Mạnh Tử

tapchoi82

New member
Xu
0
250px-Mencius_-_Project_Gutenberg_eText_15250.jpg


Mạnh: họ Mạnh. Tử: thầy. Mạnh Tử là thầy Mạnh.

Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, là dòng dõi họ Công Tộc Mạnh Tôn ở nước Lỗ.

Mạnh Tử người gốc ở đất Trâu đời Xuân Thu, thuộc nước Lỗ, nay là huyện Trâu tỉnh Sơn Đông, Trung quốc.

Theo sách Mạnh Tử phả, Mạnh Tử sanh ngày mùng 2 tháng 4 năm thứ 4 đời vua Chu Liệt Vương (372 trước TL) và mất vào ngày 15 tháng 11 năm thứ 26 đời vua Chu Noãn Vương (289 trước TL), thọ 83 tuổi.

. Thời ấu trĩ: (Mạnh mẫu trạch lân).
Theo Liệt Nữ Truyện, năm Mạnh Kha lên 3 tuổi, đã mồ côi cha, nhà nghèo, ở gần nghĩa địa tại chân núi, thấy người ta đào chôn xác chết, lăn khóc, về nhà cậu bé Mạnh Kha cũng bắt chước đào chôn, lăn khóc.

Bà mẹ của Mạnh Kha là Chương thị (về sau gọi là Mạnh mẫu) thấy thế thì nói:

- Chỗ nầy không phải là chỗ cho con ta ở được.

Nói rồi, Bà dọn nhà ra ở gần chợ. Mạnh Kha thấy người ta buôn bán đảo điên, thêm bớt tiền nong, thì cậu bé Mạnh Kha về nhà cũng bắt chước nô nghịch một cách đảo điên như người ở chợ. Mạnh mẫu thấy thế lại nói:

- Chỗ nầy cũng không phải là chỗ cho con ta ở được.

Bà liền dọn nhà đến ở cạnh một trường học. Cậu bé Kha thấy trẻ nhỏ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, tập đọc tập viết. Về nhà cậu bé Kha cũng bắt chước tập lễ phép và cắp sách vở. Bấy giờ Mạnh mẫu mới vui lòng nói:

- Chỗ nầy con ta ở được.

Một hôm, cậu Kha thấy nhà hàng xóm giết heo làm thịt, về hỏi mẹ: - Người ta giết heo làm gì thế?

Mạnh mẫu nói đùa: - Để cho con ăn thịt đấy.

Nói xong Bà lại hối rằng: Ta nói lỡ lời rồi. Con ta còn thơ ấu, trí thức mới mở mang, mà ta nói dối với nó thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối hay sao? Rồi Mạnh mẫu ra chợ mua thịt heo đem về làm cho con ăn thật.

Lại một hôm, Mạnh Kha đi học, bỗng bỏ về nhà chơi. Mạnh mẫu đang ngồi dệt vải trông thấy bèn đứng dậy, kêu con lại rồi cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng:

- Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải nầy mà cắt đứt bỏ đi.

Từ hôm đó, cậu bé Mạnh Kha không dám bỏ học, lại học tập rất chuyên cần, học mỗi ngày một tiến, lại hay tập việc tế lễ.

2. Thời kỳ niên thiếu:

Khi lớn lên, Mạnh Tử theo học với thầy Tử Tư, tức là Khổng Cấp, cháu nội của Đức Khổng Tử.

Mạnh Tử học với Tử Tư hiểu được cái đạo của Đức Khổng Tử, lại có tài hùng biện và sở trường về khoa nói thí dụ. Lời nói của ông chắc chắn và mạnh mẽ, có sức thuyết phục. Mạnh Tử làm điều gì cũng lấy Đức Khổng Tử làm tiêu chuẩn.

Mạnh Tử nói Đức Khổng Tử là bậc Thánh về thời, nghĩa là Đức Khổng Tử có gồm hết các đức tốt của các bậc Thánh khác và ở vào thời nào cũng đều ứng dụng được cả.

Mạnh Tử ở vào thời Chiến Quốc, loạn lạc khắp nơi. Mạnh Tử cũng muốn đem tài học ra cứu đời. Ông muốn bắt chước Đức Khổng Tử định đi chu du các nước chư Hầu để đem cái đạo của Thánh nhân ra ứng dụng.

