Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Mấy nét vê quan điểm lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không thể không tìm hiểu quan điểm “lấy dân làm gốc” của Người. Vì đó là cái “gốc” làm nên nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh, là xuất phát điểm của mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, đó cũng là cơ sở mà cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng lãnh đạo xã hội cần phải dựa vào để rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của mình.
Thực ra, quan điểm “lấy dân làm gốc” (dĩ dân vi bản) là dòng tư tưởng tiến bộ của Nho gia thời Xuân Thu - Chiến Quốc (722-221 trước CN) của nước Trung Hoa cổ đại. Những đại biểu lỗi lạc của dòng tư tưởng này là: Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử. Tư tưởng, quan điểm của họ chủ yếu được thể hiện trong các tác phẩm Nho học kinh điển như tứ thư (Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung và Mạnh Tử) và ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu và Kinh Dịch).
Tìm hiểu quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy có những điểm tương tự với quan điểm trên đây của Nho gia. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Người được tiếp thu một nền giáo dục Nho học từ người cha, một nhà nho có khí phách là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929). Nhưng so với tư tưởng của Nho gia thì quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm khác về căn bản. Trước hết nói về những điểm gặp nhau giữa Nho gia và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan điểm “lấy dân làm gốc”.
Điểm thứ nhất là thái độ quý trọng dân, thấy được sức mạnh to lớn của dân. Về điều này, Mạnh Tử đã có câu nói lịch sử: “Dân là quý, sau mới đến xã tắc, vua thì xem nhẹ” (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Tuân Tử cũng có câu nói rất nổi tiếng: “Vua là thuyền, dân là nước, nước chở thuyền, nước cũng lật thuyền” (Quân giả chu dã, thứ dân giả thủy dã, thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu). Từ đó, Nho gia thấy được một điểm hết sức quan trọng là: “Dân là gốc nước, gốc vững, nước yên” (Dân duy bang bản, bản cố, bang ninh). Điều đó được nói trong sách Kinh Thi. Hoặc: “Đường lối được dân chúng thì được nước, mất dân chúng thì mất nước” (Đạo đắc chúng tắc đắc quốc, thất chúng tắc thất quốc). Điều đó được nói trong sách Đại Học (1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có quan điểm tương tự như Nho gia, khi Người nói: “Trong bầu trời không có gì quý hơn bằng nhân dân. Trong thế gian không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (2).
Điểm thứ hai: quan tâm đến đời sống của dân. Nho gia yêu cầu các bậc trị quốc phải bảo đảm cho người dân có đời sống tối thiểu để họ: “ngẩng lên đủ để phụng dưỡng cha mẹ, cúi xuống đủ để nuôi sống vợ con” (sử ngưỡng túc dĩ sự phụ mẫu, phủ cập, dĩ sức thê tử) (3). Muốn vậy, người dân phải có “thu nhập ổn định” (hằng sản) đủ để sống. Nếu trên nét mặt người dân có sắc đói là trách nhiệm của kẻ cầm quyền. Đó là quan điểm tiến bộ của Mạnh Tử.
Đây cũng là quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi người xác định trách nhiệm của Đảng và Chính phủ trong việc đề ra và thực hiện các chính sách: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”(4).
Điểm thứ ba: phải gần dân, đối xử đúng mức với dân. Kinh Thư viết: “Đối với dân nên gần, không nên coi là thấp hèn” (dân khả cận, bất khả hạ). Khổng Tử nhắc nhở những người cầm quyền: “Sai khiến dân phải cẩn thận như điều hành một cuộc tế lễ lớn” (Sử dân như thừa đại lễ).
Tác phong gần gũi nhân dân là nét tính cách tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác hay đi thăm hỏi đồng bào, tìm hiểu đời sống của nhân dân ở nhiều địa phương. Tác phong gần dân của Bác còn thể hiện ở cuộc sống giản dị của Người. Là Chủ tịch nước, nhưng từ chỗ ở đến cách ăn mặc và sinh hoạt hằng ngày của Người không có sự khác biệt bao nhiêu so với người dân bình thường. Bác luôn giáo dục cán bộ, đảng viên không được có tác phong quan liêu, cuộc sống quan cách xa rời nhân dân.
Điểm thứ tư: lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc). Đây là một phương châm sống cao thượng của những nhà nho chân chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện quan điểm này trong toàn bộ hoạt động cũng như đời sống của Người. Bác chăm lo cho tất cả mọi người nhưng không bao giờ đòi hỏi đãi ngộ cho riêng mình. Làm việc gì, sống như thế nào, bao giờ Bác cũng nghĩ đến dân trước hết.
Trên đây là mấy nét tạm gọi là điểm chung giữa Nho gia và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan điểm “lấy dân làm gốc”. Sau đây xin đề cập đến những điểm khác nhau.
