Mẹ-Nàng tiên xuân

  • Thread starter Thread starter vole
  • Ngày gửi Ngày gửi

vole

New member
Xu
0
Võ Thị Lê
20 tuổi
Sinh viên khoa ngoại ngữ, ĐH Sài Gòn


Dòng cảm xúc: Mẹ-Nàng tiên xuân!

Ừ thì mà chúng ta gọi là “tết tây” cũng nhẹ trôi đi thay vào đó cái cái không khí se lạnh của những ngày giáp tết, tết nguyên đán-cái tết cổ truyền của dân tộc.

Năm nay tôi là năm thứ 3 tôi ở đất Sài Gòn mong chờ được về nhà đón tết. Khoảng thời gian này ai cũng tất bật hoàn thành những dự án ở dang cuối năm. Thời gian như thôi thúc mỗi người trở nên gấp gáp hơn, không khí bên ngoài cũng rộn ràng hơn hẳn với những tấm lịch chào năm mới, những câu chúc, những vật dụng trang trí cho ngày tết.

Và đây cũng chính là khoảng thời gian khá bận rộn và căng thẳng với sinh viên bọn tôi, những ngày thi cuối kì căng thẳng giữa không khí rộn ràng ngày tết này càng làm cho những đứa con xa nhà trông chờ ngày tết mòn mỏi, bởi vì khi về với gia đình chúng tôi sẽ được xả biết bao nhiêu muộn phiền trong cuộc sống nơi thành phố đông đúc, được cùng gia đình đi chợ chuẩn bị mọi thứ để đón tết, sẽ được gặp người thân, bạn bè sau bao xa cách và chúng tôi biết rằng mãi mãi quê hương vẫn chờ đón chúng tôi trở về.

Những ngày này chợ quê ở tôi vui lắm, mọi người-bất kể người mua hay kẻ bán đều dành cho nhau những nụ cười niềm nở, những câu hỏi thăm và cả những lời chúc tốt lành hứa hẹn cho năm mới đến.

View attachment 11127

“Dì tư, cô sáu, thìm bảy hay cậu hai, chú ba,…” mọi người vẫn thường gọi nhau với cái tên như thế, tôi có cảm giác tim mình ấm hơn, tôi muốn giữ mãi những gương mặt ấy, những câu nói ấy để nhớ rằng “tình người vẫn chan chứa quanh ta, để còn có cái mà với lấy khi mất niềm tin vào cuộc sống và… để quên đi cảm giác lạc lõng nơi đất khách quê người”.
Không khí mỗi vùng đón tết khác nhau,” tôi thèm cảm giác được ở nhà lúc này quá”!

Tết là ngày sum họp gia đình nên gia đình tôi ai cũng chuẩn bị rất kĩ: Quét dọn trang hoàng lại nhà cửa vất vả nhưng vui, mẹ tôi sau khi nhà cửa tươm tất, sắm sửa cho mấy chị em tôi những bộ quần áo mới…thì bắt đầu làm bánh, muối dưa cho ngày tết.

  • Tôi thích được đi chợ tết cùng mẹ dù xách đồ mỏi cả tay…
  • Tôi thích được dọn nhà cùng ba để phát hiện ra những thứ đã lạc mất trong năm qua, từ cái kẹp, cây viết,…thật thú vị…
  • Thích được ngồi lau từng cái đèn màu cùng hai em…
  • Thích được phụ mẹ, các cô và nội gói bánh chưng, rồi cùng bà chị ngồi hàn thuyên cả đêm để chờ bánh chín…
  • Thích được cùng ba và các em xem mẹ đổ bánh bông lan, những chiếc bánh nhỏ xinh với đủ loại hình dáng theo khuôn bánh, nhân đó được ăn bánh khi còn nóng hổi và thơm phức.
  • Thích được ngửi hương thơm và nhai giòn tan chiếc bánh kẹp mẹ vừa đổ…
  • Thích được làm mứt dừa, mức gừng cùng mẹ…
  • Thích được ngồi cùng cả nhà nhặt nếp rang để ép cốm và đây cũng là điều mà tôi muốn làm nhất, cốm quê tôi không giống như cốm Hà Nội, cốm quê tôi mang cái nắng, cái gió và lòng người ấm áp, nó mang đến vị ngọt cho những ai được một lần thưởng thức.

