LIEV TOLSTOI với TIỂU THUYẾT “CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH”
Nguyễn Thúy Loan
Liev Tolstoi (1828 – 1910) là một trong những đại biểu lớn nhất và xuất sắc nhất của văn học Nga và thế giới. Gần 60 năm hoạt động nghệ thuật không mệt mỏi, ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ và quí báu, đáng chú ý nhất là bộ ba tiểu thuyết lớn: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina vàPhục sinh. Trong ba bộ tiểu thuyết này, Liev Tolstoi đã có sự kế thừa sáng tạo các nhà văn lớp trước đặc biệt là Puskin với hình mẫu nhân vật “con người thừa”. Nhưng nhân vật “con người thừa” của Tolstoi rất sinh động và đa dạng, nó mang dáng dấp rất riêng của nhà văn. Đây là sự kế thừa một cách tài tình và sáng tạo của Tolstoi. Ông lại tiếp tục xây dựng nhân vật để tiếp bước cuộc hành trình lịch sử của nhân vật “con người thừa” mà Puskin đã khời đầu thành công. Và Liev Tolstoi đã đưa nhân vật của mình đến điểm thắng lợi của chặng đường lịch sử thứ nhất – cách mạng Tháng Chạp.
TIỂU THUYẾT “CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH”
Tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình được L.Toltoi viết từ năm 1863 – 1869. Cuốn tiểu thuyết đã làm tên tuổi của L.Toltoi rạng rỡ khắp nước Nga và thế giới. Mọi người gọi ông là “con sư tử của văn học Nga”. Cuốn tiểu thuyết là một bức tranh hiện thực vẽ tả nhiều mặt cuộc sống của nước Nga những năm đầu thế kỉ XIX, đặc biệt là sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cuộc chiến năm 1812. Tác phẩm còn là một cuốn sử thi biên niên ghi lại cuộc đời của nhiều người quí tộc tiến bộ, buổi thiếu thời của một số người Tháng Chạp tương lai, và ghi lại sự phát sinh và phát triển tư tưởng cách mạng của họ do phong trào yêu nước năm 1812 thúc đẩy.
L.Toltoi đặc biệt chú ý miêu tả lớp thanh niên quí tộc, những người ưu tú của thời đại trên đường đi tìm chân lí cuộc sống. Hai nhân vật chính trong tác phẩm là Pier và Andrey. Cả hai người đều có nhiều điểm chung. Họ điều khinh ghét xã hội thượng lưu, bất bình với thực tại xấu xa ở chung quanh. Họ cũng không bằng lòng với bản thân mà luôn luôn băn khoăn đi tìm lẽ sống chân chính, đi tìm sứ mạng thật sự của con người. Trong con người họ luôn diễn ra sự đấu tranh giằng co quyết liệt giữa hệ tư tưởng quí tộc và lí tưởng tiên tiến của thời đại. Họ chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của nhiều nhà khai sáng Pháp. Nhưng họ chỉ thật sự hiểu được chân lí của cuộc sống khi tiếp xúc với nhân dân. Họ ngày càng nhận thức được vai trò của những con người bình thường, những người lính, những người nông dân Nga.
Bá tước trẻ Pier Bezukhov đi du học ở nước ngoài về. Anh là người nhạy cảm chân thực. Anh ôm ấp lí tưởng về bình đẳng, tự do xã hội. Cuộc đời anh trãi qua nhiều việc như chia gia tài, cưới Elen và sau một thời gian tiếp xúc với gia đình Kuraghin, “một nòi giống đê tiện và vô lương tâm” đi đến đâu là “gieo rắc trụy lạc và độc ác” đến đó. Sau khi kết thúc cuộc đấu súng với Đôlôkhôp, Pier nhận ra rằng đó là một hành động “thật ngu xuẩn…ngu xuẩn”. Trải qua những sự việc trên, Pier đã thấy được bản chất đê tiện và hèn hạ của bọn quí tộc và anh kiên quyết thoát khỏi cuộc hôn nhân giả dối với Elen. Đây cũng là quyết định đoạn tuyệt với cái xã hội quí tộc đồi trụy, ích kỉ và giả dối.
