Mẹ, con và ước mơ không tắt

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Sáu mươi chín tuổi, ngày ngày bà vẫn lủi thủi trên cánh đồng gay gắt nắng, bì bõm dưới sông sâu, làm lụng vất vả để nuôi con, nuôi cái ước mơ trở lại bục giảng của đứa con trai còn quá tha thiết với nghề.
Người mẹ

me-con.jpg

Thầy Tuấn phụ mẹ chăn đàn vịt

Ở cái tuổi mà nhiều người đã được nghỉ ngơi, nhìn con cháu trưởng thành thì bà vẫn phải đầu tắt mặt tối. Hôm chúng tôi đến thăm, đã quá giờ cơm trưa, bà vẫn còn áo rách vai, quần ống thấp ống cao ngoài ruộng. Trò chuyện dăm ba câu, không kịp têm miếng trầu mới, bà lại tất tả ra sông, đi vớt lục bình. Bà bảo, tranh thủ lúc nước còn lớn, bà vớt để tối về chẻ ra, trộn cám cho vịt ăn, đỡ tốn tiền mua lúa.

Chị Quýt, một người hàng xóm, thay bà trò chuyện với chúng tôi. Chị bảo: “Tội nghiệp bác Tám sáng giờ chưa cơm nước gì! Từ hồi thầy Tuấn (thầy giáo Lê Thanh Tuấn, giáo viên trường THPT Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An- PV) bị tai nạn đến giờ, thầy đâu có làm được việc gì, bác Tám cực lắm. Nhà có con gà mái đẻ, có trứng thì bác kho trứng, hái rau tập tàng về chấm ăn, bữa nào dư dư, bác mua hộp cá mòi, mấy con cá khô để dành. Hai mẹ con bác giờ sống nhờ hai công rưỡi ruộng này với mấy con gà và bầy vịt, chứ chẳng có tài sản gì đâu.

Bác Tám giấu, sợ thầy Tuấn biết rồi lo chứ bác còn nợ ngân hàng nhiều. Bác vay để lo cho thầy Tuấn đi học lúc trước, rồi vay để lo tiền bệnh viện khi thầy bị tai nạn, hồi bác trai bệnh ung thư. Kiểu này, chắc tới chết, bác cũng không trả nổi…”.

Cứ nhắc đến con trai mình là bà khóc. Tuấn là đứa con mà bà kỳ vọng nhiều nhất. Trong tám đứa con của ông bà, Tuấn cao lớn, khỏe mạnh và thông minh hơn cả. Nhà nghèo, ông bà vay mượn khắp nơi để nuôi con ăn học. Mừng con ra trường, đi dạy chưa tròn ba tháng thì một chiều nọ, bà ngã gục xuống bờ đê khi người ta đến báo tin con bà trên đường đi dạy về bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não.

Bà ngậm ngùi nhớ lại: “Lúc đó, chừng bình tĩnh lại, tui mới biết mình không có đồng nào trong túi, tui lật đật chạy đi mượn tiền của hàng xóm, ra tới chỗ nó bị tai nạn, người ta nói đã chở lên bệnh viện tỉnh. Ra bệnh viện tỉnh, người ta kêu chở lên Sài Gòn rồi. Tui tưởng mất nó rồi. Phước đức, nó còn sống được...”.

Còn nước còn tát, ông bà chạy khắp nơi vay mượn để chữa trị cho con. Con chưa kịp khỏe lại thì ông cũng cạn sức, bỏ bà ở lại một mình để về với đất khi phát bệnh ung thư chỉ vài tháng. Vậy là chỉ còn mình bà với đứa con trai tật nguyền. Bà không làm nuôi anh thì ai làm?

