Luyện thi môn Văn: Thơ Tố Hữu

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi
Về bài Việt Bắc

Chuyên đề: Thơ Tố Hữu
Vấn đề : Việt Bắc​

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Để diễn tả những tình cảm cách mạng cao quí của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tố Hữu đã dùng lối hát giao duyên đối đáp giữa nam và nữ trong các hội hè đình đám ở miền Bắc nước ta. Thay vào nội dung tình yêu đôi lứa của dân ca bằng tình nghĩa cách mạng, tấm lòng son sắt thủy chung với Đảng, với nhân dân, qua cách nói, cách xưng hô “mình - ta”, tình cảm cao quí đó trở nên gần gũi, thắm thiết hơn. Hai nhân vật trữ tình trong bài thơ là người cán bộ về xuôi, tượng trưng cho dân tộc Kinh và người dân Việt Bắc, tượng trưng cho dân tộc miền ngược. Do đó tình cảm cách mạng ở đây còn là tình đoàn kết gắn bó giữa hai vùng miền xuôi - miền ngược, thể hiện chính sách dân
tộc của Đảng ta.

2. Hai mươi câu thơ mơ đầu bài thơ là lời trao gởi ân tình thắm thiết của Việt Bắc đối vơi cán bộ cách mạng về xuôi. Một loại câu hỏi tu từ và điệp kiểu câu:

“Mình về mình có nhớ ta…
Mình về mình có nhớ không…
Tiếng ai…
Mình đi,có nhớ những ngày…”


Gợi cho người đọc cảm nhận được tình cảm lưu luyến không muốn rời trong buổi chia tay người đi - kẻ ở, qua ý thơ: Người về có nhớ ta không?

a. Nhớ Việt Bắc là nhớ quê hương cách mạng, nhớ ngọn nguồn cách mạng, nơi đã bảo bọc cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong những ngày sóng gió, khi Đảng còn non trẻ. Hình ảnh “mười lăm năm ấy” là một hình ảnh cụ thể nhắc nhở thời kỳ đầu thành lập lực lượng vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, cho đến ngày kháng chiến chống pháp thắng lợi. Cả một thời gian dài gian khổ, đắng cay! Việt Bắc đã ân tình, ân nghĩa với cách mạng như thế , cho nên: “NNhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ
nguồn?”.

Người ra đi làm sao tránh khỏi tâm trạng xao xuyến, bâng khuâng ? Hai tính từ lấp láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” cùng hiện diện trong câu thơ đối ý càng khắc họa đậm nét tâm trạng ấy .

b. Nhớ Việt Bắc còn là những kỷ niệm gian khổ, khó khăn trong thời kỳ kháng chiến. Câu thơ liệt kê “Mưa nguồn suối lũ”, được nhấn mạnh thêm bằng từ “những”, từ “cùng” để tạo một loạt “những mây cùng mù” nhấn mạnh thêm ý gian khổ, vất vả của cuộc sống kháng chiến. Hình ảnh “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai” có sức khái quát cao, nói lên tình đoàn kết chiến đấu, chia sẻ gian lao giữa hai vùng miền xuôi - miền ngược là thấm thía .


c. Nhớ Việt Bắc cũng là nhớ tình nghĩa đồng bào. Bằng cách nói mộc mạc, diễn tả tình cảm kín đáo mà tha thiết, tác giả bộc lộ niềm thương nỗi nhớ của người ở lại.

“Trám bùi để rụng, măng mai để già”. “Trám”, “măng” là đặc sản của Việt Bắc, từng làm thức ăn lót lòng thay ngô, sắn, cơm, khoai trong những ngày kháng chiến. Ngày nay, qua rồi thời kỳ đói khổ, khó khăn, nhắc nhở những sản vật này với tấm lòng thiết tha trìu mến đối với Việt Bắc ; xem đó là kỷ niệm sâu sắc trong đời. Để làm nổi bật tấm lòng son sắc, thuỷ chung, thủ pháp đối lập đã được nhà thơ sử dụng thành công.

Hắt hiu lau xám Đậm đà lòng son”

Biện pháp đảo ngữ ở đây làm cho hình ảnh câu thơ càng thêm sinh động.

