Mạnh Thường Quân và chữ "Nghĩa"

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Đọc sử xưa, vào thời Chiến Quốc, có đoạn thấy Phùng Hoan một thực khách của Mạnh Thường Quân hỏi rằng: “Đòi nợ xong rồi, ngài muốn tôi mua gì ở chợ mang về?”

Mạnh Thường Quân trả lời: “Xem trong nhà tôi có thiếu thứ gì thì mua về”, nguyên văn là: “Thị ngô gia sở quả hữu giả”.

Đến đây xin nói qua về 2 nhân vật này, những nhân vật chỉ có thể sinh ra ở thời Chiến Quốc: Mạnh Thường Quân và Phùng Hoan.

Mạnh Thường Quân họ Điền, tên Văn con trai của Tịch Quách Quân, tức là Điền Anh và là cháu của Tề Uy Vương. Vì con cháu nhà vua nên cả bố lẫn con đều được phong tước. Điền Anh được phong ở đất Tiết, và Điền Văn được phong ở đất Mạnh Thường, do đó mới lấy tên Mạnh Thường Quân, cả bố lẫn con đều làm đến chức Tể Tướng.

Thời Chiến Quốc là thời nhiễu nhương nhất của nước Trung Hoa, tiếp nối sau thời Xuân Thu. Tại sao lại gọi là Chiến Quốc(403-352) trước Công nguyên. Vì thời này Trung Hoa chia ra 7 nước nhỏ là Tấn, Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Nguỵ. Nhà Chu suy bại nên nước nào cũng chỉ chực muốn dành làm Vương làm Bá, vì đó mà đánh nhau không ngừng nên mới gọi là Chiến Quốc.

Gia đinh của Mạnh Thường Quân là người nước Tề, nhà lúc nào cũng có hàng nghìn thực khách, cũng với mục đích chiêu hiền đãi sĩ để đến lúc cần thì những người mắc món nợ miệng này phải trả bằng hình thức này hay hình thức khác. Có sách còn ghi rằng Mạnh Thường Quân rất khôn ngoan đã biết cách lấy tin tức từ người nước này mang bán cho nước khác, vì thực khách từ tất cả các nước đến chứ không riêng nước Tề, chỉ cần hỏi những mâu thuẫn nội bộ, những nhu cầu, địa điểm tình hình quân sự, chính trị của mỗi nước là có thể trao đổi.

Đời sau còn thấy những cái vạc, cái nồi to nấu được cho cả 100 người ăn ở chùa Thành Châu, Nam Thành. Được người ta gọi đó là Mạnh Thường Hoạch, tức là những cái hoạch của nhà Mạnh Thường Quân.

Đa số thực khách là những người bị thất sủng, cũng có khi là những can phạm ở các nước chư hầu khác phải bỏ xứ trốn đi, tất cả đều đến đó để có chỗ dung thân chờ một ngày mai hội đủ điều kiện mà trở về trả thù hoặc chuộc tội…

Trong nhà của Mạnh Thường Quân vì quá đông người nên ông đã tùy theo tài cán mà chia ra làm mấy hạng khách. Hạng nhất được trọng đãi đủ mọi điều kiện, kể cả sự đi hài cũng phải là thứ hài thêu ngọc.

Hạng nhì có cá thịt trong bữa ăn, mỗi khi đi ra đều có xe đưa đón, hạng ba chỉ có ăn cá thịt mà không có xe. Đến hạng tư thì cơm không có cá thịt chỉ có rau cỏ và đi đâu, cố nhiên cũng chẳng có xe.

Chỉ thức ăn mới chia ra mấy hạng chứ cơm thì tất cả đều ăn một nồi giống nhau, sử có chép một mẩu chuyện để nhấn mạnh sự kiện này. Chuyện rằng, một hôm có người đến xin làm thực khách tá túc, gặp trời tối nhá nhem, chẳng nhìn rõ, cho là có sự cách biệt về bát cơm không cùng một thứ gạo. Mạnh Thường Quân phải mang bát cơm mình đang ăn đưa ra so sánh với bát cơm của khách. Khách xấu hổ bỏ trốn ngay đêm ấy, cũng vì cái tiếng đồn bát cơm ấy mà thực khách càng kéo đến đông đảo hơn.