Người con

me-con-1.jpg
Thầy Tuấn nỗ lực tập luyện hồi phục tay chân bằng dụng cụ tự chế.​

Đã có lúc, anh ước mình có thể chết đi. Chết để không nặng nợ mẹ cha, để không phải mặc cảm vì những khiếm khuyết sau tai nạn, để không phải trào nước mắt vì bất lực trước những công việc mà trước đây anh thực hiện thật dễ dàng. Giữa những cơn tỉnh mê, anh biết mình không thể nào trở lại bình thường. Nhưng chết cũng đâu có dễ! Ngay những lúc muốn rời bỏ cuộc đời, người thầy giáo giảng dạy bộ môn thể dục thể thao ấy cũng không đủ sức để hủy hoại bản thân mình.

Những lúc anh nản chí nhất thì người mẹ lam lũ lại ở bên anh, lặng lẽ chăm sóc và động viên anh gắng gượng mà sống với bà. Vậy thì đành phải sống! Sống làm sao để không trở thành gánh nặng của mẹ cha và hơn hết, trong sâu thẳm lòng mình, anh biết, anh còn phải sống để nuôi cái khát vọng trở lại với nghề. Anh bảo, khi khỏe lại, anh sẽ thi và chọn các bộ môn ít vận động như văn, sử… để học và giảng dạy. Có lẽ, đó chính là động lực giúp anh kiên trì tập luyện và chấp nhận những khiếm khuyết của cơ thể mình.

Mẹ anh kể: một lần nọ, sau khi từ bệnh viện về không lâu, anh xin bà mấy chục ngàn rồi nhờ bà đi mua về năm chiếc lò xo lớn. Ban đầu, bà cũng không biết anh muốn làm gì nhưng chiều con, bà cũng mua về. Đến lúc thấy con mình nhễ nhại mồ hôi, một tay, một chân, khó nhọc nối những chiếc lò xo lại với nhau bằng vải vụn, móc lên cột nhà và trân mình ra tập luyện, bà mới chảy nước mắt. Bà lẳng lặng mua cho anh thêm chiếc tạ tay nhỏ xíu…

Có những đêm không ngủ được, bà dậy lúc nửa đêm, bất chợt nghe con mình lệt quệt tập bước đi ngoài cửa trên chiếc chân từ lâu không thể nào cử động được, để rồi không ít lần, bà lật đật dìu con vào nhà, nhìn chân con chảy máu, tím bầm. Những lúc ấy bà chỉ ước gì mình gánh nạn thay con, bà ước gì mình đừng nghèo, đừng mắc nợ, bà sẽ lo cho con được đi tập luyện để mau bình phục, để còn đi dạy nuôi bà. Sức bà giờ có khác gì ngọn đèn trước gió…

Ước mơ không tắt

Nắng chiều soi bóng người mẹ gầy gò, hanh hao nghiêng trên bờ ruộng. Thỉnh thoảng, tiếng ho lục cục của bà lại phát ra trên cánh đồng. Thấp thoáng trước hiên nhà xiêu vẹo, bóng người con khập khiễng, bước thấp bước cao xách giỏ đi hái rau lang cho bầy thỏ mới nuôi. Lát nữa, anh sẽ cho vịt ăn rồi tối đến sẽ đi bắt sâu thanh long. Bán số thỏ này, dành dụm, mua thêm ít dụng cụ tập luyện. Rồi vài năm nữa, đến khi thanh long ra trái, anh sẽ có chút tiền để đi học lại.

Bà bảo, không biết đến ngày đó, bà còn sống để nhìn thấy con trai út của mình thực hiện ước mơ. Không biết, đến ngày đó, bà có trả hết số nợ vay? Thôi thì giấu con được đến bao lâu, bà cũng sẽ giấu, bà sẽ ráng chạy lo, để anh yên tâm luyện tập, học hành. Làm mẹ, bà chỉ ước ao một điều: “Cực mấy tui cũng chịu, miễn sao nó hết bệnh, tay chân nó như người ta, nó đi dạy lại là tui mừng!”.

Bà cười nhăn nheo, tháo chiếc khăn rách bươm lau bùn trên mặt. Mấy cây hoa bà cụ sáu chín tuổi mới trồng rung rinh trong gió tết.

Theo Bích Uyên
Sài Gòn tiếp thị
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top