Liêm sỉ
Liêm, sỉ là tính chất hay của loài người, vì người mà không liêm thì thấy cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất là những bậc đứng đầu cai quản việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà sẽ suy bại, nước phải nguy vong.
Nghĩ cho kỹ thì sỉ cần hơn liêm: người không liêm sẽ làm những việc bất nghĩa, nguyên do cũng vô sỉ mà ra.
Đức Khổng Tử nói: “ Hành kỷ hữu sỉ” nghĩa là giữ mình biết làm bậy là xấu hổ. Mạnh Tử nói: “ Nhân bất khả vô sỉ” nghĩa là người ta không thể không biết xấu hổ.
Than ôi! Thế mà nay nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ. Không kể người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế. Ôi ! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là người nói ngoa.
Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng , bách vẫn xanh, mưa gió tối tăm, gà trống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê, vẫn có người tỉnh.
Ông Nhan Chi Suy làm sách “ Gia huấn” có thuật câu chuyện. Một viên quan nói với ông: “ Tôi có đứa con 17 tuổi học đã thông. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Ti, tập gảy đàn tì bà, lớn lên theo hầu đám công khanh, thì thế nào cũng được sung sướng”. Nha Chi Suy nghe nói, nín lặng không trả lời. Sau trở về nhà, nói với con cháu rằng: “ Người này dạy con lạ thay. Như ta, nếu học cách ấy, dù được giàu sang đến đâu, ta cũng không mong các con như vậy”. Những kẻ mất hết liêm, sỉ, chỉ biết chăm chăm xu thời hay nịnh đời, xem câu chuyện này,nghĩ chẳng đáng thẹn lắm ư?
Nguồn : NXBVHTT.