Một hôm khác, đặc biệt nhất, ảnh hưởng đến vận mệnh của họ Điền mà không ai biết. Đời chỉ cần có thế, mà chỉ những nhà giỏi khoa lý số mới biết, cũng hệt như hôm Văn Vương đi săn, trước khi đi, ông bói một quẻ, nói rằng hôm nay ra đường sẽ gặp một nhân vật “Phi hùng, phi bi, phi lân, phi ly nhi khả dĩ trợ nhữ vương thiên hạ”, và nhân vật đó là Lã Vọng, hai người chở thuyền đưa nhau về nói chuyện Lục Thao với nhau.

Trở lại với cái hôm đặc biệt ấy tại nhà họ Điền, có một người nghèo nàn xin vào làm thực khách. Được hỏi có biết làm gì không? Có tài cán gì không? Thưa không tài cán gì? Thế là được xếp vào hạng tư, không có hài thêu, cơm ăn không cá, thịt và đi đâu cũng chẳng có xe đưa đón.

Mấy hôm sau, mọi người đều nghe tiếng ca của vị thực khách mới vào mang tên Phùng Hoan:

Trường kiếm quy lai hề, thực vô ngư.
(Kiếm dài ơi, ta về đi thôi cơm ăn không có cá).


Mạnh Thường Quân nghe tiếng ca, hỏi của ai, người nhà bảo của tên thực khách mới vào được xếp hạng tư nên y coi bộ không hài lòng. Mạnh Thường Quân bảo xếp vào hạng ba. Ngày mai, tưởng Phùng Hoan đã chịu không ngờ ăn xong lại nghe ông vỗ kiếm ca:

Trường kiếm quy lai hề, xuất vô xa.
(Kiếm dài ơi ta về đi thôi, đi đâu không có xe).


Mạnh Thường Quân lại cho lên một bậc nữa, được vào hạng nhì. Người nhà tức lắm, cho rằng tên nầy không biết thân phận mình. Mọi người đều tưởng thế là yên, nhưng ngày mai tới vẫn nghe ông ăn xong lại vỗ kiếm.

Trường kiếm quy lai hề, vô dỉ vi gia.
(Kiếm dài ơi ta về đi thôi, chẳng có gì mang về).


Lần này thì mọi người đều bực mình nhưng Mạnh Thường Quân sau khi gọi lên hỏi thăm nghe bảo còn mẹ già ở nhà đang đói, ông lại cho mang thức ăn về mỗi ngày.

Một hôm khác, Mạnh Thường Quân cần người đi đòi nợ, hỏi các thực khách có ai chịu đi, mọi người đều không ai nhận lời chỉ có Phùng Hoan xin được đi để trả ân. Mạnh Thường Quân cho ông đủ các thứ xe cộ, cơm ăn đường, đưa danh sách con nợ và văn tự ra trao cho Phùng Hoan.

Trở lại đoạn trên, Phùng Hoan, trước khi đi đòi nợ đã hỏi Mạnh Thường Quân rằng muốn mua gì mang về, và như đã biết Mạnh Thường Quân trả lời xét xem trong nhà thiếu gì thì mua về.

Phùng Hoan vừa đến, cho người đi đánh mõ khua chiêng rao ầm lên rằng ai có nợ với Điền Văn thì mang giấy tờ đến sẽ được tha nợ. Mọi người mừng rỡ mang giấy nợ đến. Phùng Hoan cho chất lên một đống rồi châm lửa đốt sạch. Chỉ trong một thoáng đã hóa ra tro. Mọi người reo hò ca ngợi Mạnh Thường Quân không tiếc lời.

Chỉ có mấy hôm sau, thấy người thực khách trở về, lệ thường mỗi khi đi đòi nợ là phải cần đến hằng tháng mới có thể đòi được ít nhiều, lần này sao mà tài tình. Hỏi Phùng Hoan mua gì ở chợ mang về. Thực khách trả lời:

“Ngài bảo tôi xem trong nhà thiếu thứ gì thì mua. Tôi xét thấy trong nhà chẳng còn thiếu món gì chỉ có thiếu mỗi một thứ, đó là NGHĨA, nên tôi đã mang về cho ngài rất nhiều”.