3. Đoạn sau là lời đáp thiết tha tình nghĩa của cán bộ cách mạng trước lúc chia tay. Đoạn thơ đã tái hiện cảnh và người Việt Bắc bằng những chi tiết tiêu biểu nhất, đẹp đẽ nhất.

3 Tuy thiếu thốn, gian khổ nhưng cảnh và người Việt Bắc đẹp và tình nghĩa chan hòa:

Hình ảnh tượng trưng: “Chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” kết hợp với cách dùng từ cùng nghĩa “chia, sẻ, cùng” diễn tả được mối tình cảm “chia ngọt sẻ bùi” giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng. Biết bao tình nghĩa sâu nặng trong “củ sắn”, “bát cơm”, “chăn sui”… mà người cán bộ cách mạng đã chịu ơn Việt Bắc.

Hình ảnh chọn lọc: Người mẹ nắng cháy lưng… gợi người đọc liên tưởng đến sự tần tảo chắt chiu, cần cù lao động của bà mẹ chiến sĩ trong kháng chiến đã đùm bọc, cưu mang chiến sĩ, cán bộ cách mạng. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho cái đẹp, cái ân tình trong cuộc sống kháng chiến không thể phai nhòa trong kí ức của người về xuôi .

Đoạn thơ còn dựng lại những khung cảnh quen thuộc với những hình ảnh và âm thanh hết sức tiêu biểu cho sinh hoạt trong kháng chiến Việt Bắc. Câu thơ đối ý mà nêu bật tinh thần lạc quan yêu đời của cán bộ, chiến sĩ cách mạng dù cuộc sống còn rất gian khổ, khó khăn :

“Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”

Âm thanh “tiếng mõ rừng chiều” và “chày đêm nện cối đều đều suối xa” là âm thanh đặc trưng của Việt Bắc, phản ánh sinh hoạt yên ả, bình dị nơi núi rừng, gợi nhớ một thời đã qua.

Đặc sắc nhất là đoạn thơ hồi ức về cảnh đẹp núi rừng Việt Bắc qua bốn mùa trong năm.

Một loạt từ chỉ màu sắc, xanh, đỏ tươi, trắng, vàng… tạo một cảm giác tươi mát, vui mắt cho các bức tranh phong cảnh. Mùa xuân với hoa mai nở trắng rừng. Mùa hạ với âm thanh “ve kêu” tạo thành một bản hợp tấu của rừng xanh. Mùa thu với ánh trăng hòa bình êm đềm trong sáng. Giữa cây cỏ thiên nhiên, Con người Việt Bắc hiền hòa, nhân hậu lao động cần cù: đan nón chuốt tùng sơi giang, hái măng một mình. Bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động và có ý nghĩa hơn.

b. Việt Bắc còn nghi lại những chiến công của bộ đội, dân quân ta trong kháng chiến chống pháp. Đoạn thơ toát lên vẻ đẹp hào hùng của dân quân ta:

“ Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

Bằng những điệp từ “điệp điệp, trùng trùng” và từ ngữ láy phụ âm đầu “rầm rập” diễn tả được hào khí ngút trời của bộ đội, dân công trên đường ra mặt trận.

Với lối nói thậm xưng “bước chân nát đá” tác giả cũng muốn nhấn mạnh sự lớn dậy và kiên cường, bất khuất của bộ đội ta thời kỳ này.

c. Việt Bắc còn là đầu não của cuộc kháng chiến toàn quốc, là niềm tin vững chắc của nhân dân về Đảng,về lãnh tụ:

“Nhìn lên Việt Bắc…
Trông về Việt Bắc…”


Câu thơ nói lên vị trí quan trọng của Việt Bắc mà cũng là nhấn mạnh uy tín của Bác, của Đảng đối với toàn dân, toàn quân trong thời kỳ kháng chiến gian khổ.

B. LUYỆN TẬP

I. CÂU HỎI


1. Thí sinh hiểu biết gì về bài thơ Việt Bắc?

2. Bài thơ Việt Bắc gợi nhớ đến lối cấu tứ cảnh chia tay và lối hát đối đáp trong ca dao, dân ca. Em hãy kể một số ví dụ về những bài ca dao, dân ca có cách cấu tứ như vậy?