Điểm thứ nhất: thái độ đối với người dân, nhất là người lao động chân tay và cách sống gần dân.
Nho gia miệt thị người dân lao động. Về trí tuệ, họ xếp con người thành hai loại: thượng trí và hạ ngu. Thượng trí là bọn cầm quyền, bọn “quân tử”. Hạ ngu là người dân lao động. Họ cho rằng hai loại người này do số phận an bài nên không bao giờ thay đổi (Duy thượng trí hạ ngu bất di). Trong xã hội, họ phân biệt nghề sang, nghề hèn. Họ đề cao lao động trí óc bằng quan điểm: “Vạn cái nghề đều thấp hèn, duy chỉ có đọc sách là cao cả” (vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao).
Ngược lại với quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tôn trọng nhân dân. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn luôn học hỏi nhân dân, học tập kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng, coi nhân dân là người thầy của mình. Người tôn trọng tất cả mọi người, tất cả các nghề trong xã hội. Người nói: “Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm cũng vẻ vang như nhau”(5).
Nho gia khuyên những người cầm quyền “nới nhẹ sức dân”, “thương dân”. Điều đó có thể là tích cực, nhưng vẫn thuộc cử chỉ của người trên, của người “chăn dân”, của những ông “quan phụ mẫu”. Về điều này, sách Kinh Thi viết: “Vui thay bậc quân tử là cha mẹ dân” (Lạc chi quân tử, dân chi phụ mẫu). Sách Đại Học viết: “Dân thích điều gì, người thích điều ấy; dân ghét điều gì, người ghét điều ấy, thế mới là cha mẹ dân” (Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi, thử chi vị dân chi phụ mẫu) (6). Sách Trung Dung cũng cho rằng: “Thương dân như con thì khuyến khích được trăm họ” (Tử thứ dân tắc bách tính khuyến) (7).
Ngược lại với quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cho rằng, những người cầm quyền trong xã hội là “người đầy tớ của nhân dân”. Người nói: “Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều là sự phân công làm đầy tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất” (8). Trong Di chúc, Người viết: “Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người còn cho rằng: cán bộ, đảng viên thương dân chưa đủ mà còn phải hiếu với dân, như con cái giữ tròn chữ hiếu đối với cha mẹ.
Về cách sống “gần dân”, Nho gia nói “dân khả cận”. Nhưng vua chúa, quan lại phong kiến sống trong lầu son gác tía, mấy khi người dân đen thấy “mặt rồng”, mặt “quan phụ mẫu”. Chúng sống một cuộc đời vương giả đầy nhung lụa và yến tiệc. Trong khi đó người dân sống trong bần hàn, cơ cực.
Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi người như người cha, người bác, người anh gần gũi. Bác ở trong căn nhà sàn giản dị, Bác cũng dùng món ăn dân dã trong bữa cơm, Bác đi dép cao su như mọi người dân lúc đó. Bác thường mặc bộ ka ki bạc màu khi đi công tác, kể cả đi nước ngoài, mặc áo nâu như một lão nông khi ở nhà. Có lúc Bác mặc áo vá.
Một lần, mấy cán bộ gần Bác băn khoăn về chuyện này, Bác nói: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mà mặc áo vá vai như thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi” (9). Câu nói thật sâu sắc và cảm động. Không biết hiện nay “cái phúc ấy” còn bao nhiêu cán bộ lãnh đạo giữ lại được để cho dân nhờ? Tất nhiên, hiện nay đời sống của nhân dân đã được cải thiện nhiều thì cán bộ không nhất thiết cứ phải mặc áo vá. Điều Bác muốn nói là: cán bộ lãnh đạo mà biết sống giản dị, tiết kiệm, trong sạch, biết nghĩ đến dân và vì dân mà sống thì đó là cái phúc của dân.
Điểm thứ hai: mục đích “lấy dân làm gốc”.
Mục đích của Nho gia là để làm dịu mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và tầng lớp bị trị, nhất là ở thời đại nhà Chu mâu thuẫn giữa dân và giai cấp quý tộc rất gay gắt. Giai cấp thống trị mong muốn, nếu người dân được “bề trên” “quan tâm” thì yên bề ở vị trí nô lệ của mình, không đụng chạm đến quyền lợi, địa vị của chúng.
Ngược lại, mục đích thực hiện quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để giải phóng người dân thoát khỏi tình trạng bị nô lệ về chính trị, bị kiệt quệ về kinh tế, bị tối tăm về tinh thần, tư tưởng, văn hóa, giáo dục do xã hội cũ gây nên. Người nói: “Tôi chỉ có ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (10).