Mạnh Thường Quân mới nghe chưa kịp hiểu, nhưng khi vỡ lẽ ra rồi thì ông chỉ yên lặng không nói năng gì tuy trong lòng rất tức giận. Thứ nhất là bị mất hết một số tiền rất lớn, thứ hai là bị một tên thực khách nghèo nàn dám chê rằng nhà mình thiếu Nghĩa, thứ ba là giận tím gan mà chẳng biết phải làm sao vì sợ tiếng lành đồn xa…

Mục đích bài này không phải để nói đến con người họ Điền mà ai cũng biết. Chúng ta vẫn dùng chữ Mạnh Thường Quân để ca ngợi một người nào có lòng tốt, hay giúp đỡ anh em. Ba chữ này đã trở thành một tính từ dành ca ngợi kẻ có lòng.

Chúng ta chỉ nói đến chữ NGHĨA, nhưng trước khi nói đến chữ Nghĩa, xin được nói qua về chữ Quả, chữ quả tức là ít, không nhiều. Sách Luận Ngữ còn định nghĩa chữ Quả là Lão vô nhi vô phu, đàn bà già mà không có ông chồng bên cạnh, để đối với chữ Quan là lão nhi vô thê, ông già mà không có vợ.

Ở đây chúng ta thấy Phùng Hoan đã dạy cho Mạnh Thường Quân một bài học, khi được hỏi gì thì phải trả lời rõ ràng, không bao giờ nên nói giọng lơ lửng đó, rất có thể bị xuyên tạc. Hẳn Phùng Hoan cũng để ý thấy Mạnh Thường Quân hay trả lời như thế, có vậy mới cho cơ hội mà đi mua Nghĩa cho nhà họ Điền.

Cố nhiên, Phùng Hoan không phải là không biết rõ về cái độ tốt của họ Điền đến đâu, và khi đã xin vào làm thực khách tức là cũng có ý nghĩ rằng có thể cứu vãn được, ông mới thèm vào.

NGHĨA là gì? Có nhiều lối giải thích dành cho chữ Nghĩa, thứ nhất là chữ Nghĩa đã được đặt vào trong Ngũ Thường tức là năm phép tắc để quy định nếp sống của con người nhất là cho người quân tử: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín.

Nhân là lòng nhân, tức là sự đối xử với người, mà Nghĩa là Ta, là cái uy tín của ta, tự trong lòng ta, trong cách ăn ở, suy tư của ta mà phát ra. Sách Hiếu Kinh ghi rằng Hiếu là Kinh của trời và là Nghĩa của Đất.

Theo Thái Huyền Kinh, “Thi Ân là NGHĨA”, thi ân tức là cho, khi ta cho tức là ta làm Nghĩa. Chữ Nghĩa được viết ra theo lối Hội Ý, mang một giòng tư tưởng với chữ Thiện và Mỹ.

Một thí dụ khác để nói rõ hơn, thời xưa khi Vũ Vương hưng binh phạt Trụ. Bá Di cúi đầu xuống ngựa mà can rằng: “cha chết chưa chôn mà lo đánh nhau là bất hiếu, Thần giết Quân sao gọi là Nhân”.

Trong lúc ấy thì từ dân gian đến binh lính đều một lòng đòi tiến lên. Thái Công Vọng nói rằng: “Vũ Vương là người đã làm theo chữ NGHĨA”.

Về sau có thời người ta đổi chữ Nghĩa ra chữ Tín, và nghĩa sĩ gọi là Tín Sĩ.

Âm nhạc đặt NGHĨA vào cung Thương, cung của mùa thu.

Có người hỏi tại sao Phùng Hoan không bảo rằng thiếu Đức mà lại bảo thiếu Nghĩa, chữ Đức được phổ biến về sau nầy khi đạo Phật truyền vào Á Châu, ngày trước chữ Đức ít được dùng, vì thuở ấy người ta đặt vào chữ Đức một tầm quan trọng hơn, to tát hơn, gồm cả Nhân cả Nghĩa và cả Đạo.

