• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lịch sử Vĩnh Long

Lê Thạch

New member
Xu
0
Long Hồ Dinh - một thời hoàng kim
Cây da cửa Hữu - di tích lưu dấu về một thời hoàng kim của Long Hồ Dinh xưa...
Trong lịch sử phát triển đầy biến động của vùng đất phương Nam, Vĩnh Long đã có một thời vang bóng. Gần 300 năm trước, Vĩnh Long đã đảm nhận vai trò lịch sử khi làm trung tâm cai quản và khai phá một vùng châu thổ Mê-kông rộng lớn. Đây là vùng đất được triều Nguyễn lập ra tiếp sau vùng đất phía Nam của phủ Gia Định vào năm Nhâm Tý 1732, với tên gọi Long Hồ Dinh, thuộc châu Định Viễn.
Buổi đầu, sở lỵ dinh Long Hồ đặt tại thôn An Bình Đông (Cái Bè). Sau mấy lần dời đổi, dinh Long Hồ an vị tại xứ Tầm Bào (Thị xã Vĩnh Long ngày nay). Đây được xem là vị trí có “hình thắng yếu địa”, vừa nằm giữa đồng bằng, vừa án ngữ các đường giao thông thủy - bộ quan trọng.
Thời ấy, Long Hồ Dinh cai quản cả một vùng đất đai rộng lớn. Những bước chân đi mở đất đã in dấu từ những cánh đồng nơi cò bay thẳng cánh đến những vạt rừng thâm u chạy dài từ Đông sang Tây, đến dải Thất Sơn kỳ bí trấn giữ miền biên viễn Tây Nam. Nếu tính theo các đơn vị hành chính hiệu hữu, thì đất Long Hồ Dinh xưa kia bao trùm cả ĐBSCL : từ Bến Tre, qua Trà Vinh, sang Sa Đéc, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau đến tận Hà Tiên (Kiên Giang).
Sự khai mở và phát triển của nền văn minh lúa nước thời ấy đã hội tụ nơi dinh Long Hồ đủ 3 yếu tố cho sự hưng thịnh, đó là thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đất Long Hồ được xem là nơi ẩn vị của rồng. Trịnh Hoài Đức đã mô tả đất địa linh này trong “Gia Định thành thông chí” rằng :
“Thế nước ôm quanh cồn nọ, dựa theo bến kia, chảy vào ngòi này, chia ra nhánh khác… Nhiều sông hội tụ cùng nhau… nước ngọt dầm thấm ruộng vườn, khi làm lúa thì bừa ruộng vãi giống, mà khi thâu hoạch thì bội đến phần trăm. Trong vườn thì có nhiều cau, trầu, dưa quả, mương ngòi thì đầy cả cá, lươn… Dân gian trước vườn sau ruộng, đều có sản nghiệp, làm ăn quanh năm quả là một nơi phú túc.”
Thời ấy, Long Hồ Dinh là trung tâm phát triển nên anh hùng hào kiệt bốn phương đã hội tụ về giữa đất chín rồng để hiệp sức gầy dựng nghiệp lớn. Nhiều vị có công lớn ở vùng đất này được nhân dân ca tụng là : Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công đầu mở mang bờ cõi Phương Nam, Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Cư Trinh... Vị có công lớn khai phá và phát triển vùng đất phương Nam nữa là Thống chế Thoại Ngọc Hầu với công trình lưu danh hậu thế “Kênh Vĩnh Tế”. Ông đã đốc thúc dân binh đào kinh dẫn nước ngọt ở cương thổ Tây Nam. Kênh Vĩnh Tế không chỉ là kế sách lâu bền cho an cư lạc nghiệp, mà còn là rào dậu hiểm địa trong việc phòng bị, trị an.
