Lí luận văn học: nghệ thuật và thơ

  • Thread starter Thread starter obac
  • Ngày gửi Ngày gửi

obac

New member
Xu
0
LÍ LUẬN VĂN HỌC: NGHỆ THUẬT VÀ THƠ


Hoàng Ngọc Hiến


…Đã đẹp và thật thì không thể không lương thiện. Nghệ thuật cũng như tình yêu không thể sống được ngoài cõi “đẹp và thật”. Bắt chước Lão tử tôi nói rằng: đến lúc cảm thấy không đẹp nữa, không thật nữa thì người ta bắt đầu nói đến cái “thiện”. Ngoài ra phải tin ở chủ quan của mình, chủ quan này càng phong phú, sâu sắc càng tốt, nhưng trước hết nó phải “vô tư”…

Tôi viết bài này để nhắn những bạn trẻ làm thơ và phê bình thơ đọc tập chuyên luận của Đặng Tiến về Thơ [1], chí ít đọc 6 chương đầu: Thơ là gì? Roman Jakobson và thi pháp, Claude Lévi-Strauss – Bách niên giai lão, Nguyễn Tài Cẩn trên nền thi học Việt Nam, ý thơ và lời thơ, Thơ và khoa Ngôn ngữ học Tây phương, qua những chương này độc giả có thể nắm được lý thuyết của R. Jakobson về ngôn ngữ thơ, lý thuyết này đối với người làm phê bình thơ có khi còn quan trọng hơn chủ nghĩa duy vật biện chứng đối với người nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Tôi cũng muốn nói lời nhắn này với cả những bạn trẻ viết văn xuôi và làm phê bình văn xuôi, vì tính nhạc, yếu tính của lời thơ, cũng được đặt ra cho câu chữ văn xuôi, trong văn xuôi, câu chữ trước hết phải chính xác, mà “từ chính xác là từ có tính nhạc” (Gustave Flaubert). Cả những bạn trẻ làm khoa học xã hội và nhân văn cũng nên đọc, các bạn không thể nào bỏ qua những cách tiếp cận cấu trúc luận về dân tộc học cũng như về văn chương của Lévi-Strauss được tác giả trình bày tinh tế và thoáng gọn ở chương 3. “Vả chăng Thơ được sử dụng như một phòng thí nghiệm của nhiều khoa học khác: ngôn ngữ học, ký hiệu học, dân tộc học… Thơ là con chuột bạch cho nhiều ngành khoa học nhân văn đương đại” (Đặng Tiến).

Cách đây gần nửa thế kỷ, tôi đương học ở Nga thì một nghiên cứu sinh người Pháp đưa tôi đọc tiểu luận của R. Jakobson “Linguistique et Poétique” (Ngôn ngữ học và Thi pháp), ý tưởng mới lạ, tinh khôi và tư duy rành mạch của tác giả đã hấp dẫn tôi nhưng tôi đọc khó nhọc lắm, lủng củng nhiều thuật ngữ lạ hoắc… tôi chỉ mong sao có người nắm thật vững lý thuyết này và “nói vo” trình bày lại cho tôi, thay vì những khái niệm trừu tượng là những “ví dụ cụ thể” thật đích đáng. Đặng Tiến chính là người tôi chờ đợi, tập sách thơ của ông đã giúp tôi ôn lại và nắm được lý thuyết thơ của Jakobson trong không đầy một tiếng đồng hồ.

Qua cách trình bày của Đặng Tiến (tác giả thấy trước có “nguy cơ giản lược và thiên lệch lập luận” tr.58) [2] mà cũng rất có thể tôi hiểu không đúng thuyết trình của ông, tôi cảm thấy như Jakobson hiểu rất trúng ngôn ngữ của thơ nhưng đâu đó chưa hiểu thấu đáo thơ. Trước sau tôi vẫn cho rằng Paul Valéry hiểu thơ hơn cả: “Bài thơ – cái sự dùng dằng (hesitation) kéo dài này giữa âm thanh và ý nghĩa” [3] (có thể tôi dịch từ hésitation chưa sát). Trong khi trong quan niệm của Valéry, cả “âm thanh” và “ý nghĩa” đều quan trọng trong việc tạo ra thi tính thì trong sơ đồ của Jakobson, đặc tính của ngôn ngữ thơ “không nằm trong thông điệp được truyền đi” (tức là trong ý nghĩa) “mà nằm trong vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng” (tr. 11, 12). Trong khi trong quan niệm của Valéry, thi tính được tạo ra bởi “sự dùng dằng giữa âm thanh và ý nghĩa” (tôi hiểu “dùng dằng” như một sự tương tác cực kỳ phức tạp, không suôn sẻ chút nào, tạo ra sự ngân nga giao thoa giữa “thẩm âm” và “tạo nghĩa”, sự ngân nga giao thoa này tạo ra “không khí” và “tâm trạng” bàng bạc trong bài thơ, tắm trong môi trường đó, từ mang những sắc thái biểu cảm mới và những hàm nghĩa sâu xa, bất ngờ và “âm thanh”, “tiết điệu” có khi hàm chứa những rung động “siêu hình” vượt siêu thế giới “khả niệm”). Còn trong sơ đồ của Jakobson, một khi tương quan giữa “ý nghĩa” và “âm thanh” được thay bằng tương quan giữa “chức năng thông tin” và “chức năng thẩm mỹ” thì chức năng thông tin chịu tác động một chiều của chức năng thẩm mỹ (“tăng sức hấp dẫn, sức thuyết phục cho thông tin” [tr. 23]) còn chức năng thẩm mỹ tự thân nó là một “chức năng độc lập”, không dính dáng gì đến ý nghĩa (xem tr. 24). Trong quan niệm của Jakobson, ý nghĩa trong câu thơ có một vai trò hết sức vớ vẩn:nghĩa chẳng qua chỉ là làm cho người ta “chú ý” đến câu thơ (xem tr. 16) còn câu thơ hay đâu phải “vì ý nghĩa mà hay vì hơi nói, giọng nói” [xem tr. 16] (chúng ta đều biết sự tham gia của âm thanh và tiết điệu vào việc tạo ra giọng nói).