Người ta còn chia ra Thiên Đức, Địa Đức, và Nhân Đức. Thiên Đức là cái Đức hóa dục vạn vật của Trời.

Địa Đức là cái Đức sinh sản bách vật, dưỡng dục nhân dân của Đất.

Nhân Đức là cúi nhìn địa lý, mà chế định độ lượng nhìn mực nước sông cao thấp để lập sự phòng ngừa tai ương, đói lạnh, khảo cái đức của người để chế lễ nhạc, thực hành đạo Nhân Nghĩa để trị cái luân thường cho con người, tránh cái họa của sự bộc loạn.

Xem thế thì đủ biết chữ Đức không thể dùng cho cá nhân dầu là một bậc Đế Vương.

Mải về sau mới có thuyết nói hẹp về chữ Đức, thi ân là Đức.

Trở về với hai nhân vật nước Tề, khi bảo Mạnh Thường Quân không vui lòng vì cái hành động mua Nghĩa của Phùng Hoan đó là đã chứng tỏ sự thiếu Nghĩa nơi con người ấy. Nuôi thực khách với mục đích rõ rệt như người nuôi binh lính chứ không phải vì lòng tốt.

Khi ông bị Tần Chiêu Vương muốn giết, chạy trốn về, đi ngang qua đất Tiết, nơi mà Phùng Hoan đã đốt giấy nợ, được dân chúng bồng bế trẻ cõng già, lớn bế nhỏ ra tận nơi địa đầu mà chào mừng hò reo, lúc ấy ông mới quay lại bảo với Phùng Hoan rằng: “Bây giờ tôi mới thấu rõ ý của Tướng Quân”.

Sự đổi giọng gọi Phùng Hoan bằng Tướng Quân cũng chứng tỏ một điểm thiếu Nghĩa.

Có người ca ngợi Mạnh Thường Quân, nhưng cũng có một số khác bảo rằng con người ấy chẳng có gì đáng đề cao, chỉ có bầu bạn với thứ giả tiếng chó, tiếng gà (Vì lúc trốn ra khỏi nước Tần, có người giả tiếng gà để lũ gà trong vùng bắt chước gáy theo, người gác quan ải ngỡ trời sắp sáng nên cho mở cửa quan sớm hơn, nhờ vậy Mạnh Thường Quân mới thoát. Một lần khác cần đánh cắp chiếc áo Hồ Cừu trong kho nhà vua để làm món quà tặng, có người phải giả tiếng chó để lũ chó canh kho lầm tưởng có con chó lạ lạc vào mải lo đi tìm, để cho kẻ có bổn phận vào kho đánh cắp áo có thể hoàn thành nhiệm vụ).

Mạnh Thường Quân đã được cái may mắn gặp Phùng Hoan, tuy không có mắt để nhìn người ngay từ lúc ban đầu nhưng đã chịu nhượng bộ cất ông lên đến cấp Nhì của hạng thực khách, lại chịu đựng bài học của Phùng Hoan cho, tức giận mà không đuổi đi, đó là một điểm đáng khen.

Sau khi tiền bạc, danh vị mất, thì bao nhiêu thực khách đã bỏ ra đi, đợi khi ông có danh vọng lại xin trở về. Lúc bấy giờ mới thấy ai “Tửu nhục bằng hữu” (bạn rượu thịt) và ai là người có thể trông cậy được.

Hẳn lúc này Mạnh Thường Quân mới thấy sự nhận định của Phùng Hoan là đúng, nhà ông có đủ tất cả mà chỉ thiếu Nghĩa.

Mạnh Thường Quân cũng như nước Tề không làm nên cơ nghiệp mà là nước Tần với sự đánh dẹp tàn khốc của Tần Thủy Hoàng để thống nhất nước Trung Hoa.

Một phần lớn của tất cả mọi sự thất bại đều do cái tệ không biết nhìn người của những kẻ có đủ phương tiện nắm quyền hành trong tay. Điểm quan trọng nhất của những ai muốn dựng sự nghiệp là biết đánh giá con người đúng mức, và đừng nghe những lời tâng bốc của kẻ được đi hài thêu.

Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top