Lì xì - nếp sống đẹp của người Việt.

thaithikt

New member
Xu
0
Họ và tên: Trần Thị Thái Thi
Tuổi: 25
Nghề nghiệp: Tự do


“Xanh xanh đỏ đỏ
Trẻ nhỏ nó mừng….”
Tiếng rao bán bao lì xì của cậu bé văng vẳng ở cuối chợ. Nhìn những bao lì xì đỏ chói rực rỡ trên khay đồ, tôi chợt thấy lòng bâng khuâng lạ. Vậy là tết lại về rồi. Một mùa xuân mới lại đến – bao nhiêu cảm xúc chợt ùa về náo nức. Trong tôi tết là cả một miền trời ký ức. Tôi vẫn còn nhớ như in những mùa tết trước. Bọn trẻ con chúng tôi luôn luôn háo hức chờ đón tết đến để được mặc những bộ đồ đẹp thơm mùi nắng mới. Nhớ những gương mặt sung sướng hớn hở khi nhận được phong bì lì xì đầu năm. Ngày đó, bọn trẻ con chúng tôi nào hiểu được rằng chỉ có ngày tết cả đại gia đình mới có dịp sum vầy ấm cúng. Trẻ con thì chỉ vui sướng khi được mặc đồ mới, được ăn bánh kẹo thỏa thích, và nhất là vô cùng sung sướng khi nhận tiền lì xì.
Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, luôn giữ phong tục nề nếp truyền thống của dân tộc. Do vậy mà cứ vào sáng mồng một tết cổ truyền, ba mẹ thường đưa chị em chúng tôi về với ông bà. Đại gia đình chúng tôi đều có mặt đông đủ - sum vầy bên nhau. Sau khi hỏi thăm nhau, bọn trẻ chúng tôi lần lượt xếp hàng chúc tết ông bà cha mẹ - cậu – dì. . . . Đứa nào không chúc tết thì đồng nghĩa với việc sẽ không được nhận tiền lì xì. Vì vậy mà đứa nào đứa nấy cũng cố gắng suy nghĩ những lời chúc hay nhất dành cho từng người. Sau khi chúc tết xong, chúng tôi được ông bà xoa đầu và lì xì. Gia đình tôi thường bỏ tiền vào một phong bao màu đỏ, bên trong chỉ đựng một tờ vài trăm đồng, nhưng cũng đủ làm bọn trẻ chúng tôi háo hức đến lạ. Bóc cái phong bì màu đỏ ra, cầm trên tay tờ tiền mới tinh – thơm tho mùi tiền mới mà đứa nào cũng cười tít mắt. Những phong bì lì xì màu đỏ bắt mắt cùng những tờ tiền mới cáu cạnh được chúng tôi cất giữ cẩn thận làm “ của để dành”. Ngày đó tôi chỉ nhớ rằng, không chỉ có trẻ con tít mắt tít mũi khi nhận được tiền lì xì mà cả những người lớn cũng rất hớn hở khi nhận được tiền mừng tuổi từ những người thân yêu. Khi còn nhỏ , bọn trẻ con chúng tôi chẳng đứa nào quan tâm đến việc vì sao người ta lại mừng tuổi đầu năm bằng tiền – và tiền được đựng trong phong bì màu đỏ. Mà chúng tôi chỉ biết rằng: tết đến thì phải chuẩn bị thật nhiều lời chúc hay, để được khen và được nhận tiền lì xì mà thôi. Sau này, khi mỗi cái tết qua đi, khi tôi lớn lên theo từng mùa xuân, thì tôi đã hiểu được về nguồn cội của phong tục tết từ bà ngoại. Ngoại nói rằng, tiền mừng tuổi đầu năm thể hiện cho sự may mắn, tài lộc vào nhà cả năm, màu đỏ của phong bì thể hiện của sự sum vầy ấm cúng. Còn việc trẻ em phải chúc tết người lớn trước khi nhận tiền lì xì - điều này rất quan trọng vì nó mang tính giáo dục – dạy dỗ rất cao cho thế hệ trẻ. Câu chúc thể hiện sự kính trọng hoặc thay cho một lời cảm ơn của trẻ nhỏ dành cho người lớn, bên cạnh đó nó còn dạy trẻ con rằng khi nhận từ ai đó bất cứ thứ gì cũng phải biết nói lời cảm ơn. Từ lâu lì xì đã trở thành phong tục tập quán, là truyền thống đậm đà nét Việt, đã ăn sâu vào từng tâm hồn, từng hơi thở của người Việt mình. Nó như một nghệ thuật sống tinh tế cho con cháu muôn đời về sau. Vì vậy cho nên, người Việt mình dù “có đi đâu về đâu” “ có đi ngược về xuôi” thì cứ hết năm – bất kỳ là ai cũng mong chờ cái tết đoàn viên, âm cúng bên những người thân yêu.
Mùa xuân đang đến, chợ phố tấp nập cùng với những món hàng dành cho ngày tết, tôi như đang nghe tiếng mùa xuân gọi – yêu thương như đang ùa về trong nắng mới. Quay sang mẹ, tôi thỏ thẻ: “ Mẹ ơi, mình mua một lốc hồng bao nhé, năm nay con sẽ mừng tuổi ông bà và gia đình mình ….”
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top