Tư duy của con người thường xuất phát từ sự đối lập những trái ngược: nóng và lạnh, cao và thấp…, âm và dương… Tư duy Hy Lạp, đầu nguồn của tư duy phương Tây có xu thế “dựng những trái ngược lên thành những “vật tự nó“, biến những “vật tự nó này” thành những bản chất loại trừ nhau“. Jakobson tư duy về thơ xuất phát từ sự đối lập giữa ý nghĩa và âm thanh, ngữ nghĩa và ngữ âm, ngôn ý và ngôn hiệu, chức năng thông tin và chức năng thẩm mỹ… Trong lý thuyết thơ của ông những trái ngược có xu thế trở thành những thực thể độc lập, lấn lướt nhau: đặc biệt âm thanh và chức năng thẩm mỹ có xu thế độc quyền tạo tác thi tính, trở thành những thực thể áp đảo ý nghĩa và chức năng thông tin, thậm chí vô hiệu hóa khả năng góp phần tạo ra thi tính của chúng, xem ra chúng bị lép vế và bị động so với âm thanh và chức năng thẩm mỹ. Tư duy về thơ của Valéry cũng xuất phát từ hai mặt đối lập của thơ: ý nghĩa và âm thanh, nhưng ông đã “không trừu xuất chúng khỏi dòng chảy của những quá trình” thơ, ông đã “duy trì chúng trong một thứ liên can với nhau“, ông không bị cuốn vào “thao tác cắt đứt và loại trừ mà tư duy Hy Lạp đã khai thác để kiến tạo một cõi lý tưởng tính không có trên đời này” [4]. Valéry định nghĩa bài thơ như là “sự dùng dằng” giữa âm thanh và ý nghĩa, đây là một quá trình kéo dài, trong đó chức năng “thẩm âm” và chức năng “tạo nghĩa” hợp đồng, hỗ trợ nhau, những sắc thái âm thanh và ý nghĩa được lựa đi, lựa lại, được ướm thử đủ chiều, do đó mới dùng dằng, dĩ nhiên luôn luôn có những sáng tạo và khám phá bất ngờ. Tôi thấy trong định nghĩa của Paul Valéry về thơ sự đòi hỏi kết hợp cân bằng âm thanh và ý nghĩa, quan điểm này càng rõ nếu được đặt vào một quan niệm rộng lớn hơn của ông về viễn cảnh phát triển của văn học, nghệ thuật. Đánh giá những sự cách tân sáng giá của những trường phái chủ nghĩa hiện đại ông viết: “… tất cả những sự cách tân này cần thiết cho sau đó một chủ nghĩa cổ điển mới có thể xuất hiện…“. Mà chúng ta biết thi pháp mọi chủ nghĩa cổ điển đều bao hàm nhu cầu kết hợp cân bằng, hài hòa… Chủ nghĩa cổ điển mới đặt ra sự kết hợp cân bằng những trái ngược vốn có trong văn học nghệ thuật: cái phải là và cái thực là (Aristote), cái “chính xác” và cái “mơ hồ” (Verlaine), “siêu thực” và “hiện thực” (Aragon), “hư “và “thực” (Tề Bạch Thạch), “âm thanh” và “ý nghĩa” (Jakobson), cái “phôi pha” và cái “hằng hữu” (Đặng Tiến)… Sự cân bằng trong văn học, nghệ thuật vốn mong manh. Sự cân bằng trong chủ nghĩa cổ điển quá khứ thiên về sự cố định, do đó dễ cứng nhắc. Trong “chủ nghĩa cổ điển mới”, sự cân bằng “hoạt ứng” hơn, biến hóa linh động, không “trung dung” một cách “rẻ tiền”, không nhất thiết là cứ phải 50/50, có khi lệch về phía đối cực này hoặc đối cực kia thì mới là cân bằng!