Điểm thứ ba: sự hiện thực hóa quan điểm “lấy dân làm gốc”.
Quan điểm của Nho gia chủ yếu có ý nghĩa trên diễn đàn, học thuật, không được giới cầm quyền đương thời thi hành, vì đụng chạm đến quyền lợi của chúng. Về mặt vật chất, người dân vẫn sống trong bần hàn, đói rách, vì bị bóc lột thậm tệ. Họ đâu có được “hằng sản” (thu nhập ổn định) đủ để sống, như Mạnh Tử mong muốn. Về tinh thần, tuyệt đại bộ phận người dân sống trong ngu dốt. Hưởng thụ văn hóa, giáo dục là đặc quyền, đặc lợi của giai cấp thống trị. Đâu có như Khổng Tử mong muốn là “hữu giáo vô loại” (có một nền giáo dục không phân biệt đẳng cấp).
Ngược lại, quan điểm “lấy dân làm gốc” hay lý tưởng sống vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện bằng chính hoạt động của Người. Người không chỉ nói mà còn làm. Người suốt đời phấn đấu không ngừng cho lý tưởng đó. Người đã tổ chức, lãnh đạo nhằm phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân trong các giai đoạn của cách mạng và đã đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đời sống chính trị cũng như đời sống kinh tế và văn hóa - giáo dục của nhân dân ta không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Trên đây, chúng tôi đã điểm qua mấy nét về sự giống và khác nhau giữa quan điểm “lấy dân làm gốc” của Nho gia và quan điểm “lấy dân làm gốc”của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sở dĩ có sự giống nhau là vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa những yếu tố tích cực trong tư tưởng của Nho gia. Còn có sự khác nhau mà khác là căn bản, vì những lý do sau đây:
Nho gia đứng trên lập trường của giai cấp bóc lột. Tư tưởng cũng như những triết luận của họ có tính chất an dân, nhằm điều hòa mâu thuẫn giai cấp, bênh vực quyền lợi và địa vị bọn thống trị. Người dân an tâm với những thu nhập “ổn định” (hằng sản) không tưởng và do đó cũng an tâm (hằng tâm) ở địa vị nô lệ của mình.
Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lập trường của giai cấp công nhân. Người bênh vực cho quyền lợi của nhân dân lao động. Cơ sở tư tưởng của Người là chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết về cách mạng, xóa bỏ áp bức giai cấp, đưa người dân từ địa vị nô lệ, bị áp bức bóc lột thành chủ nhân của xã hội mới. Một xã hội được xây dựng trên cơ sở bình đẳng giữa người với người và mục tiêu lý tưởng của xã hội đó là mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Trên đây là một số điểm cơ bản về quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã nêu lên trong sự so sánh tương đối với tư tưởng của Nho gia. Từ những suy nghĩ trên đây, chúng tôi mong muốn một điều là: phương thức để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là thi tìm hiểu có tính chất sách vở, hoặc thi kể chuyện về Người, mà chủ yếu là bằng hành động cụ thể của mỗi người.
Đáng tiếc là, hiện nay một bộ phận cán bộ đang làm ngược lại những điều Bác răn dạy về phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng. Họ quan liêu, quan cách, chứ đâu phải “gần dân” để lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân. Họ sống xa hoa, phè phỡn thậm chí vương giả bằng những nguồn thu nhập bất chính (bổng lộc quá đáng, tham nhũng…) trong khi còn nhiều người dân chưa thoát khỏi đói nghèo. Những đức tính như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư – những nét tính cách tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã dần dần xa lạ đối với họ.
Rất mong, qua những đợt vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như thế này, những hiện tượng quan tham, quan cách sẽ bị thanh lọc dần, để mỗi người cán bộ, đảng viên đúng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân” như Bác mong đợi. Và như vậy, việc tìm hiểu quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người không chỉ dừng lại ở diễn đàn, học thuật mà được các lực lượng lãnh đạo xã hội thực hiện có hiệu quả trên mọi lĩnh vực đời sống của nhân dân ta
(Vũ Văn Dân)
--------(1) Đại học, Nxb Khoa học Xã hội, 1991 tr.119
(2) Báo Nhân dân ngày 21-5-1990
(3) Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử triết học phương Đông tập II Nxb T.p Hồ Chí Minh, 1991 tr.61
(4) Thế hệ trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, Trung ương Đoàn ấn hành, 1986 tr.32
(5) Sđd tr.32
(6) Đại học, Nxb Khoa học Xã hội, 1991, tr.117
(7) Trung Dung, Nxb Khoa học Xã hội, 1991 tr.181
(8) Thế hệ trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, Trung ương Đoàn ấn hành, 1986 tr.35
(9) Sđd, tr.136
(10) Sđd tr.105