Miếu Tống Quốc Công xưa
Vị quan cai quản đầu tiên dinh Long Hồ là Quốc công Tống Phước Hiệp. Ông vừa là vị tướng cầm quân xông pha trận mạc, vừa hoạch định kế sách an dân và khuyến khích giao thương buôn bán. Xưa kia, trên phần đất cạnh dòng sông Long Hồ (đoạn từ Ủy ban Nhân dân Thị xã Vĩnh Long đến dốc cầu Thiềng Đức ngày nay) có thời là chợ Trường Xuân, dân họp chợ đông đúc, mua bán khá nhộn nhịp. Trải qua chặng đường một trăm năm, từ Long Hồ dinh (1732) đến Hoằng Trấn dinh, Vĩnh Trấn rồi đến trấn Vĩnh Thanh (1832), người dân vùng đất này đã cộng lực mưu sinh, chinh phục thiên nhiên, biến miền đất hoang vu, sình lầy, rừng rậm… thành nơi sản xuất lúa gạo và hoa trái dồi dào nhất nước. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức ghi đã ghi lại :
“Ruộng cày trâu ở Phiên An, Biên Hòa, một hộc lúa giống, thâu hoạch được 100 hộc. Duy ở trấn Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long sau này) toàn là ruộng bùn sâu, không dùng trâu cày được, phải đợi lúc Hạ - Thu giao, có nước mưa đầy dẫy, cắt cỏ lùng lác, cào cỏ đắp làm bờ, rồi chỏi đất cấy mạ lúa xuống. Ruộng đất mầu mỡ, nên một hộc lúa giống thâu hoạch được 300 hộc. Ở trấn Định Tường có ruộng ngập nước, công lợi cũng không bằng ruộng Vĩnh Thanh… ”
Năm Minh Mạng thứ mười ba (1832), triều đình nhà Nguyễn cho đổi các trấn thành tỉnh. Toàn bộ vùng đất phía Nam này được chia thành Nam Kỳ lục tỉnh. Vĩnh Thanh trấn được đổi tên thành tỉnh Vĩnh Long. Bước chân mở đất đi suốt 100 năm, kể từ khi dựng Dinh Long Hồ đến lập tỉnh Vĩnh Long, thì vùng đất này vẫn là trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội hưng thịnh bậc nhất của đất phương Nam. Bấy giờ, Vĩnh Long là tỉnh có nhiều đồn điền và dân sinh sống lập nghiệp nhiều nhất, chiếm 64% Nam Kỳ lục tỉnh. Không chỉ có vị thế quan trọng ở đất liền, vào năm 1840, đảo Côn Lôn còn thuộc quyền cai quản của Vĩnh Long. Lúc bấy giờ, triều đình cho mộ dân đưa thuyền ra hải đảo, chinh phục thiên nhiên, khai thác những sản vật quý hiếm và giữ gìn lãnh thổ của đất nước ở biển Đông.
Gần 300 năm trước, sau khi thành lập Dinh Long Hồ (năm 1732), có một khu chợ cũng đã hình thành ở vàm sông Long Hồ (thuộc khu vực Bến Đá, Phường 5, Thị xã Vĩnh Long ngày nay). Trên cơ sở sản xuất nông nghiệp phát triển, giao thương hàng hóa được mở mang, chợ Long Hồ đã có một thời thịnh vượng. Trịnh Hoài Đức đã mô tả trong sách “Gia Định thành thông chí” rằng : “Phố xá liền lạc, hàng hoá đủ cả trăm món, dài đến năm dặm, ghe thuyền đậu sát bến, các nơi đình quán, đàn ca náo nhiệt… ”. Theo "Đại Nam nhất thống chí" : “Vào giữa thế kỷ XIX, Vĩnh Long có 19 chợ, trong tổng số 93 chợ lớn nhỏ của Nam Kỳ lục tỉnh. Chợ lớn nhất của Vĩnh Long lúc bấy giờ là chợ Long Hồ”.
Công thần miếu tại Vĩnh Long
Từ đây, sản vật của đất phương Nam, nhất là lúa gạo và cây trái miệt vườn, vào thời cực thịnh đã được xuất ra ngoại quốc. Trong một biên bản hứa danh dự mà thương nhân người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn ký kết với thương nhân người Âu vào ngày 12.9.1874 có viết rằng : “Hai loại gạo ngon sẽ được bán cho thương nhân người Âu là gạo Gò Công hay gạo tròn và gạo Vĩnh Long hay gạo dài, đúng theo hạt gạo làm mẫu… ”.
Có thời, người dân xứ này còn gọi chợ Long Hồ là chợ “Vãng” vì kỵ húy vua Vĩnh Thụy (Bảo Đại). Sau khi thực dân Pháp chiếm thành Vĩnh Long, chợ Long Hồ dời qua Phường 1, Thị xã Vĩnh Long như ngày nay. Chợ Long Hồ xưa không còn, phần lớn đất đai, phố xá đã trôi xuống dòng Cổ Chiên do nước xói lở…
Đất Long Hồ Dinh xưa còn được mệnh danh là nơi đất học, đất có nhân tài. Tính từ khi có chế độ thi cử ở vùng đất phương Nam, duới triều Nguyễn, trong tổng số 260 người thi đỗ cử nhân, Vĩnh Long có đến 56 vị. Năm 1826, sau khi thi đỗ cử nhân, Phan Thanh Giản ra kinh đô Phú Xuân ứng thí và đỗ tiến sĩ. Ông là vị tiến sĩ đầu tiên của đất phương Nam.