Để làm được cốm ngon và vừa ý mọi người thật không dễ chút nào: Nếp được rang cho bung ra, nhặt những mảnh vỏ còn sót lại (Phải nhặt thật kĩ để đảm bảo chất lượng, cần nhiều thời gian và lực lượng để làm công việc này lắm), tiếp đến là giai đoạn làm nước đường - Quá trình này đòi hỏi người làm phải tỉ mĩ với lượng và thành phần các nguyên liệu để cốm có được hương vị thơm ngon nhất: Nước đường đun nóng với thơm (dứa), gừng, sữa, me,…sau đó xối lên nếp rang cho các hạt nếp dính với nhau, vò tròn rồi cho vào khuôn gỗ để ép chặt, công việc này sẽ do ba và các chú làm vì cần nhiều sức mới ép cốm được chặt.
Các hộp cốm được ép xong sẽ phơi dưới nắng khoảng ba mươi phút sau đó sẽ đem gói bằng các loại giấy màu xanh, tím, vàng,…rất bắt mắt.

Với riêng người Bình Thuận, gừng còn tượng trưng cho sự khỏe mạnh (là một vị thuốc quý); sự thủy chung (muối mặn - gừng cay!), sức sống (gừng là loại cây dễ trồng)… Còn dáng hình vuông của hộc cốm? Theo quy luật trời đất, sự vuông vức thể hiện cho sự vững chãi, trường tồn.

Cốm còn được bọc giấy ngũ sắc, dán hoa giấy nhiều màu… thể hiện rất rõ tính cách, tâm hồn đầy nét phóng khoáng, yêu đời, khéo léo và hồn hậu của con người xứ biển! Và tất cả những điều này đã luôn là những mong ước và hy vọng của người Phan Thiết hướng về tổ tiên vào những ngày Tết cổ truyền để mong muốn một năm mới như ý!
“Ôi! Nhiều thứ cần phải làm quá!”.

Thế nên khoảng hai mươi mấy tết là gia đình nào cũng rộn ràng. Mẹ thật đảm đang và chu đáo, tất cả những việc ấy mẹ đều làm hết, chỉ khi là mẹ mới hiểu hết được những vất vả với bao lo toan bộn bề trong cuộc sống.

Thay vì cảnh nhộn nhịp, đông đúc người chờ bắn pháo hoa đón giao thừa ở thành phố thì ở chỗ tôi, những cậu nhóc lo mua khí đá và thu gom những chai xịt côn trùng cũ chế tạo thành một chiếc ống mà chỉ cần bỏ khí đá vô, cho lửa lên thì vài giây sau là “bùm” tiếng nổ rang cả xóm, mấy chú dù lớn cũng rất thích trò này nên ai cũng có “vũ khí” riêng cả, Nếu đang chơi mà thấy có ánh đèn lạ tới là mạnh ai nấy chạy, thân ai nấy lo vì đó có thể là đèn của lực lượng xã, nếu bị bắt gặp sẽ bị phạt tiền mà đầu năm đầu tháng bị phạt thì xui thôi rồi ấy chứ…

Cứ chờ gần đến giao thừa là xóm trong, xóm ngoài cứ vang tiếng nổ vui tai mặc dù chiều nào cái bông bí của xã (đó là tên mà ba tôi hay gọi đài phát thanh xã ^^) cũng vang vang “đề nghị bà con không được mua pháo, những chất dễ cháy nổ, đốt vỏ xe, vỏ chai xịt cô trùng…”đại loại thế.

Chưa tết nào tôi được xuống thành phố xem pháo bông giao thừa vì “Đầu năm đầu tháng mà ra ngoài thì cả năm ở ngoài đấy, không khéo lại rước xui về nhà, trời tối nguy hiểm,…” mẹ tôi là thế!

Trước khi giây phút thiêng liêng đến, tôi cứ vật vờ nửa tỉnh nữa mê rồi ngủ lúc nào không hay.

-“Dậy đi con, ăn dưa giao thừa lấy hên đầu năm!”

-“Mẹ cứ để đó đi, mai con ăn sau”-Giọng tôi còn ngái ngủ.

-“Ăn bây giờ mới hên chứ, mai thì nói làm gì nữa”

…Thế nào tôi cũng phải dậy ăn dưa hấu cái mà mẹ tôi hay gọi là may mắn.

Tết quê tôi, mọi người thường mua dưa hấu tròn vỏ xanh đậm để cắt vào đêm giao thừa mà không chọn dưa loại quả dài hay dưa vỏ xanh nhạt. Mẹ tôi giải thích rằng “dưa tròn không phải lúc nào cũng đỏ, khi mình cắt dưa vào lúc giao thừa, dưa càng đỏ nghĩa là năm tới càng gặp nhiều thuận lợi và may mắn, còn ít đỏ thì ít may hơn”. Câu trả lời làm tôi há hốc mồm ngạc nhiên “không ngờ ý nghĩa của quả dưa thôi mà lại thâm thúy đến thế”.

Ăn dưa lấy hên xong, tôi đi ngủ và hồi hộp chờ sáng mùng một để đi hái sung bày lên bàn thờ tổ tiên bổ sung vào “cầu, dừa, đủ, xoài” . Theo tục tệ vùng tôi thì sáng sớm mùng một ai là người hái sung thì người đó sẽ sung túc cả năm. Do đó tôi cứ mong trời nhanh sáng. Nhưng tôi chỉ hái được một hay hai lần gì đó thôi.

“Hai ơi, dậy đi hái sung không này?”-Tiếng nhỏ em giục vội

“Ò…ừ…trời còn tối thui thế này mà, chờ tí đi”-Tôi nói mà mắt vẫn không mở lên nỗi

“Hai không đi em đi một mình à”-Nhỏ em buồn giọng

“Mệt mày quá, đi thì đi đi cho tao ngủ cái coi”-Tôi nói rồi lại lăn ra ngủ…

Cuộc sống ở Sài Gòn đã thay đổi đồng hồ sinh học của tôi mất rồi, tối thì thức thật khuya, đến khi mặt trời mọc tụ bao giờ mới dậy, bữa nào học sớm mới dậy sớm được tí. Học tín chỉ nên tôi đăng kí học trễ một chút để được “nướng” vào buổi sáng cho nên khi về nhà khó có thể thay đổi thói quen này được mà tôi lại rất lười nữa chứ.

Sáng mở mắt ra hương nhang thơm thoang thoảng trong nhà. Ba đang cúng ông bà, mẹ thì dọn bữa cơm gia đình, hai em tôi thì chí chóe với nhau bộ quần áo đẹp và chờ được lì xì mừng tuổi. Lúc đó cảm giác yên bình lắm. Dù lớn rồi nhưng tôi cũng không khác gì tụi nó, cũng thích diện quần áo đẹp và được nhận lì xì nhưng “tôi đã lớn rồi cơ mà..”

Tôi ra trước nhà ngắm nhìn mọi mật xung quanh thật lâu thật lâu. Đặc biệt là mười cây mai ba trồng trước nhà đang khoe sắc vàng rực rỡ để kịp ghi nhớ mọi thứ đẹp đẽ này.

Hít thở không khí mang tên “khí tết”, người như đang lâng lâng đến khó tả, một chút xúc động nghẹn ngào vì …Mùa xuân mới, năm mới thì ba mẹ tôi, nội ngoại tôi, người thân tôi ai cũng sẽ già đi một tuổi . Họ không thể bên tôi mãi được, rồi lại nghĩ tới viễn cảnh sau khi học xong mình phải ra trường đi làm, rồi sẽ có gia đình, sẽ rất bận rộn không còn được nũng nịu bên ba mẹ nữa và sau tết mình sẽ lại trở vô Sài Gòn học, mọi người sẽ lao vào cuộc sống vất vả thường ngày.

Vì thế nên tôi chỉ thích những ngày gần tết thôi chứ không thích tết đến. Cũng như Xuân Diệu đã từng nói “xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”

Nhà nội tôi là điểm đến thú vị nhất, sáng mùng một nội sẽ ngồi trên chiếc ghế quen thuộc trong nhà, tay cầm sẵn xấp bao lì xì rồi (Gia đình dòng học tôi khá đông và ở gần nhau nên con cháu cũng không phải ít).

