• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lưu Trọng Lư và Nắng Mới

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
--- Thanh Thảo ---


Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng


Ở miền Trung, mùa hạ thường đến sớm. Sau Tết chẳng bao lâu, là đã tới mùa nam non và nắng mới. Mùa mưa đã qua hẳn, cũng qua luôn với nó là những ngày trời sụt sùi u ám. Cái gió nồm mới sinh, thổi dịu nhẹ, gọi là nam non. Còn nắng mới, cũng là nắng mới sinh, chưa gay gắt. Cái nắng ấy, gió ấy, cộng với một chút tiếng gà trưa, bỗng "xao xác" hẳn. Nó khuấy động những ký ức, những nhớ thương nào từ xa lắm. Nhất là với một thi sĩ giàu tình cảm như Lưu Trọng Lư, cái tiếng gà trưa chợt xao xác, chợt rưng rưng một nỗi buồn nhớ. Ở đây có thể dùng chữ "não nùng" mà không sợ sáo, không sợ cũ, bởi cái não nùng này không chỉ là tâm trạng, mà còn thuộc về không gian: không-gian-tiếng-gà-trưa, một không gian nhạy cảm, rỗng, nhão, có thể hút tuột ta về ký ức.

Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười,
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
áo đỏ người đưa trước dậu phơi.


Có lẽ chỉ là một cảm giác: Vì sao mỗi lần nắng mới mẹ đều phơi áo đỏ? Có thể, chỉ một lần như thế thôi, nhưng hình ảnh ấy đậm quá, ấn tượng quá, nó cứ trở đi trở lại trong nỗi nhớ của thi sĩ về mẹ mình. "Lúc người còn sống, tôi lên mười,", đó là tuổi của những xúc cảm như gió nam non, như nắng mới, như màu đỏ. Vâng, màu đỏ, là một màu gây ấn tượng nhất đối với trẻ con. Khi bài thơ đã có một điểm tựa màu ấy rồi, tự nhiên nó có một khả năng ám ảnh. Và màu đỏ từ một chiếc áo mẹ phơi bên hàng dậu trở thành màu đỏ của một không gian ký ức, một không-gian-đỏ. Và trong cái không gian đỏ ấy, chợt ánh lên một nét cười thương thiết, nét cười của mẹ, "nét cười đen nhánh sau tay áo", tương phản với màu đỏ ấn tượng là một nét đen sâu thẳm. Vâng, đó là nét cười của những bà mẹ Việt Nam trong quá khứ, của răng hạt na, khăn đen và sự lặng lẽ đến nao lòng. Mẹ đã giấu một nét cười sau tay áo, đã giấu cả đời mình sau im lặng, đã giấu cả ký ức, những kỷ niệm đáng nhớ nhất của đời mình trong màu áo đỏ.

Đây là một trong số những bài thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư và của thi ca tiền chiến. Được lọc ra từ ký ức, mỗi hình ảnh trong bài chợt lung linh. Nó chính xác đến từng chữ. Xin đơn cử: "Hình dáng me tôi chửa xóa mờ", sao tác giả không dùng "chưa" hay "chẳng", mà dùng "chửa", một từ cổ, có từ phía bắc miền Trung trở ra. Vì từ ấy gợi một không gian cũ, một hình dáng cũ. Cũng có thể vì từ ấy sinh thời, mẹ thi sĩ hay dùng. Cái chính xác tự nhiên, vô ý của từng chữ trong bài thơ đã quyết định cho ấn tượng của toàn bộ bài thơ. Đây là một bài thơ mới, theo nghĩa tươi mới, dù nó được sáng tác trong thời kỳ Thơ Mới, cách nay đã sáu mươi năm.

Nguồn: Sưu Tập
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top