Lợi ích của trái bơ
Người Guatemala cho rằng, một trái bơ với bốn-năm cái bánh bột bắp và một tách cà phê là đủ cho một bữa ăn tốt. Bơ không chỉ là trái cây, mà còn là một loại lương thực.
Ngoài trái bơ chín được dùng làm thực phẩm và làm thuốc, các bộ phận khác của cây bơ như lá, vỏ cây, vỏ trái, dầu trích từ hạt, cũng được dùng làm thuốc. Trong 100g phần ăn được của trái bơ có chứa:
- Nước 60g, protid 2,08g, lipid 20,1g, glucid 7,4g.
- Các chất khoáng: Ca 12mg, P 26mg, Fe 0,6mg, K 1,2mg. Ngoài ra còn có magne, mangan, kẽm, đồng, natri và thêm lượng nhỏ selen.
- Các vitamin: vitamin A 0,205mg, vitamin B1 (thiamin) 0,05mg, vitamin C 19-20mg, vitamin E 4,16mg.
- Các amino acid có trong trái bơ là cystin, trytophan. Ngoài ra còn có nhiều chất kháng sinh, acid folic, acid oleic, acid pantothenic (vitamin B5).
Trong trái bơ còn các chất dinh dưỡng thực vật có ích khác như glutathione, beta-sitosterol, lutein.
Chính vì lẽ đó, bơ được xem là một trong rất ít loại trái cây không có cholesterol xấu, lại có chất béo không bão hòa đơn (acid oleic, giúp làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu). Đặc biệt, trái bơ rất tốt đối với người béo phì và những người ăn kiêng.
Những người mới ốm dậy, phụ nữ có thai không được khỏe, người làm việc quá sức, trạng thái thần kinh dễ kích thích, đau dạ dày - ruột, gan - mật, thừa acid niệu, có thể dùng trái bơ chín mềm để ăn hoặc chế biến thành những món khác nhau như: trộn với nước chanh, cho thêm đường hoặc sữa vào đánh đều hoặc xay thành kem để ăn. Một ngày có thể dùng một-hai trái (400-800g). Trái bơ chứa rất nhiều chất beta - sitosterol, có tác dụng làm giảm hàm lượng lipoprotein và triglycerid (thành phần chất béo gây hại cho tim và sức khỏe), giúp phòng tránh các nguy cơ tai biến mạch máu não hoặc các bệnh liên quan đến tim mạch. Chất xơ từ trái bơ rất có ích cho người bị đái tháo đường type II, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, táo bón… Các chất khoáng trong bơ cũng giúp xương chắc khỏe, điều hòa áp lực máu và nhịp tim, hạn chế chứng đau nửa đầu, làm cân bằng hệ thần kinh và có tính chất kích thích tình dục (aphrodisiac properties). Ngoài ra, bơ còn có tác dụng chống tăng độ acid của nước tiểu. Bơ cũng là nguồn folate rất quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở.
Trẻ nhỏ ở tuổi ăn dặm (từ sáu tháng trở lên) có thể dùng thịt trái bơ tán nhuyễn theo cách sau: chọn một trái bơ chín mềm, rửa sạch. Cắt khoanh và dùng muỗng nạo tán nhuyễn thịt bơ. Có thể dùng trực tiếp cho bé, hoặc pha loãng với chút sữa, hoặc trộn chung với các loại trái cây nghiền khác như chuối, táo tây… Trái bơ rất có lợi cho sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì trong bơ có chứa một hàm lượng protein gần tương đương với sữa bò. Ngoài ra, hàm lượng vitamin A, E, C khá cao, rất tốt cho sự tăng trưởng của trẻ.
Trái bơ cũng giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng ngăn ngừa hình thành các gốc tự do dẫn đến một số bệnh như ung thư, đục thủy tinh thể, lão hóa da…, có tác dụng giúp làn da săn chắc. Ngoài ra, bơ còn có hàm lượng muối thấp, chất xơ cao, có hàm lượng lutein cao, có chất carotenoid tự nhiên, được sử dụng vào việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe, vì loại trái cây này giúp mắt sáng và cho một làn da đẹp.
Đặc biệt, tinh dầu chiết xuất từ trái bơ có nhiều giá trị trong việc tái tạo và giữ ẩm làn da. Dầu bơ có tác dụng bảo vệ làn da không bị khô và tăng khả năng đàn hồi của da. Chất dầu trong trái bơ được coi là có ích cho việc chữa trị bệnh vẩy nến và chứng khô da. Thịt trái bơ có tác dụng làm mát, dịu da, làm lành các vết thương mưng mủ và bôi lên da đầu để kích thích mọc tóc.
Người ta còn sử dụng lá và vỏ của cành non cây bơ để trị tiêu chảy, kiết lỵ, trừ ngộ độc do ăn uống, làm giảm ho, giảm acid niệu. Liều dùng 20-40g lá hoặc vỏ thân/ngày. Sắc với 750ml nước còn 500ml, chia ba lần uống trước bữa ăn. Tuy nhiên, cần thận trọng, vì những loại này có tác dụng kích thích kinh nguyệt và có thể gây sẩy thai. Vỏ trái bơ cũng được dùng để tẩy giun sán.
Theo PNO.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: