Mario Vargas Llosa (Nobel Văn chương 2010)

fomasudoi

New member
Xu
0
Vargas Llosa có thể nói là một trong những tiểu thuyết gia lớn của văn chương Mĩ Latin đương đại kể từ thập niên 60 của thế kỉ 20, cùng với Gabriel Garcia Marquez, Carlos Fuentes, Julio Cortázar. Cả bốn người này được mệnh danh là “tứ trụ” của tiểu thuyết Mĩ Latin, họ đã tạo ra “thời kì bùng nổ” của tiểu thuyết Mĩ Latin từ những năm 40 cho đến đầu những năm 70 của thế kỉ trước, thời kì này còn được gọi là “thời kì tiểu thuyết mới của Mĩ Latin”, có công lớn đưa nền văn học Mĩ Latin gây tiếng vang trên thế giới. Cả bốn người đều chịu ảnh hưởng từ những tên tuổi lớn khác như James Joyce, Virginia Woolf, Thomas Mann, Joseph Conrad, William Faulkner và Marcel Proust, cũng như chịu ảnh hưởng khá nhiều từ cuộc Cách mạng Cuba.

Photo: Ulla Montan/Norstedts (nobelprize.org)


Vargas Llosa sinh ngày 28/3/1936 tại Arequipa, thành phố lớn thứ nhì ở Peru
. Được coi là nhân vật nổi trội của văn chương đương đại, Vargas Llosa được nể trọng vì cái nhìn sâu sắc về những vấn đề xã hội, văn hoá, và vì sự tinh xảo trong cấu trúc tác phẩm của mình. Vargas Llosa được người ta biết đến nhiều nhất nhờ vào những tiểu thuyết của mình, trong đó ông kết hợp chủ nghĩa hiện thực với sự thử nghiệm để bộc lộ tính phức tạp của đời sống và xã hội loài người. Năm 1990, ông còn đứng ra tranh cử vị trí tổng thống của Peru, nhưng không thành công. Mặc dù hoạt động chính trị như vậy, nhưng văn chương vẫn là niềm đam mê chính của ông.

Vargas Llosa ban đầu sinh sống và học tập tại Cochabamba, Bolivia, là nơi mà Vargas Llosa có ông của mình làm trong lãnh sự quán Peru. Sau đó, đến năm 10 tuổi Vargas Llosa trở về Peru, và theo học khá nhiều trường tại Peru trước khi gia nhập một trường quân sự tên là Leoncio Prado tại Lima vào năm 1950. Năm 1953, Vargas Llosa theo học văn chương và luật tại trường University of San Marcos cũng ở Lima. Tới năm 1959, Vargas Llosa rời Peru tới thủ đô Madrid của Tây Ban nha để học tiến sĩ tại trường Universidad Complutense de Madrid. Cùng năm đó, tập truyện ngắn Los jefes (The Cubs and Other Stories) của ông đuợc trao giải Leopoldo Alas tại Tây Ban Nha, và cũng trong năm đó thì được xuất bản ở Barcelona. Sau đó Vargas Llosa chuyển đến Paris để làm phóng viên và dạy tiếng Tây Ban Nha, cũng như tiếp tục sự nghiệp viết văn của mình.

Tiểu thuyết đầu tay của Vargas Llosa là cuốn La ciudad y los perros (1963; The City and the Dogs; bản dịch tiếng Anh có tựa là The Time of the Hero) lấy nguồn cảm hứng từ chính những trải nghiệm đau khổ của ông tại trường quân sự Leoncio Prado. Cuốn tiểu thuyết được hoan nghênh nhiệt liệt tại khắp nơi, được dịch ra hơn mười hai thứ tiếng. Tuy nhiên, tác phẩm đó lại gây ra sự phẫn nộ tại quê nhà của ông, và các sĩ quan của trường Leoncio Prado đã đốt sạch hàng ngàn bản in của cuốn tiểu thuyết này.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Vargas Llosa mang tên La casa verde (1966; The Green House) lấy bối cảnh là khu rừng rậm ở Peru, một tác phẩm kết hợp yếu tố huyền thoại với tính quần chúng và tính anh hùng để đưa ra cái hiện thực nhớp nhúa, đau thương và vụn nát của chính các nhân vật. Cuốn tiểu thuyết này cũng mang đến cho ông sự tán thưởng rộng rãi, và đưa ông vào hàng ngũ những nhà văn trẻ xuất sắc. Ông tiếp tục thành công của mình bằng cuốn tiểu thuyết tiếp theo: Conversación en la cathedral (1969; Conversation in the Cathedral), một bản tường thuật mang tính lịch sử về tình trạng suy đồi của cuộc sống tại Peru dưới chế độ độc tài của Manuel Odría. Tác phẩm kế tiếp, tiểu thuyết Pantaleón y las visitadoras (1973; Pantaleón and the Visitors; bản dịch tiếng Anh mang tên Captain Pantoja and the Special Service), là một tác phẩm châm biếm thể hiện sự khinh bỉ của Vargas Llosa đối với thể chế quân sự nước nhà.

Ngoài tiểu thuyết thì Vargas Llosa còn viết sách nghiên cứu phê bình đối với các tác phẩm văn học của Gabriel García Márquez với cuốn García Márquez: Historia de un deicidio (1971; García Márquez: Story of a God-Killer); nghiên cứu về Gustave Flaubert, một tác gia người Pháp của thế kỉ 19, với cuốn La orgía perpetua: Flaubert y “Madame Bovary” (1975; The Perpetual Orgy: Flaubert and Madame Bovary); và nghiên cứu về những tác phẩm của hai triết gia Pháp Jean-Paul Sartre và Albert Camus với cuốn Entre Sartre y Camus (1981; Between Sartre and Camus).

