Lý Chiêu Hoàng và những bi kịch cuộc đời

ngan trang

New member
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh vào tháng 9 năm 1218, là con gái của Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi bà ra đời thì lúc này, nhà Lý đã vào thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà, tức Lý Cao Tông được biết đến như là một vị vua “chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy”.

Tới đời Huệ Tông “Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát.”
Năm 1917, Huệ Tông bị phát bệnh điên, tự xưng là Thiên tướng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Chính sự không quyết đoán, giao phó cả cho Trần Tự Khánh. Quyền lớn trong nước dần dần về tay kẻ khác. Tới tháng 10 năm 1224, dưới sức ép của Trần Thủ Độ (lúc này đã lên nắm quyền lực thay Trần Tự Khánh chết năm 1224), Huệ Tông phải sách lập Chiêu Hoàng làm thái tử và xuống chiếu nhường ngôi, như vậy Chiêu Hoàng lên ngôi năm mới vừa tròn 6 tuổi. Và cũng từ đây sóng gió đã phủ lên cuộc đời của vị nữ hoàng nhỏ tuổi này.
Lúc này quyền lực thực tế đã hoàn toàn nằm trong tay của dòng họ Trần, Lý Chiêu Hoàng chỉ còn là một quân bài trong ván bài chính trị của Trần Thủ Độ mà thôi. Sở dĩ, Trần Thủ Độ chưa lật đổ nhà Lý chỉ vì còn lo sợ các thế lực đang cát cứ tại các địa phương, như Đoàn Thượng ở Hải Dương, Nguyễn Nộn ở Kinh Bắc, đem quân về đánh.
Cuối cùng thì đến năm 1225, Trần Thủ Độ đã dàn xếp cho cháu của mình là Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông sau này) vào cung hầu hạ Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép sự việc này như sau:
"...Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng.
Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ.
Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?".
Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ.
Thủ độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng:
"Bệ hạ đã có chồng rồi".
Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng:
"Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết".
Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế....".

Sau khi nhường lại ngai vàng cho Trần Cảnh, lúc này Chiêu Hoàng mới có 7 tuổi và được Trần Cảnh sách phòng làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh. Những tưởng sự đời từ đây đã được an phận, không làm vua nữa thì đã có chồng làm vua, nếu sinh được con trai, thì con bà cũng lại tiếp tục kế nghiệp của nhà Trần, cũng an ủi được phần nào đối với vương triều nhà Lý. Bảy năm sau (1232), năm Chiêu Thánh 14 tuổi thì sinh con trai là thái tử Trịnh, nhưng không may Trịnh mất ngay sau đó.
Từ đó bà đau ốm liên miên tới 5 năm sau (1237) mà vẫn chưa có con. Lúc này Trần Thủ Độ và mẹ ruột của bà là Trần Thị Dung (đã lấy Trần Thủ Độ và được gọi là công chúa Thiên Cực), lại tiếp tục bàn mưu với nhau, phải giữ được ngai báu cho dòng họ nhà Trần, ép buộc Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên công chúa (lúc này đang là vợ của Trần Liễu, anh trai của nhà vua) và giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa.
Chúng ta phải xét lại mối quan hệ như mối bòng bong này giữa các nhân vật trong câu chuyện này. Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung vốn là hai chị em con chú con bác, bố của Trần Thị Dung là Trần Lý anh trai của Trần Hoằng Nghi (bố của Trần Thủ Độ), sau đó hai nhân vật này trở thành vợ chồng.
Tiếp đến thế hệ của Trần Cảnh, Chiêu Thánh thì Trần Cảnh là con của Trần Thừa, anh trai của Trần Thị Dung, xét về thế thứ thì Trần Cảnh là anh họ của Chiêu Thánh. Giờ đây, dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, lại một lần nữa sự loạn luân trong dòng họ Trần được đẩy lên tới đỉnh điểm. Trần Cảnh lấy Thuận Thiên (vừa là em họ, vừa là chị dâu, vừa là chị vợ). Về việc này, sử gia Phan Phu Tiên có nhận xét:
Tam cương ngũ thường là luân lý lớn của loài người. Thái Tông là ông vua khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc để truyền lại cho đời sau, lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ của anh làm hoàng hậu, chẳng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn đó ư? Liễu từ đó sinh ra hiềm khích, cả gan làm loạn, là do Thái Tông nuôi nên tội ác cho Liễu vậy. Có người bảo Thái Tông không giết anh, thế là nhân, nhưng tôi thì cho rằng cướp vợ của anh, tội ác đã rõ ràng, không giết anh là vì lẽ trời chưa mất mà thôi, sao được gọi là nhân? Xét ra sau này Trần Dụ Tông dâm loạn làm càn chưa hẳn không do Thái Tông đầu têu vậy .
Ngô Sĩ Liên thì viết: Thái Tông mạo nhận con của anh làm con của mình. Sau này Dụ Tông và Hiến Từ đều cho Nhật Lễ làm con của Cung Túc Vương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần suýt nữa bị sụp đỗ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó sau?