3. Thời kỳ đi chu du các nước chư Hầu:

Thời Chiến Quốc, thiên tử nhà Chu quá nhu nhược, không thể điều khiển được các vua chư Hầu. Mạnh Tử đành phải giúp vua chư Hầu, những nước nhỏ bé quá thì không thể làm gì được, nên Ông lưu ý đến hai nước lớn là Tề và Lương.

Những nước lớn nầy lại không chịu theo Vương đạo, mà chỉ muốn theo Bá đạo đặng làm Bá chủ thôn tính các nước khác, nên họ cho lời nói của Mạnh Tử là viễn vông, không thiết thực. Cho nên, khi Mạnh Tử đến nước Lương, vua Lương Huệ Vương hỏi Mạnh Tử:

- Ông có thuật gì làm lợi cho nước tôi không?

Mạnh Tử đáp:

- Nhà vua hà tất nói đến lợi, chỉ nên nói Nhân Nghĩa mà thôi. Nếu vua xướng lên nói rằng làm thế nào lợi cho nước ta, thì quan Đại phu cũng bắt chước nói rằng làm thế nào lợi cho nhà ta, kẻ sĩ và thứ dân cũng nói rằng làm thế nào lợi cho thân ta, kẻ trên người dưới tranh nhau điều lợi thì nước nguy mất.

Còn lấy Nhân Nghĩa mà nói, thì người bề tôi đem lòng nhân nghĩa thờ vua, người làm con đem lòng nhân nghĩa thờ cha, người làm em đem lòng nhân nghĩa mà thờ anh. Vua tôi, cha con, anh em, đều bỏ lợi, chỉ đem lòng nhân nghĩa mà tiếp đãi nhau, như thế mà không trị được thiên hạ là chưa có vậy. Vậy hà tất phải nói lợi.

Ý của Mạnh Tử là nếu người ta ai cũng nghĩ đến điều lợi mà quên nhân nghĩa, thành ra người ở đời cứ say đắm vào chỗ lợi lộc riêng thì sẽ tìm cách phá hại lẫn nhau, bởi đó sanh ra biến loạn và chiến tranh. Rốt lại, lợi ấy chính là điều hại.

Còn nói Nhân Nghĩa, tuy không nói đến lợi, nhưng kỳ thực là cái lợi rất lớn, vì mọi người ở với nhau trong xã hội, ai cũng đem lòng lo lợi chung trước mà lợi riêng sau thì trên dưới hòa thuận, thiên hạ hưởng phước thái bình.

Mạnh Tử đem thuyết Nhân chính nói với Huệ Vương:

- Bắt dân làm việc công, đừng bắt vào mùa cấy gặt thì dân trong nước dư lúa ăn. Khuyên dân không được đánh cá ở đầm, ao sâu bằng lưới dầy thì trong nước sẽ thừa tôm cá. Chặt cây trong rừng phải có mùa thì củi gỗ dùng không hết, khiến cho dân trong nước nuôi người sống, táng người chết, không phải phàn nàn thiếu thốn, là bắt dân làm Vương đạo đó. Rồi cấp ruộng đất cho dân, bắt họ chăm cày bừa, làm cỏ, trồng dâu nuôi tằm, khuyên họ nuôi các loài gia súc, lập nhà học ở làng, ở quận, để dạy dân biết hiếu đễ, trung tín, hình phạt thì giảm bớt, thuế má thu nhẹ. Dân đã ấm no lại biết lễ nghĩa thì chỉ cầm gậy mà có thể đánh bại được đạo binh hùng mạnh với giáp dầy giáo nhọn của hai nước Tần và Sở.

Đó là Nhân chính rất hay, nhưng tiếc rằng Lương Huệ Vương không chịu theo.

Mạnh Tử bỏ nước Lương đi qua nước Tề, được vua Tề đãi vào bực khách khanh.

Vua Tề cũng muốn mở mang đất đai, bắt nước Tần và nước Sở phải chầu phục, ngự trị cả Trung nguyên.

Mạnh Tử bảo vua không làm Nhân chính mà lại muốn được như thế kia, chẳng khác gì leo cây mà tìm cá.

Mạnh Tử ở vào thời quân chủ nhưng lại có một quan niệm rất mới, cho rằng thiên hạ là của chung, ông vua không có quyền lấy thiên hạ làm của riêng. Cái quyền cai trị dân là do Trời trao cho, tức là do lòng dân ưng thuận cho ai thì người ấy được. Cho nên Mạnh Tử nói:

- Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Nghĩa là có dân mới có nước, có nước mới có vua. Cái chức vụ của người làm vua là phải bảo dân nghĩa là phải gìn giữ cái hạnh phúc của dân. Làm vua mà không hiểu rõ cái nghĩa vụ ấy là trái lòng dân, tức là trái mệnh Trời.