Sau nhiều năm sống luân phiên tại những thành phố lớn như Paris, Lima, London, Barcelona, ông quay trở về Lima vào năm 1974. Năm 1975, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Peru. Kể từ khi trở về Lima, ông làm công việc giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mĩ, khu vực Nam Mĩ, và ở châu Âu. Tập tiểu luận phê bình của ông viết bằng tiếng Anh đã được xuất bản năm 1978.

Tới năm 1981, Vargas Llosa cho ra đời cuốn tiểu thuyết lịch sử dựa trên câu chuyện có thật, mang tên La guerra del fin del mundo (The War of the End of the World). Đây là một câu chuyện về những xung đột chính trị tại Brazil ở thế kỉ 19, phản ánh tình trạng khốn cùng của người nghèo khổ xuyên suốt lịch sử của Mĩ Latin. Tác phẩm này được bán rất chạy tại những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, được công chúng khắp thế giới hoan nghênh nhiệt liệt và được xem như là một kiệt tác của Vargas Llosa.

Năm 1990, Vargas Llosa thất bại trong cuộc chạy đua cho vị trí tổng thống Peru, người chiến thắng lúc bấy giờ là Alberto Fujimori, một kĩ sư nông nghiệp và là con trai của một người di dân Nhật Bản. Kinh nghiệm từ thất bại đó được Vargas Llosa viết trong cuốn hồi kí El pez en el agua: Memorias (1993; A Fish in the Water: A Memoir). Năm 1993, ông trở thành công dân Tây Ban Nha, và được trao giải thưởng danh giá nhất của Tây Ban Nha là giải Cervantes vào năm 1994. Mặc dù có quốc tịch mới, nhưng ông vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết nói về quê hương Peru của mình.

Bất kì một nhà văn nào cũng bị ảnh hưởng nhất định từ những người đi trước, Vargas Llosa cũng không phải là ngoại lệ. Ngay từ khi còn là một thiếu niên thì Vargas Llosa đã rất ngưỡng mộ các tác phẩm văn học của những tác gia lớn như Alexander Dumas và Fyodor Dostoyevsky. Khi là sinh viên, thì ông bị cuốn hút bởi lối kể chuyện phong phú, sâu sắc trong những tiểu thuyết của nhà văn Mĩ William Faulkner, và Faulkner cũng là người mà Vargas Llosa rất ngưỡng mộ. Việc biết đến Willliam Faulkner là điều thiết yếu đối với lối viết thể nghiệm trong nhiều tiểu thuyết của Vargas Llosa, và giúp ông nảy sinh ra ý niệm về cái gọi là “tiểu thuyết tổng hợp” (total novel), đó là ý niệm về việc nỗ lực mô tả thực tại ở càng nhiều khía cạnh càng tốt. Một nguồn quan trọng khác cho lí thuyết về tiểu thuyết tổng hợp của Vargas Llosa là nhà văn Pháp Gustave Flaubert, tác giả của cuốn Madame Bovary (1857). Với Vargas Llosa, lối viết của Flaubert là chìa khoá để đi vào hiểu rõ tiểu thuyết theo chủ nghĩa hiện thực và phong cách hiện đại. Nếu tiểu thuyết là một thể loại nhằm tóm lấy những khía cạnh của thực tại, thì nhà văn nên nỗ lực hết mình để có thể mô tả được tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống bằng một sự đam mê và tin tưởng như nhau, để trở thành một đấng sáng tạo vô hình cho cái cuộc đời hư cấu, trở thành một vị thánh nắm giữ một quyền năng tối thượng đối với cái thực tại đang hiện diện. Cùng thời điểm biết đến Faulkner, thì Vargas Llosa còn bị ảnh hưởng bởi triết gia Pháp Jean-Paul Sartre, với cái cách sử dụng văn chương như là một công cụ theo đuổi sự tận tâm đối với đời sống và chính trị. Một số tác phẩm của Vargas Llosa vào thời gian đầu, như tác phẩm The Time of the Hero, đã thể hiện rõ nét ý tưởng của Sartre rằng vai trò của người viết trong bất kì xã hội nào là phải không ngừng chất vấn cái trật tự xã hội đã tồn tại lâu nay.


Duy Doan.
Sài-gòn,
20101007
.

Tài liệu tham khảo

  • Hacht, Anne Marie and Dwayne D. Hayes, eds. Gale Contextual Encyclopedia of World Literature. Detroit: Gale, 2009.
  • Kristal, Efraín, ed. The Cambridge Companion to the Latin American Novel. New York: Cambridge University Press, 2005.
  • “Vargas Llosa, Mario .”Encyclopædia Britannica. Encyclopaedia Britannica Ultimate Reference Suite. Chicago: Encyclopædia Britannica, 2010.
  • “The Nobel Prize in Literature 2010 – Bio-bibliography”. Nobelprize.org. 7 Oct 2010. <https://nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/2010/bio-bibl.html>
 
Bổ sung thêm tí nữa:
- Vargas Llosa và Garcia Marquez vốn là đôi bạn thân. Nhưng trong một lần gặp tại Barcelona năm 1976, Llosa đã tặng Marquez một cú đấm (nghe đâu là dính dáng tới phụ nữ) và hai người từ mặt nhau. Đây là hai nhà văn trụ cột của trào lưu Văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh.
- Llosa nhiều lần được đề cử giải Nobel, nhưng nhiều lần hụt. Lần này, ông không được đánh giá cao thì lại nhận giải. Giải Nobel văn học cũng có khá nhiều điều tiếng, vì những vấn đề ngoài chuyên môn :|. Rất nhiều nhà văn xuất sắc đã không được nhận vinh dự này: M. Proust, James Joyce, Borges.....
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top