• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lời Thề Ước Em Không Thể Thay Đổi

Tóm tắt:

Thiếu nữ La Tiểu Mạt là con gái của một thương nhân giàu có. Trong một lần về huyện Thụ Thủy với bố, cô đã tình cờ gặp được cặp anh em sinh đôi Lặc Kì Nặc và Lặc Kì Ngôn. Vì mẹ kế của La Tiểu Mạt không thể sinh nở nên bố của cô quyết định sẽ nhận nuôi Lặc Kì Nặc, một cậu bé ngoan ngoãn và có thành tích học tập rất xuất sắc với hi vọng sau này lớn, cậu bé có thể giúp ông lo lắng chuyện kinh doanh. Nhưng trước khi rời huyện Thụ Thủy để về Cảnh An, Lặc Kì Nặc đã âm thầm tráo đổi thân phận với Kì Ngôn….

Thời gian cứ thế trôi đi, La Tiểu Mạt ngày càng trở nên kiên cường, Lặc Kì Ngôn đã sửa đổi tính cách bướng bỉnh và ham chơi của mình để trở thành một chàng trai chững chạc và biết quan tâm đến người khác. Ngay cả Tô Linh San, Hạ Đóa Tuyết, Triển Khải Dương, Triển Khâm Dương cũng ngày một trưởng thành hơn.

Mỗi người trong câu chuyện đều từ từ hiểu được chân lí của sự trưởng thành, biết yêu thương cha mẹ, coi trọng tình bạn. Đồng thời, những chuyện ngốc nghếch vì tình yêu thời niên thiếu đã trở thành một dấu ấn không thể phai mờ trong kí ức của họ.

Phần 1:
Ước nguyện dưới bóng cây
_ La Tiểu Mạt , lần gặp đầu tiên


1.
Gió nhẹ thổi qua, những cây cỏ khẽ lay động. Chiếc xe khách đã chạy suốt sáu tiếng đồng hồ mới đến huyện Thụ Thủy.

Màn đêm đã bao trùm không gian.

Cả thành phố chìm trong bóng tối. Tôi mở to mắt nhìn cảnh sắc bên ngoài cửa xe: mặt hồ tĩnh lặng, những cây to im lìm trong bóng tối… một cảm giác u uất đến khó tả.

Đêm ấy chính là lần đầu tiên tôi gặp Kì Nặc. Lúc ấy tôi chợt nhớ đến một câu nói: Đời người nơi đâu không thể gặp mặt? Anh ấy đứng bên cạnh huyện trưởng, tay xách một cái lồng đèn, mặc một chiếc áo sơ mi màu trắng, quần bò màu đen. Tôi từ trên xe bước xuống, hai tay nhét vào túi áo. Anh ấy nhìn thấy tôi liền khẽ mỉm cười. Tôi không đáp lại nụ cười ấy, chỉ cúi đầu đi theo sau mẹ kế.
Người đến đón chúng tôi là huyện trưởng của huyện Thụ Thủy. Ông mặc một chiếc áo dài màu đen, trông chẳng khác gì với những ông đồ dạy chữ thời xưa, đầu tóc chải bóng mượt, óng ả dưới ánh trăng sáng. Nhìn huyện trưởng có vẻ đang suy sụp, toàn thân nồng nặc mùi rượu, khi cười để lộ ra chiếc răng vàng chóe.
Mẹ kế nói: -Sao lại tối thế này? Chẳng có đèn đóm gì hết cả!
Huyện trưởng cười đáp: -Cơ sở phát điện của huyện Thụ Thủy không ổn định, thường xuyên bị mất điện. Nhưng mà không sao, thắp cái đèn này lên là được ngay, có tối đến đâu cũng mò được đường vào huyện!

Bố nói: -Thôi được rồi, chúng ta đi thôi! Huyện Thụ Thủy quanh năm đều như vậy mà- Mẹ kế nhíu mày nhìn tôi, tôi cũng nhìn bà ấy, đôi mắt bà ấy sa sầm, nhìn tôi bằng ánh mắt như chất chứa đầy sự oán hận. Bà ấy không ưa gì tôi, điều này tôi đã biết từ lâu rồi!
Tôi không nói chuyện với bà ấy, chưa bao giờ nói chuyện với bà ấy. Hai năm trước, mẹ tôi qua đời, bà ấy trở thành mẹ kế của tôi. Nhưng từ đó cho tới nay, tôi không bao giờ mở miệng nói với bà ấy nửa lời.

Huyện trưởng kéo Kì Nặc đến trước mặt bố, nói: -Đây là Lặc Kì Nặc, con trai của An Lâm, là học sinh có thành tích đứng đầu trong cả huyện, năm nay vừa thi vào trường trung học Cảnh An.
Bố tôi trìu mến nhìn Kì Nặc, xoa xoa đầu anh ấy rồi nói: -Cháu chính là Lặc Kì Nặc à? Năm năm trước ta về đây, cháu vẫn còn nhỏ xíu, thế mà bây giờ đã cao thế này rồi. Hài, nếu bố của cháu còn sống, nhìn thấy cháu thông minh như vậy thì vui phải biết!

Nghe thấy bố nói vậy, tôi đột nhiên ngẩng đầu liếc Kì Nặc. Ánh mắt của anh ấy đang gợn lên chút bi thương. Tôi biết là anh ấy không muốn người khác nhắc đến chuyện này.

Kì Nặc không đáp lời, chỉ khẽ chào bố tôi: -Cháu chào chú ạ!- rồi bước đến trước mặt tôi, đưa chiếc đèn lồng anh đang cầm trên tay cho tôi và nói: -Em cầm lấy cái đèn lồng này đi, nếu không tí nữa lại không nhìn thấy đường đi đâu!

Tôi lắc đầu, chỉ biết lắc đầu mà thôi.

Bố nói: -Kì Nặc, Tiểu Mạt đã nửa năm nay rồi không chịu nói
chuyện với ai rồi!

Kì Nặc kinh ngạc nhìn tôi.

Quả thực đã nửa năm nay rồi tôi chưa mở miệng nói nửa câu. Kể từ
tám tháng trước, sau khi bàn tay phải của tôi bị máy móc ở công trường nghiến nát thành một khối thịt vô dụng, tôi đã không còn có thể mở miệng nói chuyện như trước đây được nữa. Tôi ở nhà đến nửa năm nay, ăn uống rất ít, chỉ suốt ngày đóng cửa trong phòng, nghe nhạc và ngủ. Bố đã mời rất nhiều bác sĩ giỏi đến điều trị cho tôi nhưng không hiệu quả. Tôi biết rằng, bệnh của tôi là tâm bệnh, cho dù có dùng thuốc gì cũng không thể chữa khỏi được.
Cho đến một ngày, bố nói với tôi rằng: -Tiểu Mạt, bố phải đến huyện Thụ Thủy một chuyến, con có muốn đi cùng bố không?
Tôi biết nơi đó. Đó là nơi khi còn sống mẹ luôn miệng nhắc đến, mẹ nói mẹ nhớ món bánh rán đường, nhớ khúc hát ru, nhớ những con đom đóm, nhớ cả cây đa cổ thụ nơi đó. Mẹ nói mẹ từng đứng dưới gốc đa để ước nguyện.

Mẹ nói, Tiểu Mạt à, khi đèn của cả huyện Thụ Thủy tắt phụt, bóng tối bao trùm vạn vật, lúc ấy con mới là chính con!

Tôi không biết cái tôi của chính tôi rốt cuộc đang ở đâu. Tôi muốn biết, khi tất cả những ngọn đèn của huyện Thụ Thủy tắt đi, tôi có thể tìm lại được một La Tiểu Mạt hay cười nữa hay không?



Con đường đi vào huyện khá gồ ghề. Bố và huyện trưởng vừa đi vừa nói chuyện ở phía trước. Mục đích chuyến đi lần này của ông là quyên tiền sửa đường xá. Cả bố và mẹ đều xuất thân từ huyện này, nghe nói họ là bạn thanh mai trúc mã. Bố mở một công xưởng ở Cảnh An, kiếm được rất nhiều tiền, sau đó đón mẹ qua đó sống những tháng ngày hạnh phúc. Khi mẹ còn sống, mỗi lần mẹ muốn dẫn tôi đến huyện Thụ Thủy là tôi lại chê nơi này vừa xa xôi vừa hoang vu, nhất quyết không chịu đi. Giờ nghĩ lại, hối hận thì cũng đã muộn rồi.

Tôi lặng lẽ đi bên cạnh Kì Nặc. Trong rừng cây, những con đom đóm đang bay lượn. Chúng bay qua người tôi, đến bên cạnh chiếc đèn lồng của Kì Nặc. Kì Nặc thò tay ra tóm lấy một con, chìa ra trước mặt tôi rồi nói: -Cho em!

Mặc dù anh ấy chỉ nói với tôi có hai từ đó thôi nhưng tôi cảm thấy đó chính là hai âm tiết đẹp đẽ nhất mà tôi được nghe trong thế giới này. Đom đóm soi sáng khuôn mặt anh, đó là một khuôn mặt sáng sủa, khôi ngô với đôi mắt trong veo như làn nước.

Tôi đưa tay trái ra, định nhận lấy con đom đóm từ trong tay anh.
Mẹ kế ở bên cạnh nói: -Tay của Tiểu Mạt tàn phế rồi, không lấy được con đom đóm từ tay cháu đâu!

Tôi đột nhiên cảm thấy câu nói này chẳng khác gì một cây kim nhọn xuyên vào màng nhĩ của tôi. Nếu đổi lại là trước đây, tôi sẽ không để ý đến chuyện này làm gì. Nhưng hôm nay tôi lại sợ rằng Kì Nặc sẽ biết, mặc dù đó chính là một sự thật không thể thay đổi được.

Kì Nặc mỉm cười nói: -Thế thì có sao đâu, cháu cầm giúp em ấy cũng được!

Trong không gian tối om và tĩnh mịch, nụ cười của anh như đang tỏa sáng. Cơn gió mạnh đột ngột thổi đến khiến cho đám lá cây xào xạc, mẹ kế nói: -Sao gió to thế nhỉ? Chẳng biết có ma quỷ gì không nữa?

Tự nhiên tôi cảm thấy một nỗi sợ hãi len lỏi trong lòng. Kì Nặc đã nhận ra sự sợ hãi trong ánh mắt của tôi. Anh ngoảnh đầu lại, dịu dàng nói: -La Tiểu Mạt, đừng sợ! Những con quỷ thường xuất hiện vào ban đêm ở đây chuyên đi ăn thịt những người đàn bà xấu xa mà thôi!

Nhìn thấy ánh mắt của mẹ kế hình như có chút mất tự nhiên, tôi bỗng bật cười. Bố quay đầu lại, nhìn thấy tôi cười liền nói: -Anh xem, Tiểu Mạt cười rồi kìa! Hơn hai năm rồi tôi mới được nhìn thấy nó cười như vậy đấy!

Lúc này tôi mới phát hiện ra rằng mình đang cười. Ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy kinh ngạc về điều này. Ánh trăng nhảy nhót trên mặt đường. Hai tay tôi vẫn đút trong túi áo. Kì Nặc một tay xách đèn một tay nắm chặt lấy con đom đóm anh dành tặng cho tôi. Ánh sáng của con đom đóm lập lòe chiếu lên mặt anh, ánh sáng màu xanh khiến cho khuôn mặt của anh nhìn như trong suốt. Tôi thầm nghĩ không biết anh ấy có phải là người thay mẹ dắt tôi đi hay không? Cuộc đời đã gây ra cho tôi biết bao nhiêu đau khổ, Kì Nặc liệu có phải là người mang lại một chút vui vẻ cho cuộc sống của tôi không?

Đêm nay thật là đẹp! Tôi bắt đầu tin vào những gì mà mẹ kể cho tôi về tất cả mọi thứ ở huyện Thụ Thủy này.

Khi tất cả những ngọn đèn ở đây đều tắt phụt, tôi mới là chính tôi!
Tôi tin là Kì Nặc cũng giống như tôi. Tin rằng khi ánh đèn tắt phụt, chúng tôi mới thực sự là bản thân mình.

Lúc mười hai tuổi, vào một đêm ở huyện Thụ Thủy, tôi đã gặp Kì Nặc lần đầu tiên. Khi đi đến lưng chừng con núi dẫn vào huyện Thụ Thủy, Kì Nặc quay lại nói với tôi: -La Tiểu Mạt, Thụ Thủy là một huyện được bảo vệ bởi đom đóm. Chúng có thể giúp em loại bỏ mọi buồn phiền!

Tôi tin rằng trong cái thế giới này, có một số người đã được vận mệnh an bài sẽ ràng buộc với nhau trọn đời ngay từ cái nhìn đầu tiên .
 
2.

Tôi ngủ một giấc ngủ thật ngon lành. Cái gác nhỏ bằng gỗ trong căn nhà cũ kĩ của huyện trưởng chính là căn phòng của Kì Nặc. Anh cầm lấy chiếc đèn lồng đom đóm, ngồi xuống bậc cầu thang rồi nói: “Tiểu Mạt, em ngủ đi! Có chuyện gì thì cứ gọi anh nhé!”

Tôi thấy anh treo cái đèn lồng lên cái móc trên trần nhà. Bố ngồi xuống đắp lại chăn cho tôi.

Tôi kéo lại chiếc chăn, đắp kín lên người. Chiếc chăn mỏng màu xanh nhạt, căn gác xép nhỏ tỏa ra mùi gỗ mục hòa lẫn với mùi thơm thoang thoảng của các loại dược liệu, còn có cả tiếng chuột kêu “chít chít” khiến cho tôi cảm thấy sờ sợ. Tôi nhìn qua khe cửa, thấy Kì Nặc đang đứng dựa vào cầu thang. Anh khẽ nhắm mắt lại, ánh trăng chiếu sáng trên khuôn mặt anh. Tôi cảm thấy lòng mình ấm áp và yên tâm chìm vào giấc ngủ.

Đã lâu lắm rồi tôi không ngủ một giấc ngon lành đến vậy. Kể từ sau khi mẹ qua đời, tôi thường xuyên nằm mơ thấy ác mộng.

Xưa nay tôi chưa bao giờ nghĩ rằng huyện Thụ Thủy lại là một nơi phong cảnh hữu tình, không khí trong lành và bình yên đến vậy. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng lại có một người có thể giúp cho tôi cảm thấy an toàn và bình yên. Dường như chỉ cần nhìn thấy anh ấy là thế giới của tôi sẽ bình yên trở lại.

Tôi ngủ rất lâu, ngủ tới tận chiều ngày hôm sau. Khi tôi tỉnh giấc, Kì Nặc đã ra ngoài từ lâu. Ánh sáng mặt trời chói chang rọi vào căn gác xép cũ kĩ.