Vua phải quí trọng kẻ có đức, tôn trọng người có học thức, kẻ hiền ở ngôi, kẻ giỏi ở chức, nước nhà nhàn hạ.

Bởi cái tư tưởng ấy nên trong cái triết lý về chánh trị của Mạnh Tử có tinh thần Duy dân và Bảo dân.

Mạnh Tử là học trò của Khổng Cấp (Tử Tư) nên lấy đạo Trung Dung của Đức Khổng Tử làm căn bản. Lúc bấy giờ có nhiều học thuyết của nhiều nhà xung đột nhau kịch liệt lắm.

- Học thuyết của Dương Chu lấy Vị Ngã làm chủ nghĩa, nhổ một sợi lông của mình mà lợi cho cả thiên hạ thì cũng không làm.

- Học thuyết của Mặc Địch lấy Kiêm Ái làm chủ nghĩa, dẫu nhẵn trán mòn gót mà làm lợi cho thiên hạ thì cũng làm.

Mạnh Tử cực lực bài xích các học thuyết cực đoan nầy để làm sáng tỏ Đạo của Khổng Tử. Mạnh Tử học rộng, lý luận rất chặt chẽ, muốn đem cái sở đắc ra hành đạo nhưng không gặp thời. Ông có công rất lớn trong việc làm sáng tỏ Đạo Nho.

4. Thời kỳ tuổi già: Dạy học và làm sách Mạnh Tử.

Mạnh Tử đi chu du qua nhiều nước chư Hầu, muốn giúp vua chư Hầu thi hành Đạo của Thánh nhân, nhưng không vua nào chịu theo. Đến khi tuổi già, sức đã mỏi, ông xin từ chức quan khanh ở nước Tề trở về quê nhà dạy học trò, và cùng với các môn đệ như: Nhạc Chính Khắc, Vạn Chương, Công Tôn Sửu, sáng lập ra Thuyết Tánh Thiện, đồng thời ghi chép lại những điều mà Mạnh Tử đối đáp với các vua chư Hầu hoặc với bọn môn đệ, cùng những lời Mạnh Tử phê bình các chênh lệch của các học thuyết khác mà làm thành sách, đặt tên là sách Mạnh Tử, gồm 7 thiên, được liệt vào Tứ Thư của Nho giáo. (Tứ Thư gồm: Đại học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử).

Đây là chỗ rất giống nhau giữa cuộc đời của Khổng Tử và Mạnh Tử. Đức Khổng Tử cũng ôm tài học bình sanh, đi chu du các nước chư Hầu, thuyết phục các vua chư Hầu chịu áp dụng cái đạo của Ngài để giúp dân giúp nước. Ngài chủ trương Vương đạo mà các vua chư Hầu lại muốn Bá đạo, Ngài thất bại và trở về nhà lo dạy học và làm sách lúc tuổi già. Cuộc đời của Mạnh Tử thì cũng rập khuôn y như vậy. Nhưng nhờ làm sách, dạy học trò, xiển dương cái đạo của Thánh hiền mà đạo Thánh được trường tồn mãi đến ngày nay.

Cái học của Mạnh Tử là chân truyền của cửa Khổng.

Mạnh Tử lãnh hội lời của Đức Khổng Tử nói trong sách Luận Ngữ: Tánh Trời phú cho người ta, ai cũng thiện cả, vì tập nhiễm nên mới có khác nhau. Nếu có thành ra bất thiện là vì người ta không biết giữ cái bổn tâm, chứ cái nguồn gốc của tánh là không thể không thiện được.

Mạnh Tử theo ý ấy mà lập nên thuyết Tánh Thiện, sở dĩ nói cái Tánh Thiện là vì tin có cái Thiên lý chí thiện, mà tánh người là một phần của Thiên lý ấy, tất phải thiện. Sự giáo dục phải lấy cái thiện căn ấy làm căn bản, rồi giữ cho nó không mờ tối và trau giồi phát triển lên để thành người lành người tốt.

Nếu nói rằng người có tánh ác, hay không thiện không ác thì không hợp với cái Thiên lý chí thiện.

