Mai rồi mưa tạnh trong xuân!
THÁI KIM LAN
Viết tặng Lisa Eder
Mưa bụi
Huế tháng ba, tưởng trời ươm nắng, vậy mà nắng chỉ được nửa ngày, chưa đủ một vòng tay choàng vai hứa hẹn ấm áp cho người trở lại. Qua đêm chưa kịp ngỡ ngàng với mồ hôi hâm hấp, gió bỗng trở, hơi mát lùa qua khe cửa bất ngờ, đến phải kéo tấm chăn đơn lên quá bờ vai. Buổi sáng nghe trời ủ nắng trong sương mù chập chùng. Có ai chợt nói “hôm ni không có nắng, e mưa”. Âm vang chữ “không nắng” liền theo với “e mưa”, như một nỗi e dè, so le không đồng hẳn nghĩa với nhau, hầu như giữa “không nắng và mưa”, có một trạng thái “e” lưng chừng, không mưa không nắng, vừa mưa vừa nắng, vừa le lói chút nắng bên song, lại vừa thao thức nhỏ nhẻ chút mát trời bên kia bờ dậu…
Huế tháng ba đó! Nắng mưa như đan vào nhau ngỡ ngàng thành ảo hóa mùa xuân, làm cho mùa xuân ẩn hiện bất ngờ trong một thứ mưa tơ… mà người Huế thường gọi là “mưa bụi”.
Gọi là mưa mà có mưa mô!
Hãy ra sân ngửa mặt lên trời thì biết! Chẳng có giọt mưa nào lộp độp trên áo, cũng không hạt mưa nào nặng trĩu bết ướt tóc mai, cũng nỏ thấy màn mưa che mờ mi mắt, mà chỉ thấy một khoảng trời mờ ảo tưng bừng những hạt li ti bay chấp chới trong không. Nói là sương bay, e không đúng, nói là bụi phấn của những nàng tiên trên trời trong lúc điểm trang vô tình làm vỡ hộp phấn hồng thoa má tung tóe xuống trần gian, thì hóa ra nói quá lời, nói là hương bay từ rừng Trường sơn có muôn hoa đang ướm nụ gửi gió mang đến tận chợ thành, lại tựa như làm thơ không tưởng.
Thôi thì cứ ngửa mặt đón cơn bụi mưa đang đùa giỡn giữa thinh không. Thì biết: họa hoằn ngỡ nhận được chút cảm giác chạm nhẹ của phấn mưa, nhẹ hơn một phần ngàn của mũi kim vừa đụng đến da, chưa kịp làm sửng sốt nhói đau đã tan biến trong hư vô, để lại một kích thích êm ái mơn man trên da mặt. Biết bao lần bụi mưa vô tình chạm mặt như thế - có thể suốt cả đời thiếu nữ hay cả đời thiếu phụ diễm hoa xứ Huế - mà vẫn chưa nhận ra mưa bụi Huế là duyên với nợ nơi vẻ đẹp giai nhân, mà giai nhân hoặc hững hờ hoặc hồn nhiên đã không nhận rõ tiếng tơ ai gửi đến cho mình, rằng bụi mưa là “phấn nụ” của trời xuân dành riêng tô đẹp nước da mịn màng thuần chất tự nhiên không son phấn của phụ nữ Huế một thời.
Mới biết giữa mưa và mưa có nhiều tầng trời cách nhau nơi mỗi hạt long lanh trong bốn mùa trần ai “mưa bụi” Huế không giống “mưa phùn” Hà Nội, “mưa bấc” Hội An, ấy là chưa nói đến “mưa ngâu”, “mưa lũ”, “mưa rào”, “mưa đá”… và mỗi ca khúc mưa thật sự chỉ khác nhau nơi ngón tay thiên nhiên lựa giây chuốc phím hoài cảm trong giao hưởng với đất trời, với con người, để riêng dành cho mùa xuân ở Huế một giai điệu từ bi gửi đến muôn loài và vạn vật.
Mưa xuân của Huế như một điệu đàn không giây, hầu như vô ngã đến tận cùng bản thể, trong đó âm vang tuyền là những rung động không lời, nhưng lại đầy mời gọi, thúc dục ra đi, hãy thong dong bước vào khung trời ảo hóa, bỏ gian phòng chật hẹp ẩm thấp của căn nhà tù túng, của cái tôi so đo hơn thiệt, bỏ lại đằng sau mọi náo nhiệt thị thành, mà rong chơi, lang thang trên các nẻo đường, trong khí trời êm mát, giẫm lên cỏ xanh đến tận cuối trời.