Những biến cố lớn của cuộc đời dồn dập xuống đầu của một cô công chúa mới 19 tuổi đầu, từ một vị hoàng đế, xuống làm hoàng hậu, con trai mất, bà lại tiếp tục bị mẹ đẻ của mình trực tiếp hay gián tiếp giáng xuống làm công chúa. Có lẽ Trần Thị Dung đã đặt lợi ích dòng họ lên quá cao, để rồi đến con mình rứt ruột đẻ ra phải chịu cảnh đau khổ đến tột cùng. Quá buồn và chán nản, không chịu được cảnh ngột ngạt trong cấm cung, bà xin với triều đình cho xuất gia đi tu. Có nhiều giả thuyết khác nhau về nơi tu hành của công chúa Chiêu Thánh, người dân làng Giao Tự (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) còn truyền tụng rằng ngôi chùa Linh Tiên của làng mình, xưa kia chính là nơi Lý Chiêu Hoàng về tu hành một thời gian. Bà trở về đây nương nhờ cửa Phật sau khi bị chồng là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) giáng xuống làm công chúa.

Còn theo cuốn “Lý Thái Hậu thực lục”, sống với vua Trần nhiều năm mà đường con cái muộn mằn, Chiêu Hoàng luôn có nỗi buồn, bà bèn dâng biểu và được nhà vua ưng thuận. Từ đó, và rời cung cấm đi ngao du, thăm phong cảnh và giảng kinh thuyết pháp ở nhiều nơi, sau đó đến tu tại chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây (theo sách Việt Nam đại hồng sử). Có thuyết khác nói Lý Chiêu Hoàng tu tại chùa Vân Tiêu nằm trên sườn núi phía tây Yên Tử lấy pháp danh là Vô Huyền, cho đến khi triều đình gả bà cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần).

Sau 21 năm sống cuộc đời cô độc và buồn thảm từ khi bị truất xuống làm công chúa Chiêu Thánh (1237), năm 1258, một sự cố lớn nữa lại đến trong cuộc đời bà, nhưng đó cũng là niềm an ủi, niềm hạnh phúc những năm tháng cuối cùng đối với Chiêu Thánh.
Tháng 12 năm Đinh Tỵ (1257) quân Nguyên do tướng Ngột Lương Hạp Thai đem quân xân lấn nước ta ở Bình Lệ Nguyên (nay là huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Yên). Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn, ngoảnh lại chỉ thấy Lê Phụ Trần một mình một ngựa ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không. Có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần can vua “Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy tạm lánh chúng, sao lại có thể tin lời người ta thế!”. Vua nghe lời lui quân đóng ở sông Lô, Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván che cho vua khỏi trúng tên giặc….
Cảm kích ân nghĩa cuả Lê Phụ Trần đã quên mình vì vua, sau khi đánh tan giặc Nguyên (lần thứ nhất), ngày mồng 1 tháng giêng năm Mậu Ngọ (1258) Thái Tông định công phong tước, cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu, lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói “Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa.
Ở Từ Sơn (Bắc Ninh) vẫn còn câu ca dao thác lời Chiêu Hoàng trách Trần Cảnh về việc này:
Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!

Chiêu Thánh trở thành phu nhân cuả Lê Phụ Trần và đã sinh cho Phụ Trần hai người con, trai là Thượng Vị hầu Tông, gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Việc sinh con đã mang lại niềm hạnh phúc được làm mẹ cho Chiêu Thánh, là minh chứng hùng hồn tội ác vô luân cuả Thủ Độ và Linh Từ, nhưng liệu đã đủ xua tan những bóng mây u ám vây quanh bà chăng? Tin thượng hoàng Thái Tông băng vào tháng 4 Đinh Sửu (1277) làm vết thương lòng cuả bà nhói đau trở lại. Một năm sau Chiêu Thánh công chúa ra đi trong lặng lẽ (tháng 3 Mậu Dần -1278), thế mà những thành kiến khắc nghiệt cuả các sử thần Nho giáo vẫn không chịu buông tha bà:

Việt Sử Tiêu Án viết như sau: “Bà Chiêu Thánh mất. Bà đã bị giáng là Công chuá, rồi gả cho Phụ Trần, khi ấy mất đã 61 tuổi. Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên đầm có miếu Chiêu Hoàng, đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Thánh mà đặt ra thuyết ấy. Bà Chiêu Hoàng nhất sinh là người dâm, cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi, đâu còn trinh tiết như lời người ta truyền lại.”