Pier luôn băn khoăn đi tìm lẽ sống chân chính. Lúc đầu anh còn xa rời nhân dân, mặc dù anh có lo cải thiện đời sống cho họ nhưng việc đó còn hời hợt. Anh chưa hiểu hết nỗi khổ cực của nhân dân. Anh cũng từng đắm mình vào hội Tam điểm vì tưởng đó là nơi truyền bá lí tưởng của mình. Nhưng anh cũng đã nhận thấy được bản chất của bọn khoác áo tôn giáo để che đậy những mánh khóe tầm thường. Và anh quyết tâm đoạn tuyệt với hội Tam điểm. Anh lại rơi vào những suy tưởng nặng nề và chán chường.
Cuộc chiến tranh ái quốc năm 1812 đã thức tỉnh Pier và hé mở lẽ sống chân chính mà anh luôn băn khoăn đi tìm. Anh đã tận mắt thấy được tinh thần chiến đấu anh dũng và gan dạ của người lính Nga ở Bôrôdinô. Anh đã phát hiện ra vẻ đẹp của nhân dân trong cuộc chiến. Anh khâm phục họ, những con người bình thường mà trước đây anh từng rời xa. Anh ao ước được đem hết sức mình xâm nhập vào đời sống của họ và anh muốn thấm nhuần những cái gì đã làm cho họ trở thành những con người như thế. Anh đã từng lầm tưởng Napoleon là vĩ nhân. Nhưng trong cuộc chiến này anh đã hiểu ra mọi chuyện. Anh đã hiểu được cách mạng và thậm chí “vươn cao hơn cách mạng”. Anh đã gan dạ dắt dao đi giết Napoleon. Những ngày bị giam, tiếp xúc với Platon Carataev anh đã thấy được hạnh phúc không ở trong những suy tưởng mông lung xa thực tế mà ở ngay trong sự thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng hằng ngày, trong việc tự do lựa chọn công việc. Thực tiễn năm 1812 đã giúp anh thay đổi cách sống. Anh không còn những tư tưởng tiêu cực, suy nghĩ miên man về một đấng thượng đế có mặt ở khắp nơi giống như Carataev mà anh cảm thấy yêu mến đất nước của những người dân bình thường. Nơi nào Vinlacxki (một trong những người cầm đầu hội Tam điểm) chỉ thấy có sự chết lặng thì Pier lại thấy có một sinh lực phi thường, cái sinh lực đã được duy trì trên mảnh đất đầy tuyết phủ. Khi gặp lại Natasa, anh nói sẵn sàng sống lại cuộc sống đã qua trong những ngày kháng chiến. Anh yêu cuộc sống đó và cảm thấy còn sống là còn hạnh phúc. Cuộc tình muộn màng của anh và Natasa cũng là một tất yếu trong cuộc đổi đời của anh.
Pier tiếp tục tìm tòi con đường chống sự áp bức của Nga hoàng sau khi cuộc chiến năm 1812 kết thúc. Năm 1820 anh là thành viên của hội kín. Qua lời của Nicolai nói với anh “nếu anh chống lại Nga hoàng thì tôi là người đầu tiên giết anh”, ta có thể đoán ra rằng Pier đang chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa. Và ngày 14 Tháng Chạp năm 1825 điễn ra cuộc khởi nghĩa lật đổ Alexandre I tại Peterburg chắc chắn có anh tham gia. Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã thất bại vì chưa được sự ủng hộ của nhân dân nhưng Pier đã hoàn toàn thoát khỏi “con người thừa”, anh đã với tới tầm cao của những của người Tháng Chạp.