Buổi sáng mặt trời chỉ nhen một đốm hồng bạc lóe nơi chân mây, rồi bỗng không gian như trải ra, tỏa rộng trùng trùng điệp điệp tới tấp những chấm mưa tung bay, tuồng như không một lần chấm đất, hay vừa mới chấm đất đã vụt bay trở lại giữa trời. Huế mờ ảo trong bụi mưa buổi sáng.
Ánh nắng vừa bừng lên đã chùng xuống những gam màu dịu dàng trên những lùm sầu đông tím nhạt đó đây trên các nẻo đường. Màu tím của hoa lẫn trong mưa gây cảm giác mộng mị gọi hồn mộng du giữa thực và mộng. Hình như đi trong mưa nhìn lên hoa sầu đông líu ríu tụm vào nhau những đốm tím đốm trắng mơ hồ, mới rõ được tình của mưa và hoa chỉ là một: hoa đó mưa đó đồng màu đồng chất, miên man quyện vào nhau tạo nên ý xuân vô lượng làm nền cho vạn vật chan hòa bất tận…
Ngay cả những loài hoa cao sang đã có lần bon chen trong những ngày Tết tưng bừng, bỗng dịu phần ghen tuông, mở tâm rộng lượng đưa hương tan hòa vào bụi mưa bay. Và mùa xuân thênh thang mở ngõ trù mật ân sủng cho muôn loài. Hương cau bỗng gần hương mộc, trà mi quấn quít bên hoa sim bất ngờ, hoa nhãn quê mùa thân mật với sứ nghiêm trang, bông cải vàng gửi bướm sang nụ tầm xuân, hoa cà bỗng mê hương lý, hương ngọc lan ngây ngất tìm hương khế cuối vườn, hoa mướp núp dưới lá chờ hương trà đượm sương trong giờ đối ẩm[1]…
Trong mưa xuân đầy hương hoa như thế, trời Huế bàng bạc với màu xanh của lá chuối mượt mà, của lá tre um tùm, của mạ non trên biền lúa con gái, của lá đào lá bưởi biếc xanh, của lá nhãn lá vải, lá mít sum sê sắp sây trái… Một màu xanh mềm mại bồng bềnh chảy từ vườn ra sông, từ rừng ra suối, từ suối ra hồ, từ Lương Miêu qua đò Ba Bến, xuôi Tuần qua Linh Mụ, Kim Long về Đập Đá, Bao Vinh, Thế Lại, Ba Sình đổ về Thuận An, xóa nhòa mọi ngăn cách phân chia bờ bến đôi đường, đem lại vẻ thanh xuân cho Huế phơi phới hoa màu, ngọt mật hương sắc, một Huế đã tưởng theo định mệnh an bài luôn mãi là Huế “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm”… Có đi trong tháng ba, trong mưa bụi dịu dàng, mới cảm nghiệm được nguồn sống luân lưu nơi chốn thần kinh này như những mạch ngầm xuyên suốt cỏ cây, hoa lá, con người...
Mưa bụi và Lisa
Đi trốn cơn giá lạnh trời tây còn đầy tuyết trong tháng ba, cô bạn người Đức theo tôi về Huế. Lisa lần đầu tiên đến Việt Nam, cuộc đi trở nên cuộc tìm… nao nức đón nhận tất cả những điều mới lạ. Có một điều giản đơn mà Lisa khao khát và tôi đã tưởng rất dễ làm bạn vừa lòng: nắng ấm, thật nhiều nắng ấm! Tôi nói với Lisa, chi chơ “nắng” thì chán khối, chỉ sợ vài giờ sau bạn sẽ chịu không thấu cơn nóng “nóng nóng ghê” của xứ tôi mà thôi. Đặt chân xuống Sài Gòn, hơi ấm phừng cả mặt, chúng tôi nhìn nhau cười như thắng trận: “hết run rồi tuyết nhé, bên kia cứ lạnh đi, đóng băng đi, bên này ta ấm, ta đi dung dăng dung dẻ với đầu trần, vai trần, dép sandale…” Hôm sau ra Huế, trời nóng 35 độ, chui ra khỏi tàu bay, mồ hôi vã ra trong xe buýt, Lisa cười với tôi bằng con mắt biểu đồng tình với lời hứa đùa cợt, chi chơ “nắng thì tặng không” cho nàng, nàng có thể mang theo về Đức hàng tạ...