Trong những năm tháng đất nước bị chìm đắm giữa đêm trường loạn lạc vì mưu đồ đen tối của người Tây Dương, Kinh lược đại thần Phan Thanh Giản, Đốc học Nguyễn Thông và các sĩ phu yêu nước đã thắp sáng lên vùng đất này một tinh thần hiếu học bất diệt. Năm 1866, Văn Thánh Miếu đã được dựng lên tại làng Long Hồ (nay thuộc Phường 4, Thị xã Vĩnh Long). Đây không chỉ là nơi thờ tự Đức Khổng Tử (ông tổ của đạo Nho), mà còn là điểm hội tụ của các bậc sĩ phu yêu nước, các vị nho sinh hiếu học. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của thời cuộc, với nhiều lần trùng tu, tôn tạo… Văn Thánh Miếu vẫn giữ được nét tôn nghiêm, tao nhã thuở ban sơ. Giữa hai hàng sao đứng thẳng hàng trầm mặc, bia đá trăm năm vẫn khắc sâu nét bút người xưa : “Sự cai trị thì chỉ thấy ở lúc bấy giờ, mà sự dạy dỗ thì lưu truyền đến muôn đời. Phải có sự dạy dỗ thì sự cai trị mới có chỗ thi thố được… ”. Văn Xương Các là nơi cất sách thánh hiền và thờ Văn Xương Đế quân (Vị tinh quân cai quản việc thi cử, học hành). Tầng dưới Văn Xương Các khi xưa là nơi thi nhân đàm đạo, nay là nơi thờ tự cụ Phan Thanh Giản, các vị tiền hiền đã có công vun đắp và làm rạng danh vùng đất học Vĩnh Long.
Cầu Lộ là một trong những cây cầu chính yếu dẫn vào trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Long. Xưa, cầu xây bằng gỗ, có tên gọi khá hay là cầu Lộc. Dốc cầu Lộc thuở Long Hồ Dinh không lượn cong như bây giờ. Nó là một đường thẳng, bắc ngang qua rạch Ngư Câu (Cái Cá), gần cây da cửa Hữu. Cây da cửa Hữu là di tích duy nhất còn lưu dấu trên đất thành Vĩnh Long xưa. Thời hoàng kim, Long Hồ Dinh không chỉ hưng thịnh về mặt kinh tế, vinh hiển về lĩnh vực văn hóa, mà còn vang danh với một hoàng thành rộng lớn, với một thành lũy hùng trấn đất phương Nam.
Cách nay gần 200 năm, vào ngày 22 tháng 2 năm Quý Dậu (1813), niên hiệu Gia Long thứ 12, trấn thủ Lưu Phước Tường chỉ huy xây dựng thành lũy và công thự tại lỵ sở Trấn Vĩnh Thanh, trên phần đất ấp Bình An và ấp Trường Xuân, thôn Long Hồ (nay là Phường 1, Thị xã Vĩnh Long). Thành Vĩnh Long xưa (tương tự như thành Mỹ Tho, Biên Hòa) đều xây dựng theo kiểu Vauban - kiểu kiến trúc thành lũy Tây Âu, thế kỷ XVII, XVIII. Thành Vĩnh Long xưa, xây lưng hướng Kiền (hướng Tây - Bắc), mặt nhìn về hướng Tốn (hướng Đông - Nam). Bốn mặt thành, chỗ giữa thủng vào, ngoài có khúc thành bao vòng cửa thành, cong ra như đầu ngọc khuê, bốn góc thành có sừng nhọn như hình kim qui. Trong thành, có 2 con đường dọc, 3 con đường ngang… Thành Vĩnh Long xưa có 4 cửa : Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Cửa Tả nhìn ra sông Long Hồ, cửa Hữu nhìn qua rạch Ngư Câu (nay là rạch Cái Cá), cửa Tiền mặt trước hào thành có đào đường cừ rộng và sâu (nay là rạch Cầu Lầu), cửa Hậu nhìn ra sông Cổ Chiên...
Thời ấy, khi xây thành Vĩnh Long, các cửa ngõ có quan lộ dẫn vào thành đều được thiết lập các điểm canh gác nghiêm mật. Phía Đông thành có cầu Lầu bắc ngang qua quan lộ chạy dọc theo sông Long Hồ. Cầu có vọng gác dựng lên ở giữa, bốn phía có lỗ châu mai, hai bên gác có cầu thang cho lính trèo lên canh phòng. Xưa kia, bên kia cầu Lầu có xóm Lò Rèn chuyên làm đồ binh khí cho quân lính đóng trong trường thành. Thành Vĩnh Long xưa giờ đã biến mất trên nền đô thị mới. Giữa phố xá ồn ào, chỉ duy nhất sót lại bóng dáng cây da cửa Hữu. Nó độc chiếm một không gian trầm lắng, vươn cành lá che mặt trời và bám rễ sâu vào thành cổ. Cây da cửa Hữu là di tích còn lưu dấu một thời hoàng kim của đất Long Hồ Dinh…
Những kỳ tích mà người Long Hồ Dinh đã thiết lập quả là vô giá. Nó đã hun đúc nên hào khí đất phương Nam, đã làm rạnh danh nòi giống rồng tiên. Nó sẽ âm vang suốt chiều dài lịch sử như bản trường ca mở đất. Nó là hành trang quý báu để các thế hệ người Vĩnh Long tự hào và vững tin bước tiếp những chặng đường mới.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top