"Màu tím hoa sim", bài thơ đau thương nhất thế kỷ

hoang chau

New member
Xu
0




(Nhà thơ Hữu Loan)

Một buổi chiều cuối tháng giêng. Cùng với vài người bạn, chúng tôi trở lại quê nhà. Trong ánh nắng đượm vàng cuối ngày, bất chợt, tôi nghe lại bài thơ "Màu tím hoa sim" của thi sĩ Hữu Loan. Với giọng khàn đục của một người đàn ông từng trải, bài thơ được đọc lên chậm rãi:

"Nàng có ba người anh đi bộ đội

Những đứa em nàng
Có em chưa biết nói ..."

Mọi người ngồi hôm ấy đều ngồi trầm ngâm, xúc động.

Lâu lắm rồi, hơn 60 năm, kể từ ngày người vợ bé bỏng chiều quê của thi sĩ miền Nga Sơn - Thanh Hoá ra đi mãi mãi, dể lại nỗi thương đau tận cùng của một cuộc tình định mệnh và đầy nghiệt ngã. Tôi bồi hồi nhớ lại...


Tình yêu thời chiến chinh


Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 14-6-1919 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 24 tuổi, Hữu Loan rời quê nhà lên Thanh Hóa dạy học. Lúc bấy giờ, ở Thanh Hóa có cửa hàng bán vải và bán sách của bà Tham Kỳ (tên thật là Đái Thị Ngọc Chất), vợ của ông Lê Đỗ Kỳ, kỹ sư canh nông, có thời làm Tổng Thanh tra Canh nông Đông Dương). Những ngày tháng xa quê, Hữu Loan thường ghé lại quán xem và mua sách.
Hữu Loan được ông bà Lê Đỗ Kỳ mời về dạy học. Gia đình ông bà có 3 người con trai, sau này đều gia nhập quân đội :
"Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh ..."
Ngày ấy, ông 26 tuổi, đêm đầu tiên đến nhà, bà Kỳ đã hạ sinh một đứa con gái, cô bé ấy sau này mắt luôn mở to nhìn ông không dứt, đó chính là cô em gái của cô Lê Đỗ Thị Ninh, lúc đấy mới 10 tuổi. Hữu Loan và Ninh rất thân nhau, ông xem cô như em gái và cô cũng rất quý mến ông :
"...Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo mới..."
Sau đó, Hữu Loan rời Thanh Hóa lên Hà Nội thi Tú tài và đỗ hạng ưu, người Pháp muốn mời Hữu Loan vào làm thư ký ở Phủ Toàn quyền với lương rất cao nhưng do không thích Pháp nên Hữu Loan quay trở lại nghề dạy học. Cô Ninh càng lớn, càng nết na và xinh đẹp, một vẻ đẹp thánh thiện. Mặc dù gia đình rất giàu, có 500 mẫu ruộng và gần năm chục người làm nhưng riêng quần áo của Hữu Loan cô không cho người làm đụng đến mà tự tay giặt ủi, xếp và cất vào tủ. Bà Chất rất quý mến ông, có ý định gả cô em gái xinh đẹp tên Nga cho ông, nhưng Nga lại không thích vương vấn chuyện đời,mu ốn xuất gia theo đạo nên bà lại đổi ý,gả con gái mình cho Hữu Loan. Ông nhớ lại : "Lúc đấy có bao giờ tôi nghĩ chuyện tình yêu với Ninh, tôi hơn cô ấy đến 16 tuổi, lại xem cô ấy như em gái nuôi"
Hữu Loan kể, lần đầu tiên tôi tới nhà, bà Chất phải gọi mãi cô bé Ninh mới chịu ra khoanh tay chào thầy, miệng nói lí nhí:
-Em chào thầy ạ!
Chào xong cô bé bất ngờ mở to mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là từ hôm ấy, tôi dạy em đọc, viết. Em là một cô bé thông minh, ít nói và mỗi lần mở miệng là giống y như một "bà cụ". Có lần tôi kể chuyện này cho hai người anh của em nghe. Không ngờ câu đùa ấy đến tai em. Thế là em dỗi! Suốt một tuần liền, em nằm lì ở buồng trong, không chịu học hành. Trước đó, hằng ngày em vẫn chăm sóc tôi một cách rất thầm kín. Lúc thì đặt vào góc mâm chỗ tôi ngồi ăn một vài quả ớt đỏ au em vừa hái ở vườn, lúc thì quả chanh mọng nước... Những buổi trưa hè, khi tôi ngủ trưa, em lén lấy chiếc áo sơ mi trắng của tôi treo ở góc nhà đem ra giếng giặt".
Một hôm, em nằng nặc đòi tôi đưa em lên khu rừng thông. Tôi sợ em lại dỗi nên đánh liều xin với ông bà cho đưa em lên núi chơi. Xe kéo chạy chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc. Tôi đuổi theo em đến đứt cả hơi. Lên tới đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi:
-Thầy ngồi xuống đi!
Tôi ngồi xuống bên em. Chúng tôi cứ ngồi như thế và im lặng bên nhau. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tít tận chân trời, không hiểu lúc đó em nghĩ gì. Bỗng em hỏi tôi:
- Thầy có thích ăn sim không?
Tôi nhìn xuống sườn đồi, tím ngắt một màu sim. Em đứng lên và đi xuống. Tôi mệt quá và nằm thiếp đi trên thảm cỏ... Khi tỉnh dậy, tôi thấy em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen nhánh, chín mọng.
- Thầy ăn đi!
Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng, trầm trồ
-Ngọt quá !
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt đến thế. Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này tới quả khác. Tôi ngước nhìn em, em cười. Hai hàm răng và đôi môi em đỏ tím, hai bên má cũng đỏ tím một màu sim. Tôi phá lên cười, em cũng cười theo...

Hạnh phúc mong manh


Hữu Loan hồi tưởng...
Cuối mùa đông năm ấy, tôi lên đường đi kháng chiến, làm Chính trị viên tiểu đoàn ở sư 304 của tướng Nguyễn Sơn.
Hôm tiễn tôi, em cứ theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Lên đến bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim vẫy tôi. Tôi lại đi và nhìn lại cho tới khi không còn nhìn thấy em nữa.
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi có nhận được tin tức từ quê lên, tôi biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Chín năm sau, tôi trở lại nhà... Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều nhưng em không nói, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em bây giờ đã là một cô gái xinh đẹp. Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Đám cưới thật đơn sơ:
"...Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi ..."
Hạnh phúc ngọt ngào. Hai tuần phép của tôi trôi đi nhanh quá !
Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi tám năm về trước em đã đứng. Chỉ có điều giờ đây em không còn là cô bé Ninh nữa mà đã là người bạn đời, người vợ yêu quý của tôi. Tôi đi và quay đầu nhìn lại... Nếu như tám năm về trước, khi nhìn lại, tôi chỉ cảm thấy cô quạnh, một nỗi sầu man mác thì lần này tôi thực sự đau buồn. Đôi chân tôi không đứng nỗi và em cũng như quỵ xuống. Tôi đâu ngờ, đây là lần chia tay cuối cùng...

Dòng sông định mệnh


Ngày 29/5/1948, một ngày định mệnh, Ninh đưa quần áo ra giặt ở sông Chuồng (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống). Đoạn sông này gần đổ ra biển nên nước chảy xiết. Buổi trưa bà Chất rủ cô Ninh ra tắm nhưng cô đã tắm buổi sáng nên mang quần áo ra giặt. Đang giặt, Ninh bỗng trượt chân, chới với giữa dòng nước hung dữ , bà mẹ quay lại chỉ thấy tóc con mình xõa trên mặt nước. Ba ngày sau, rất kỳ lạ, xác cô Ninh mới nổi lên không xa bến nước bao nhiêu trong khi nước ở nơi này chảy rất mạnh. Có người nói do cô bị kẹt ở dưới đáy, có người bảo cô Ninh vương vấn gia đình nên không muốn đi xa...
Ninh chết trong khi đang mặc chiếc áo màu tím. Dọc bờ sông, dưới chân núi Nưa, nơi cô chết, cũng mọc đầy những hoa sim tím. Thấp thoáng những cánh quân đi qua những đồi sim bạt ngàn. Câu thơ bi hùng:
"...Chiều hành quân
Qua những đồi sim
những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt..."
Ba tháng sau, Hữu Loan nhận được tin dữ, vợ qua đời. Ninh chết quá thảm thương. Ông chạy về đến nơi thì mọi việc đã xong. Mẹ ngồi khóc bên mộ con, chiếc bình hoa trong ngày cưới được mọi người dùng làm bình hương để thờ tự:
"...Chiếc bình hoa ngày cưới.
thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh..."
Chiếc bình đặc biệt ấy, ông Hữu Loan vẫn giữ đến tận bây giờ và được đặt trên bàn thờ cô Ninh cùng với tấm ảnh cô chụp năm lên 10 tuổi. Vào một đêm mưa bão lớn, nước tràn từ mái nhà xuống bàn thờ đã làm hỏng tấm ảnh duy nhất đó.
Ba người anh của cô Ninh mà ông Hữu Loan đã dạy học và đựợc nhắc đến ở ngay đầu bài thơ lúc đấy đang ở chiến trường Đông Bắc. Không hiểu thư từ đi lại khó khăn hay sao mà họ nhận được thư báo tin em gái mất, rồi ít lâu sau mới nhận được thư báo tin người em gái lấy chồng.
Rất ít ai biết được về ba người anh của Ninh, người anh cả Lê Đỗ Khôi là Chính ủy tiểu đoàn, hy sinh chỉ vài giờ trước khi trận Điện Biên Phủ kết thúc. Người thứ hai là Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Phạm Đình Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, còn người anh thứ ba là Lê Đỗ An tức Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn - Phó Ban dân vận Trung ương.
Trở về doanh trại với nỗi đau xé lòng, Hữu Loan như người bị mất hồn. Trong nỗi đau tột cùng, bài "Màu tím hoa sim" được viết ngay bên mộ vợ trên một cái quạt giấy. Bài thơ khóc vợ nổi tiếng của ông được chép tay nhau và lan truyền rất nhanh chóng trong quân đội theo suốt cuộc chiến tranh đầy máu lửa.
Mãi đến những năm 1993, ông thêm một đoạn ở cuối bài thơ. Gần 50 năm sau, lời thơ của ông vẫn ai oán như xưa:
"...Ai hát
vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím
có chiều hoang biết
Chiều hoang tím
tím thêm màu da diết. ..
nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa:
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm. ..!
Màu tím hoa sim tím
Tình tang lệ rớm. ..
Ráng vàng ma và sừng rúc
điệu quân hành
Vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh
vào thăm thẳm chiều hoang màu tím...
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu?
- Áo anh nát chỉ dù. .. lâu!
Phần thêm vào một thời cũng gây xôn xao, có những người thích phần thêm nhưng có người chỉ muốn bài thơ nguyên thủy đã ăn sâu vào tâm khảm. Hữu Loan giải thích rằng việc ông viết thêm chỉ để làm cho rõ thêm ý cuối bài.
Bài thơ đã được các nhạc sĩ miền Nam phổ nhạc. Phạm Duy nổi tiếng với bài "Áo anh sứt chỉ đường tà", còn Dzũng Chinh cũng đã phổ thành nhạc phẩm boléro "Những đồi hoa sim", Duy Khánh với bài "Màu tím hoa sim". Cho dù với phong cách đối ngược nhau hoàn toàn, các bản nhạc đều được rất đông người biết đến.
Khi người ta hỏi Hữu Loan rằng ông thích bài hát nào nhất trong số các bản nhạc trên thì ông chỉ im lặng, ánh mắt nhìn ra vườn, hững hờ:
- Tôi không để ý chuyện người ta phổ nhạc tôi.
Bà Nhu , người vợ sau của ông giải thích:
- Ông ấy không thích bài nào cả, khi phổ nhạc người ta đổi lời mất mấy đoạn rồi.
Và như thế, từ đó đến nay, ông không bao giờ bước chân ra khỏi cổng nhà nữa. Mỗi ngày, ông ra chiếc võng trong vườn, nằm nhìn ngắm các cây cối xung quanh. Gần đây người con út của ông bắt đầu tìm cách sưu tầm lại các bài thơ còn thất lạc của ông, cũng có người đưa trả lại, nhưng chủ yếu do ông Hữu Loan nhớ ra và đọc lại. Không biết bao giờ tập thơ mới xuất bản và có kịp khi ông vẫn còn sống hay không, nhưng tên tuổi Hữu Loan cũng vẫn gắn chặt với Màu tím hoa sim, được xem như một trong những bài thơ tình đau thương nhất của thế kỷ 20.

MÀU TÍM HOA SIM

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

Phần viết tiếp bài thơ của nhà thơ Hữu Loan 50 năm sau...

"...Ai hát
vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím
có chiều hoang biết
Chiều hoang tím
tím thêm màu da diết. ..
nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa:
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm. ..!
Màu tím hoa sim tím
Tình tang lệ rớm. ..

Ráng vàng ma và sừng rúc
điệu quân hành
Vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh
vào thăm thẳm chiều hoang màu tím...

Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu?
- Áo anh nát chỉ dù. .. lâu!

 
thật là cảm động chuyện tình thời chinh chiến ...chủ đề chuyện tình hoa sim tím được nhiều văn nhân nghệ sỉ sáng tác thành cá ca khúc thấm đẫm lòng người ......thật là tuyệt tác bất hủ ...ngoài ra chủ đề về Tha la - xóm đạo cũng là 1 hiện tượng văn thơ, thi ca thời chiến được phổ biến và đi vào lòng người
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top