Tánh là bổn nguyên của Trời phú cho con người. Tánh bổn thiện thì Tâm cũng bổn thiện. Tâm với Tánh có cùng một gốc, hễ hiểu rõ cái Tâm thì biết rõ cái Tánh, mà khi đã biết rõ cái Tánh thì biết rõ Trời Đất và vạn vật.

Tâm là cái thần minh chủ tể có đủ mọi lý để ứng với vạn sự, Tánh là cái lý hoàn toàn của Tâm, và Trời là nguồn gốc của cái lý ấy. Biết rõ Tánh là biết Nhân và Lễ của cái đức Nguyên và đức Hanh của Trời, Nghĩa và Trí là cái đức Lợi và đức Trinh của Trời. Biết rõ bốn đức Nguyên Hanh Lợi Trinh ấy là đạt được cái diệu dụng của Trời.

Trời cho ta cái Tâm ấy để làm chủ con người của ta, thì Tâm ấy với Trời cùng một thể. Đó chính là cái đạo nhất quán của Đức Khổng Tử.

Mạnh Tử đại biểu cho khuynh hướng lý tưởng của Nho giáo, chủ trương Duy Tâm, nên đã đạt được cái Tâm học cao thâm huyền diệu của Nho giáo, trở thành một vị thầy đứng sau Khổng Tử. Do đó, người ta tôn Mạnh Tử là bực Á Thánh, tức là bực Thánh đứng hàng thứ nhì dưới Khổng Tử, và được truy phong là Trâu Quốc Công (Trâu là đất Trâu, sanh quán của Mạnh Tử) , được phối hưởng nơi miếu thờ Đức Khổng Tử

Sưu tầm!
 
Mạnh Tử ( 372 – 289 TCN )

1. SƠ YẾU CUỘC ĐỜI

Mạnh Tử họ Mạnh tên Kha, tự Tử Dư, sanh vào năm thứ tư Chu liệt Vương, 372 tr. CN. Sau 107 năm, tính từ khi Khổng Tử qua đời. Người ta được biết về thân thế của Mạnh Tử, có phần ít hơn Khổng Tử, nhất là chẳng ai được rõ đời sống thời thơ ấu của Người ra sao. Tục truyền về truyện "Mạnh mẫu (mẹ thân sanh Mạnh Tử) tam thiên". (Để chọn láng giềng tốt cho Mạnh Tử, bà mẹ đã phải dời chỗ ở những ba lần), theo kết quả khảo cứu, thì chẳng có sự thật đó.

Mạnh Tử vốn là hậu duệ của Mạnh Tôn, thuộc dòng dõi Lỗ công, vì đã di cư sang xứ Châu (nước nhỏ phụ thuộc vào Lỗ), nên coi như là người Châu. Mạnh Tử theo học thầy Tử Tư từ thuở trẻ (Tử Tư là cháu nội của Khổng Tử), bình sinh lấy việc tuyên dương đạo Khổng làm chí hướng, cho nên đến thời trung niên, cũng như Khổng Tử đời trước, chu du qua nhiều nước như Tống, Tuyết, Tề, Nguỵ, Lỗ, Châu, Lương v.v... Căn cứ theo sách "Mạnh Tử", thì những nhân vật chính trị đương quyền mà Mạnh Tử đã được tiếp xúc là Lương Huệ Vương, Lương Tương Vương, Tề Tuyên Vương, Châu Mục Công và Đằng Văn Công.

Trong lịch trình chu du liệt quốc, Mạnh Tử đến nước Lương vào năm 320 tr. CN bởi lúc đó, Lương Huệ Vương đang chiêu sính hiền sĩ bốn phương. Khi Mạnh Tử bệ kiến Lương Huệ Vương, câu đầu tiên vua Lương nêu ra ngay, là vấn đề có tính cách tiêu biểu cho các quốc gia đương thời: "Hà dĩ lợi ngô quốc?" (Làm sao để có lợi cho nước ta?). Đứng vào lập trường của nhà cầm quyền, Lương Huệ Vương coi trọng vấn đề công lợi vì nước, chẳng có gì là sái cả, nhưng với một hiền sĩ coi nhân nghĩa là lý tưởng cao cả nhất như Mạnh Tử, thì đó là điều hại, cho nên đã xây ra cuộc tranh luận dữ dội về Nghĩa và Lợi, giữa Lương huệ Vương cùng Mạnh Tử. Khi đã kiên trì giá trị Nhân Nghĩa cao hơn công lợi, thì lời của Mạnh Tử không thể nghe lọt vào tai vua Lương được, Người đành tạm thời lưu lại nước Lương, để chờ cơ duyên khác. Sang năm sau Huệ Vương mất, con là Tương Vương lên kế vị, Mạnh Tử lại được triệu kiến vấn chính, nhưng đã bỏ Lương sang Tề, bởi hoàn toàn thất vọng với Lương tương Vương, "Trông thì chẳng giống một vị chúa, gần thì chẳng thấy có uy nghi tí nào” như lời Mạnh Tử đã đánh giá.