Tôi đi xuống nhà, cả căn phòng im lặng không một bóng người. Tôi nghĩ chắc chắn bố đã ra ngoài đi bàn bạc chuyện sửa đường xá rồi. Tôi đi đi lại lại trong phòng, muốn tìm kiếm cái gì đó để bỏ bụng. Trên chiếc bàn ở phòng khách, tôi nhìn thấy một bát cháo kê đậy nắp cẩn thận. Một mảnh giấy bị đè ở dưới cái bát. Trên giấy có viết: -Tiểu Mạt, khi nào tỉnh lại nhớ ăn hết cháo nhé!

Chữ của Kì Nặc viết rất đẹp. Giọng điệu của anh khi nói với tôi chẳng giống như hai người mới gặp mặt lần đầu, khiến cho tôi cảm thấy thật quen thuộc.

Tôi ngồi trên ghế ăn hết bát cháo. Ánh sáng mặt trời buổi chiều vàng rộm như mật ong. Cháo này có vị ngọt thì phải? Tôi nghĩ chắc chắn là như vậy, nếu không sao miệng tôi lại có vị ngọt ngào đến vậy? Vừa ăn hết bát cháo thì tôi nhìn thấy Kì Nặc về.

Anh ấy mặc một chiếc áo cộc tay màu xanh, quần ngố màu đen, tay đang xách một con thỏ hoang. Anh nhìn con thỏ rồi nói: -Mày đừng có chạy, đừng có chạy, tối nay tao sẽ nướng mày ăn thịt!

Tôi im lặng nhìn anh ấy đi từ ngoài vào. Khi anh ấy mỉm cười, một nét tinh nghịch hiện lên trên khuôn mặt. Nước từ cái vòi rơi tí tách, tôi vẫn yên lặng nhìn Kì Nặc, trầm ngâm suy nghĩ không biết hôm nay gặp tôi anh sẽ nói gì? Liệu anh có tỏ ra thân thiết như người thân của tôi nữa hay không?

Ngẩng đầu nhìn thấy tôi, anh chợt ngây người, sau đó ngạc nhiên hỏi: -La Tiểu Mạt?

Tôi gật đầu, đi đến trước mặt anh, lấy giấy ăn giúp anh lau sạch mồ hôi trên trán. Tóc của anh hơi rối, không giống như một Kì Nặc gọn gàng ngày hôm qua.

Mặt anh đỏ lựng lên, bối rối hỏi tôi: -Em không ra ngoài à?

Tôi lắc đầu.

Anh nghiêng nghiêng đầu rồi cúi xuống nhìn tôi, đôi môi khẽ mỉm cười, ánh mắt pha chút tinh nghịch:

-Vậy anh dẫn em đi chơi nhé! Nhân tiện thịt con thỏ này luôn!

Tôi nhìn con thỏ tội nghiệp, lắc lắc đầu.

Anh mỉm cười nói: -Vậy thì cho em đấy! Anh cầm cả buổi chiều, mệt lắm rồi! Em vuốt nó thử xem, rất đáng yêu đấy!

Tôi đột nhiên nhớ lại con đom đóm ngày hôm qua, không biết nó đã bay đi mất hay chưa, không biết nó có còn sáng không nữa? Tôi lại nhớ đến bàn tay bị Kì Nặc nhìn thấy ngày hôm qua, không biết tại sao, tôi đột nhiên cảm thấy hoảng sợ. Tôi thò tay ra cho anh xem, hai bàn tay, một bàn tay thì hoàn chỉnh, bàn tay còn lại…giờ chỉ còn là một khối tròn…

Tôi nhìn thấy đôi mắt anh trợn tròn như hai quả bóng, anh ấy thấy sợ ư? Đó cũng là chuyện bình thường. Ngay cả bản thân tôi lần đầu tiên nhìn thấy bàn tay ấy cũng cảm thấy kinh hãi nữa là.

Tôi xoay người lại, đi về phía gác xép. Tôi rất sợ phải nghe thấy những điều anh ấy sẽ nói tiếp theo. Nhưng vừa bước đến bước thứ bảy thì tôi đột nhiên nghe thấy một giọng nói trong veo vang lên: -Ở trên đó chẳng có gì thú vị cả! Để anh dẫn em đi chơi!

Tôi quay đầu lại, Kì Nặc đang ôm chặt con thỏ trong lòng, ngẩng đầu nhìn tôi. Đôi mắt của anh ấy vẫn trong veo như vậy, điều này khiến cho tôi cảm thấy rất vui! Tôi chạy ào xuống dưới cầu thang, ôm chặt con thỏ. Sinh vật bé nhỏ ấy nằm yên trong lòng tôi, trông thật là đáng yêu!

Kì Nặc nói: -Đi thôi, không đi nhanh thì trời tối mất!

Tôi vui vẻ gật đầu và mỉm cười với anh. Tôi phát hiện ra tôi lại cười rồi! Điều này khiến cho tôi cảm thấy rất vui vẻ trên suốt quãng đường.

Huyện Thụ Thủy có rất nhiều đèn lồng đom đóm. Những cái lồng được làm từ những nan tre nhỏ xíu, xung quanh dán kín giấy màu vàng nhạt, treo lủng lẳng trước cổng mỗi gia đình.

Kì Nặc nói: -Những chiếc đèn lồng này là điềm báo cho sự bình an, vì vậy nhà nào cũng đều treo đèn lồng. Huyện Thụ Thủy mất điện quanh năm, vì vậy dán những chiếc đèn lồng này để tiện cho việc đi lại.

Tôi và Kì Nặc đi vòng qua những chiếc đèn lồng này, suốt cả dọc đường, anh ấy cứ nói chuyện luôn miệng.

-La Tiểu Mạt , em không thích nói chuyện hay là vì em không biết nói chuyện?

-La Tiểu Mạt, em cười trông xinh lắm, tại sao không cười nhiều vào?

-La Tiểu Mạt, những đứa trẻ trong thành phố đều trầm tính như em sao? Nhưng mà cô bé đến đây mấy hôm trước rất hoạt bát mà?
………

Anh nói chuyện liên tục như một chú chim non mới tập hót vậy, dường như anh đã trở thành một người khác hẳn với một Kì Nặc dịu dàng và điềm đạm của ngày hôm qua. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, đi đến một rừng cây. Kì Nặc treo một sợi dây thừng lên cành cây to rồi nói:
-Được rồi, chúng ta chơi xích đu thôi!

Tôi bối rối lắc đầu, anh ấy quả nhiên là một cậu bé 12 tuổi hiếu động và nghịch ngợm.

Anh nói: -Em không tin anh đu cho em xem!

Kì Nặc vừa ngồi lên “xích đu” thì “rắc” một tiếng, cành cây gãy lìa ra, Kì Nặc nhã nhào trên đất, toàn thân lấm lem bùn đất.

-Sao lại thế? Hôm qua vẫn còn chơi được mà? Có khi tại hôm qua chơi lâu quá nên cành cây này mới bị gãy!- anh vừa giải thích với tôi vừa lồm cồm bò dậy.

Tôi ôm con thỏ trong tay, không nhịn được cười. Hoàng hôn, những ánh mặt trời yếu ớt len lỏi vào rừng cây và mất hút trong đám lá cây rậm rạp.

Kì Nặc lẩm bẩm nói: -Giá như em có thể nói chuyện thì tốt biết mấy!

Sao tôi không muốn nói chuyện với anh ấy cơ chứ? Chỉ có điều lâu quá rồi không nói chuyện, dường như tôi đã mất đi khả năng nói rồi, điều này khiến cho tôi vô cùng phiền muộn.

Lúc Kì Nặc đang thử xích đu thì có một con rắn màu xanh lục bò qua, trái tim tôi như muốn hét lên “Cẩn thận” nhưng con rắn ấy đã trườn nhanh về phía anh và mổ vào chân anh rồi. Anh ngã lăn ra đất, nằm yên bất động. Tôi buông con thỏ ra, chạy như bay về phía anh. Môi anh đã trắng bệch ra, vết thương bắt đầu sưng tấy.

Anh nói bằng giọng yếu ớt: -Hết rồi, La Tiểu Mạt, anh sắp chết rồi!

Tôi cúi đầu định hút nọc độc ở vết thương của anh nhưng Kì Nặc đã đẩy tôi ra: -Em muốn chết à! Chẳng may trúng độc thì sao? Nhân lúc anh vẫn còn chưa làm sao, em hãy chạy đến phố Thanh Đường, ở đó có một trạm y tế!

Tôi định dìu anh đứng dậy nhưng tay tôi chẳng có chút sức lực nào, cuối cùng cả hai chúng tôi cùng ngã lăn ra đất. Giọng nói của anh trở nên cực kì yếu ớt:

-La Tiểu Mạt, anh không muốn chết! Anh mới quen em thôi, sao có thể chết nhanh như vậy được?

Tôi ngồi trên đám cỏ, mắt trân trân nhìn anh. Anh ấy sẽ chết thật sao? “Chết”, cái từ đáng sợ này lại vụt lên trong đầu tôi. Tôi lắc đầu, lao đến ôm chặt lấy anh.

Kì Nặc nói: -Em làm gì mà ôm anh chặt thế? Anh lại la lên bây giờ!- giọng nói của anh vô cùng yếu ớt nhưng vẫn nhưng vẫn mang vẻ hài hước, anh đang cố gắng chọc cho tôi cười.

Tôi đột nhiên bật khóc và gào to: -Lặc Kì Nặc, anh sẽ không chết đâu, em không cho anh chết!

Nửa năm nay, đây là lần đầu tiên tôi mở miệng nói chuyện. Tôi khóc, khóc thảm thiết như năm xưa lúc mẹ qua đời. Tôi không thể tưởng tượng rằng cuộc sống của mình vừa mới có một đốm sáng xuất hiện nay bỗng chốc lại bị dập tắt. Chuyện này quá đột ngột, tôi không sao có thể chấp nhận được!

Tôi nghe thấy tiếng anh đang cười. Anh đưa tay lên vỗ vỗ vào vai tôi, nói: -La Tiểu Mạt, cuối cùng anh cũng được nghe em nói rồi! Nhưng mà, anh không thích em nói câu đó, em nói sai rồi, phải đổi lại là…

Kì Nặc còn chưa kịp nói hết thì đã ngất đi rồi. Tôi lay lay người anh nhưng anh vẫn không tỉnh lại. Tôi cố gắng lôi anh ra khỏi khu rừng đó mà không được. Tôi bàng hoàng, không biết phải làm thế nào. Tôi hét thật to “Cứu tôi với! Cứu tôi với”. Tôi cứ hét to như vậy cho đến khi cổ họng khản đặc lại, không thể phát ra tiếng được nữa.

Cuối cùng cũng có một người tốt bụng đi ngang qua. Người đó vội vàng cõng Kì Nặc lên lưng rồi chạy nhanh về phía trạm y tế ở trên đường Thanh Đường.
 
3.

Tôi ngồi bên cửa trạm y tế, nước mắt giàn dụa. Đêm nay huyện Thụ Thủy không bị cắt điện. Lúc Kì Nặc được đưa vào phòng cấp cứu, toàn thân tôi run lên vì sợ hãi. Tôi sợ anh ấy sẽ giống như mẹ mình, sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa.

Tôi không biết mình đã khóc bao lâu. Mãi đến khi có người xoa xoa đầu và quỳ xuống bên cạnh nói chuyện với tôi, tôi mới chợt sực tỉnh.

-Tiểu Mạt, sao em lại ở đây?

Một giọng nói rất quen thuộc. Tôi nín khóc, ngẩng đầu nhìn lên người vừa nói chuyện với mình. Người ấy không phải ai khác mà chính là Kì Nặc, anh đang ngồi ngay trước mặt tôi. Tôi chồm dậy ôm chặt lấy anh, òa khóc nức nở.

-Không sao là tốt rồi, em thấy anh bị rắn cắn, gọi mãi mà không tỉnh, em sợ anh sẽ không tỉnh lại nữa! Lặc Kì Nặc, em rất sợ anh sẽ không tỉnh lại nữa!

Trên người Kì Nặc tỏa ra mùi thảo dược thơm thoang thoảng. Anh nhẹ nhàng xoa xoa vào lưng tôi rồi nói:

-Anh vẫn ổn mà, có chuyện gì xảy ra đâu. Ban nãy nghe nói Kì Ngôn xảy ra chuyện nên mọi người mới chạy đến đây!

Như bừng tỉnh khỏi cơn mê, tôi lau sạch nước mắt rồi nhìn Kì Nặc đang ngồi trước mặt mình. Anh ấy vẫn mặc một chiếc áo màu trắng và quần màu đen, rất sạch sẽ và gọn gàng. Anh ấy khác hẳn với Kì Nặc đã đi chơi cùng tôi lúc buổi chiều. Mặc dù khuôn mặt giống hệt nhau nhưng phong thái lại hoàn toàn khác nhau. Một người thì hoạt bát, cởi mở, một người thì điềm đạm, dịu dàng.

Tôi lấy tay chỉ chỉ vào bên trong, ngập ngừng hỏi: -Thế người ở trong đó…?

Kì Nặc nói: -Đó là Kì Ngôn, là anh em song sinh với anh. Cậu ấy vẫn ở ngôi nhà cũ của bọn anh chứ không sang bên này. Chiều nay anh có việc nên mới bảo cậu ấy qua dẫn em đi chơi!

Hóa ra là như vậy! Bây giờ tôi mới hiểu ra mọi chuyện.

Kì Nặc kéo tôi đi vào trong trạm y tế. Các bác sĩ đang rửa vết thương cho Kì Ngôn. Kì Ngôn lúc này đã dần dần hồi phục ý thức. Anh ấy mở mắt nhìn tôi, nói: -La Tiểu Mạt, anh thật không dám tin một đứa ngốc như em lại có thể đưa anh tới bệnh viện đấy!

Tôi trợn mắt hung dữ nhìn Kì Ngôn: -Em không tin là Kì Nặc lại có một đứa em trai kém cỏi như vậy đấy!

Kì Ngôn liếc nhìn Kì Nặc, nói: -Bị em phát hiện rồi à, mất hứng quá!

Kì Nặc nghiêm mặt nói: -Lúc nào cũng chỉ biết chơi đùa, bảo em về nhà chăm sóc Tiểu Mạt. Thế mà em lại dẫn cô ấy vào rừng. Đã nói với em bao nhiêu lần rồi, mùa hè có nhiều rắn lục xuất hiện lắm, thế mà em không chịu nghe! May mà có người qua đường cứu kịp, không thì biết làm sao?

Kì Ngôn cứng đầu đáp: -Em chết rồi chẳng phải càng tốt hơn sao? Giảm bớt cho anh biết bao nhiêu là phiền toái!

Cái tên Kì Ngôn này quả là một đứa trẻ không biết nghe lời. Anh ta nhất định đã khiến cho Kì Nặc phải hao tổn không ít tâm sức, tôi thầm nhủ trong bụng.

Khi tôi đang định nói điều gì thì đột nhiên một cơn gió ào đến, một cô gái mặc chiếc váy màu vàng lao vào, ôm chầm lấy Kì Ngôn và hấp tấp hỏi: -Kì Ngôn, anh không sao chứ? Anh thật là đáng thương! Sắc mặt khó coi quá! Ai làm anh ra nông nỗi này hả?, cô ấy ngoảnh đầu lại, lấy tay chỉ vào tôi rồi hỏi: -Là nó đúng không?

“Không liên quan đến Tiểu Mạt!”

Cả Kì Nặc và Kì Ngôn cùng lên tiếng một lúc khiến cho ông bác sĩ đang tiêm thuốc khử trùng cho Kì Ngôn cũng phải bật cười: “Lần đầu tiên thấy hai anh em cậu cùng đồng thanh một câu đấy!”

Kì Ngôn nói: -Anh hiện giờ rất ổn, Tô Linh San, em đừng có làm ầm ĩ lên nữa!

Ông bác sĩ khi nãy nói chen vào: -Tô Linh San chẳng phải vì lo lắng cho cậu nên mới vậy hay sao? Cậu đúng là chẳng ra sao cả!

Tô Linh San cúi đầu ngại ngùng nói: -Bác sĩ đừng nói Kì Ngôn như vậy, là tại cháu lắm chuyện thôi! Anh ấy không sao là tốt rồi!

Bác sĩ lắc lắc đầu: -Kì Nặc, cậu thử xem xem! Hóa ra tôi lại thành kẻ lắm chuyện rồi! Bây giờ muốn làm người tốt sao mà khó thế?

Tô Linh San….nhìn cách ăn mặc và trang điểm của cô ấy, tôi biết cô ấy xuất thân trong một gia đình giàu có. Tô Linh San mặc một chiếc váy liền màu vàng, trên đầu đeo một chiếc bờm màu hồng, từ giọng nói, cử chỉ đều toát lên phong thái của một tiểu thư đài các.

Lúc cô ấy lao vào phòng bệnh này, điệu bộ quả là giống người bạn tốt Hạ Đóa Tuyết của tôi ở Cảnh An, vừa bộp chộp, nóng nảy, vừa kiêu ngạo, tự tin.

Kì Nặc nói: -Đây là con gái của chú Tô Giang, cô ấy đến sớm hơn em hai ngày. Bố của cô ấy, bố của anh và bố của em đã từng là bạn thân. Lần này đến đều là để thắp hương cho bố mẹ anh. Hai ngày trước Kì Ngôn đã đi đón cô ấy, thế nên hai người họ đặc biệt thân thiết!

Tôi nhớ mang máng ngày xưa bố đã từng nhắc đến chú Tô Giang, đấy là khi mẹ hãy còn
sống. Chú Tô trước đây cùng làm ăn chung với bố. Không hiểu sau này là vì chuyện gì mà hai người cãi nhau ầm ĩ rồi cả hai cùng tách ra làm ăn riêng. Chú ấy làm ăn rất lớn, đã có địa vị và danh vọng nhất định ở Cảnh An. Chỉ có điều hiện giờ chú đã không còn đi lại với bố nữa. Tôi cũng nghe có người nhắc đến Tô Linh San, nói rằng cô ấy được ngồi xe hơi đến trường, là một nhân vật cực kì đình đám trong trường.

Tô Linh San cảnh giác nhìn tôi hỏi: -Cô là ai?

Kì Ngôn nói: “Đây là La Tiểu Mạt, con gái của chú La, vừa mới đến hôm qua!”

-Nó vừa mới đến ngày hôm qua mà hôm nay anh đã dẫn nó đi chơi ư? Em tìm anh suốt hai ngày liền, thế mà cứ nhìn thấy em là anh chạy, anh có ý gì thế hả?-Tô Linh San bất mãn nói.

Kì Ngôn đáp: -Bà cô của tôi ơi, em đừng có làm ầm lên nữa có được không? Ngày mai anh sẽ dẫn em đi chơi! Em muốn đi đâu cũng được, thế đã được chưa?

Nghe thấy vậy, Tô Linh San liền cười toe toét. Cô ôm chặt lấy cánh tay Kì Ngôn và reo lên thích thú:-Được ạ!

Chúng tôi dìu Kì Ngôn lên chiếc xe lăn dưới giường. Kì Nặc liền lấy cái chăn kê làm đệm kê sau lưng cho Kì Ngôn. Kì Ngôn thấy vậy liền nói: -Kì Nặc, sao anh đàn bà thế? Đàn ông cần gì phải kê đệm sau lưng?

Không để cho Kì Nặc kịp lên tiếng, tôi liền gõ mạnh một cái vào đầu Kì Ngôn: -Cái đồ trẻ con sao mà lắm lời thế? Ngoan ngoãn ngồi xuống xe lăn đi cho em nhờ!”

Kì Ngôn thấy vậy liền ngồi im không nói năng gì. Tôi nghĩ có lẽ giọng nói của tôi đã chấn áp được anh ấy rồi.

Tôi đưa tay ra chỉnh lại cái chăn cho ngay ngắn. Hai bàn tay của tôi phối hợp không được nhịp nhàng cho lắm. Nhưng tôi nghĩ là tôi có thể dần dần cải thiện được tình trạng này.

Nhìn thấy bàn tay phải kì dị của tôi, Tô Linh San đột nhiên thét lên: -Ối, ghê quá!

Cô ấy vừa hét xong thì ánh đèn của huyện Thụ Thủy tắt phụt, không gian chìm vào bóng tối. Kì Nặc chạy ra cửa trạm y tế lấy một cái đèn lồng và châm đèn lên. Anh ấy nói rằng con người chỉ cần có một trái tim lương thiện thì sẽ không có chuyện gì phải sợ hãi nữa rồi.

Anh đưa chiếc đèn lồng cho tôi, giống y như hôm qua. Nhưng hôm nay tôi không hề lắc đầu mà tự nhiên đưa tay ra đón lấy chiếc đèn từ tay anh. Dưới ánh đèn, khuôn mặt anh như được phủ bởi màu vàng lóng lánh. Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình lại thích thứ màu này, thứ màu sắc bí ẩn và thần kì. Tôi cúi đầu, môi hơi mím lại, hít một hơi thật sâu…Đêm tối ở huyện Thụ Thủy, ngay cả không khí cũng có vị ngọt!

Kì Nặc lặng lẽ đẩy xe lăn, Kì Ngôn cũng không nói thêm điều gì, Tô Linh San cũng ngoan ngoãn đi bên cạnh. Trong cái ao nước của làng, những bông hoa sen đang bắt đầu hé nở. Tôi dần dần nhìn rõ khuôn mặt của Kì Nặc trong bóng đêm. Tôi nghĩ, nhất định anh ấy chính là người thay mẹ mang lại sự ấm áp và dịu dàng đến cho tôi. Tôi tự nhủ với lòng mình như vậy. Cho dù tôi có giơ ra cánh tay không còn bàn tay trước mặt Kì Nặc thì anh ấy cũng sẽ không ghê sợ, nhất định anh ấy sẽ thản nhiên nắm lấy bàn tay ấy!

Tôi cần người này, một người có thể cho tôi hơi ấm và sự dũng cảm.

Tôi tin Kì Nặc là người như vậy, tôi tin vào truyền thuyết về cây đa cổ thụ của huyện Thụ Thủy. Họ nói rằng, chỉ cần đứng dưới gốc cây đa ấy và thầm cầu nguyện một trăm lần điều ước của mình, rồi thành tâm dập đầu một cái thì điều ước ấy nhất định sẽ thành hiện thực.

Trước khi ra đi nhất định tôi sẽ ước điều này, nhất định tôi sẽ làm như vậy!
 
4.

Chúng tôi chưa đi được bao xa thì chú Tô đã cho người đến đón Tô Linh San rồi. Cô ấy ôm chặt lấy Kì Ngôn không chịu buông tay. Kì Ngôn liền nhẹ nhàng dỗ Tô Linh San:
-Linh San ngoan nào, em về nhà trước đi!. Cuối cùng thì Tô Linh San cũng đồng ý tạm biệt Kì Ngôn để ra về.

Cô ấy là một cô gái dám nghĩ dám làm. Nếu đổi lại là tôi, tôi tuyệt đối sẽ không làm như vậy đâu.

Khi Tô Linh San về, tôi khẽ liếc nhìn Kì Nặc. Lúc ấy môi anh đang mỉm cười, liệu có phải anh đang mỉm cười bởi vì Kì Ngôn có được cái phúc như vậy không nhỉ? Hai người chúng tôi, Kì Nặc đẩy xe lăn, tôi thì xách lồng đèn, người đi bên trái, người đi bên phải. Bên cạnh là những con đom đóm lập lòe tỏa ra ánh sáng xanh lè. Tôi thật sự hi vọng thời gian có thể ngừng trôi để cho chúng tôi có thể đi bên nhau mãi mãi như vậy.

Tôi chịu mở miệng nói chuyện, người vui nhất đương nhiên là bố. Tôi ngồi trong phòng khách, ăn canh gà mà Kì Nặc đã hâm nóng lại cho tôi. Canh gà là huyện trưởng mới mua về cho chúng tôi. Tôi vừa mở miệng gọi “bố” là bố liền cười to sung sướng, điệu bộ rối rít như một đứa trẻ con. Bố đi đi lại lại trong phòng, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khiến cho mặt mẹ kế như sa sầm xuống.

Bố nói: -Kì Nặc quả là một đứa trẻ ngoan! Tôi biết là lần này đến huyện Thụ Thủy nhất định sẽ có thu hoạch lớn mà! Tôi nhất định sẽ sửa cho xong đường xá, sau này phải thường xuyên tới đây mới được. Mà tôi muốn nhận nuôi Kì Nặc, tôi nghĩ chắc chắn cậu bé
sẽ mang lại niềm vui cho Tiểu Mạt!

Bố vừa nói xong câu ấy, miếng canh gà tôi còn chưa kịp nuốt trong miệng lập tức phụt ra ngoài. Kì Ngôn ngã nhào xuống đất. Cánh tay đang xào nấu của Kì Nặc chợt khựng lại.

Mẹ kế nghe vậy liền lên tiếng: -Kì Nặc, còn không mau chạy đến cám ơn chú La đi!

Huyện trưởng nói: -Đây là một chuyện tốt! Kì Nặc à, những ngày tháng vất vả của cháu đến đây là chấm dứt rồi!

Tôi vừa vui mừng vừa vô cùng ngạc nhiên, đưa mắt nhìn sang Kì Nặc . Anh ấy vẫn vừa xào nấu vừa từ tốn hỏi: -Thế còn Kì Ngôn thì sao?

Bố tôi không ngờ Kì Nặc sẽ đưa ra câu hỏi này, ông bối rối nhìn sang Kì Ngôn: -Điều này…

Kì Ngôn liền xua xua tay nói: -Em rất ổn, anh đi rồi em sẽ không bị người khác mang ra so sánh với anh nữa! Như vậy chẳng phải tốt quá còn gì! Yên tâm đi, em sẽ ở đây với huyện trưởng!

Tôi biết trong lòng Kì Ngôn đang rất buồn phiền và hụt hẫng. Mặc dù anh ấy diễn kịch rất giỏi nhưng tôi chỉ nhìn qua là biết ngay. Bởi vì tôi cũng đã từng che dấu sự đau khổ của mình bằng cách ấy. Nhưng tôi biết con người không thể dấu nổi nỗi đau đớn trong lòng.

Kì Ngôn tập tễnh đi lên gác, tôi bước lên trước dìu Kì Ngôn nhưng anh đã hất tay tôi ra và nói: -La Tiểu Mạt, người vui mừng nhất có lẽ là em đấy nhỉ?

Dứt lời Kì Ngôn liền bật cười, cái bóng cô độc của anh ấy khuất dần trên cầu thang.

Tối đến, tôi đi ngang qua phòng ngủ của bố, nghe thấy tiếng bố nói chuyện với huyện trưởng. Bố nói: -Tôi chỉ có thể nhận nuôi một đứa, còn về Kì Ngôn…tôi đành phải xin lỗi…

Huyện trưởng nói: -Anh đừng nhìn cái vẻ bề ngoài tinh quái, nghịch ngợm của Kì Ngôn mà vội đánh giá nó không tốt, thực ra thằng bé cũng là một đứa trẻ rất ngoan, chỉ có điều không chịu khó học hành mà thôi!

-Nhưng mà tôi nhận thấy Tiểu Mạt có vẻ phụ thuộc vào Kì Nặc, vì vậy tôi muốn nhận nuôi Kì Nặc!
……

Trong lòng tôi rất vui, nhưng lại chợt cảm thấy rất lo lắng. Với tính cách của Kì Nặc, anh ấy chắc chắn sẽ không để lại Kì Ngôn một mình ở huyện Thụ Thủy này. Đây chắc chắn là điều không thể!

Tôi đến trước cửa phòng của Kì Ngôn, bởi vì Kì Nặc đã nhường phòng lại cho tôi nên tạm thời trong thời gian này tôi và Kì Ngôn sẽ ở chung với nhau. Lúc ấy Kì Nặc đang băng bó vết thương cho Kì Ngôn, nhưng Kì Ngôn lại co chân loại, ném hết cả băng gạc xuống đất.

Kì Nặc liền nói: -Em đừng bướng bỉnh nữa, sau này chẳng may chân bị tàn phế thì sao?

Kì Ngôn bực mình gắt lên: -Anh không phải lo! Anh đã là người chuẩn bị đến Cảnh An sống rồi, còn lo cho em làm gì? Kì Nặc, em chán cái bộ dạng này của anh lắm rồi, chán cái vẻ ngoan ngoãn hiểu chuyện của anh lắm rồi! Đừng lúc nào cũng tỏ ra mình là anh cả như vậy!

Tôi tức tối đẩy tung cánh cửa, lao vào phòng rồi cầm thuốc lên ấn mạnh vào vết thương của Kì Ngôn.

Kì Ngôn hét lên: -La Tiểu Mạt, cô coi thường mạng người như vậy à?

Tôi lấy bông băng từ trên tay của Kì Nặc rồi nói: -Đáng đời, cho anh đau chết luôn! Ai bảo anh dám tỏ thái độ với anh trai mình!

Kì Ngôn đáp: -Tôi cứ thái độ đấy, cô không nhìn quen mắt thì đừng nhìn nữa!

Tôi tức điên lên, vừa quấn chặt vết thương vừa nói: -Anh nhìn xem người ta tay chân lóng ngóng cũng giúp anh băng bó vết thương. Đây có thể nói là cái phúc mấy đời của anh rồi, còn cáu cái gì mà cáu?

Kì Ngôn nói: -Cái phúc mấy đời này có lẽ cũng chẳng được mấy ngày nữa đâu!

Kì Nặc lấy khăn mặt lau mồ hôi cho Kì Ngôn. Nhìn thấy vết thương của Kì Ngôn bị mình băng bó chẳng ra làm sao, tôi đành cầu cứu Kì Nặc: -Anh giúp em băng lại vết thương đi nhé! Em thấy cứ để em băng thế này anh ấy sẽ chết nhanh hơn đấy!

Kì Ngôn đột nhiên co chân lại, nói: -Không cần bó lại đâu, tôi muốn chết nhanh hơn một chút!

Câu nói này khiến cho cả tôi và Kì Nặc phải bật cười. Kì Nặc mỉm cười chạy xuống nhà lấy nước lên. Tôi ngồi bên mép giường nhìn chằm chằm vào Kì Ngôn, anh ấy cũng ương ngạnh nhìn lại tôi. Những lúc ngồi yên tĩnh, Kì Ngôn chẳng khác Kì Nặc là mấy. Nhưng tại sao tôi lại thích Kì Nặc? Nhất định là do trên người Kì Nặc có một cái gì đó thu hút tôi rồi!

Kì Ngôn đột nhiên lên tiếng: -La Tiểu Mạt, đừng nhìn anh như thế, anh là Lặc Kì Ngôn!

Kì Nặc điềm đạm và thận trọng, còn Kì Ngôn thì tinh nghịch và thích đùa cợt. Lúc buổi chiều, hình như Kì Ngôn vốn định nói với tôi rằng anh ấy không phải là Kì Nặc, nhưng lại muốn trêu chọc tôi nên đã mạo danh là Kì Nặc.

Đúng vào lúc tôi đang trầm tư suy nghĩ thì đột nhiên có cái gì đó động đậy dưới chân mình. Tôi mở to mắt nhìn xuống, một con chuột to đùng, đen sì sì đang bò lên chân tôi. Tôi hét lên thất thanh, đứng bật dậy hất tung con chuột về phía Kì Ngôn. Anh ấy mỉm cười nói: -Chỉ là một con chuột thôi mà, có gì đáng sợ đâu chứ?- nói dứt lời, Kì Ngôn lại đẩy con chuột vào chân tôi.

-Lặc Kì Ngôn, anh là đồ đáng ghét!- tôi hét lên, hoảng hốt nhảy phắt lên cái phản mà Kì Ngôn đang nằm.

Chỉ nghe thấy “rầm” một tiếng, cái phản mà tôi vừa nhảy lên đã lật úp xuống khiến cho tôi ngã lăn ra đất.

Đương nhiên, người cùng ngã lăn ra đất với tôi chính là Kì Ngôn, người vốn đang nằm yên trên cái phản ấy.

Kì Ngôn ngã đè lên người tôi. Tiếng động mạnh vang lên từ trên gác xép khiến cho mọi người dưới lầu hoảng hốt không biết trên gác đã xảy ra chuyện gì. Toàn thân tôi đau ê ẩm, nằm im dưới đất mà khóc. Tôi vừa khóc vừa gào lên: -Đau quá! Kì Ngôn chết tiệt! Anh còn không mau xuống khỏi người tôi đi!

Kì Ngôn nằm trên người tôi, khổ sở nói: -Em tưởng là anh thích nằm trên người em chắc? Chân của anh bị thương rồi, làm sao mà cử động được?
Người đầu tiên chạy đến là Kì Nặc. Anh vội vàng lôi Kì Ngôn dậy. Tiếp đó, bố tôi, mẹ kế và huyện trưởng cũng chạy lên.

-Tiểu Mạt, con không sao chứ?- bố hoảng hốt ôm tôi vào lòng.

-Cô ấy sợ chuột, liền nhảy lên phản. Nào ngờ phản cập kênh nên cả hai cùng bị ngã lăn xuống đất!-Kì Ngôn giải thích.

Tôi sợ quá chỉ biết khóc thật to. Bố kéo tôi xuống nhà, khẽ nói với tôi: -Từ sau con đừng chơi với Kì Ngôn nữa. Bố thấy mỗi lần con chơi với nó đều bị nó dọa cho chết khiếp. Hết gặp rắn lại đến ngã xuống đất. Từ sau con cứ đi cùng với Kì Nặc thôi, con đi với cậu ấy bố mới yên tâm!

Tôi gật đầu, vừa mới đi đến chân cầu thang đã nghe thấy tiếng hét của Kì Ngôn: -La Tiểu Mạt, đợi chân anh khỏi sẽ lại dẫn em đi chơi xích đu!

Tôi thu mình trong lòng bố, quay lại mắng Kì Ngôn: -Không chơi với anh nữa, anh toàn bắt nạt em thôi!

Mẹ kế nói: -Anh xem Tiểu Mạt vừa biết khóc vừa biết làm nũng. Như vậy chẳng phải rất tốt hay sao? Xem ra cái cậu Kì Ngôn này thật là có bản lĩnh!

Tôi ngoảnh đầu lườm Kì Ngôn một cái, thấy anh ta đang dựa vào cửa cười toe toét với tôi. Kì Nặc liền nói với Kì Ngôn: -Kì Ngôn, mau vào băng bó lại vết thương đi nào!
Tôi thôi không khóc nữa, ngồi xuống bàn ăn món trám trắng xào mà Kì Nặc vừa làm. Món trám trắng xào này thật là ngon, cho thêm một loại cỏ vào xào lẫn để cho có màu xanh, ăn lại có vị bạc hà thoang thoảng. Quan trọng hơn đấy là, món trám trắng này có mùi hương của Kì Nặc.

Nghĩ đến đây tôi cảm thấy rất vui, liền gắp một đũa to bỏ vào miệng.

Bố ngồi bên cạnh xoa xoa đầu tôi. Tôi ngẩng đầu, trìu mến nhìn bố. Trong suốt khoảng thời gian tôi không nói chuyện, bố không lúc nào cảm thấy vui vẻ. Tôi chưa từng trông thấy vẻ mặt của bố nhẹ nhõm và dễ chịu như thế này bao giờ.

Có người bố nào không hi vọng con cái mình có thể khóc, có thể cười, có thể làm nũng cơ chứ?

Tôi gắp một miếng trám xào nhét vào miệng bố: -Bố à, có ngon không?
Nhìn thấy đôi mắt của bố đỏ lên tôi liền vội vàng ôm lấy cổ bố: -Bố ơi, bố khóc vì vui quá phải không?

Bố hiền từ nói: -Đúng thế, bố hi vọng Tiểu Mạt mãi mãi hạnh phúc!
 
5.

Tối hôm đó, tôi đã ngồi rất lâu trong nhà bếp.

Bố và mẹ kế đã đi ngủ từ lâu rồi, Kì Nặc đang ở trong phòng chăm sóc cho Kì Ngôn. Màn đêm đã buông xuống, tôi nhẹ nhàng ra khỏi phòng. Không gian chìm trong sự tĩnh mịch. Trước phòng khách có một bậc thềm lộ ra bên ngoài. Ánh trăng từ trên bầu trời dìu dịu chiếu xuống mặt đất, len qua cửa sổ vào phòng khách. Tôi bước xuống nhà bếp, lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước cái bếp lò.

Mấy tiếng trước, Kì Nặc đã đứng ở đây để xào trám trắng cho tôi ăn. Khi nghe tin bố sẽ nhận nuôi anh ấy, Kì
Nặc vẫn rất bình tĩnh hỏi: Thế Kì Ngôn thì sao?

Không hiểu tại sao, câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu tôi, không sao xóa đi được.

Một lúc sau huyện trưởng đến. Ông ngồi xuống bên cạnh tôi, nhẹ nhàng châm một điếu thuốc rồi bắt đầu kể chuyện về Kì Nặc và Kì Ngôn cho tôi nghe.

Bố mẹ Kì Nặc và Kì Ngôn đã cho hai anh em đến trạm y tế học y ngay từ khi cả hai còn nhỏ với hi vọng sau này lớn lên họ có thể chữa bệnh cho mọi người. Hai anh em họ luôn ganh đua trong học hành, ai cũng học tập rất giỏi. Nhưng nào ai ngờ, nửa năm trước bố mẹ hai người đã tử vong trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lúc thi thể của bố mẹ được đưa về, hai anh em đã ôm nhau khóc suốt cả đêm, ai khuyên nhủ cũng không được. Ngày hôm sau, cả hai cùng không khóc nữa mà bắt tay vào việc vệ sinh cho thi thể của bố mẹ. Cảnh tượng ấy cảm động đến mức tất cả mọi người xung quanh đều rơi nước mắt. Kể từ đó về sau, Kì Ngôn không bao giờ chịu đến trạm y tế để học y nữa. Ngày nào cậu ấy cũng đi đánh bạc với người khác, thành tích học tập vì thế mà sa sút nghiêm trọng. Chỉ có Kì Nặc là vẫn tiếp tục cố gắng. Cậu ấy không những tiến bộ vượt bậc trong học tập mà còn rất chăm chỉ học y.

Huyện trưởng rít điếu thuốc rồi nói tiếp: -Thực ra hai cậu bé ấy đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn. Kì Ngôn bình thường vẫn tỏ ra nghịch ngợm, phá phách, chẳng quan tâm đến chuyện gì nhưng thực ra cậu ấy lại là người cố chấp hơn ai hết. Sau khi bố mẹ hai đứa qua đời, tôi đã bảo hai cậu bé ấy đến sống chung với tôi. Kì Nặc thì đồng ý đến, nhưng Kì Ngôn thì không. Tôi biết, cậu ấy thực chất không nỡ rời xa căn nhà của mình”.

Tôi nhớ lại từng cử chỉ, lời nói của Kì Ngôn. Anh ấy chẳng qua chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi, thế mà phải chịu đựng nỗi đau khổ mất đi cả hai người thân thiết nhất, vậy mà anh ấy vẫn ép buộc bản thân mình phải mỉm cười.

Nhưng còn Kì Nặc thì sao? Anh ấy phải gánh vác trách nhiệm của người làm anh, gánh vác trách nhiệm của cả gia đình. Anh ấy không thể tự ý bỏ mặc bản thân, bỏ mặc tất cả như Kì Ngôn. Anh ấy biết mình là một người không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phải kiên cường đối diện với sự thật, anh ấy không còn cách nào khác cả.

Ngày hôm đó, tôi đã ngủ gục bên cánh cửa. Tôi còn nhớ trước khi tôi chìm vào giấc ngủ, huyện trưởng có nói với tôi rằng: -Tiểu Mạt, nếu như cháu chính là người có thể thay đổi được cậu ấy…

Câu nói ấy thật mơ hồ, tôi không sao nghe rõ được.

Sáng sớm, Kì Ngôn đã đánh thức tôi dậy. Anh ấy nói: -Cái tốt em không học, đi học cái xấu! Thói quen xấu nhất của Kì Nặc là ngồi dựa vào cửa mà ngủ đấy! Tại sao mới chỉ có một ngày mà em đã học được thế hả?

Tôi vươn vai một cái rồi đáp: -Anh thấy đây là một nhược điểm, nhưng em lại cho đó là ưu điểm!

Kì Ngôn đang định phản bác thì giọng nói quen thuộc của Tô Linh San đã vang lên bên tai: -Kì Ngôn ơi…. Kì Ngôn à…

Tôi và Kì Ngôn nhìn nhau. Đột nhiên, Kì Ngôn ngã vào người tôi, giả vờ yếu ớt.

Tôi nói: “Anh giả vờ gì chứ? Mau dậy đi!”

Kì Ngôn vội vàng nói: -La Tiểu Mạt, mau mau giúp anh đi….

Anh ấy còn chưa kịp nói hết thì Tô Linh San đã vào đến tận cửa rồi. Nhìn thấy Kì Ngôn đang dựa vào người tôi, cô ấy lập tức kéo tay tôi ra, đỡ lấy Kì Ngôn rồi nói: -Sao anh vẫn còn yếu thế này? Chất độc vẫn chưa hết hay sao?

Tôi nói: -Đúng vậy, anh ấy cần phải có nhân sâm bồi bổ mới có thể hồi phục được. Tô Linh San, cậu mau đi bảo bố cậu kiếm một ít đến đây!

Tô Linh San lạnh lùng đáp: -Cái đồ xấu xí, ai cho cậu chõ mũi vào thế hả?

Tôi như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt, đứng yên không nói được câu gì.

Mặt Kì Ngôn chợt biến sắc.Anh đứng bật dậy nói: -Tô Linh San, thật không ngờ cô lại là người người như vậy! Tôi đúng là đã nhìn nhầm người!

Tô Linh San ngẩn người ra trước phản ứng của Kì Ngôn, sau đó vội vàng lao về phía Kì Ngôn: -Tại sao anh lại nói thay cho nó như vậy?

Tôi xua xua tay nói: -Cô ấy chỉ nói sự thật thôi mà, cậu đừng giận cô ấy!

Khi nói ra câu này, tôi phát hiện ra mình chẳng buồn rầu chút nào, cũng không chút tự ti. Điều này khiến cho tôi phải kinh ngạc về sự thay đổi của chính bản thân mình!

Sau đó, tôi nhìn thấy bố của Tô Linh San. Đó chính là ông chủ Tô buôn bán dược liệu rất nổi tiếng ở Cảnh An. Bố tôi và chú Tô chào hỏi lẫn nhau, nhưng tôi biết đó chẳng qua chỉ là xã giao. Họ đều là niềm kiêu ngạo của huyện Thụ Thủy này. Bố của Tô Linh San đã từng học đại học, lấy một người vợ giàu có, làm ăn rất lớn. Còn bố của tôi gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, xây dựng nên một công xưởng chế biến dược liệu, cũng có thể coi là không tồi.

Còn về mối thù oán giữa hai người trước đây, tôi cũng không biết rõ lắm.

Mà lần này, họ đến đây là vì việc sửa chữa đường xá. Đó cũng có thể coi như là một việc tốt cho huyện Thụ Thủy.
 
6.

Tôi đã trải qua một mùa hè rất vui vẻ và thú vị ở huyện Thụ Thủy. Không có những buồn phiền, không có những ác mộng. Ban ngày, tôi cùng Kì Nặc đến trạm y tế. Lúc thì giúp anh ấy giã thuốc, khi thì ngồi nhìn anh ấy bắt mạch và bốc thuốc cho bệnh nhân. Kể từ sau khi tay phải của tôi bị tàn phế, tôi không còn cầm bút viết nữa. Trong khoảng thời gian đó thường xuyên có người bị cảm cúm, thế nên tôi thường xuyên dùng tay trái để sao chép một đơn thuốc trị cảm cúm giúp Kì Nặc. Anh ấy có chút kinh ngạc vì không ngờ tôi có thể viết bằng tay trái đẹp đến vậy. Có người nhìn thấy chúng tôi vui vẻ bên nhau liền cười hỏi: -Kì Nặc, kiếm được một cô dâu tương lai ở đâu thế hả?

Tôi ngồi bên cạnh, chỉ biết cười bối rối. Còn Kì Nặc thì lắp bắp giải thích: -Không phải đâu, cô ấy là con gái của bạn bố cháu.

Thỉnh thoảng Kì Nặc dẫn tôi đi xem hát kịch. Gần đây huyện Thụ Thủy có một đoàn hát từ phương Nam tới. Họ dựng sân khấu trong quán trà. Thế là tôi và Kì Nặc liền rủ nhau đi xem. Lúc đó chúng tôi uống hết hai cốc trà, cắn hết nửa cân hạt dưa, nhưng cả hai đều trầm ngâm không nói. Mỗi lần ở bên cạnh Kì Nặc, tôi đều trở nên trầm ngâm như vậy. Bởi vì tôi sợ âm thanh sẽ phá vỡ bầu không khí yên tĩnh và lấy đi mất sự bình tâm khó khăn lắm mà tôi mới có được này.

Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy Kì Ngôn đánh bạc ở ngoài đường. Anh ấy hò hét ầm ĩ, còn Tô Linh San đứng bên cạnh cổ vũ cho anh.

Bởi vì chân của Kì Ngôn bị thương nên anh ấy đã chuyển đến ở trong căn nhà của huyện trưởng. Mỗi buổi tối, cứ mỗi khi phải thay thuốc là anh ấy nằm ì trên giường, kêu lên như thể ông tướng: -La Tiểu Mạt, mau lên thay thuốc cho anh đi! Nếu không anh mà tàn phế thì em chịu trách nhiệm đấy!

Tôi vì sợ chân anh ấy bị tàn phế thật sẽ ỷ lại vào tôi nên nghe thấy anh ta kêu lên như vậy là tôi lập tức bưng thuốc lên gác.Nhưng quả thật khả năng đắp thuốc ủa tôi quá tồi, mỗi lần đắp thuốc đều khiến cho Kì Ngôn phải kêu cứu ầm ĩ.

Huyện trưởng suốt ngày cười vui vẻ. Lúc ngồi ăn cơm, huyện trưởng hào hứng nói: -Kể từ khi Tiểu Mạt đến đây, nhà ta náo nhiệt hẳn lên, cũng có sinh khí hơn hẳn đấy!

Kì Ngôn nói chen vào: -Có mà đang làm loạn thì có!

Tôi lấy chân đá mạnh vào chân Kì Ngôn dưới gầm bàn. Anh ấy liền nhăn mày kêu lên: -Lặc Kì Nặc, La Tiểu Mạt đá em, anh mau nói cho cô ấy biết em là bệnh nhân đi!

Tôi thản nhiên đáp: -Anh đừng giả bộ nữa, em đã phải hầu hạ anh lâu lắm rồi đấy!Anh cũng sắp khỏi đến nơi rồi!

Tôi cho rằng vết thương của Kì Ngôn đã khỏi từ lâu, bởi vì anh ấy ngày nào cũng ở nhà, đi vào rừng hay chạy ra bờ suối cùng với tôi.

Còn Tô Linh San thì lúc nào cũng bám lấy Kì Ngôn.Ngày nào cô ấy cũng chạy từ phía Bắc của huyện sang phía Nam, rồi lại đánh một chiếc xe ngựa từ phía Nam quay về.

Tô Linh San đúng là một cô gái hoạt bát và phóng khoáng. Cô ấy nói thẳng trước mặt mọi người: -Không ai được phép cướp Kì Ngôn của tôi hết! Tôi sẽ theo anh ấy cả đời này!

Đã là ngày thứ 27 kể từ khi tôi đến huyện Thụ Thủy này.Vậy là chỉ còn ba ngày nữa thôi là phải trở về Cảnh An rồi!

Chúng tôi cùng đến thắp hương trước nấm mộ của bố mẹ Kì Nặc và Kì Ngôn. Mộ của họ nằm trên một ngọn núi rất cao, cây cối xanh tươi. Chúng tôi không ai nói điều gì, chỉ lặng lẽ đi trên con đường núi heo hút.

Về sau tôi mới biết đó chính là ngày sinh nhật của Kì Nặc và Kì Ngôn.

Ngày 27 tháng 8, tôi xách lồng đèn đi từ cầu Thanh Phong sang cầu Tử Nhứ. Trên đường đi chúng tôi đã đi qua 27 hộ gia đình với 27 chiếc đèn lồng treo ở trước cổng.

Tôi đứng ước nguyện dưới gốc cây đa cổ thụ. Tôi chưa bao giờ thành tâm cầu nguyện như vậy. Kì Nặc giúp tôi cầm lồng đèn. Tô Linh San cũng tò mò thử ước nguyện. Bố tôi và chú Tô đứng yên lặng dưới gốc đa, không nói nửa lời, nhưng ánh mắt lại vô cùng mông lung như đang nhớ lại một hồi ức xa xưa nào đó.

Hai tay của tôi không chắp vào nhau được, thế nên tôi đành phải lấy tay trái năm chặt lấy tay phải.

Kì Ngôn lầm bầm nói: -Con gái đúng là phiền phức!

Tôi nhìn Kì Nặc, nói: -Một phút thôi, mọi người hãy cho tôi một phút!

Tôi quay người lại, khép chặt hai hàng mi. Bên tai tôi vang lên tiếng gió thổi và tiếng kêu râm ran của các loại côn trùng. Tôi thầm ước ở trong lòng, Kì Nặc có thể ở bên cạnh tôi mãi mãi.

Những con đom đóm lập lòe đang bay đến chỗ chúng tôi, bay lượn xung quanh người tôi. Tôi lặng người nhìn vào ánh sáng xanh yếu ớt phát ra từ cơ thể những con đom đóm nhỏ xíu.

Bỗng nhiên một cơn mưa lớn đổ ập xuống. Những ngọn đèn trong huyện tắt phụt, đèn lồng cũng không sáng nổi bởi ướt nước mưa. Huyện trưởng nói: -Sợ nhất là mưa mà lại mất điện! Thôi để tôi đi trước, mọi người đi theo sát phía sau, cẩn thận không lạc nhau nhé!

Trong bóng tối, cái bóng của ai cũng trở nên thật nhạt nhòa. Tô Linh San nắm chặt lấy tay của Kì Ngôn, tôi có thể nhìn thấy rất rõ động tác này của cô ấy. Đôi mắt của Kì Nặc rất sáng. Anh nhẹ nhàng đi đến bên cạnh tôi, nắm chặt lấy tay phải của tôi, bàn tay đã bị tàn phế ấy, bàn tay mà tôi phải mất rất nhiều thời gian mới có thể làm quen ấy.

Anh khẽ nói: -Theo sát anh nhé, cẩn thận kẻo lạc!- giọng nói của anh vừa dịu dàng vừa ấm áp, chẳng mấy chốc đã sưởi ấm trái tim đang hoang mang của tôi.

Trời tối đen như mực. Không gian như một bức tranh thủy mặc màu đen còn chúng tôi chính là những bóng người nhỏ nhoi trong bức tranh đen tối ấy. Bàn tay ấm áp của Kì Nặc nắm chặt lấy bàn tay tàn phế của tôi. Một đoàn người lặng lẽ đi trong đêm đen, đội mưa đội gió trở về nhà. Những con đom đóm đã đi tránh mưa hết rồi. Bên cạnh tôi lúc này, chỉ còn lại một chàng trai mà tôi thầm thích.

Nhưng mà, nước mắt tôi đang tuôn rơi. Tôi có một dự cảm không lành rằng mình sắp phải rời xa anh ấy!

Tôi cảm thấy thật sự khó chịu!
 
7.

Buổi tối một ngày trước khi rời khỏi huyện Thụ Thủy để trở về Cảnh An, tôi nhìn qua khe cửa, thấy Kì Nặc đi vào phòng của Kì Ngôn. Anh ấy định nói gì với Kì Ngôn sao? Tôi ngồi yên ở đó, ngắm nhìn ánh trăng dịu dàng lan tỏa trên nền phòng khách. Một hồi lâu sau, tôi nhìn thấy Kì Nặc đi ra khỏi phòng của Kì Ngôn. Anh ấy mặc một bộ quần áo bằng vải thô sạch sẽ, lặng lẽ ngồi trên cầu thang, vẻ mặt ủ dột, buồn phiền. Sau đó, anh bất chợt nhìn thấy tôi. Ánh mắt anh hoang mang…anh vội vàng đứng dậy bỏ đi.

Tôi kéo rèm cửa vào, bật quạt lên và chìm vào giấc ngủ. Đêm đó tôi đã mơ thấy rất nhiều thứ. Tôi mơ thấy Kì Nặc tay cầm lồng đèn đi về phía tôi rồi lại xách lồng đèn rời xa tôi, mặc cho tôi có gọi thế nào anh ấy cũng không quay đầu lại. Buổi sáng, sau khi tỉnh dậy, tôi nhìn thấy Kì Nặc đang ngồi yên lặng cạnh bàn ăn. Tôi tự an ủi rằng có lẽ bản thân mình đã căng thẳng quá mức rồi!

Lúc xuất phát tôi không nhìn thấy Kì Ngôn đâu cả, huyện trưởng nói chắc là cậu ta tức giận nên đã ở lì trong phòng không chịu ra. Kì Nặc chỉ cúi đầu, chẳng nói nửa lời.

Chúng tôi men theo con đường cũ quay lại Cảnh An. Kì Nặc vẫn không nói một lời với tôi. Tôi cảm thấy thật kì lạ. Đi được nửa đường, mọi người đều xuống xe đi vệ sinh hết, chỉ còn lại Kì Nặc và tôi ở trên xe. Kì Nặc khẽ ngẩng đầu nhìn tôi, rồi lại căng thẳng cúi đầu xuống. Một chùm ánh sáng chiếu qua khe cửa, tỏa sáng trên khuôn mặt anh.

Trong ánh mắt của anh ấy, không hề có sự ấm áp và trầm tĩnh mà tôi vẫn thấy.

Có thể lần đầu tiên tôi đã nhận nhầm, nhưng đã ba mươi ngày ở bên nhau, làm sao tôi có thể lại nhận nhầm được chứ?

Tôi kinh ngạc chỉ tay vào anh: -Lặc Kì Ngôn, anh làm cái trò quái quỷ gì vậy? Kì Nặc đâu?
Kì Ngôn cũng kinh ngạc không kém, vội vàng lấy tay bịt chặt miệng tôi, nói: -La Tiểu Mạt, em nói nhỏ đi một chút có được không?
 
Phần 2: Gặp anh đêm giáng sinh

Lặc Kì Nặc. Ngày đầu tiên xa anh
Có một ngày em và anh gặp lại
Gió và mưa đều không nhìn thấy
Đèn và ánh sáng khép chặt mi
Em muốn cùng anh đếm thử
Khoảng thời gian chúng ta ở bên nhau
Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất
Cũng chính là ngày hôm qua em không thể quay lại.

1.

Tôi nhìn đồng hồ, đã là ba giờ chiều. Ánh mặt trời ấm áp nhảy nhót trên khe cửa. Tôi nén chặt cơn giận trong lòng, nhìn chằm chằm vào Kì Ngôn, kẻ mạo danh Kì Nặc, bình tĩnh chờ đợi một
lí do khiến cho tôi không nổi giận từ phía anh ta.

Những hành khách đã xuống xe bắt đầu lần lượt lên xe.

Kì Ngôn lấy trong túi ra một bức thư rồi đưa cho tôi.

Bức thư được gấp làm tư rất ngay ngắn. Vừa mở ra, những nét chữ quen thuộc của Kì Ngôn đã đập vào mắt tôi.
Tiểu Mạt:

Anh biết chắc chắn em sẽ phát hiện, vì vậy mới viết bức thư này để giải thích tất cả:
Để cho Kì Ngôn quay về Cảnh An cùng em là quyết định của anh. Anh hi vọng cậu ấy có thể sống những tháng ngày tốt đẹp hơn. Dù sao thì đó cũng là lời hứa của anh trước mộ của bố mẹ. Nếu như anh ra đi cùng em, sau này sẽ không ai chăm sóc cho cậu ấy. Hãy để cho cậu ấy cùng em đến Cảnh An và ở bên cạnh em, như vậy anh mới có thể yên tâm được. Anh tin là em sẽ chăm sóc chu đáo và quản lí được Kì Ngôn.

Hi vọng em có thể đáp ứng tâm nguyện này của anh. Đừng vạch trần bí mật này. Kể từ nay về sau, Kì Ngôn chính là Kì Nặc. Hãy hứa với anh, giữ kĩ bí mật này nhé!

Khoảng thời gian ở bên cạnh em, anh thực sự rất vui. Hi vọng điều ước dưới gốc đa của em sẽ trở thành hiện thực. Cũng hi vọng rằng em có thể tích cực và vui vẻ đối diện với cuộc sống.

Kì Ngôn nhờ cả vào em đấy! Có thời gian hãy quay lại huyện Thụ Thủy thăm anh nhé!

….

Không biết nước mắt của tôi đã tuôn rơi từ lúc nào. Kì Ngôn vừa đưa tay ra thì những giọt nước mắt ấy đã rơi vào tay anh ta. Bố ngoảnh đầu lại nhìn thấy tôi đang khóc liền vội vàng hỏi: - Tiểu Mạt, con sao thế?

Tôi vội vàng gấp bức thư lại, xụt xịt mũi rồi nói: -Không sao đâu, con đang nhớ mẹ ấy mà!
Tôi cúi gằm mặt xuống, nước mắt cứ lặng lẽ tuôn rơi. Kì Ngôn bối rối lấy tay áo lau nước mắt cho tôi. Tôi biết đó chính là áo của Kì Nặc, ống tay áo dài, các nếp gấp lúc nào cũng ngay ngắn.
Cuối cùng tôi cũng hiểu vì sao trong cơn mưa tối qua tôi lại buồn bã và khó chịu đến thế. Hóa ra hơi ấm từ lòng bàn tay Kì Nặc truyền sang cho tôi chính là tín hiệu của sự chia li. Chẳng trách cái người mà tôi nhìn thấy rời khỏi phòng Kì Ngôn ngày hôm qua lại hoang mang đến vậy. Hóa ra bọn họ đã tráo đổi thân phận cho nhau. Giấc mơ đêm qua cũng chính là linh tính báo trước rằng Kì Nặc sẽ rời xa tôi. Nhưng tôi đoán trước được bắt đầu nhưng không liệu trước được kết quả.

Chiếc xe ô tô vẫn thẳng tiến về Cảnh An. Bên ngoài cửa xe, những ngọn núi san sát nhau, nhấp nhô kéo dài đến tận chân trời. Cảnh vật vẫn giống y như lúc tôi đến, chỉ có điều bây giờ không phải là ban đêm. Ánh sáng mặt trời buổi chiều chói chang chiếu vào khung cửa sổ, tôi liền đóng chặt cửa lại. Đột nhiên tôi có linh cảm rằng Kì Nặc sẽ vĩnh viễn rời xa tôi. Linh cảm này khiến cho tôi không thể chịu nổi. Chính vào lúc ấy, nỗi đau đớn của tôi như bị nhân lên gấp bội.
Kể từ ngày hôm đó tôi đã biết rằng, mọi sự việc trên đời này không bao giờ diễn ra theo hướng mà mình nghĩ. Thượng đế lúc nào cũng thích trêu cợt con người, thế nên cuộc sống không bao giờ mỹ mãn như ý.
 
2.

Mọi thứ ở Cảnh An vẫn không hề thay đổi, phồn hoa và tấp nập với những con đường rực rỡ ánh đèn màu. Tôi thò đầu ra cửa sổ, một luồng khí trong lành ùa vào mặt tôi.

Nhà tôi là một tòa nhà ba tầng với phong cách nước ngoài, xung quanh là một vườn hoa và một cái bể bơi khá rộng. Nhìn thấy căn nhà, Kì Ngôn thè lưỡi, khẽ nói: -Nhà em là tài phiệt à?

Bố vui vẻ nói với Kì Ngôn: -Từ nay về sau, đây chính là nhà của con. Sau này ta sẽ làm thủ tục nhận nuôi con. Con có muốn đổi họ thành họ La không?

Kì Ngôn lắc đầu nguầy nguậy, đáp: -Không ạ!

Vẻ mặt nghiêm túc của Kì Ngôn khiến cho bố cảm thấy rất buồn cười. Bố nói: -Không đổi thì không đổi! Con giống hệt như ba con, tính tình cố chấp hết sức! Lúc còn nhỏ ta với ba con cùng đi bắt chim sẻ núi. Đám chim sẻ ấy vô cùng tinh ranh, không dễ gì mắc bẫy. Thế mà ba con vẫn cố chấp, cứ một mực không bắt được không về. Cả ta và chú Tô đều không cố chấp như vậy…
Đột nhiên bố trở nên trầm ngâm, không biết có phải là vì nhắc tới chú Tô hay không nữa.

Sau khi về đến nhà, dì Điền giúp việc nói trong một tháng tôi không có ở nhà, Triển Khải Dương và Hạ Đóa Tuyết có đến tìm tôi mấy lần. Tôi đột nhiên nhớ đến khuôn mặt tĩnh lặng như mặt hồ của Triển Khải Dương và dáng điệu hấp tấp của Hạ Đóa Tuyết. Không biết trong thời gian tôi đi vắng, cái cô Hạ Đóa Tuyết chuyên gây họa có gây ra chuyện gì không nữa?

Mẹ kế bĩu môi hỏi: -Chính là cái con bé dẫn con bỏ nhà đi đúng vào ngày tổ chức đám cưới của bố mẹ chứ gì?

Kì Ngôn liền lại gần tôi hỏi: -Em đã từng bỏ nhà đi sao? Anh cứ tưởng em không có bạn cơ đấy!

Tôi lườm Kì Ngôn một cái sắc lẻm: -Chuyện này không cần thiết phải nói cho anh biết!

Tôi không định nói cho Kì Ngôn biết chuyện giữa tôi và Hạ Đóa Tuyết.

Tôi từ từ đi lền lầu. Bố đã sắp xếp cho Kì Ngôn một căn phòng. Căn phòng của Kì Ngôn nằm đối diện với phòng của tôi.

Kì Ngôn theo tôi đi lên lầu. Tôi đẩy cửa ra, Kì Ngôn cũng theo tôi vào. Tôi liền đẩy anh ấy ra, lạnh lùng nói: -Đây là phòng của con gái, anh không lịch sự là gì à?”

Đúng vào giây phút tôi khóa cửa lại, bàn tay của Kì Ngôn bị kẹp ở khe cửa. Kì Ngôn đau đớn kêu lên.

-Anh muốn chết à?

-Em vẫn còn giận anh à?- anh ấy vẫn còn lo tôi sẽ để bụng chuyện hai người ấy tráo đổi thân phận cho nhau. Nhưng mà nói thực lòng thì tôi quả thật rất để bụng chuyện này.

Mặt tôi chẳng chút thiện cảm: -Anh định lấy mạng ra để uy hiếp tôi phải không?

Kì Ngôn lắc lắc đầu, vẻ mặt tội nghiệp nói: -Anh nào dám. Chỉ cần em không giận thì anh đã mãn nguyện lắm rồi!

Nhìn bàn tay sưng vù, đỏ lựng của Kì Ngôn, nhớ lại lúc đóng cửa quả thực tôi đã rất mạnh tay.Thế là tôi lại mềm lòng. Dù gì thì Kì Ngôn cũng là em trai của Kì Nặc, mà Kì Nặc đã dặn mình phải chăm sóc anh ấy rôi. Nếu như để Kì Nặc biết mình đối xử không tốt với Kì Ngôn, anh ấy nhất định sẽ rất đau lòng.

-Thôi bỏ đi, tôi không giận đâu! Anh mau về phòng đi!

“Rầm” một tiếng, tôi đóng sầm cửa lại trước mặt Kì Ngôn.

Tôi thả người lên giường, vùi đầu vào chiếc gối mềm mại. Ga trải giường màu hồng phấn, rèm cửa màu trắng, he hé mở. Những cơn gió từ ngoài cửa sổ thổi vào mặt tôi. Màn đêm đang dần buông xuống. Tôi thò tay vào túi lấy ra bức thư mà Kì Nặc gửi cho tôi, cứ nhắm mắt lại là tất cả mọi thứ đã xảy ra trong 30 ngày vừa qua như ùa về trong tâm trí tôi.

Tráo đổi thân phận chính là quyết định của Kì Nặc. Tôi không biết trước khi đưa ra quyết định này anh ấy có ngập ngừng, có do dự trước quyết định chia tay với tôi không? Sau này liệu anh ấy có nhớ đến một người đã cùng anh ấy trải qua một mùa hè nóng nực và ẩm ướt, cùng anh đi trên những con đường của huyện, cùng anh đi qua những cây cầu hay không? Liệu anh ấy có biết, tôi luôn nhớ nhung đến anh và mơ tưởng được ở bên cạnh anh mãi mãi không?

Trong giấc mơ, vô vàn những con đom đóm bay lượn xung quanh, tỏa ánh sáng xanh vào không gian, một thứ ánh sáng yếu ớt mà nhờ nó tôi có thể quan sát được khuôn mặt sáng sủa của chàng trai ấy.
 
3.

Học kì mới lại bắt đầu. Sau khi ăn hết hai miếng bánh mì và uống hết cốc sữa bò, tôi liền lên xe buýt tới trường. Mặc dù nhà có xe hơi nhưng từ trước đến nay tôi vẫn đi xe buýt đến trường bởi vì bố không muốn tôi trở nên kiêu ngạo và xa xỉ.

Ngồi trên xe buýt, tôi tự cổ vũ cho bản thân mình. Nhớ lại những gì mà Kì Nặc nói, tôi biết mình phải có cái nhìn tích cực với cuộc sống mới mong có thể tìm được hạnh phúc cho mình.
Nhìn dòng người tấp nấp đi lại, tôi cảm thấy bùi ngùi trong lòng. Tôi đã từng mơ ước có một ngày có thể cùng Kì Nặc đến trường, cùng ăn sáng, cùng đọc sách, cùng bắt đầu cuộc sống mới ở thành phố phồn hoa này. Nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước.

Tôi ngẩng đầu tìm tên mình trên bảng danh sách sắp xếp lớp mới. Nhưng mà học sinh đứng đông quá khiến tôi chẳng nhìn thấy gì cả. Cuối cùng tôi đành đứng tránh sang một bên để đợi đám người kia tản bớt ra mới vào xem. Đám con gái cười hỉ ha, đám con trai thì náo loạn hết cả….đây chính là ngôi trường mà tôi lại phải tiếp tục theo học.

Đột nhiên, vai tôi bị ai đó vỗ mạnh. Tôi ngoảnh đầu lại, bắt gặp một khuôn mặt cười toe toét của
Hạ Đóa Tuyết và mái tóc xù mới làm của Triển Khải Dương.

Hạ Đóa Tuyết ôm chầm lấy tôi mà nói: “ Tiểu Mạt, tôi nhớ cậu quá đi!”, vòng tay của cô ấy thật ấm áp. Trong suốt quãng thời gian đau khổ sau khi mẹ mất, may mắn là luôn có Hạ Đóa Tuyết và Triển Khải Dương ở bên cạnh tôi. Mặc dù tôi mắc bệnh tự kỉ, không chịu nói chuyện, không chịu đi học, họ vẫn thường xuyên đến nhà thăm tôi, kể chuyện cười cho tôi nghe và đưa bài ghi chép cho tôi mượn.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh Hạ Đóa Tuyết rơi nước mắt khi nhìn thấy bàn tay phải bị nghiến nát của tôi. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô ấy khóc nghẹn ngào. Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh của cô bạn gái đã từng mang đến hơi ấm cho tôi ấy.

Triển Khải Dương đứng bên cạnh Hạ Đóa Tuyết vẫy vẫy tay với tôi. Cậu ấy nói: - Tiểu Mạt, có thể gặp lại cậu ở Nhất Trung thật là tuyệt!

Triển Khải Dương là cháu của thầy dạy thư pháp của tôi, nhưng cậu ấy lại chẳng có chút duyên nợ gì với thư pháp, thế nên thầy thư pháp của tôi đã sớm từ bỏ hi vọng với cậu ấy. Còn nhớ lần đầu tiên tôi đến lớp thư pháp, Khải Dương đang bị bố đánh cho một trận tơi bời, nguyên nhân là vì cậu ấy viết chữ xấu quá. Bố Khải Dương nói rằng cậu ấy đã làm mất hết thể diện của nhà họ Triển. Lúc ấy Khải Dương thật tội nghiệp! Cậu ấy mới có bốn tuổi, mới chỉ vừa biết viết chữ! Tính ra thì tôi và Triển Khải Dương quen nhau cũng đã 7 năm rồi.

Hạ Đóa Tuyết tưởng rằng bệnh của tôi vẫn chưa khỏi, liền vội vàng vỗ vai của Triển Khải Dương rồi nói: -Tên nhóc này đúng là thiên tài, hắn học vượt lớp để lên đây học cùng với chúng ta đấy!

Trong khi đó, tôi vào được trường Nhất Trung này là nhờ bố lo lót rất nhiều tiền của.

Tôi mỉm cười rạng rỡ với họ và nói: -Các cậu mặc đồng phục trông đẹp lắm!

Triển Khải Dương và Hạ Đóa Tuyết há hốc mồm ngạc nhiên. Sau một hồi ngây người nhìn tôi, trên khuôn mặt của họ hiện rõ sự vui mừng.

Triển Khải Dương reo lên: -Tiểu Mạt, cậu cười rồi kìa!

Hạ Đóa Tuyết cũng vui mừng không kém: - Tiểu Mạt, cậu nói được rồi à?

Tôi không chút do dự, tóm chặt lấy hai tay của họ và nói: -Trước đây các cậu đã quen với bộ dạng suốt ngày ủ dột, than ngắn thở dài của tôi. Thế nên bây giờ nhìn thấy tôi trở nên xinh đẹp và đầy sức sống nên không quen chứ gì?

Hai người họ nghe tôi nói vậy càng tỏ ra vui mừng hơn. Hạ Đóa Tuyết nói: -Đâu có, đây mới chính là Tiểu Mạt quen thuộc của chúng tôi! Mà chúng ta lại ở cùng một lớp, sau này cậu cứ đi theo tôi, ai dám bắt nạt cậu tôi sẽ cho mấy anh em dần cho nó một trận!

Hạ Đóa Tuyết từ nhỏ đã sống trong môi trường đánh đánh giết giết. Thế nên xét về mặt võ nghệ, đánh đấm…cô ấy không hề thua kém bọn con trai. Tính cách của cô ấy chẳng khác gì đàn ông, nhưng diện mạo lại vô cùng xinh đẹp, hơn nữa ăn mặc, chải chuốt khá bắt mắt, thế nên nhìn cô ấy xinh đẹp chẳng khác gì thiên thần.

Nhìn thấy hai người họ, tôi lại có cảm giác vô cùng thân thuộc. Mọi người xung quanh đang bàn luận xôn xao về người có thành tích cao nhất năm nay. Ngẩng đầu lên nhìn, tôi thấy tên người đứng đầu tiên trong lớp chuyên của trường chính là: Lặc Kì Nặc.

Trong đầu tôi chợt hiện lên hình ảnh khuôn mặt tĩnh lặng của Kì Nặc, nhưng chỉ trong một giây ngắn ngủi, khuôn mặt ấy đã bị một nụ cười xấu xa che khuất đi.
 
4.


Từ phía cổng trường, tôi nhìn thấy một người đang phóng xe đạp lao vèo vèo về phía chúng tôi. Thầy giáo kiểm tra kỉ luật vừa vội vã đuổi theo phía sau vừa hét: -Này em kia, không được đi xe đạp trong trường!


Người đó đeo ba lô đằng sau, đeo kính đen, đầu hơi cúi xuống khiến cho tóc che lấp hai mắt.


Triển Khải Dương nói: -Cậu ta vội vàng đi hái nấm hương à?


Người đó nhấn pê đan, lao vù vù qua đám đông. Hình như anh ta muốn dừng lại ở chỗ tôi mà Hạ Đóa Tuyết đang đứng. Kết quả không thành, chiếc xe lao như bay về phía chúng tôi. Tôi nhanh chân nhảy ra kịp, chỉ khổ cho Hạ Đóa Tuyết bị chiếc xe tông phải. Tôi và Triển Khải Dương nhìn thấy vậy liền vội vàng đỡ Hạ Đóa Tuyết dậy.


Tôi vừa đến gần liền phát hiện ra người phóng xe đạp vù vù ban nãy không ai khác chính là Kì Ngôn.


Tôi rất muốn đánh cho anh ấy một trận, tôi thề là tôi rất muốn đánh Kì Ngôn. Nhưng tôi đã nhẫn nhịn. Tôi không muốn người khác biết mối quan hệ giữa tôi và Kì Ngôn.


Tôi lạnh lùng hỏi: -Này bạn, xin hỏi bạn đến nhà quốc hội để họp hay là đi ứng cử chức chủ tịch nước thế hả?


Triển Khải Dương dìu Hạ Đóa Tuyết đứng dậy rồi nói: -Làm cái trò gì thế không biết? Hạ Đóa Tuyết, cậu học Takewondo để làm gì thế hả? Tiểu Mạt tàn….- Triển Khải Dương vừa nói đến chữ “tàn” liền giật mình nhớ ra, vội vàng nói lảng đi: -Đến Tiểu Mạt còn nhảy tránh kịp, thế mà cậu…


Hạ Đóa Tuyết ôm chặt lấy đầu gối suýt xoa: -Tôi nhìn thấy trai đẹp nên như bị bắt mất hồn!


Kì Ngôn nhoẻn miệng cười, dựng chiếc xe đạp từ dưới đất dậy rồi nói: -Thật xin lỗi! Tôi vốn định phanh lại, nào ngờ vừa bóp một cái thì phanh đã đứt rồi!


Tôi thật không biết anh ấy lôi đâu ra cái xe đạp cũ nát này nữa!


Kì Ngôn nói tiếp: -Nếu như bạn không chê, hãy ngồi lên xe, tôi sẽ chở bạn đến phòng y tế để sát trùng vết thương.


Triển Khải Dương đáp: -Cô ấy không đi đâu!


Nhưng Hạ Đóa Tuyết đã nhảy phóc lên xe của Kì Ngôn và nói: -Đi thôi anh chàng đẹp trai!


Hạ Đóa Tuyết quả là táo báo, tôi hiểu rõ tính cách này của cô ấy. Nhưng mà biểu hiện của cô ấy có vẻ hơi quá, thấy trai đẹp là quên hết cả bạn bè!


Kì Ngôn liếc nhìn tôi, dường như có điều gì định nói. Nhưng tôi sợ bị mọi người phát hiện nên vội vàng nói: -Thôi hai người đi đi!


Triển Khải Dương nói: - Tiểu Mạt, cái đầu của cậu bị hỏng rồi à? Sao lại đẩy Hạ Đóa Tuyết vào miệng cọp thế?


Kì Ngôn nháy mắt hỏi Hạ Đóa Tuyết: -Bạn tên là Hạ Đóa Tuyết à?- ánh mắt của Kì Ngôn ánh lên sự tinh quái.


Sau khi hai người ấy đi, Triển Khải Dương liền đổ hết oán giận lên đầu tôi. Tôi nhìn theo bóng hai người đang khuất dần, tự nhủ không hiểu Kì Ngôn định làm cái gì. Nhưng tôi có thể nhìn thấy sự e thẹn hiện lên trên khuôn mặt của Hạ Đóa Tuyết.


Triển Khải Dương phân tích rất đúng, ngay cả một đứa tàn phế như tôi còn nhảy ra tránh kịp, thế mà một Hạ Đóa Tuyết từ nhỏ đã họ Takewondo lại không tránh kịp là sao?


Mí mắt phải của tôi cứ máy liên tục. Người ta nói máy mắt bên trái là phát tài, máy mắt tên phải là tai họa. Tại sao tôi đột nhiên lại có một linh cảm không lành thế này?


Lúc chúng tôi đi vào phòng học thì thầy giáo đã bắt đầu điểm danh. Tôi nói với thầy rằng Hạ Đóa Tuyết ngã bị thương nên đã lên phòng y tế bôi thuốc rồi. Sau khi điểm danh xong, tôi và Triển Khải Dương liền đi xuống sân vận động tham gia buổi lễ chào mừng các học sinh mới.


Chúng tôi đứng dưới sân chưa được bao lâu thì Kì Ngôn đã dìu Hạ Đóa Tuyết xuống. Hai người họ đi sát bên nhau trông rất đẹp đôi, khiến cho những người xung quanh đều trầm trồ.


Kì Ngôn có vẻ khá thông minh, anh ấy không hề có ý định thể hiện ra là quen biết tôi, chỉ bình thản nói: -Hạ Đóa Tuyết chỉ bị xước da thôi, chẳng bao lâu sẽ lành!


Tôi đỡ Hạ Đóa Tuyết rồi đáp: -Cám ơn!


Kì Ngôn mỉm cười, xoay người đi về phía lễ đài. Học sinh mới có thành tích đứng đầu trong trường thường phải thay mặt các học sinh mới lên trước trường phát biểu. Truyền thống khai giảng của trường Nhất Trung trước nay vẫn là như vậy, phải để cho học sinh có thành tích đứng đầu lên đại diện cho toàn thể học sinh mới lên phát biểu. Mà những đại biểu này, theo như sự “nghiên cứu và phân tích” của chúng tôi đều là những “tâm phúc”, “bảo bối” của các thầy cô, là tấm gương, là nô lệ của học tập.


Nhưng lần này tôi hiểu rằng, truyền thống hàng trăm năm của trường Cảnh An sẽ có sự thay đổi.


Hạ Đóa Tuyết nói: -Cậu ấy tên là Kì Nặc. Học sinh mới có thành tích đứng đầu năm nay chính là cậu ấy đấy!


Xem ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, Hạ Đóa Tuyết của chúng ta đã khai thác được ít nhiều thông tin của người ta rồi! Cũng còn may là Kì Ngôn chưa nói là chúng tôi quen nhau. Nhờ thế tôi cũng cảm thấy yên tâm đôi chút!


Sau khi thầy hiệu trưởng đọc diễn văn xong, đến lượt Kì Ngôn lên phát biểu. Kì Ngôn khẽ hắng giọng. Tôi thấy đám nữ sinh ở dưới bắt đầu xôn xao: -Oa, sao mà đẹp trai thế?


Tôi cảm thấy rất bất mãn. Anh ấy chẳng qua là cướp công đầu của người khác, có gì mà vẻ vang cơ chứ?


Những điều tiếp theo Kì Ngôn nói ra còn tồi tệ ngoài sức tưởng tượng của tôi đồng thời cũng khiến cho tôi tức ói máu.


Kì Ngôn nói: -Hôm nay tôi được đứng ở đây hoàn toàn là nhờ may mắn. Thực ra ngoài cái vẻ anh tài ra thì tôi chẳng biết gì đâu! Hôm nay được đứng ở đây, tôi phải cảm ơn bố mẹ tôi đã sinh tôi ra đẹp trai như thế này! Hi vọng mọi người đừng học tập theo tôi, mọi người phải cố gắng dựa vào thực lực của chính mình, chăm chỉ học tập, phấn đấu vươn lên. Tôi nói hết rồi, cám ơn mọi người!


Dưới khán đài im phăng phắc, rồi đột nhiên cả sân trường như vỡ tung ra. Đám con trai thì chẳng thèm để ý đến, nhưng phần lớn đám con gái đều cười lăn bò càng, còn tôi thì vô cùng “chấn động” với những lời phát biểu của Kì Ngôn.


Sau khi Kì Ngôn phát biểu những lời này xong, thầy hiệu trưởng có vẻ rất bối rối. Có lẽ thầy cũng không ngờ rằng học sinh có thành tích đứng đầu toàn thành phố lại dám bày trò ngay trên bục lễ đài, hủy hoại tiếng tăm của trường Nhất Trung ở Cảnh An này. Nhìn sắc mặt trắng bệch không còn giọt máu nào của thầy hiệu trưởng, tôi đoán chắc rằng thầy đã rất hối hận khi để cho Kì Ngôn lên phát biểu.


Hạ Đóa Tuyết là người đầu tiên vỗ tay hoan hô, giọng nói thánh thót của cô ấy vang lên trong đám đông: -Lặc Kì Nặc, nói hay lắm! Tôi ủng hộ cậu!


Tôi ngây người nhìn Kì Ngôn, anh ấy liền nháy mắt với tôi nhưng tôi giả vờ như không nhìn thấy. Tôi kéo kéo áo của Hạ Đóa Tuyết, mặc dù biết tính cách của cô ấy vốn đã là như thế, nhưng tôi không hi vọng cô ấy có tình cảm đặc biệt với Kì Ngôn.


Thầy hiệu trưởng nổi giận thực rồi. Thầy giật lấy cái micro, quát lớn: -Các em, mau trật tự!


Vài giây sau đó, sân trường lại trở nên yên tĩnh.


Không khí ngày hôm đó thật bất thường, vẻ mặt của thầy hiệu trưởng thật khó coi, các học sinh thì vô cùng hào hứng và thích thú bởi một học sinh ưu tú hoàn toàn khác biệt với số đông những học sinh ưu tú trước đây.


Hôm đó lúc về nhà, tôi thấy Kì Ngôn đang sửa xe đạp. Ông Trương quản gia nói với anh ấy: -Lặc thiếu gia, thật là ngại quá! Chiếc xe đạp này quả thực là có hơi cũ!


Kì Ngôn thản nhiên đáp: -Không sao đâu! Cũng may là chưa đâm bị thương người ta!


Tôi liền đi đến nói xen vào: -Kì Ngôn, tại sao hôm nay anh dám phóng xe đạp như điên ở trong trường thế hả?


Vẻ mặt vô tội, Kì Ngôn đáp: -Oan quá, anh thừa nhận là anh có đi xe vào trong trường. Nhưng mà khi nhìn thấy em, anh định dừng lại chào em, nào ngờ phanh xe đột nhiên bị đứt. Thế nên anh phải dùng chân để dừng lại, nào ngờ chưa kịp dừng lại đã ngã rồi!


-Ở trong trường nếu mà gặp tôi thì anh cứ làm như không quen là được rồi!- tôi lạnh lùng đáp.


-Có cần thiết phải lạnh nhạt thế không?


-Có!


Kì Ngôn lẩm bẩm nói: -Thế thì anh cũng phải giữ bí mật với cả Hạ Đóa Tuyết sao?


Tôi chỉ tay vào mặt Kì Ngôn, lạnh lùng đáp: -Anh đừng có mà làm phiền cô ấy, không thì anh biết tay tôi!


-Anh biết cô ấy! Cô ấy chính là cô gái đã dẫn em đi khỏi nhà đúng không? Trông cô ấy thật là xinh đẹp!


-Nói tóm lại anh đừng có mà cưa cẩm cô ấy!- dứt lời, tôi liền đi một mạch vào phòng khách.


Tôi nghe thấy Kì Ngôn lẩm bẩm: -Thế nhỡ cô ấy cưa cẩm anh thì sao?


Tôi cười thầm trong bụng. Cái anh chàng này đúng là trẻ con! Cho dù xét trên phương diện nào đi nữa vẫn thấy anh ta chẳng giống người lớn hơn tôi ba tháng chút nào. Còn xét về tính cách, Kì Ngôn không được điềm đạm và trầm tĩnh như Kì Nặc.
 
5.

Phòng học của tôi cách phòng học của Kì Ngôn không xa, thế nhưng chúng tôi rất ít chạm mặt nhau. Ở nhà Kì Ngôn rất ngoan ngoãn, tôn trọng tất cả mọi người trong gia đình, biểu hiện tương đối lễ phép. Còn ở trường, bởi vì “bài phát biểu” lần đầu tiên đó mà mọi người phát hiện ra rằng Kì Ngôn chẳng phải là một học sinh ngoan ngoãn hay là tấm gương tốt gì cả. Trong đợt kiểm tra chất lượng lần thứ nhất, Kì Ngôn chỉ đứng thứ 20 của lớp. Điều này khiến cho tất cả mọi người đều kinh ngạc. Nhưng tôi thì chẳng ngạc nhiên chút nào. Bởi vì xét cho cùng người đỗ đầu chính là Kì Nặc, còn Kì Ngôn thì đã cả năm nay không đi học, làm sao có thể giành được thành tích tốt như vậy?

Nhưng chính bởi vì như vậy nên những cô gái thích Kì Ngôn ngày càng nhiều. Những năm gần đây, những tên con trai chỉ chết vì đọc sách không mấy được con gái ưa chuộng. Con gái bây giờ chỉ thích những anh chàng hài hước và láu lỉnh thôi. Vào học mới có hơn ba tháng mà thư tình Kì Ngôn nhận được đã chất đầy thùng rác trong nhà. Tôi và Hạ Đóa Tuyết ngày nào đi học về cũng đều đi ngang qua phòng học của Kì Ngôn, nhìn thấy đám con gái tụ tập đông nghẹt trước cửa lớp để ngắm Kì Ngôn.

Hạ Đóa Tuyết thăm dò được một vài thông tin về Kì Ngôn, nói rằng anh ấy lúc nào cũng đi một mình, không kết giao với bạn bè và đã tham gia vào đội bóng rổ của trường, ném bóng cực đỉnh.

Kể lể một tràng giang đại hải xong, Hạ Đóa Tuyết liền kết luận bằng một câu xanh rờn: -Cậu ấy thật là bí ẩn!
Triển Khải Dương tức tối quay sang nói với tôi: -Tiểu Mạt, cậu đừng có si tình như Hạ Đóa Tuyết! Những đứa con gái si tình là những đứa con gái đần độn nhất!”

Hạ Đóa Tuyết tức giận quát ầm lên: -Cậu bảo ai đần độn hả?

Triển Khải Dương cũng không kém cạnh: -Tôi bảo cậu đần độn đấy!

Tôi yên lặng nhìn họ cãi vã, cười đùa. Ánh nắng mùa thu vàng rực rỡ. Hai người ấy như hai con chim non
được nhuộm vàng bởi ánh mặt trời, đơn thuần tới mức có thể tự do tự tại bay qua bay lại trong không
trung. Tuổi thanh xuân của chúng tôi rốt cuộc còn bao nhiêu thời gian để có thể vô tư vui cười như thế này?
Những nụ cười hồn nhiên và vô tư của tôi đã bị chôn vùi sâu dưới lòng đất vào cái ngày mà mẹ ra đi mãi mãi.
Vì thế tôi vô cùng cảm kích bởi họ đã cho tôi được nhìn thấy những nụ cười hồn nhiên đến thế.

Tôi thường nhớ đến Kì Nặc, người đã khiến cho tôi có thể nói trở lại. Hình ảnh anh ấy dựa vào cửa và ngủ say sưa đã in sâu vào trong tâm trí của tôi.

Thế nhưng bây giờ, tôi không biết được anh ấy ở đâu? Ở bên cạnh tôi chỉ có môt Kì Ngôn thay thế cho Kì Nặc. Nhưng những điều này hoàn toàn nằm ngoài dự tính của tôi.

Tôi và Kì Ngôn cũng an toàn vượt qua được mấy tháng. Trong mấy tháng này, tôi đã trở lại lớp dạy thư pháp của thầy Triển Hồng Quang. Không biết có phải ban đầu là do thầy có mắt nhìn xa không mà thầy lại bắt tôi luyện thư pháp bằng cả hai tay ngay từ khi tôi mới năm tuổi, mới bắt đầu đến đây học thư pháp.
Nghỉ học đã nửa năm nay, tôi chưa từng trở lại đây. Thầy từng mấy lần đến nhà thăm tôi nhưng nhìn thấy tôi không nói không rằng, thầy đành thở dài ra về.

Phòng dạy học của thầy Triển là một căn nhà cũ kĩ, được thầy đặt tên là “An Ỷ Cư”. Thầy đã phấn đấu suốt cả cuộc đời vì sự nghiệp thư pháp. Sau khi về hưu lại tiếp tục mở lớp giảng dạy thư pháp, bồi dưỡng những đứa trẻ có tố chất.

Tôi thường ngồi trong phòng luyện chữ, lần nào Kì Ngôn cũng chạy đến giúp tôi mài mực. Chủ nhật, ánh sáng mặt trời rất hiền hòa, dáng vẻ lúc yên lặng của Kì Ngôn giống hệt như Kì Nặc. Thế nhưng anh ấy rất ghét tôi yên lặng nhìn mình, thế nên liền nói: -La Tiểu Mạt, ánh mắt khi em yên lặng nhìn anh tràn đầy sự nhớ nhung, anh không thích đâu!

Tôi cúi đầu, vừa luyện chữ vừa nói: -Từ trước đến giờ em đâu có để ý đến việc anh có thích hay không?

Thế là Kì Ngôn thường tức giận, bỏ lại nghiên mực rồi đi một mạch ra ngoài vườn, hí hoáy sửa chữa cái xe đạp của mình. Kể từ sau khi tôi ép Kì Ngôn phải “bỏ cờ bạc”, anh ấy chuyển sang thích tìm hiểu về xe đạp. Kì Ngôn thường xuyên dắt xe đạp về nhà trong tình trạng quần áo lấm lem bùn đất. Nhưng cũng có lúc Kì Ngôn đứng dựa lưng vào tường, khuôn mặt trầm ngâm. Đứng từ trong phòng khách cũng có thể nhìn thấy chiếc áo sơ mi trắng phau và mái móc sạch sẽ, mềm mại của anh.

Tôi cũng đã từng nghĩ, liệu chàng trai cùng tôi lớn lên này sẽ ở chung với tôi được bao lâu? Còn Kì Nặc trong trái tim tôi, hiện giờ anh ấy đang làm gì nhỉ? Tôi sợ sẽ gặp lại anh ấy lần nữa, tôi cũng sợ mình sẽ hỏi vì sao anh nỡ rời bỏ tôi? Tôi rất sợ cái đáp án mà anh sẽ đưa ra!

Một đứa trẻ 12 tuổi, không có đủ dũng khi để chịu đựng, cũng không có cả quyết tâm để đi tìm cái đáp án ấy.

Hạ Đóa Tuyết…tôi biết rõ giấu diếm cô ấy chuyện này không phải là điều nên làm, thế nhưng tôi lại không biết phải mở miệng ra sao. Tôi đã từng ngăn không cho cô ấy đến nhà tìm tôi, tôi sợ sẽ bị lộ bí mật. Tôi muốn để thêm một thời gian nữa, đợi đến khi tâm trạng của tôi ổn định lại, tôi sẽ nói cho cô ấy biết mọi chuyện.
 
6.

Tôi nói rồi, tất cả những điều này đều thay đổi và nằm ngoài dự kiến của tôi.

Ngày hôm đó, chúng tôi đến sân đua xe cổ vũ cho Triển Khải Dương, anh ấy tham gia vào hoạt động của đội đua xe.

Sân đua xe nằm ở khu vực ngoại ô khá hoang vu. Mười mấy cậu học sinh nam điều khiển xe đạp đi qua đi lại ở khu vực có dốc dựng đứng.

Mái tóc xù của Triển Khải Dương trông rất bắt mắt. Khải Dương nói: -Cám ơn hai người đẹp đã đến cổ vũ cho tôi! Tôi cảm động đến phát khóc đây này!

-Lặc Kì Nặc…- Hạ Đóa Tuyết lấy tay chỉ ra xa, miệng reo lên. Tiếng reo của cô ấy khiến cho chúng tôi dừng cuộc nói chuyện lại, mắt hướng theo phía ngón tay của Đóa Tuyết.

Kì Ngôn đang đi về hướng chúng tôi dưới sự dẫn dắt của đội trưởng đội đua xe. Đội trưởng nói: -Đây là một người bạn tôi mới quen vài ngày trước, đua xe cũng không tồi. Hôm nay cậu ấy cũng tham gia thi đấu với chúng ta!

Triển Khải Dương lẩm bẩm: -Có nhầm không đấy?

Kì Ngôn nhoẻn miệng cười, vui vẻ chào Hạ Đóa Tuyết: -Người đẹp, chúng ta lại gặp nhau rồi!

Đội trưởng đội đua xe chỉ tay vào Hạ Đóa Tuyết và hỏi: -Sao cậu lại quen với con gái ông trùm xã hội đen thế hả?

Triển Khải Dương lập tức cướp lời: -Là tôi quen đấy! Chỉ có điều đây là lần đầu tiên cô ấy đến đây!

-Hạ Đóa Tuyết là con gái của ông trùm xã hội đen ư? Đây có phải là đang quay phim không hả?-Kì Ngôn lẩm bẩm.

Chúng tôi liền quay sang lườm anh ấy một cái. Bác Hạ là ông trùm xã hội đen ở Cảnh An này, điều này ai ai cũng biết!

Mặc dù ngay cả tôi cũng phải giật mình kinh ngạc khi nghe thấy điều này lần đầu tiên.

Tôi đã từng gặp bác Hạ một lần. Cách ăn vận của bác Hạ nhìn là biết bác là người có tiền. Trong nhà Hạ Đóa Tuyết trồng rất nhiều cây tùng, nuôi rất nhiều chó sói, con nào con ấy trông cực kì dữ tợn. Từ đó có thể thấy, hệ thống bảo an của nhà họ Hạ là vô cùng hoàn chỉnh.

Lần đầu tiên tôi đến nhà họ Hạ là hai năm về trước. Lúc ấy chúng tôi mới quen biết chưa được bao lâu, Hạ Đóa Tuyết liền dẫn tôi bỏ nhà ra đi, cuối cùng lại khăn gói về nhà cô ấy ở. Lúc ấy bác Hạ đang đánh mạt chược. Nghe thấy tin này, bác liền cho giải tán đám bạn đánh bài của mình, sai người làm đồ ăn ngon chiêu đãi tôi. Bác nói, một đứa dám làm bạn với con gái bác, dám nghe lời con gái bác bỏ nhà ra đi quả là không tồi! Tôi cố sức nhét đầy cơm vào miệng. Ai bảo là tôi không sợ nào? Chỉ nhìn thấy đám người mặt mày hung tợn đứng ở trước cửa nhà cô ấy thôi cũng khiến cho chân tôi mềm nhũn ra rồi. Thế nhưng, khi đám người hung dữ này ngoan ngoãn cúi chào “Chào tiểu thư”, chân tôi như cứng đơ lại, liệu họ có phải là cáo đội lốt hổ không nhỉ?

Lúc ăn cơm, bác Hạ liên tục gắp thức ăn cho tôi, mang cô ca cho Hạ Đóa Tuyết uống, lại còn cho đá vào cốc
cho cô ấy nữa chứ. Lúc ấy tôi đã nghĩ, ông trùm xã hội đen chẳng qua cũng chỉ là một người cha bình thường mà thôi!

Không ai dám chọc giận Hạ Đóa Tuyết. Mặc dù cô ấy xinh đẹp như một bông hoa đang hé nở nhưng chẳng có anh chàng nào dám đến tán tỉnh hay theo đuổi cô ấy cả.

Chỉ có Kì Ngôn, cái tên điếc không sợ súng này là ngoại lệ, lại còn suốt ngày bắn tín hiệu ngầm cho Hạ Đóa Tuyết nữa chứ, cứ tưởng mình là thần Cupiter chắc? Sau này gây họa lớn thì mới biết thân!

Kì Ngôn nhìn tôi, lại quay sang nhìn Hạ Đóa Tuyết, rồi ánh mắt dừng lại ở trên người Triển Khải Dương. Cuối cùng, Kì Ngôn hạ giọng nói: -Thôi đừng nhiều lời nữa, vào sân đi! Chúng ta sẽ phân định thắng thua trên đường đua!

Kì Ngôn sử dụng chiếc xe đua của đội trưởng. Nhìn quang cảnh trường đua khiến cho tôi sợ phát khiếp. Ngoài khi chơi cờ bạc ra, tôi chưa bao giờ nhìn thấy vẻ mặt nghiêm túc như thế này của Kì Ngôn. Dường như khuôn mặt ấy còn đang ánh lên sự hào hứng. Những đoạn đường đua dốc đứng như vậy, dốc tới mức có cảm giác ngã ngay xuống được. Nghe nói người chiến thắng trong cuộc đua này sẽ đại diện cho toàn đội tham gia vào một cuộc thi đấu nhỏ.

Hạ Đóa Tuyết đứng bên cạnh tôi, miệng hò reo liên tục, cứ như thể muốn hò reo cho những đám cây khô bên cạnh sống lại hết ấy.

-Xin cậu đấy, đại tiểu thư! Hãy yên lặng chút đi!

-Chẳng nhẽ cậu không cảm thấy Kì Nặc vừa đẹp trai vừa rắn rỏi sao?

Tôi nhìn Kì Ngôn. Anh ấy và Kì Nặc cùng có khuôn mặt tuấn tú. Một chàng trai sắp 13 tuổi, cao 1.7m, làn da hơi nâu, miệng luôn nở nụ cười…nói không đẹp trai đến mê người e là chẳng có ai tin.

Cuộc thi đã kết thúc, Kì Ngôn về đầu tiên. Triển Khải Dương bất mãn ngồi bệt xuống dưới nền đất, tu nước ừng ực. Tôi ngồi trên ghế, Khải Dương dựa người vào chân tôi. Kì Ngôn ngồi xuống đối diện tôi, bên cạnh Hạ Đóa Tuyết.

Tôi quay sang nói với Triển Khải Dương: -Tư thế này của cậu giống hệt như con cún con tôi nuôi ở nhà, lần nào nó cũng nằm bò lên chân tôi, đáng yêu chết đi được!

Triển Khải Dương hậm hực nói: -Sao lại để cho cậu ta về đầu cơ chứ? Đúng là sai lầm!

Tôi cầm lon nước ngọt lên, định mở mà không sao mở được, cuối cùng đành bỏ cuộc. Kì Ngôn đến gần, cầm lon nước ngọt lên, mở ra rồi đưa lại cho tôi.

-Tay cậu không mở được mà cũng không biết mở miệng nói với người khác một tiếng!

Triển Khải Dương và Hạ Đóa Tuyết lúc này mới nhớ ra chuyện tay tôi bị tàn phế.Thực ra cũng khó mà trách họ được. Sau khi tôi lấy lại được nụ cười, tôi vẫn luôn muốn thử làm mọi việc bằng tay trái. Mục đích tôi rèn luyện tay trái của mình là để bọn họ quên đi cái tay tàn phế của tôi. Tôi không muốn khiến cho họ càng thêm đau lòng.

Đôi mắt Hạ Đóa Tuyết như bị phủ một lớp sương mù, khẽ cất tiếng hỏi tôi: - Tiểu Mạt, cậu có đau không?

Tôi lắc đầu: -Không! Có đau thì đã đau hết từ lâu rồi!

Đề tài này quá buồn, vì thế nhân lúc đưa giấy ăn cho Triển Khải Dương lau mặt, tôi liền chuyển chủ đề.

-Mỗi lần tôi đến An Ỷ Cư đều không nhìn thấy cậu với cả anh trai cậu đâu. Hai người đang bận cái gì vậy?- tôi hỏi Triển Khải Dương.

-Anh ấy á, không chịu chăm chỉ luyện chữ, cả ngày đi đánh bóng rổ, lại còn suốt ngày giáo huấn tôi thế này thế nọ, thật là lắm chuyện!

Trong khi tôi và Triển Khải Dương nói chuyện, Kì Ngôn chỉ im lặng không nói gì. Hình như anh ấy đang rất mệt. Uống hết lon nước ngọt còn lấy tay bóp cái lon dẹp lép.

Triển Khải Dương nói: -Không ngờ học sinh thiên tài của trường cũng biết đua xe giỏi thế!

Kì Ngôn nhìn về phía mặt trời đang lặn và ném cái lon dẹt ra rõ xa rồi nói: -Khi có anh ta ở bên cạnh, cậu sẽ cảm thấy anh ta phiền phức. Khi anh ta không có ở bên cậu nữa, cậu lại thấy nhớ cái phiền phức ấy!

Hạ Đóa Tuyết và Triển Khải Dương ngây người không hiểu nổi ý nghĩa câu nói này của Kì Ngôn. Nhưng tôi thi hiểu, tôi biết anh ấy đang nói đến Kì Nặc.

Kì Ngôn cũng giống như tôi, thường xuyên nghĩ đến Kì Nặc, nghĩ đến những ngày tháng vui vẻ ở huyện Thụ Thủy.

Chúng tôi giống nhau….đều rất nhớ anh ấy!

Lúc về nhà, chúng tôi ngồi xe buýt tuyến 77. Kì Ngôn lấy ra một cái xúc xắc, lắc lắc trong tay rồi hỏi: -Chọn to hay nhỏ?

-To!- tôi gỏn lọn đáp.

Sau khi mở tay ra, kết quả đúng là to. Tôi cười đắc chí.

Đột nhiên, Kì Ngôn hỏi tôi: -Vậy còn chúng ta thì sao?

Giọng nói của anh rất khẽ, tôi thực sự cảm thấy khó mà thích ứng được với biểu cảm bi thương này ở Kì Ngôn. Tôi cảm thẩy rất mơ hồ trước vấn đề mà Kì Ngôn vừa hỏi, chúng tôi nghĩa là sao nhỉ?

Thế nên tôi đành hỏi lại: -Anh nói gì cơ?

Kì Ngôn ngập ngừng nói: -Anh hỏi là hiện giờ em đã có thể phân biệt được anh và Kì Nặc chưa? Cho dù là vào giữa đêm tối?

Tôi nghĩ một hồi lâu rồi gật đầu: -Có lẽ là được!

Lúc xuống xe, Kì Ngôn liền đưa tay ra đỡ tôi và nói: -La Tiểu Mạt, trong thời gian chân anh bị thương, ngày nào em cũng đỡ anh xuống cầu thang. Sau này, mỗi khi xuống cầu thang, anh đều nhớ đến em!

Không khí buổi tối thật ngột ngạt. Tôi thò tay ra khỏi ông tay áo và đút vào trong túi rồi nói: -Cũng giống như mỗi lần nói chuyện, em lại nhớ đến con rắn màu xanh đã cắn anh!

Đó là lần đầu tiên tôi nhận nhầm Kì Ngôn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, sự nhầm lẫn định mệnh ấy lại khiến cho tôi có được một cái kết luận cuối cùng, không bao giờ có thể thay đổi được.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top