3. Có người cho rằng ở bài thơ Việt Bắc, đối đáp chỉ là hình thức kết cấu bên ngoài, còn ở chiều sâu bên trong lại là dòng độc thoại nội tâm. Em có tán thành nhận xét ấy không, và nếu có thì hãy chứng minh điều đó.

II. LÀM VĂN

Bình giảng đoạn thơ sau trong Việt Bắc của Tố Hữu:

“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
[…………………………………]
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”


III. GỢI Ý TRẢ LỜI


1.
Lối hát đối đáp và cách cấu tứ cảnh chia tay thường được sử dụng rất phổ biến trong ca dao, dân ca ở mọi miền, như hát trống quân, hát quan họ, hát xoan, hát phường vải… Một số câu ca dao quen thuộc có cách cấu tứ như vậy:

“- Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

“- Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ”

“- Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”


2. Bài thơ được kết cấu theo lối đối đáp quen thuộc trong câu ca dao, dân ca. Nhưng ở đây không chỉ là lời câu hỏi, lời đáp mà còn là sự hô ứng, đồng vọng của cùng một tâm trạng. Lời đáp không chỉ nhằm giải đáp cho những điều đặt ra trong lời hỏi mà còn là sự mở rộng, làm phong phú thêm những ý tình được gợi ra trong lời hỏi.

Có khi như ở đoạn cuối của bài thơ, cả lời hỏi và lời đáp đã hòa làm một để trở thành bản hợp ca đồng vọng, ngân vang những tình cảnh chung. Nhìn sâu hơn vào kết cấu của bài thơ, chúng ta thấy đối thoại chỉ là lớp kết cấu bên ngoài, còn ở chiều sâu bên trong chính là lời độc thoại trữ tình của chủ thể đắm mình trong hoài niệm về quá khứ gian khổ mà tươi đẹp trong cách mạng và kháng chiến với những nghĩa tình thắm thiết. Tình nghĩa của nhân dân với cách mạng, của người cán bộ với Việt Bắc, của miền ngược với miền xuôi, của cả dân tộc với lãnh tụ… Vì thế hai hình tượng kẻ ở và người đi cùng với lời hỏi và lời đáp có thể được bọc lộ đầy đủ và sâu sắc trong cách đối thoại, hô ứng. Sự thống nhất của tâm trạng trữ tình cũng được thể hiện rất rõ trong việc sử dụng hai đại từ “mình” và “ta” trong bài thơ.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Đề 1:


Kể về những thành tựu xuất sắc của văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có lẽ chúng ta không thể nào không nhắc đến Việt Bắc của Tố Hữu. Đây là một bài thơ mang đậm đà màu sắc dân tộc, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu. Thông qua đó, thể hiện niềm nhớ thương tha thiết và tình cảm sắt son đầm thắm của nhân dân Việt Bắc với cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ, đồng thời cũng thể hiện tình cảm của người cán bộ kháng chiến với thiên thiên, núi rừng và con người Việt Bắc.

Đoạn thơ gồm năm câu lục bát nhắc lại những cảnh thân thiết và tươi đẹp nhất về cảnh và người Việt Bắc trong hồi ức của người cán bộ cách mạng miền xuôi, ở đây chính là nhà
thơ.

“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”


Đây là hai câu thơ mở đầu nhưng nó mang cảm xúc chung cho toàn đoạn.

Ta là người ra đi cũng chính tác giả. Ở đây đoạn thơ kết cấu theo lối đối đáp thông thường trong dân ca truyền thống. Do đó, đây chính là lời hỏi ngọt ngào của người ra đi với người ở lại, dễ liên tưởng đây là một thiếu nữ địa phương. Và câu hỏi tu từ này là cái cớ bày tỏ tình yêu của một chàng trai miền đồng bằng với cô gái miền cao.

“Hoa và người” thực là nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Ở đây, thiên nhiên hòa điệu với con người, giữa chúng ngoài mối quan hệ tương hỗ còn có mối tương sinh lẫn nhau. Việt Bắc sinh ra con người và con người làm nồng ấm quê hương Việt Bắc.