Kịp đến nước Tề, vào yết kiến Tề Tuyên Vương, vua Tề ngỏ ý muốn bàn về sự tích bá nghiệp của Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công thuở trước (Hai vì vua này, từng xưng bá vào thời Xuân Thu), biểu lộ điều mà vua Tề mong muốn, hẳn là "Phú quốc cường binh". Song, Mạnh Tử vốn chẳng tán thành lối phú cường của hai vị bá chủ đó, bèn nói lảng sang đề tài khác bằng lời lẽ biện minh khôn khéo, mong thuyết phục được Tề tuyên Vương chấp nhận chủ trương "Vương đạo" của mình. Thuyết Vương đạo mà Mạnh Tử chủ trương, là một lý tưởng chẳng cao xa lắm, mục tiêu chính trị Vương đạo, chẳng qua là yêu cầu "Người già cả được ăn ngon mặc đẹp, lê dân chẳng ai bị đói rét". Lý tưởng đó tuy khá khiêm tốn, nhưng vào thời Chiến Quốc, khói lửa không ngừng, thì dễ ai có thể đạt được? Tề Tuyên Vương tuy không hoàn toàn đồng ý với lý luận của Mạnh Tử, nhưng hết sức thán phục tài hùng biện của Người, nên đã mời ở lại làm Quốc khanh (Tương đương với địa vị cố vấn cao cấp thời nay) . Lúc Tề Tuyên Vương vạch kế hoạch toan tính đánh lấy nước Yên, có thỉnh ý Mạnh Tử, Người trả lời rằng: "Thủ chi nhi Yên dân duyệt, tắc thủ chi; thủ chi nhi Yên dân bất duyệt, tắc vật thử . (Lấy mà dân Yên vui lòng, thì nên lấy; nếu lấy mà dân Yên chẳng vui lòng, thì chớ lấy). Nhưng Tề tuyên Vương đã bất chấp dân Yên có vui lòng hay chăng, cứ dùng võ lực cưỡng chiếm nước Yên vào năm 314 tr. CN Đến chừng dân Yên đùng đùng nổi dậy chống Tê, thì Tuyên vương mới hối tiếc đã không nghe theo lời khuyến cáo của Mạnh Tử. Giai đoạn đầu, Mạnh Tử lưu trú ở Tề chẳng được bao lâu, thì về Lỗ chịu tang mẹ. Ba năm sau, khi mãn tang trở lại Tề, tiếp tục ở đến năm 315 tr. CN người Yên dấy loạn, mới bỏ Tề sang Đằng (Có truyền thuyết khác là, lúc đó Mạnh Tử đi làm quan Đại phu ở nước Nguỵ). Tại Đằng, mặc dù Mạnh Tử có dịp phát biểu nhiều luận thuyết quan trọng, nhưng ngặt vì Đằng là một nước nhược tiểu, chu vi chỉ được có năm mươi dặm, lại nằm vào giữa hai đại cường là Tề và Sở, cho nên, thật tế chẳng có tác dụng gì cho lắm. Chẳng bao lâu thì Mạnh Tử nhận lời mời của Lỗ Bình Công, trở về cố quốc, song, bởi có kẻ nói xấu, thọc gậy bánh xe, rút cuộc chẳng được gặp mặt Bình Công.
Kể từ năm 52 tuổi, Mạnh Tử bắt đầu du hành sang nước Lương, cho đến cuối cùng quay về nước Lỗ, đã trải hơn hai mươi năm mà chẳng lìm được vị minh chúa nào có đồng chí hướng, để thực hiện lý tưởng Vương đạo. Chừng tuổi đã già thì trở về xứ Châu, nơi chôn nhau cắt rốn, tu thân và dạy học, y như Khổng Tử thuở trước vậy. Đến năm 84 tuổi thì Mạnh Tử mất, thọ hơn Khổng Tử mười một tuổi đời.