Sáng mùng một đám con nít từ nhỏ tới lớn xếp hàng chúc nội xong lại cầm trên tay bao lì xì xinh xắn, nhìn vui ứ chịu nổi. Tôi ngồi cắn hạt dưa nghe tụi nó chúc mà cười đau cả ruột “Cách đây mấy năm mình cũng như thế”. Những lúc ấy tôi chỉ muốn thời gian ngừng trôi đi, tôi muốn được nhìn ngắm lũ trẻ con ấy và muốn được mãi thấy nội mạnh khỏe.

Tôi cũng không quên dành phần mừng tuổi cho mấy đứa em và cháu trong nhà. Trước tết, tôi đã đi đổi rất nhiều tiền mới với những giá trị khác nhau cho vào bao lì xì và lập ra cái trò gọi là “mumber of lộc” mới ghê.

Sau đi ấy bé đã có mặt, tôi bắt phải chúc câu gì thật hay cho tôi nghe, sau đó chìa ra một sấp bao lì xì cho mấy đứa chọn, mặt đứa nào đứa nấy căng thẳng thấy mà thương khi tôi nói “Ai hên thì được nhiều tiền lắm đấy, ít hên hơn thì phải chịu, không khóc la so bì gì nhé, giá trị cao nhất là hai trăm nghìn và giá trị thấp nhất là hai nghìn, còn lại là các mệnh giá khác, cẩn thận đấy nhé”…

Trò này đã làm cho những người lớn ở nhà dở cười, nói thì nói vậy thôi chứ đứa nào rút bao hai nghìn hay năm nghìn mặt mày bí xị cứ đòi rút lại, đứa nào được bao tốt thì khuôn mặt mang đúng chất “xuân”…

Sau khi ghé nhà nội xong, cả đám sẽ kéo qua nhà cô tôi, bác tôi, rồi nhà tôi,mấy cô ai cũng chuẩn bị cả rồi… “Nhớ tuổi thơ quá đi mất!”

Hai mươi tuổi đầu rồi nhưng tôi vẫn còn được nội, ba mẹ và các cô chú lì xì mừng tuổi cho vì “tôi là sinh viên nghèo mà ^^” tiền mừng tuổi lớn dần theo số tuổi nữa là đằng khác.

“Nhận đi! Chừng nào lấy chồng thì nội không lì xì nữa”-Nội nói khi tôi ngượng ngùng nhận bao lì xì (lớn rồi ai lại đi nhận lì xì nữa ^^)

Những ngày tết tôi không muốn ra đường nhiều, tôi muốn giành thời gian ờ bên gia đình nhiều hơn vì xa nhà quá lâu tôi phải quý trọng từng giây phút được ở bên cạnh người thân của mình.

Và rồi thấm thoát những ngày tết cũng sẽ trôi đi, tới ngày tôi sẽ phải vác ba lô lên đường chinh phục ước mơ của mình, tạm rời gia đình, quê hương.

Biết là ra đi rồi cũng sẽ có lúc về thôi, nhưng tôi vẫn không kiềm được những giọt nước mắt cứ chực chờ trào ra khỏi mi và lăn xuống má.

Đời sống bây giờ đã ngày càng hiện đại, những nét đẹp truyền thống đang mất dần đi, cái tết cổ truyền dần mất đi hương vị nồng ấm quen thuộc.

Có những người mong muốn trở về đoàn tụ gia đình ngày tết nhưng cũng có người có lẽ vì quá bận rộn đã trở nên thờ ơ với những cái tết nơi quê nhà vì những vẻ đẹp hào nhoáng., bóng bẩy và nhộn nhịp trên thành phố, quên đi nồi măng kho, bánh chưng củ kiệu, nồi thịt kho trứng,… và quên rằng ở chốn quê nghèo ấy vẫn có người mỏi mòn chờ họ.

Hôm nay tôi gọi về nhà.

“Mẹ ơi, nhà mình có đóng cốm, làm bánh chưa mẹ?”

“Không đâu con, ngoài chợ ngoài quán bán đầy, mua cho rồi làm chi cho mệt”

Thế đấy, không biết trong những năm tới tết cổ truyền sẽ như thế nào đây nữa?!
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top