Andrey Bonconski già dặn hơn Pier. Andrey đã sớm nhận thấy bản chất xấu xa của xã hội thượng lưu. Chàng tâm sự với Pier “những phòng khách, những chuyện kháo vặt, những buổi khiêu vũ, thói hư vinh, cuộc sống rỗng tuếch, đó là cái vòng lẩn quẩn mà tôi không tài nào thoát ra được”. Chàng cũng từng đặt nhiều hi vọng vào việc cải tạo pháp quyền, sùng bái Napoleon. Và khi lao vào cuộc chiến không mục đích ở chiến trường Au-xtec-lit nước Áo thì giấc mộng Tu-lông của chàng tan vỡ vì chàng nhận thấy rằng Napoleon chỉ là một tên tàn bạo, đê hèn và “nhỏ bé”.
Việc gặp lại Pier và Natasa đã giúp Andrey thức tỉnh tình yêu cuộc sống sau một thời gian khủng hoảng tinh thần bởi cái chết của vợ và sự tan vỡ của “giấc mộng Tu-lông”. Lòng chàng như cây sồi cằn cỗi đã đâm chồi nảy lộc, dù hơi muộn.
Andrey là một con người đầy mâu thuẫn. Đó là sự giằng xé giữa hệ tư tưởng quí tộc hẹp hòi ích kỉ và những lí tưởng vị tha đối với nông nô. Cuộc chiến năm 1812 nổ ra đã giúp anh tìm được lẽ sống chân chính thật sự. Lí tưởng của anh bây giờ là xả thân vì tổ quốc, vì nhân dân Nga. Bất chấp mọi gian khổ hi sinh, Andrey chiến đấu dũng cảm và trở thành bạn của Kutuzov – vị tướng chỉ huy cuộc chiến đấu của nước Nga. Cũng như Kutuzov và mọi người lính Nga, Andrey luôn tin tưởng vào sự thắng lợi của quân Nga.
Trước lúc tử thương, Andrey sa vào tư tưởng thần bí, cải lương “hãy thương yêu đồng loại, thương yêu những kẻ thù của mình”. Nếu như đi theo tư tưởng đầy màu sắc tôn giáo và phản động này thì anh vẫn là “con người thừa”. Nhưng dựa vào lời của con trai anh và con đường mà Pier đã đi thì ta có thể thấy được anh sẽ đi theo con đường khác. Andrey sẽ vẫn đi tiếp con đường cách mạng. Với phẩm chất, tư cách địa vị của Andrey cho phép ta có thể suy đoán rằng: nếu anh không chết anh sẽ là người chiến thắng dũng cảm, được thăng chức tướng lãnh và dần dần sẽ thay thế Kutuzov, anh sẽ thực hiện được giấc mộng của mình và sẽ trở thành một chính khách nước Nga. Bạn anh, Pier vẫn tin rằng: Nếu Andrey còn sống, anh ấy sẽ đi đúng con đường danh dự – chiến đấu chống cường quyền, áp bức ở Nga.
Cuộc chiến năm 1812 đã giúp cho Andrey và Pier vươn lên thoát khỏi “con người thừa”, lấy lại niềm tin, xác định đúng đắn con đường mới của mình và tìm được lẽ sống chân chính trong đời sống nhân dân. Trước đó Grinhop có cố gắng vươn lên thoát khỏi sự sa đọa, cố gắng để bảo vệ tình yêu và có cảm tình với Pugatsov nhưng anh ta chưa xác định được rõ ràng con đường chân chính cách mạng, anh ta chưa thật sự hành động và chưa phải là người Tháng Chạp. Còn Andrey và Pier đã tiến xa hơn. Họ đã thực sự hành động và tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lòng dân tộc. Phải chăng chính Onegin và Grinhop đã trưởng thành về mặt tư tưởng và trở thành Andrey và Pier? Phải chăng đó là sự kế thừa rất tài tình và sáng tạo của L.Toltoi?
Tác phẩm vĩ đại này được cả thế giới đánh giá như một đỉnh cao hàng đầu chưa từng có lúc bấy giờ. Ảnh hưởng của nó tràn khắp thế giới văn học về tư tưởng, về nghệ thuật và về tư duy. Mặc dù trong tác phẩmTolstoi có bộc lộ những tư tưởng mâu thuẫn giữa bạo lực và tình thương, nhưng đó chỉ là phần nhỏ so với những đóng góp của ông.