2- Luận Thuyết Của Mạnh Tử

Trong sách "Mạnh Tử", có đến hai mươi chín chỗ trích dẫn lời của Khổng Tử, chứng tỏ Mạnh Tử sùng bái Khổng Tử gần như tuyệt đối, coi Khổng Tử là Thánh tổ, tự đặt mình vào cương vị của kẻ có sứ mạng truyền bá Khổng học. Sự thật là ở thời Mạnh Tử, phạm vi ảnh hưởng của đạo Nho vẫn còn hạn hẹp, so với Đạo gia và Mặc gia, thậm chí với Pháp gia, hãy còn đứng vào vị thế yếu kém, nhờ vào tài hùng biện và tư tưởng bén nhạy của Mạnh Tử mới đem lại cho Nho học đương thời, có được một chỗ đứng tương xứng.

Quan niệm "Đạo thống" (Đạo lý của nền văn hóa truyền thống) của nhà Nho, bắt nguồn từ lập luận "lý tưởng hóa cổ Đế của Khổng Tử. Lập luận đó có nghĩa là, Khổng Tử đưa các vị cổ Đế Nghiêu, Thuần, và Hạ Ngu vào khuôn mẫu tiêu biểu cho nhà Nho, coi chính cổ Đế là người lãnh đạo thực tiễn đạo Nho, cho nên mới tạo được cục diện thái bình thịnh trị, rất có lợi cho việc tuyên dương, truyền bá Nho học. Quan niệm "Đạo thống" trên đây, khi truyền tới tay Mạnh Tử, thì trở thành khuôn mẫu cố định của nhà Nho. Hơn nữa, khi luận về đức tính cao cả của bậc thánh chúa, vĩ nhân an bang tế thế, ngoài ba vị cổ Đế Nghiêu, Thuấn, Ngu ra, Mạnh Tử còn kê thêm vua Thang, (Chu) Văn Vương, (Chu) Võ Vương cùng với Chu Công, Khổng Tử nữa. Cũng bởi Mạnh Tử đã đem "Đạo thống" của nhà Nho, đóng khung thành "Thường Đạo" một cách máy móc, cho nên Người đã mạnh tay bác bẻ các học thuyết khác, bất chấp giá trị của họ ra sao, đều coi như dị thuyết, thậm chí là tà thuyết. Lời phê phán như vậy tuy có thiếu công bằng, nhưng cũng chứng tỏ Mạnh Tử hết sức trung thành với đạo Nho.

Điểm rất quan trọng trong luận thuyết của Mạnh Tử là, nhận định con người "Tánh bản thiện". Người bảo rằng? "Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi; tu ác chi tâm, nhân giai hữu chi; cung kính chi tâm, nhân giai hữu chi; thị phi chi tâm, nhân giai hữu chi". (Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, ai cũng có lòng thẹn ác, ai cũng có lòng cung kính, ai cũng có lòng thị phi), rồi giải thích thêm rằng: "Trắc ẩn chi tâm, nhân giã; tu ác chi tâm, nghĩa giã; cung kính chi tâm, lễ giã; thị phi chi tâm, trí giã. Nhân, nghĩa, lễ, trí, phi do ngoại thước ngã giã, ngã cố hữu chi giã". (Lòng trắc ẩn đó là nhân, lòng thẹn ác đó là nghĩa, lòng cung kính đó là lễ, lòng thị phi đó là trí. Nhân, nghĩa, lễ, trí, không do bên ngoài hun đúc ta, mà là vốn đã có sẵn trong lòng ta. Sau Mạnh Tử, các nhà Nho thêm chữ "Tín" của Khổng Tử vào, gộp thành "Nhân, Nghĩa, Lê, Trí, Tín", năm đức tính căn bản của đạo Nho.

Khổng Tử nhấn mạnh chữ NHÂN, Mạnh Tử coi trọng chữ NGHĨA. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đời khinh nghèo chê hèn, Mạnh Tử cực lực chống lại bằng cách đề cao đức tính "Cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly đạo". (Dù có nghèo cũng không mất nghĩa, khi đã khá cũng giữ đúng đạo). Mạnh Tử đã nghèo suốt đời, cũng vì "Bất thất nghĩa, bất ly đạo", nhưng Mạnh Tử cũng nhờ kiên trì tâm niệm "Bất thất nghĩa, bất ly đạo" đó, mới trở thành nhân vật bất hủ. Qua những trang lịch sử, chúng ta thấy có kẻ tranh nhất thời, có kẻ giành thiên thu, khác nhau chỉ một chữ NGHĨA mà thôi.

Tư tưởng của Mạnh Tử có phần tân tiến, giầu tinh thần dân chủ hơn Khổng Tử, như khi luận về cách cư xử giữa quân thần (chúa tôi), Khổng Tử thường đặt nặng về phần bề tôi phải như thế nào, chẳng hạn: "sự quân tận lễ" (Thờ chúa phải tận trung theo lễ) và "Dĩ đạo sự quân, bất khả tắc chỉ" (Lấy đạo mà thờ chúa, nếu chẳng đạt thì thôi). Ngược lại, Mạnh Tử thiên trọng về phần quân vương nên làm sao, như câu: "Hiền quân tất cung kiệm lễ hạ". (Chúa hiền chắc chắn là người biết kính cẩn, tiết kiệm và trọng kẻ dưới). Hơn ni74a còn có ý thức dân chủ sơ bộ như câu: "Dân vi quý, quân vi khinh". Cho nên Người đã khuyến cáo bậc sĩ phu, khi "Lễ mạo suy, tắc khử chi". (Khi chúa đối với ta thiếu lễ độ, thì nên bỏ đi ngay). Như vậy là, Mạnh Tử còn "Quân tử" hơn Khổng Tử nữa. Trong thời gian Mạnh Tử Ở nước Đằng, Đằng Văn Công có hỏi: "Phải làm thế nào mới trị nước được tốt?" Thưa rằng: "Việc dân chính chớ nên trì hoãn... Đạo vì dân là, hễ (dân) có hằng sản là có hằng tâm, vô hằng sản thì vô hằng tâm. Một khi (con dân) đã không có hằng tâm, thì đâm ra phóng đãng, tà xỉ, chuyện gì mà chẳng dám làm. Chừng dân can vào tội, rồi bị hình phạt, thì còn đâu là dân lành". Tư tưởng này của Mạnh Tử rất ăn khớp với câu "Tiên phú hậu giáo" của Khổng Tử, đều chủ trương dành quyền tư hữu tài sản cho dân. Đó là vấn đề căn bản nhất trong xã hội loài người, xưa cũng như nay, mà đòi hỏi tối thiểu là "Dân dĩ thực vi thiên". (Chữ THIÊN đây là Trời, có nghĩa là cao hơn hết, quan trọng nhất. Nhưng có nhiều người hay hiểu lầm câu này ra thành "Dân dĩ thực vi tiên" TIÊN đây nghĩa là trước tiên). Khi vua Đằng hỏi ý kiến về chế độ Tĩnh điền" (Chia ruộng ra làm chín thửa như hìnhchữ "Tĩnh", cho tám hộ làm, khu chính giữa là công điền, do tám hộ hợp sức canh tác, phần thu hoạch đó thuộc về của công) của nhà Chu, thì Mạnh Tử đáp: "Chính trị nhân đức, được bát đầu từ chỗ có ranh giới... Khi ranh giới đã rõ, rồi chia lộc hưởng theo phần, là xã hội ổn định". Xem đó, mặc dầu Mạnh Tử cực lực đề xướng "Vương đạo , hy vọng có một tân chính quyền đứng lên thống nhất thiên hạ, đang lâm vào tình trạng rối ren, nhưng cũng muốn tân chính quyền đó, vẫn giữ lại phần nào chế độ cũ. Điểm này cho thấy, Mạnh Tử không bác bỏ toàn bộ lý tưởng phục hưng văn hóa nhà Chu của Khổng Tử. Nhưng chẳng may, đời sau nhóm Tống Nho ngộ nhận là, đạo Nho nhất thiết phải bảo thủ nền văn hóa truyền thống, biến họ thành những nhà trí thức "không tưởng", trước vấn đề chính trị thực tế, nên bị mang tiếng là "Hủ Nho".

3- Công Tích Của Mạnh Tử Đối Với Nho Học

Triết lý Nho học được khởi xướng từ Khổng Tử, nhưng người hoàn chỉnh bước đầu, hệ thống hóa tư tưởng Nho học đó là Mạnh Tử. Trong buổi đang có nhiều học phái cạnh tranh, mà Nho học giành được chỗ đứng vững vàng, tiếp tục bành trướng sức ảnh hưởng trong xã hội. Trung Quốc thời phong kiến, cũng là nhờ Mạnh Tử có nhiều sáng kiến bổ khuyết, đi du thuyết nhiều nước và chăm dạy học trò, chẳng kém gì Khổng Tử trước đó cả trăm năm.

