Lich sử và xương máu

  • Thread starter Thread starter hayhay
  • Ngày gửi Ngày gửi

hayhay

New member
Xu
0
65175044-small_228640.JPG

Khu mộ cát ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình Ảnh: Hồng Dung


Sẽ có rất nhiều người bất giác rùng mình khi biết đến lịch sử ra đời của những ngôi mộ tập thể trên khắp cả nước. Đó là những mộ tập thể của hơn hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn con người nơi mà xương cốt họ quyện lẫn vào nhau. Cụm từ "mộ tập thể" nghe lạnh lùng quá. Tất cả người đã khuất đều không có tên. Biết nói gì hơn nhỉ? Chiến tranh không phải là cuộc sống, và các quy luật của cuộc sống không áp dụng cho chiến tranh được.

Nhưng với nhiều người, mỗi lần ghé viếng thăm lại thấy quý trọng cuộc sống hơn. Điều này khiến tôi và nhiều người may mắn còn sống, nếm trái ngọt hòa bình thêm thấm thía điều: chúng ta phải làm gì để sống xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của họ?

Khóc bên những ngôi mộ cát

Những ngày này ở Quảng Bình, hình như thời tiết dịu hơn hẳn. Những cồn cát trắng trải dài. Và cồn cát ở thôn Hoà Luật Nam, xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ lại cao hơn hết cả. Chính vì cái cồn cát cao, có vị trí chiến lược quan trọng ấy, nên năm 1947 khi đánh chiếm Quảng Bình, thực dân Pháp xây dựng ở đây một đồn rất lớn, với phương tiện chiến tranh hiện đại, chúng đã mở các cuộc càn quét có quy mô.

Đi đến đâu, chúng thẳng tay bắn giết tại chỗ nhiều người dân vô tội, hễ nghi ngờ ai là cán bộ Việt Minh, chúng bắt trói lại và đưa về đồn tiếp tục tra khảo, sát hại. Trong thời gian đóng chiếm tại Hoà Luật Nam từ năm 1947 đến 1950, giặc Pháp đã bắn giết chết hơn 2.000 người dân vô tội và cán bộ cách mạng.


65175044-small_228629.JPG

Họ đã nằm xuống, xương cốt quện lẫn vào nhau


Tại xã Cam Thủy, Lệ Thủy chúng tôi tìm gặp lại người du kích – ông Ngô Văn Thoả, năm nay đã 85 tuổi - một nhân chứng sống của những ngày chiến tranh kinh hoàng ấy để nghe ông kể những câu chuyện xúc động của tình người, tình đồng chí.

Mặc dù đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng ông Thỏa vẫn khá minh mẫn. Trong ký ức đau thương của ông là những cảnh tang thương mất mát. Từ sáng đến tối, mỗi khi bắt người, dù là thường dân hay cán bộ cách mạng, dù người già, đàn bà hay con nít, giặc Pháp đều bắn chết rồi vứt xuống hầm cát. Lớp xác này chồng lên lớp xác khác. Người chết sau chồng lên người chết trước.

Đã có người không chịu được nỗi đau mất người thân, đêm xuống họ mò ra hầm cát trộm đem xác về chôn, nhưng vì trời tối, xác người chồng chất quá nhiều, họ không thể tìm ra thi thể của người thân...

Ông Thỏa cho biết: Đội du kích xã thấy cảnh các chiến sỹ hy sinh nằm trơ xương trắng, có hài cốt bị sóng biển xô ra khơi, không đành lòng. 10 chiến sỹ du kích dũng cảm nhất (trong đó ông) xung phong đi nhặt cốt. Đợi lúc chiều chạng vạng, tôi cùng anh em vờ đi vó, nấp dưới biển rồi đợi trời tối hẳn, tránh những luồng pha quét của bốt gác, nhặt vội những chiếc sọ, những ống xương, mảnh xương gãy cho vào quang gánh, quẩy vội lên đồi, đào hố chôn.

65175044-small_228630.JPG

Ông Ngô Văn Thoả năm nay đã 85 tuổi


Cho đến năm 1952, nhờ công tác địch vận, giặc Pháp mới cho người dân Cam Thuỷ được chôn cất hầm xương cốt...16 người làm việc liên tục trong ba ngày mới lượm hết số xương cốt trong hầm. Những thi thể lâu ngày chỉ còn lại xương nên họ không thể phân biệt được đâu là hài cốt của ai, vì thế mọi người đành phải chia đều ra 5 hầm nhỏ để chôn cất chu đáo hơn.

Từ biệt cụ Thoả, cũng chẳng mấy khó khăn chúng tôi tìm đến 5 ngôi mộ lớn phía sau thôn Hoà Luật Nam, trên động cát Trốc Voi. Trảng cát lồng lộng gió, gió từ biển lùa về, quanh quất qua khu nghĩa trang, thoảng mùi nhang trầm.

Tôi lặng lẽ bước xuống chân đồi. Không hiểu sao bàn chân lại ngại ngùng trước những ngọn cỏ mùa thu cứ xanh um. Dưới cỏ các anh vẫn nằm, cả các người vẫn nằm, đã hơn nửa thế kỷ qua đi... khói hương phảng phất, cát trắng trải dài rờn rợn.

Chợt lạnh người bởi mười du kích năm xưa, chín người đã mất, một người 85 tuổi, cũng đã lẫn... Cũng không nhiều người biết chiến công thầm lặng của họ... Những gì còn lại chỉ là những ngôi mộ trắng nhức mắt. Và, tất cả đang bị mưa gió và thời gian bào mòn, xóa dấu tích. Không một tấm bia tưởng niệm.

Ký ức về 2 triệu người chết đói

Trở về Hà Nội, tôi tìm đến nơi từng là nghĩa trang Hợp Thiện, nấm mồ tập thể chôn vùi hàng nghìn con người không gỗ ván, không hương khói, mộ chí. Đây là khu tưởng niệm của những nạn nhân chết đói năm 1945.

Phải đánh vật cả buổi sáng, tôi mới định hình được địa chỉ mình cần tìm. Đó là đài tưởng niệm nhỏ bé, khiêm nhường nằm tít tắp tận cùng trong trong một ngõ nhỏ tại khu tập thể Nhà máy dệt 8-3, quận Hai Bà Trưng. Nghĩa trang đã bị xóa dấu tích hoàn toàn. Đài tưởng niệm lọt thỏm giữa ngút ngàn nhà cao tầng.

Công trình lớn nhất ở đây là tấm bia đá khắc bài tế của giáo sư Vũ Khiêu cho những vong hồn xấu số. Kế bên là bức tường đắp dòng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944 - 1945” và vài bệ đặt bát hương.

65175044-small_228631.JPG
Khu tưởng niệm nạn chết đói năm 1945 chưa xứng đáng với lịch sử thương đau của một nạn đói cướp đi hai triệu sinh linh

Không (hay chưa) hoành tráng, nhưng đây là nơi tưởng niệm nạn đói khủng khiếp. Theo đánh giá, lịch sử VN chưa bao giờ có vụ chết chóc nào lớn như vậy. Trên thế giới cũng chưa có nơi nào xảy ra nạn đói khủng khiếp như thế trong thế kỷ 20. Nạn đói đã đặt nhân dân ta trước một con đường: hoặc sẽ chết, hoặc phải chiến đấu giành độc lập.

"Hơn hai triệu" là con số mà ngày nay chúng ta khó có thể hình dung nó khủng khiếp đến dường nào, vì nó gấp nhiều chục lần số nạn nhân của hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagazaki của Nhật Bản; Con số khủng khiếp đến mức có người nghi ngờ sự xác thực của nó đầu thập kỷ 90, các nhà sử học tiến bộ Nhật Bản đã sang ta cùng với các đồng nghiệp Việt Nam tiến hành cuộc điều tra. Rồi khẳng định con số hơn hai triệu là có cơ sở xác thực.

Nửa thế kỷ, bao dâu bể đổi dời, tâm khảm không ngừng muốn xóa nhòa quá khứ đau thương, khiến nhiều câu chuyện, nhiều dấu tích của nạn đói đã không còn lưu giữ. Theo ký ức của những người già thì độ ấy, người chết đói đầy đường. Và việc làm thiện nhất lúc ấy là người ta chỉ đi gom và đem về nghĩa trang táng chung trong những ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang Hợp Thiện.

65175044-small_228633.JPG

Khu tưởng niệm nằm tít tắp trong một con nghách nhỏ tại phố Kim Ngưu - Hai Bà Trưng


Nhưng những lớp người có ký ức buồn ấy trẻ nhất cũng xấp xỉ trên dưới 70. Không bao lâu nữa họ sẽ không còn và ký ức ấy chỉ còn là những lời truyền miệng. Sách vở và nhất là trên dưới hai chục tấm ảnh của cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh và tượng đài đây dường như mỏng manh làm sao so với cái quy mô của một nạn đói cướp đi hai triệu sinh linh.

Một buổi chiều áp rằm tháng bảy - lễ cúng chúng sinh - được chọn là ngày tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói năm Ất Dậu. Nhập nhoạng tối nhưng nhiều người vẫn vơ vẩn nhang khói trong khu tưởng niệm bé nhỏ này. Bởi họ vẫn biết rằng dưới ba thước đất, trong lòng đất quê hương kia vẫn còn những ánh mắt trẻ, những tiếng khóc già cùng sự quằn quại của những linh hồn đói khát vẫn còn đó.

Với những ai đến, thắp một nén hương tưởng nhớ những con người thiệt thòi xấu số, mỗi người trong chúng ta sẽ tự vấn lương tâm và cảm nhận trách nhiệm của mình trong cuộc sống hôm nay…


Theo VnMedia
 
Hơn hai triệu" là con số mà ngày nay chúng ta khó có thể hình dung nó khủng khiếp đến dường nào, vì nó gấp nhiều chục lần số nạn nhân của hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagazaki của Nhật Bản; Con số khủng khiếp đến mức có người nghi ngờ sự xác thực của nó đầu thập kỷ 90, các nhà sử học tiến bộ Nhật Bản đã sang ta cùng với các đồng nghiệp Việt Nam tiến hành cuộc điều tra. Rồi khẳng định con số hơn hai triệu là có cơ sở xác thực.
2 triệu người ? Thực sự là một tội ác loài người rồi ấy chứ.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top