• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lịch sử An Giang

Lê Thạch

New member
Xu
0
LỊCH SỬ TỈNH AN GIANG Thời kỳ phong kiến Nhà Nguyễn (TK XVIII – 1867) :

An Giang “Xưa là đất Tầm Phong Long, năm Đinh Sửu thứ 19 (1757) đời Thế Tông, quốc vương Chân Lạp Nặc Tông dâng đất nầy, đặt làm đạo Châu Đốc, vì đất ấy có nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc Tân Cương” (Đại Nam nhất thống chí).

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lấy đất nầy cùng với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long đặt làm phủ Tuy Biên và Tân Thành ; đặt bốn huyện là : Tây Xuyên, Phong Phú, Đông Xuyên và Vĩnh An lập tỉnh An Giang và Hà Tiên, lại đặt hai ty Bố chánh, Án sát” (Đại Nam nhất thống chí).

Đến thời Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, thêm phủ, huyện, An Giang có 3 phủ, 10 huyện .

Dưới chế độ thực dân Pháp (1867 – 1945) :

images

Cảnh bờ sông Châu Đốc
thời kỳ Pháp

Theo Nghị định ngày 05/01/1876 của Thống đốc Dupré, Pháp bỏ hệ thống Nam kỳ lục tỉnh mà chia thành 4 khu vực : Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac ; bao gồm 19 hạt. Tỉnh An Giang (Nam kỳ lục tỉnh) chia thành 5 hạt : Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc. Tỉnh Hà Tiên chia thành 2 hạt : Hà Tiên, Rạch Giá. Khu vực Bassac (Hậu Giang) gồm 6 hạt : Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Trà Ôn, Sóc Trăng, Rạch Giá (hạt Sa Đéc thuộc về khu vực Vĩnh Long).


Ngày 20/12/1899, Pháp ra Nghị định bãi bỏ các hạt đổi thành tỉnh.

Năm 1917, tỉnh Châu Đốc có 4 quận: Châu Thành, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn (gồm 12 tổng, 98 xã) và tỉnh Long Xuyên có 3 quận: Châu Thành, Thốt Nốt, Chợ Mới (gồm 8 tổng, 58 xã). Năm 1930, tỉnh Châu Đốc nhận thêm quận Hồng Ngự.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) :

Năm 1945, Nam kỳ có 21 tỉnh, trong đó tỉnh Châu Đốc có 5 quận : Tịnh Biên, Tri Tôn, Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Phú và tỉnh Long Xuyên có 3 quận : Chợ Mới, Thốt Nốt, Châu Thành. Năm 1953, tỉnh Long Xuyên thành lập thêm 2 quận Núi Sập và Lấp Vò.

Đêm 22/9/1945, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ được thành lập và cuộc Kháng chiến Nam Bộ bắt đầu. Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập các Chiến khu. Tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên thuộc chiến khu 9.

Để thuận lợi cho việc lãnh chỉ đạo kháng chiến, ngày 12/9/1947, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ra chỉ thị số 50/CT chia lại địa giới 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thành 2 tỉnh mới là Long Châu Tiền thuộc khu 8 và Long Châu Hậu thuộc khu 9.

Tỉnh Long Châu Tiền có 5 quận : Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B và Lấp Vò.

Tỉnh Long Châu Hậu có 6 quận : Tịnh Biên, Tri Tôn, Thốt Nốt, Thoại Sơn, Châu Phú A và Châu Thành (bao gồm 2 tỉnh lỵ Long Xuyên và Châu Đốc).

Ngày 07/02/1949, tỉnh Long Châu Hậu giao quận Thốt Nốt về tỉnh Cần Thơ và ngày 14/5/1949, tỉnh Long Châu Tiền giao quận Lấp Vò về tỉnh Sa Đéc.

Cũng vào tháng 5/1949, tỉnh Long Châu Hậu tiếp nhận thêm 3 xã Nam Thái Sơn, Bình Sơn và Thổ Sơn của Quận Châu Thành (Rạch Giá) vào quận Tri Tôn và 2 xã Mỹ Hiệp Sơn (trừ 2 ấp Mỹ Phú, Mỹ Quới), xã Tân Hội cùng 4 ấp của xã Tân Hiệp phía Bắc lộ Cái Sắn vào quận Thoại Sơn.

Tháng 6/1949, chia quận Tân Châu của tỉnh Long Châu Tiền thành 2 quận mới Phú Châu và Tân Châu.

Ngày 30/10/1950, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, 2 tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên được sáp nhập thành tỉnh Long Châu Hà, gồm 8 quận : Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú A, Châu Thành, Thoại Sơn, Thốt Nốt, Giang Châu (quận Giang Thành và Châu Thành của Hà Tiên nhập lại) và Phú Quốc. Tháng 7/1951, sáp nhập 2 quận Tri Tôn, Tịnh Biên thành quận Tịnh Biên ; 2 quận Châu Thành, Thoại Sơn thành quận Châu Thành.

Ngày 27/6/1951, theo Nghị định 173/NB51 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, tỉnh Long Châu Sa được thành lập trên cơ sở nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Long Châu Tiền, gồm 7 huyện : Châu Thành (Sa Đéc), Lai Vung, Cao Lãnh, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu, Chợ Mới. Chia ranh giới 2 huyện Hồng Ngự và Tân Châu thành 2 huyện Tân Hồng và Tân Châu. Tháng 7/1951, nhập huyện Lấp Vò vào tỉnh Long Châu Sa.