Lúc còn sống, bà đã phải chịu nhiều đau khổ và búa rìu dư luận như vậy. Nhưng sau khi chết đi rồi, chúng ta thử xem bà được hậu thế đối xử như thế nào?
Tuy là một vị vua chính thức của vương triều nhà Lý, một vương triều rực rỡ của nước Đại Việt, vương triều đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại sau này, nhưng Lý Chiêu Hoàng đã không được sử sách công nhận một cách công bằng. Nhà Lý có 9 vị vua, nhưng chỉ có 8 vị trước Lý Chiêu Hoàng (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, còn riêng bà Chiêu Hoàng thì lại thờ riêng tại một khu vực khác, gọi là Đền Rồng.
Một số người cho rằng, vì bà đã để mất ngôi nhà Lý, nên bị coi là mang tội với dòng họ, nên không được thừa nhận và phải thờ riêng. Với quan điểm này, nhà thơ Tản Đà từng có bài thơ vịnh Lý Chiêu Hoàng:

"Quả núi Tiên Sơn có nhớ công/ Mà em đem nước để theo chồng.../ Một gốc mận già thôi cũng phải/ Hai trăm năm lẻ thế là xong".

Một lý do khác được GS Sử học Vũ Văn Ninh lý giải: có thể vì bà làm vua trong 2 năm, nhưng do còn nhỏ, nên không có công lao gì với đất nước. Hơn nữa, về sau bà đã nhường ngôi vua, rồi lại bị phế ngôi hoàng hậu, trở thành công chúa và cuối cùng, "xuất giá tòng phu" và không còn là người trong cung thất nhà Lý.

Khá nhiều ý kiến nghiêng về cách lý giải: Là vua, nhưng chỉ vì là phụ nữ, nên Lý Chiêu Hoàng không được thờ chung với các bậc tiên vương, do quan niệm trọng nam khinh nữ tồn tại trong xã hội phong kiến. Mới đây, Tiến sĩ Phật học Thích Đức Thiện cũng có cách lý giải trùng với quan điểm này: "Ngôi đền được xây dựng từ thời phong kiến mang đậm ảnh hưởng của đạo Khổng, đạo Nho, vì thế, phụ nữ cũng ít được coi trọng và phải chịu nhiều thiệt thòi...".
Lại có thông tin truyền miệng về việc Lý Chiêu Hoàng không được thờ cùng các vị tiên đế là do, khi ở tuổi 61, Lý Chiêu Hoàng trẫm mình tự vẫn ở Thanh Hóa, rồi thi hài bà được chuyển về quê hương. Trên đường đi, qua một bãi đất thì kiệu không thể khiêng đi được nữa, nên mọi người cho rằng, đó là ý muốn của Lý Chiêu Hoàng, nên đã dựng Long Miếu thờ bà tại đó, nay gọi là đền Rồng. Tuy nhiên, câu chuyện này không thuyết phục vì không có tài liệu nào ghi chép. Hơn nữa, bà đã có những năm cuối đời hạnh phúc và bình an bên tướng Lê Phụ Trần và 2 người con thành đạt, nên chẳng có lý do gì để bà phải tự vẫn.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, Trưởng ban Tuyên truyền của đền Đô, người đã viết một số cuốn sách về các triều vua nhà Lý, đưa ra các giả thiết: Lý Chiêu Hoàng không được thờ ở đền Đô, có thể vì bà chỉ làm vua 2 năm, mà trong thời gian đó, do bà mới 7-8 tuổi, nên không nắm thực quyền. Ngoài ra, còn có một sự trùng hợp kỳ lạ để giải thích cho việc này là "Chiếu dời Đô" của Lý Công Uẩn có đúng 214 chữ, trùng với 214 năm trị vì của nhà Lý, nếu không tính thời gian Lý Chiêu Hoàng làm vua.
Còn một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Đức Thìn đưa ra là: khu đất Lý Thái Tổ chọn để xây dựng đền Đô được Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng là nơi hội tụ của thiên khí, đất gối đầu của 8 con rồng, cũng là mảnh đất ở thế "Liên hoa bát diệp", tức là bông sen có 8 cánh, nên đền Đô chỉ có thể thờ có 8 vua, chứ không phải là 9 vị.
Đền thờ 8 vị vua đặt ở Đông làng Cổ Pháp (cũ), để ngày ngày đón ánh bình minh, còn đền Rồng nằm ở phía tây là để hoàng hôn rọi vào. Việc chọn lựa thế đất để đặt miếu thờ như thế, phải chăng, còn mang dụng ý sâu xa của người xưa: Lý Thái Tổ là người khai sinh ra triều Lý với những năm tháng hưng thịnh của đất nước, còn đời Lý Chiêu Hoàng là dấu chấm hết của triều đình nhà Lý, giống như ánh mặt trời cuối ngày…
Tính đến hôm nay, Lý Chiêu Hoàng đã về với tiên tổ được gần 800 năm, nhưng những thông tin mà chúng ta biết về cuộc đời của bà còn quá ít ỏi và mong manh. Đọc bài viết này để chúng ta cùng cảm thông cho cảnh ngộ của một con người đã từng trải qua đủ trầm luân vinh nhục của cuộc sống đế vương…


Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top