Tuy là kẻ thừa kế đạo Nho của Khổng Tử, nhưng Mạnh Tử biết linh động, thích ứng với thời thế, đưa ra đúng lúc quan mềm mới, làm tăng giá trị thực dụng cho Nho học. Điểm khác biệt lớn nhất về thế cuộc là, thời Xuân Thu, vương quyền nhà Chu tuy có suy vi thật, nhưng chư hầu vẫn còn tiêu biểu chung một lý tưởng là, "Tôn vương nhương di". (Tôn thờ vương thất nhà Chu, chống ngoại tộc xâm nhập). Một mặt, bề ngoài vẫn coi nhà Chu là chúa chung, mặt khác, giữa các nước Chư hầu, cố gắng giữ thế quân bằng, mong được sống chung hòa bình với trật tự hiện hữu. Cục diện chính trị quốc tế đó, là nguyên nhân chính, khiến Khổng Tử chủ trương duy trì chế độ cũng như văn hóa nhà Chu, mà Chu công là người có công sáng lập nhiều nhất. Sang đến thời Chiến Quốc, thì tình thế đã thay đổi hẳn. Lúc đó, về mặt chính trị, hệ thống cai trị của tập đoàn quý tộc đã tan rã, chế độ phong kiến bắt đầu băng hoại, dù là bá chủ cũng chẳng làm gì được cho thiên hạ nhờ; về mặt xã hội, thì đức Lễ, Tín chẳng còn, trật tự tôn pháp và thuần phong mỹ tục không ai tôn trọng nữa; về mặt tư tưởng học thuật, cũng chẳng đơn thuần như thời Khổng Tử, bởi phong khí du thuyết rất thịnh, từng tập đoàn sĩ phu đã bắt đầu hình thành giai cấp mới, trong khi các học phái tranh đua nhau quyết liệt hơn.

Thời Khổng Tử, tuy đã có Đạo học của Lão Tử, nhưng hai học phái ít có xung đột nhau, Khổng Tử còn hạ mình vấn lễ cùng Lão Tử nữa. Nhưng vào thời Mạnh Tử, thì đã có nhiều học thuyết khác nhau ra đời, chủ trương trái ngược với đạo Nho, buộc Mạnh Tử phải lớn tiếng bài bác họ, phê phán họ, nhất là đối với Dương Chu và Mặc Địch, Mạnh Tử cho rằng, "Dương Mặc chi đạo bất tức, Khổng Tử chi đạo bất trứ". (Nếu đạo của phái họ Dương, họ Mặc không dẹp đi, thì đạo của Đức Khổng chưa thể sáng tỏ được) .

Như đã nói trên, ngoài đức NHÂN ra, Mạnh Tử rất chú trọng về đức NGHĨA. Người đã bảo: "Sinh diệc ngã sở dục giã, nghĩa diệc ngã sở dục giã, nhị giả bất khả đắc kiêm, xá sinh nhi thủ nghĩa giả giã". (Sống ta vốn muốn mà nghĩa ta cũng cần. khi không thể trọn lẽ đôi bề, thì xá sinh mà giữ lấy nghĩa vậy). Cái khó nhất của người đời, là thường gặp trường hợp bắt buộc phải chọn lựa. Điều Mạnh Tử nêu ra, là điều chọn lựa sinh tử, hệ trọng nhất trong đời người: nên giữ mạng hay giữ nghĩa? Trên lịch sử, biết bao nhân vật vĩ đại phải trải qua thử thách lớn lao, nhiên hậu mới trở thành vĩ nhân. Cho nên Mạnh Tử hô hào phần tử trí thức, khi trực diện với vấn đề sinh tử, thì phải đủ can đảm giữ lấy tiết nghĩa hơn là mạng sống, nếu thiếu tinh thần đó, thì chẳng bao giờ dám hy sinh cho lý tưởng cao cả.

Tóm lại, công tích của Mạnh Tử trong công trình xây dựng hệ thống Nho học, cực kỳ lớn lao, cho nên địa vị của Mạnh Tử trong Nho học, chỉ có dưới một người là Khổng Tử thôi. Do đó, người ta thường gọi chung Nho học là đạo Khổng - Mạnh.

( Theo Ngô Quân- Bảy đại triết gia Trung Quốc đời Chu -Tần )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top