Ngày 12/10/1951, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Nghị định chia khu Nam Bộ thành 2 phân liên khu . Phân liên khu Miền Đông gồm 6 tỉnh : Gia Định, Thủ Biên, Bà Rịa, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Long Châu Sa. Phân liên khu Miền Tây gồm 6 tỉnh : Bến Tre, Vĩnh Trà, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà.

Hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975) :

Năm 1955, tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự với 70 xã. Tỉnh Long Xuyên có 5 quận: Châu Thành, Chợ Mới, Núi Sập, Thốt Nốt, Lấp Vò với 47 xã.

Ngày 22/10/1956, Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh 143/VN : Địa phận Nam Việt Nam gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Tỉnh An Giang (tỉnh lỵ Long Xuyên) gồm tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên cũ, với 8 quận : Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn, Núi Sập ; 16 tổng ; 96 xã. Đến ngày 06/8/1957, thành lập quận An Phú từ 13 xã của quận Châu Phú.

Ngày 08/9/1964, theo sắc lệnh 264/VN của chính quyền Sài Gòn, tỉnh An Giang tách thành 2 tỉnh : Châu Đốc (5 quận, 10 tổng, 57 xã) và An Giang (4 quận, 6 tổng, 38 xã). Tỉnh Long Xuyên được đặt tên lại là tỉnh An Giang cho đến năm 1975.

Về phía chính quyền cách mạng
, tháng 10/1954, Xứ ủy Nam Bộ lập lại 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Tỉnh Long Xuyên gồm các quận : Châu Thành, Chợ Mới, Lấp Vò, Thốt Nốt, Phong Thạnh Thượng. Tỉnh Châu Đốc gồm các quận : Tân Châu, Hồng Ngự, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú.


Giữa năm 1957, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc lại thành tỉnh An Giang, gồm 9 quận : Chợ Mới, Thốt Nốt, Núi Sập, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn. Giao quận Hồng Ngự về tỉnh Kiến Phong và giao quận Lấp Vò về tỉnh Sa Đéc.

Tháng 10/1961, Tỉnh ủy An Giang quyết định thành lập các liên huyện để phù hợp với tình hình. Từ đó có liên huyện Tịnh Biên - Tri Tôn lấy tên Tịnh Biên, liên huyện Châu Thành - Huệ Đức lấy tên Châu Thành, liên huyện Tân Châu - An Phú lấy tên Tân Châu. Cuối năm 1962, tách liên huyện Tịnh Biên - Tri Tôn trở lại 2 huyện như trước.

Năm 1963, tỉnh An Giang giao Thốt Nốt về tỉnh Cần Thơ và nhận huyện Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang. Tháng 12/1965, giao Chợ Mới về tỉnh Kiến Phong và năm 1967 trả Hà Tiên về Kiên Giang.

Tháng 8/1971, thực hiện yêu cầu thành lập tỉnh mới để giữ vai trò đầu cầu hành lang từ trung ương về miền Tây Nam Bộ, An Giang chia thành 2 tỉnh An Giang và Châu Hà.

Tỉnh An Giang gồm 5 huyện: Châu Phú, Châu Thành X, An Phú, Tân Châu, Phú Tân, bao gồm 2 nơi mà nay gọi là thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.

Tỉnh Châu Hà gồm 6 huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Huệ Đức, Hà Tiên, Phú Quốc và Châu Thành A của tỉnh Kiên Giang.

Tháng 5/1974, Trung ương Cục chia lại địa bàn các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong thành 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà.

Tỉnh Long Châu Tiền gồm 6 huyện: Tân Châu, An Phú, Phú Tân A, Phú Tân B, Hồng Ngự và Tam Nông (nay là huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp).

Tỉnh Long Châu Hà gồm 6 huyện: Châu Thành X, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức, Châu Thành A (Rạch Giá) và 2 thị xã Long Xuyên và Châu Đốc.

Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2000) :

Tại Nghị quyết số 19/NQ.TW ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tỉnh An Giang được thành lập bao gồm 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc (trừ huyện Thốt Nốt) với 8 quận, 84 xã.


Tháng 2/1976, Nghị định của Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam giải thể khu hợp nhất tỉnh, bỏ danh xưng “quận” có từ thời Pháp và lấy danh xưng “huyện” ; “quận” và “phường” dành cho các đơn vị tương đương với huyện và xã khi đã đô thị hóa. Tỉnh An Giang có 10 huyện, thị xã là : Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.
Ngày 11/3/1977, Chính phủ ra quyết định 56/CP hợp nhất huyện Huệ Đức và Châu Thành thành huyện Châu Thành, huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thành huyện Bảy Núi.

Ngày 23/8/1979, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định 300/HĐBT điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh An Giang. Huyện Bảy Núi chia thành 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Huyện Châu Thành chia thành 2 huyện Châu Thành và Thoại Sơn.

Ngày 01/3/1999, Chính phủ ra Nghị định 09/NĐCP thành lập thành phố Long Xuyên.

Đến đây tỉnh An Giang gồm có các đơn vị hành chính trực thuộc: thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và 9 huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, với 150 đơn vị hành chính cơ sở (trong đó có 13 phường và 15 thị trấn, 122 xã, 114 khóm, 649 ấp).
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top