apple. Họ chỉ muốn phổ cập máy tính bảng như một công cụ mua hàng mới. Hãng nghiên cứu thị trường Forrester dự đoán doanh thu từ thiết bị di động sẽ giữ mức tăng trưởng ổn định 39% mỗi năm để đạt tổng giá trị 39 tỉ USD vào năm 2016.
Mọi việc đã khó khăn hơn trong năm 2012 khi Apple ra mắt iPad mini - sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Kindle Fire. Động thái này làm cho doanh số của Kindle Fire giảm 15-25% vào mỗi quý, nhất là quý IV/2012. Và giới chuyên môn chờ đợi một động thái mạnh mẽ từ Amazon sẽ diễn ra trong năm 2013.
Google - đã đến lúc kiếm tiền từ Android?
Sự tăng trưởng của Android trong năm 2012 là điều đáng mừng với Google, đơn vị sở hữu nền tảng này. Nhưng một câu hỏi lại được ra: Chính xác thì khi nào Google mới có thể xem Android như một nguồn doanh thu đáng kể và con số sẽ là bao nhiêu.
Câu hỏi này chắc chắn sẽ làm các nhân sự cấp cao của Google đau đầu khi con bài chiến lược Google Play (một nền tảng tương tự như Appstore) không có mặt trên hầu hết những thiết bị tablet đình đám năm 2012 vì các máy tính bảng này chưa sử dụng phiên bản mới của Android.
Google phần nào đang phải trả giá vì sự thỏa hiệp của mình với quá nhiều nhà sản xuất thiết bị, dẫn đến các phiên bản của Android rất rời rạc. Điều này ngược lại hoàn toàn với Apple, đơn vị cực kỳ hiểu nền tảng phần cứng và phần mềm của mình.
Trong khi chờ thuyết phục các đối tác sử dụng các phiên bản mới hơn của Android (nơi Google có thể kiếm nhiều tiền hơn) cũng như trung thành với nền tảng này thì Google đã có những bước đi riêng của mình: đẩy mạnh sản xuất tablet riêng cũng như mua lại Motorola, một nhà sản xuất phần cứng.
Có thể nói động thái đầu tư vào máy tính bảng của cả 3 công ty dịch vụ phần mềm trên đều tập trung chủ yếu vào việc đa dạng hóa hệ sinh thái của mình, cũng như tối đa hóa doanh thu từ nền tảng người dùng.
Nhưng để cạnh tranh trong cuộc chơi với 2 đối thủ đã chắc chắn chỗ đứng là Apple và Samsung thì sẽ còn nhiều điều để làm. Trong 3 công ty trên thì Google có vẻ khá phân tâm với dự án Google Glass hơn là ưu tiên mảng tablet, trong khi Amazon vẫn còn nhiều cách phát triển hơn là phải sống chết trong thị trường tablet.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: