Lo nhưng không bất ngờ

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Theo dư luận học sinh lớp 12 và giáo viên đang dạy các em, việc hai môn địa lý, lịch sử có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp năm nay là một tin gây lo lắng nhưng không thật sự bất ngờ.

ImageView.aspx


Học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Ảnh: Phạm Yên

Nỗi lo thành hiện thực

Tin tức về các môn thi tốt nghiệp được lan truyền với tốc độ mạnh mẽ trong cộng đồng mạng từ chiều 25-3 nhưng mãi tới đầu giờ sáng hôm qua, 26-3, em Phạm Thị Thiết (lớp 12A1, trường THPT Quỳnh Lưu I, Nghệ An) mới được một bạn học cùng lớp nói cho biết. Cảm giác ban đầu của em là sốc.

“Không riêng gì em, nhiều bạn cũng choáng. Lớp em có 44 học sinh thì chỉ hai bạn thi khối D, số còn lại đều thi khối A. Đã vậy, phần lớn những bạn thi khối A đồng thời thi cả khối B, trong đó có em.

Vì thế mà chúng em cầu mong những môn thi tốt nghiệp ngoài các môn toán, văn, ngoại ngữ (những môn chắc chắn phải thi) là các môn lý, hóa, sinh. Cùng lắm thì thay vào một trong ba môn đó là địa hoặc sử.

Ai dè điều tệ hại nhất đã đến, đó là có cả sử lẫn địa. Điều này đồng nghĩa với việc bọn em phải ôn tập cả 8 môn cho hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ”, Thiết giải thích.

Nỗi lo này nhận được sự đồng cảm của chính giáo viên dạy các em. Một giáo viên đang dạy lớp 12 trường THPT Quỳnh Lưu I buồn bã: “Khối 12 trường tôi năm nay có khoảng 650 học sinh và hầu hết các em đều dự định thi đại học khối A và B, một số ít dự định thi khối D. Số dự định thi khối C cực kỳ ít. Vừa rồi nhà trường tổ chức thi thử đại học thì chỉ có 12 em thi thử khối C”.

Tình trạng học sinh không thích thi khối C không chỉ là câu chuyện của riêng trường THPT Quỳnh Lưu I. Thậm chí, trường càng có tiếng (trừ các trường chuyên), tỉ lệ học sinh dự kiến thi ĐH khối C càng thấp.

Thầy Đỗ Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, năm nay trường này có hơn 800 học sinh lớp 12 nhưng số học sinh muốn thi khối C chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại Sóc Trăng, thầy Nguyễn Minh Nghiệp, giáo viên môn lịch sử trường THPT Lê Lợi (TP Sóc Trăng) cho biết: “Vừa có lịch sử vừa có địa lý là rất nặng với học sinh, vì đây là những môn học thuộc lòng”. Trần Thị Trúc Ny, học sinh lớp 12C1, cho biết: “Học sinh đều lo lắng, nhất là những bạn chọn học khối A, B”.

Còn ở trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (TP Sóc Trăng), thầy Liên Quốc Mỹ, giáo viên toán nói: “Sáng 26-3, vào trường thấy học sinh xôn xao. Riêng lớp tôi dạy (chuyên toán) học sinh than quá trời vì phải thi những môn không phải sở trường. Đa số học sinh ở trường này học chuyên khoa học tự nhiên, chọn thi vào đại học khối A và B, vì thế hai môn lịch sử và địa lý trở thành nỗi lo lớn”.

Tại TP Cần Thơ, trường THPT Châu Văn Liêm, nhiều năm liền có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, thông tin thi cả lịch sử và địa lý cũng khiến học sinh xôn xao.

Không bất ngờ

Dù cả địa và sử có trong danh sách những môn thi tốt nghiệp là điều đại đa số học sinh không mong muốn nhưng lại là một tình huống không nằm ngoài sự phán đoán của các em cũng như của các giáo viên đang dạy lớp 12.

Cô giáo Phạm Hà Thanh, chủ nhiệm lớp 12A14 trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông (Hà Nội) phân tích: “Tuy Bộ GD&ĐT quy định trong sáu môn thi tốt nghiệp THPT có ba môn cố định là toán, văn, ngoại ngữ nhưng dư luận học sinh và giáo viên đều ngầm hiểu môn lịch sử cũng sẽ là môn cố định. Từ rất nhiều năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có môn lịch sử (trừ năm ngoái).

Một số học sinh chỉ hơi bất ngờ một chút vì năm nay có cả sử và địa. Nhưng điều này không có nghĩa là bất thường vì từng có những năm hóa và lý (đều là hai môn của khối A) đều cùng được thi”.

Một học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) kể: “Cô giáo dạy địa của chúng em rất tỉnh táo. Ngay từ đầu năm học cô bảo rằng không được chủ quan bởi rất nhiều năm trước thi môn nào năm sau vẫn thi môn đó. Sau mỗi bài học cô đều nhấn trọng tâm trọng điểm. Nhờ thế giờ đây chúng em ôn tập đỡ căng”.

Giáo viên: Sử, địa không đáng lo!

Theo nhiều giáo viên chủ nhiệm khối 12 thì việc hai môn sử, địa có trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm nay chỉ không có lợi cho học sinh có mục tiêu thi đại học các khối A, B.

Với những học sinh năng lực học tập hạn chế và chỉ có mục tiêu thi đỗ tốt nghiệp thì sử, địa là những môn giúp các em dễ có điểm trung bình hơn những môn tự nhiên khi mà thời gian ôn tập chỉ còn hai tháng nữa.

Thầy Phạm Văn Hoa, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (Hà Nội) nhận xét: “Những môn tự nhiên đòi hỏi sự tích luỹ kiến thức một cách hệ thống, học sinh phải có kiến thức bài trước rồi mới tư duy được bài sau. Những em nào bị hổng kiến thức các lớp dưới rồi thì phải rất nỗ lực trong hai tháng còn lại để có thể đỗ được tốt nghiệp.

Với các môn xã hội, nếu bây giờ các em bắt đầu tu tỉnh để chăm chỉ học tập thì vẫn kịp. Vả lại, môn sử là môn rất được giáo viên chú ý bởi xác suất được dùng để thi tốt nghiệp của môn này rất cao. Do đó ngay từ đầu năm học các giáo viên sử đều chủ động lên kế hoạch ôn tập kỹ càng cho học sinh”.

Còn thầy Đỗ Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đồng thời cũng là một giáo viên dạy địa lý giỏi có tiếng của Hà Nội khẳng định, chỉ cần 8 buổi ôn tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên có phương pháp đúng đắn thì một học sinh có học lực trung bình khá và chăm chỉ có thể đạt điểm 7 – 8 môn địa lý.

Tuy nhiên, theo thầy Tiến thì đề thi cũng là một yếu tố quan trọng giúp học sinh có được kết quả tốt hay không.

“Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái Hà Nội chỉ có trên 50% học sinh được điểm trên trung bình môn địa lý. Tôi cho rằng vấn đề không phải do học sinh học quá kém mà do chất lượng của đề thi. Tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ rút kinh nghiệm cho việc ra đề năm nay. Người ra đề thi phải là người hiểu chương trình và trực tiếp giảng dạy phổ thông”.

Theo TPO.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top