Nhưng sáng hôm sau… Huế bỗng mưa… cơn mưa bụi tháng ba.
Cuộc hành trình bỗng chia hai mỗi người một hướng. Tôi loay hoay với “cơn mưa bụi” đầy mê hoặc dĩ vãng, Lisa bên cạnh tôi suốt tuần chỉ chờ nắng lên… Có một cuộc thay hình đổi dạng nào đó trong mưa bụi, tôi không còn là tôi, tôi mê mải đi trong mưa, đi “hứng mưa”, và nói như sảng thứ ngôn ngữ bay bổng trên trời. Lisa không còn là Lisa hăm hở đón nắng, ôm nắng, hôn nắng, thở nắng… mà tiu nghỉu như con mèo mướp mắc mưa…
Tôi đi vào mê lộ dĩ vãng, tìm từng dấu vết mưa bụi vương trên mắt, trên tóc trên vai, còn Lisa ăn bắp nấu mua dọc đường trong cơn mưa bụi, nhai ngấu nghiến mà chẳng thấy ngon. Lisa mở tròn đôi mắt nghe tôi tả ăn bắp Cồn vào tháng ba ngon đến bực nào, ngon đến “thành thơ”. Lisa chỉ biết bắp ăn vào nặng bụng và chẳng nghe mùi vị đặc biệt gì. Lisa không thấy thú vị chi khi ngồi trong mưa bên cạnh nồi bún bò bốc hơi bên lề đường ăn tô bún bò cay sặc sụa. Lisa nhăn mặt, còn tôi cười thú vị khi giọt mưa qua khe hở của tấm bạt che mưa rơi xuống đánh “tong” vào tô bún. Lisa không thể ngồi yên hàng giờ bên bờ sông Hương nhìn mưa bay trên sông, còn tôi thì cho đó là một ân huệ được nhìn cảnh sông trong mưa bụi… Lisa đi dạo trong khu vườn xuân có khóm hoa sim nở màu tím “hoa sim”, một trời lãng mạn của những trái tim Huế, mà chủ nhân khu vườn, một nhà thi sĩ kiêm họa sĩ, đã dày công lặn lội lên rừng bứng bụi sim cả gốc lẫn ngọn mang về trồng trong nhà. Sim mọc dại trên đồi hoang biền biệt lăn lóc thì dễ, đem về trồng trong vườn đài các, sim khật khừ đủ thứ bệnh, nhưng chủ nhân mát tay mà rất kiên nhẫn nên màu tím hoa sim phơi phới trong hơi mát của bụi mưa long lanh kiều diễm. Lisa không thấy màu tím hoa sim có chi nổi bật đến nỗi phải trầm trồ như tôi đã làm. Thì một loại hoa năm cánh có màu hồng (pink), thế thôi…
Lisa cùng tôi đi lên đồi thăm mộ, hoa sim tháng ba rộ nở trong rừng, khí trời tươi mát, an lành cho muôn hoa đua sắc. Lisa bảo, giá có nắng thì rừng hoa chắc là lộng lẫy, trong lúc tôi nghe tê dại cả con tim cũng chỉ vì “màu tím hoa sim” một thời hoang tưởng đang huyền ảo trong mưa…
Tôi kể cho Lisa huyền thoại nước da đẹp mịn màng của phụ nữ Huế là nhờ đi trong mưa bụi, mưa bụi là một thứ lotion hiếm có của đất trời xứ Huế, vừa massage bằng những vỗ về êm ái làm cho máu lưu thông vừa đem chất ướt cho da một cách tự nhiên, những khi ấy Lisa nheo mắt nhìn tôi đang soi mặt mình trong gương còn ướt nhòa nước mưa sau buổi đi ngoài trời và bảo: “Kim Lan! Du bist ein Hammer” (nghĩa đen: “Kim Lan, mi là một cái búa”, nghĩa bóng của “Hammer” là gây ấn tượng mạnh mẽ, choáng váng… như sức đập của cái búa!!!), và chúng tôi cười xòa vì huyền thoại cơn mưa.
Đến ngày thứ năm trời vẫn nửa nắng nửa mưa, Lisa hết kiên nhẫn, tôi nhìn bạn thương hại, trong sân mưa vẫn bay bay, chẳng có dấu hiệu nắng lên, tôi đành buột miệng nói liều: “mai rồi mưa tạnh trong xuân”, một kiểu hứa vu vơ như “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”… cốt để làm dịu nỗi nung nấu của người bạn đáng thương. Và Lisa đưa hai tay lên trời “mày làm thơ đó chắc”. Lisa không biết Huế là… “mai mới chắc” chứ hôm nay thì… không chắc chắn tí nào, không những mưa, nắng… mà cả tình yêu, nỗi nhớ, sắc đẹp tất cả đều bấp bênh…
Lisa không biết những ngày trời dịu, mà người Huế cho là “tốt trời” như những hôm ấy là những ngày quí giá đối với Huế “nổ lửa”, Huế nóng chảy mỡ trong mùa hè hay Huế “mưa dầm thúi đất” trong mùa đông. Giá Lisa biết được cơn nắng của xứ Huế thì đã không thèm nắng như mèo thèm mỡ mà đem lòng thương mưa bụi đang bay ngoài trời. Những người Huế như tôi gọi những ngày như thế là “trời thương” và đâm ra “thương trời thương Phật”, những ngày mưa hiền như Bụt, không làm đau, những ngày trời đất, cỏ cây con người giao hòa trong một thứ cung tơ nhẹ nhàng, ướt mướt, như kén nhả tơ, như bướm hóa thân… gây bao rung cảm hồi sinh cho mọi loài…
Ngày đầu tôi nói chi Lisa đều tin. Tôi nói, mưa bụi khô, không ướt áo đâu, - ai nói “mưa bấc” cũng đúng, mưa nhẹ như bấc! mình đi chơi ngoài trời suốt ngày cũng chả sao. Chúng tôi háo hức đi lang thang thăm chùa, thăm lăng tẩm, thăm đồng quê, mải mê đi không biết mệt vì trời mát dịu như thế… đắm chìm trong khung cảnh tĩnh lặng của Huế. Buổi trưa ngồi ở quán bên đường, bỗng thấy tóc tai ướt nhèm. Lisa đưa khăn cho tôi lau tóc, lau mặt. Lisa cười khi nghe tôi buổi tối húng hắng ho. Tôi bảo chỉ cần uống nước chè xanh nóng đập gừng tươi bỏ vào là hết ngay, một tí cảm trời cảm đất cũng không can chi. Vậy mà ho hen đã theo tôi đến ngày xa Huế, quả thật cái “búa“ nay cũng đã mòn mà Lisa không biết!!! Tôi kể cho Lisa ngày xưa, mưa bụi làm hồng đôi má bồ quân của chị tôi vào tuổi 17 bẻ gãy được sừng trâu, mặt chị đẹp nhất khi lấm tấm nước mưa. Lisa không hiểu được “bẻ gãy sừng trâu” là chi, tôi giải thích: thì cũng giống cái “Hammer” của Lisa ấy…
Những ngày cuối cùng ở Huế, mặt Lisa dài ngoẳng ra vì trông đợi nắng, thấy thương… mãi khi trở lại Sài Gòn mới thấy nụ cười Lisa tươi trở lại. Trông Lisa vội vàng chạy ra ngoài nắng hớn hở như đứa trẻ được quà, bà con Sài Gòn đều lấy làm lạ.
Hôm nay viết chưa xong những dòng về mưa bụi, cảm giác như mình đang mộng du, chân không chấm đất, người như say phiêu phiêu, cả một thứ ngôn ngữ ảo cho Huế của tôi… bỗng nhớ Lisa, tôi gọi Lisa và bảo tôi đang viết vi vu về mưa Huế đây nì. Tiếng Lisa thảng thốt bên kia: Ối trời ơi, Huế cái chi cũng lạ cũng đẹp, chỉ trừ có mưa!
Muenchen, nhị độ xuân,
tháng tư 2005
T.K.L
(254/04-10)
---------------
(1) Trong vườn của nhà thơ kiêm họa sĩ TVM, tác giả được dịp ngắm dưới mưa các loài hoa trong vườn, trong đó có bụi hoa sim (thường mọc dại trên rừng) đang nở rộ vào tháng ba.
Tạp Chí Sông Hương