Tiếp theo, tám dòng lục bát còn lại như là một bức tranh tứ bình về thiên và con người nơi đây. Với bốn dòng lục, nhà thơ đã miêu tả phong cảnh núi rừng qua bốn mùa, mỗi mùa là một bức tranh thiên thiên có nét đẹp riêng biệt. Qua đây, ta thấy chỉ riêng đoạn thơ này đã thấm đậm tính chất dân gian.

Đầu tiên là bức tranh tả cảnh và khơi gợi cho chúng ta tình cảm mến thương của mùa đông Việt Bắc. Tại sao lại là mùa đông? Vì đây là hồi ức của tác giả trong giờ phút chia tay. Chúng ta còn nhớ, vào một đêm mùa đông 1946, Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân kháng chiến. Đặc biệt ở Hà Nội, những người lính lặng lẽ rời thành phố, bí mật theo chân cầu sông Hồng ngược xuôi lên căn cứ cách mạng Việt Bắc. Sự kiện này, đến tận bây giờ vẫn còn chứng minh bởi một khúc hát quen thuộc:

“Đêm cái đêm rét quá chân cầu
Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sông, sông Hồng bên bờ hát mãi
Tỏ niềm tin khúc khải hoàn ca”.


Lưu Trong Lưu trong Một mùa đông đã từng viết:

“Đôi mắt em lặng buồn,
Nhìn tôi mà không nói.
Tình đôi ta vời vợi,
Có nói cũng vô cùng
Trời hết một mùa đông
Không một lần đã nói…”


Thế mà, ở chốn núi rừng heo hút này, mùa đông rừng biếc xanh đột ngột bùng lên màu đỏ tươi của hoa chuối rừng như những bó đuốc thắp lên sáng rực. Vẻ đẹp nên thơ và rực rỡ của Việt Bắc vào mùa đông gợi những người đọc những rung động sâu xa. Thông qua bức tranh, ta thấy dù mùa đông lạnh giá nhưng sự sống núi rừng vẫn cứ như tuôn trào, cảm giác đem đến cho lòng người sự ấm áp lại.

Thiên thiên đáng yêu như thế, còn con người thì sao? Ta xét tiếp câu hát:

“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Thời gian được xác định bởi yếu tố “ngày xuân”. Chính ấn tượng thời gian này tạo sự vật vận động, sinh sôi nảy nở. Không gian ở đây như là cổ tích. Mới vừa rồi màu xanh bạt ngàn điểm hoa chuối đỏ, bây giờ nở bung ra những rừng mơ trắng muốt thoảng hương thơm. Cái màu trắng dìu dịu tinh khiết ấy phủ lên cả cánh rừng, gợi lên trong lòng ta một cảm giác thơ mộng bâng khuâng. Ngoài ra màu trắng của hoa mơ gợi cho người ta cái thanh thoát hơn, đem lại cho lòng ngưỡi sự thanh thản, thảnh thơi. Câu thơ làm cho ta thấy dường như màu xanh đã bị lấn lướt. Mùa xuân ở đây không tưng bừng như mùa xuân của Xuân Diệu mà nó đến một cách lặng lẽ, âm thầm nhưng không kém niềm vui.

“Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Mùa xuân miêu tả trong câu thơ rất đặc trưng cho mùa xuân Việt Bắc. Sợi giang là sản phẩm của Việt Bắc. Do vậy người lao động đó là người Việt Bắc chớ không phải là người miền xuôi. Nhìn thấy được từng sợi giang, tức là con người được nhìn ở tầm gần. Việc làm này có nhàn nhã như chính mùa xuân, mùa xuân làm cho người ta cảm thấy thơ thới và đem đến cho họ dáng điệu sống như thế.

Thế rồi, khoảnh khắc nhàn hạ của mùa xuân cũng qua mau, qua mau, con người tiếp tục sống cuộc sống của họ.

“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”


Bức tranh gợi sự chú ý cho người đọc bằng thị giác, lẫn thính giác. Đầu tiên, cái độc đáo ở đây chính là âm thanh, âm thanh mùa hạ, tiếng “ve kêu”. Câu thơ tạo ra hình ảnh nhân hóa. Con ve là loài vật, vậy mà nó biết kêu, biết gọi, nó xui khiến rừng phách đổ vàng ở đây, chúng ta nên dành một ít thời gian để tìm hiểu cái rừng phách kỳ lạ này. Rừng phách là những cây lạ ở miền Bắc. Nó không mọc riêng rẽ mà mọc thành rừng, rất nhạy cảm với thời tiết. Tiếng ve kêu râm ran đây đó đã báo hiệu mùa hạ, nhưng lúc này đã là cuối hạ.

Cái lạnh đang tràn ngập núi rừng, lá cây bắt đầu chuyển sang màu vàng, cả rừng phách thay áo mới, chiếc áo vàng óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Cảnh thiên nhiên đẹp và rực rỡ thế lại càng lãng mạn hơn, vì trong cánh rừng bạt ngàn ấy có thêm bóng dáng của một sơn nữ “hái măng một mình”. Đọc tới đây khiến ta liên tưởng đên một hình ảnh tương tự trong thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ của đồng quê:

“Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn ra rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ”


Đây là khổ thơ thứ nhất trong bài thơ Cô hái mơ. Ta thấy có sự giống nhau rất ngẫu nhiên: cũng là rừng núi và cô gái đang làm việc. Chỉ có điều ở đây là “hái mơ” chớ không phải “hái măng”. Từ “hái” ở đây dường như không thể thay thế bằng một động từ nào khác: bẻ, đốn… vì chỉ có nó mới phù hợp nét dịu dàng, uyển chuyển, mềm mại của cô gái mà thôi. Ta hãy thử tưởng tượng bức tranh mùa hạ như thế này đẹp biết bao. Cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ như thế lại khảm chạm thêm vào hình ảnh một người thiếu nữ nhẹ nhàng làm việc. Quả thật bức tranh vừa đẹp vừa có thần nữ. Rõ ràng thiên nhiên và con người đã hòa quyện vào nhau, tô điểm cho nhau.

Cuối cùng đoạn thơ kết thúc bằng hình ảnh mùa thu cũng không kém phần đẹp đẽ.

“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”


Câu thơ đã xác định rõ, đây là mùa thu. Thiên nhiên mùa thu được miêu tả bằng ánh trăng. Việc sử dụng hình ảnh trăng thật ra cũng không có gì độc đáo và mới mẻ. Tuy nhiên đặt vào hoàn cảnh Việt Bắc lúc bấy giờ ta thấy được niềm mơ ước hòa bình của người cán bộ cũng như toàn dân Việt Bắc. Tất cả đều nói lên niềm tin tưởng chiến thắng sẽ đến với cách mạng với đất nước.

Câu thơ thiếu cụ thể nên con người ở đây cũng thiếu cụ thể. Từ “ai” nhòa đi để tạo nền cho cả đoạn và cũng nhằm trả lời cho câu hỏi đầu tiên: “Mình về có nhớ ta chăng?”. Tuy hỏi thế nhưng trong lòng họ vẫn biết rằng con người ấy vẫn thủy chung, son sắt. Đây là lời đồng vọng trong tâm hồn của cả hai người yêu nhau cùng nhớ, cùng thương “nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

Qua đây ta thấy bao trùm cả đoạn thơ là tình cảm nhớ thương tha thiết tiếp tục âm hưởng chung của nghệ thuật ca dao. Câu thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, ý nọ gợi ý kia cứ trào lên dào dạt trong lòng người ra đi và người ở lại. Đặc biệt là qua cách xưng hô “mình” với “ta”. Ở đây điệp từ nhớ dùng để xoáy sâu vào cảm hứng chủ đạo là hồi ức. Từ “rừng” lặp lại là khoảng không gian cho nỗi nhớ tồn tại. Màu sắc cũng ảnh hưởng không ít tới bức tranh, đỏ lặng lẽ, nhưng có sức sống. Màu con dao thể hiện sự hoạt động. Màu trắng làm thanh thoát con người và màu vàng làm cho bức tranh rực rỡ trong hoàng hôn. Rõ ràng bức tranh đã có sự hòa điệu của màu sắc. Bên cạnh đó,nhạc đệu dịu dàng trầm bổng khiến cả đoạn thơ mang âm hưởng bâng khuâng, êm êm như một khúc hát ru -khúc hát ru kỷ niệm. Có lẽ khúc hát ru này không của ai khác là của “ta” và cho người nhận là “mình”. Cả “ta” và “mình” đều cùng chung nỗi nhớ, cùng chung “Tiếng hát ân tình” và ân tình sâu nặng ấy mãi còn lưu luyến vấn vương trong những tâm hồn chung thủy.

Có thể nói đây là đoạn thơ hay và có giá trị nhất trong bài Việt Bắc. Cảnh thiên nhiên và con người trong đây được miêu tả hết sức tuyệt vời và tươi đẹp, tràn ngập sức sống. Và với giọng thơ ngọt ngào, tâm tình khiến đoạn thơ như một bản tình ca về lòng chung thủy sắt son của người cách mạng đối với cả nhân dân, quê hương Việt Bắc.

Đề 2:

Phân tích đoạn thơ trích trong Việt Bắc của Tố Hữu:

“Mình về mình có nhớ ta
(…) Tân trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”



Bốn câu đầu là lời Việt Bắc tỏ bày với người cán bộ chiến sĩ khi chia tay:

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”


Điệp từ “nhớ” luyến láy trong cấu trúc câu hỏi tu từ đồng dạng, tràn đầy thương nhớ. Các xưng hô “mình - ta” mộc mạc, thân gần gợi liên tưởng ca dao: “Mình về ta chẳng cho về - Ta nắm dải áo, ta đề bài thơ”. “15 năm” là chi tiết thực chỉ độ dài thời gian từ năm 1940 thời kháng Nhật và tiếp theo là phong trào Việt Minh, đồng thời cũng là chi tiết gợi cảm - nói lên chiều dài gắn bó thương nhớ vô vàn. Câu thơ mang dáng dấp một câu Kiều - Mười lăm năm bằng thời gian Kim - Kiều xa cách thương nhớ mong đợi hướng về nhau (Những là rày ước mai ao - Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình). Cảm xúc đậm đà chất dân gian, đậm đà chất Kiều. Âm điệu ngọt ngào, giọng thơ nồng ấm, tình cảm do vậy dạt dào thiết tha. Việt Bắc hỏi về: “Mình về mình có nhớ không - Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”. Câu hỏi chất chứa tình cảm lưu luyến, bao hàm lời dặn dò kín đáo: đừng quên cội nguồn Việt Bắc - cội nguồn cách mạng.

Bốn câu tiếp theo là nỗi lòng của người về:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”


“Bâng khuâng, bồn chồn” là hai từ láy gợi cảm, diễn tả trạng thái tâm lí tình cảm buồn vui, luyến tiếc, nhớ thương, chờ mong… lẫn lộn cùng một lúc. Mười lăm năm Việt Bắc cưu mang người cán bộ chiến sĩ, mười lăm năm gian khổ có nhau, mười lăm năm đầy những kỉ niệm chiến đấu, giờ phải chia tay rời xa để làm nhiệm vụ mới về tiếp quản tại thủ đô Hà Nội (10-1954), biết mang theo điều gì, biết lưu lại hình ảnh nào, tâm trạng của người về do vậy không tránh khỏi là nỗi niềm bâng khuâng khó tả.

“Áo chàm đưa buổi phân li” là một ẩn dụ, màu áo chàm, màu áo xanh đen đặc trưng của người miền núi Việt Bắc - tác giả hướng nỗi nhớ Việt Bắc qua hình ảnh cụ thể “áo chàm”, chiếc áo, màu áo bình dị, đơn sơ, mộc mạc của vùng quê nghèo thượng du đồi núi nhưng sâu nặng nghĩa tình, đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Câu thơ “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” đầy tính chất biểu cảm - biết nói gì không phải không có điều để giải bày mà chính vì có quá nhiều điều muốn nói không biết phải nói điều gì. Ba dấu chấm lửng đặt cuối câu là một dấu lặng trên khuôn nhạc để tình cảm ngân dài, sâu lắng…

12 câu tiếp theo kết thúc đoạn trích, là lời tâm tình của Việt Bắc:

“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, có nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”


Điệp từ “nhớ” lập đi lập lại nhiều sắc thái ý nghĩa: nhớ là nỗi nhớ, ghi nhớ, nhắc nhở. Hàng loạt những câu hỏi tu từ bày tỏ tình cảm tha thiết đậm đà của Việt Bắc. Tình cảm lưu luyến của người đưa tiễn, gửi đi nỗi nhớ mong, gài lại niềm thương theo cách:

“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”


Việt Bắc nhắc người cán bộ chiến sĩ đừng quên những năm tháng gian lao vất vả, hoạt động chiến đấu trong điều kiện trang bị tiếp tế còn thô sơ, thiếu thốn.

“Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?”


“Miếng cơm chấm muối” là chi tiết thực, phản ánh cuộc sống kháng chiến gian khổ. Và cách nói “mối thù nặng vai” nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chống thực dân cướp nước, đè nặng vai dân tộc ta.

Cảm xúc thương nhớ xa vắng thả vào không gian rừng núi, gợi nỗi niềm dào dạt:

“Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già”


Hình ảnh “Trám bùi để rụng, măng mai để già” gợi nỗi buồn thiếu vắng - “Trám rụng -măng già” không ai thu hái. Nỗi ngùi nhớ bức bối như thúc vào lòng kẻ ở lại.

Tiễn người về sau chiến thắng và chính trên cái nền của sự chiến thắng đó, đã làm cho nỗi buồn nhớ trở nên trong sáng. Việt Bắc vẫn “một dạ khăng khăng đợi thuyền”, đồng thời nhắc nhở khéo léo tấm “lòng son” của người cán bộ chiến sĩ. Xin đừng quên thời kỳ “kháng Nhật thuở còn Việt Minh”, đừng quên cội nguồn cách mạng, đừng quên để chăm lo giữ gìn sự nghiệp cách mạng.

12 câu tiếp theo kết thúc đoạn trích, là lời tâm tình của Việt Bắc:

“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, có nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”


Điệp từ “nhớ” lập đi lập lại nhiều sắc thái ý nghĩa: nhớ là nỗi nhớ, ghi nhớ, nhắc nhở. Hàng loạt những câu hỏi tu từ bày tỏ tình cảm tha thiết đậm đà của Việt Bắc. Tình cảm lưu luyến của người đưa tiễn, gửi đi nỗi nhớ mong, gài lại niềm thương theo cách:

“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

Việt Bắc nhắc người cán bộ chiến sĩ đừng quên những năm tháng gian lao vất vả, hoạt động chiến đấu trong điều kiện trang bị tiếp tế còn thô sơ, thiếu thốn.

“Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?”


“Miếng cơm chấm muối” là chi tiết thực, phản ánh cuộc sống kháng chiến gian khổ. Và cách nói “mối thù nặng vai” nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chống thực dân cướp nước, đè nặng vai dân tộc ta.

Cảm xúc thương nhớ xa vắng thả vào không gian rừng núi, gợi nỗi niềm dào dạt:

“Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già”


Hình ảnh “Trám bùi để rụng, măng mai để già” gợi nỗi buồn thiếu vắng - “Trám rụng -măng già” không ai thu hái. Nỗi ngùi nhớ bức bối như thúc vào lòng kẻ ở lại.

Tiễn người về sau chiến thắng và chính trên cái nền của sự chiến thắng đó, đã làm cho nỗi buồn nhớ trở nên trong sáng. Việt Bắc vẫn “một dạ khăng khăng đợi thuyền”, đồng thời nhắc nhở khéo léo tấm “lòng son” của người cán bộ chiến sĩ. Xin đừng quên thời kỳ “kháng Nhật thuở còn Việt Minh”, đừng quên cội nguồn cách mạng, đừng quên để chăm lo giữ gìn sự nghiệp cách mạng.

“Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”


Tóm lại, đoạn thơ trên là nỗi lòng thương nhớ, là lời tâm tình của Việt Bắc. Đoạn thơ trên tiêu biểu sắc thái phong cách Tố Hữu, giọng điệu thơ ngọt ngào truyền cảm, mang đậm phong vị ca dao dân gian, đề cập đến con người và cuộc sống kháng chiến. Thông qua hình tượng Việt Bắc, tác giả ca ngợi phẩm chất cách mạng cao đẹp của quân dân ta, khẳng định nghĩa tình thuỷ chung son sắt của người cán bộ, chiến sĩ đối với Việt Bắc.

ĐỀ LUYỆN TẬP

* Đề 3: Bình giảng những câu thơ sau đây trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:

“Ta về mình có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, Đèo Giàng
(…) Nhớ từ Cao Lạng nhớ sang Nhị Hà”.


* Đề 4: Bình giảng những câu thơ sau đây trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:

“Những đường Việt Bắc của ta
(…) Đèn pha bật sáng như ngày mai lên!”


* LỜI BÌNH VỀ VIỆT BẮC:

- Nhà thơ chào Việt Bắc trước khi về xuôi. Anh gọi Việt Bắc là mình, như một người yêu, hay đúng hơn, như một người bạn đời đã cùng nhau gánh vác nhiều khó nhọc, chia sẻ nhiều vui buồn, nhiều tình và nhất là nhiều nghĩa với nhau. Cái nghĩa ấy từ những ngày càng gian khổ nhất mười mấy năm trước khi lực lượng cách mạng mới nhóm lên giữa rừng thiêng, những ngày chiến khu Việt Minh, “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”. Những người dân Việt Bắc cực khổ là những người trung thành nhất với cách mạng… Giữa đời sống gian khổ, cái tình nghĩa cách mạng là ấm áp nhất, đẹp đẽ nhất. Cái nghĩa tình từ thuở đầu cách mạng ấy càng sâu sắc hơn trong kháng chiến. Những người dân Việt Bắc sống vẫn chật vật vô cùng giữa thiên nhiên lộng lẫy mà gay gắt. Nhà thơ nhìn thấm thíavào cái anh dũng thầm lặng hàng ngày của quần chúng lao động.

“Thương nhau chia củ sắn lùi
… Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”


Và nụ cười thương yêu của nhà thơ bỗng gặp hình ảnh cô em gái hái măng một mình như làm sáng cả rừng núi.

… Khi Tố Hữu làm thơ về những phiên họp của Chính phủ, câu thơ trang trọng và sang sảng, đầy ánh sáng của buổi trưa rực rỡ trong tâm hồn nhà thơ. Ánh sáng ấy dẫn đến một đoạn kết, có thể là cái nút động của cả bài thơ khi nhìn về “mười lăm năm ấy”:

“Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: cụ Hồ sáng soi
… Quê hương cách mạng dựng nên Cộng Hòa”

(Theo Nguyễn Đình Thi)

“Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”


… Linh hồn của câu đọng ở ba chữ mình. Hai chữ mình trước ngôi thứ hai đã đành, chữ mình sau cũng là ngôi thứ hai. Lạ nhất là đại từ mình ngôi thứ hai này. Trong ca dao không gặp kiểu đại từ đổi ngôi như vậy. Câu thơ vốn có gốc rễ sâu xa trong ca dao của dân tộc bỗng vụt lớn lên, mới mẻ, hiện đại. Nói nôm na ra là anh đi anh có nhớ anh không?... Câu hỏi thật sâu nặng nghe mà giật mình. Ca dao chỉ đòi nhớ em thôi. Vậy mà Tố Hữu đã thêm hương thêm sắc cho chữ tình. Và chủ đề sâu sắc của bài thơ lộ ra một cách kín đáo, chứ không đợi đến những câu ướm hỏi dè chừng sau này. (Theo Nguyễn Đức Quyền)

Bài giảng của: Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và Luyện thi đại học Vĩnh Viễn
 
bài văn hay quá ak hì. Khi nào có bài văn nào hay hay anh chị gửi cho em dọc với naz. hì.............
Có thì anh chị gửi vào nick yahoo traitimyeu_roile_zim9316 giùm em với naz. em xjn camd ơn nhìu ạ hjhjhjjjj.................
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top