Đặng Tiến là một “fan” của Jakobson. Ông có sự ráo riết trong đầu óc phân tích, sẵn sàng đẩy tới mọi sự trừu xuất nhưng mặt nào đó ông gần với minh triết của Valéry trong tư duy về thơ. Thuyết trình lý thuyết của Jakobson ông luôn có sự tỉnh táo. Khẳng định luận điểm cơ bản của Jakobson: “Thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” ông có sự rào trước: ở đây có “sự nói quá đi một chút” (tr. 12). Về việc đưa luận điểm này vào sự phân tích thi ca ông có lời dè chừng: “… chúng ta phải dè dặt, vì bài thơ là một mô hình phức tạp. Cái nhìn khoa học… là cần nhưng chưa đủ để nắm bắt câu thơ” (xem tr. 16) Cần có sự “tổng hợp nhất quán” nhiều ngữ cảnh, nhiều quan hệ mà trực giác mách bảo, trong thao tác này tư duy suy lý xem ra bất lực.
Đáng quý nhất trong tập sách này là những ý kiến riêng của Đặng Tiến về thơ và phê bình thơ.

- “Nguồn thơ nào mà không mang ít nhiều nhan sắc của phôi pha, nếu bản chất của thơ không phải chính là di tích của phôi pha…” (tr. 135)

- “Yêu văn là yêu người, Yêu thơ là yêu mình. Cảm thơ, hội ý với thi nhân, ta trở thành “tri âm” với nàng thơ, “ta bình đẳng với tác phẩm”, câu nói được truyền tụng từ họa sĩ Raphael… (tr. 62)

- “Thi nhân dùng những vì sao cũ để làm nên ánh sáng mới trong một tinh hệ mới, do mình cố ý hoặc tình cờ tạo dựng”… (tr. 61)

- “Tôi đi tìm một Tản Đà nào đó, không nhất thiết phải là Tản Đà duy nhất hoặc chân chính. Cũng không nhất thiết là Tản Đà của tôi. Dĩ nhiên là tôi không bao giờ nghĩ mình có cái nhìn nhất quán và dứt khoát về Tản Đà, cũng như về bất cứ một nhà thơ nào khác“.



Tập sách Thơ của Đặng Tiến có gần bốn trăm trang bàn về những tác gia và tác phẩm thơ Việt. Tác giả đề cập đến “Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, Tập thơ Việt Nam đầu tiên”, “Nữ tính trong thơ Bà Huyện Thanh Quan”, “Tản Đà, thi sĩ của phôi pha”, “Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử”, “Những đóng góp của Thế Lữ vào phong trào thơ mới”, “Hành trình Xuân Diệu”, “Thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp”, “Quang Dũng, Một thoáng mơ phai”, “Văn Cao, Lá khát vọng“. “Lê Đạt và Bóng chữ”, “Hoàng Trúc Ly – Nụ cười trong và đôi mắt sáng”, “Thi giới Đinh Hùng”, “Bùi Giáng nguồn xuân”, “Đồng chí” của Chính Hữu, “Núi Đôi” của Vũ Cao, “Trường Sơn” của Phạm Tiến Duật… và nhiều thi sĩ, thi phẩm khác. Mỗi độc giả hẳn là có những chân dung riêng của mình về những tác gia nói trên, chắc chắn là khác những chân dung Đặng Tiến phác họa. Thi giới của Đinh Hùng – tôi muốn nói Đinh Hùng của Đặng Tiến – là một “thế giới hư ảo” “hoàn toàn độc lập với thực tại” được “hư cấu” bằng “vật liệu-ngôn từ” (xem tr. 381), nhà thơ vùng vẫy trong cõi hư ảo ấy bằng những câu thơ đẹp (hầu như câu nào cũng đẹp), những câu thơ “vẽ sự thật lên mộng”, biểu lộ “tình thật trong một thế giới không thật” (xem tr. 399). “Thi giới Đinh Hùng kết tinh bằng Thiên nhiên huyền bí, bằng dị thảo kỳ hoa, biển Giáp, non thần…, nuôi dưỡng bằng một mạch sống mãnh liệt – hay mạch sầu bất diệt – đã nở thành những đóa hoa đẹp nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam…” (tr. 395). Đây là cách nhìn của Đặng Tiến… Riêng tôi, nhìn vào cõi hư ảo Đinh Hùng, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Tề Bạch Thạch định nghĩa thi pháp (tức họa pháp) của ông: “Hư quá thì dối đời / Thực quá là mị tục“. Tài năng của Đinh Hùng trước hết là ở chỗ đến cấm chỉ vượt quá thì “dối đời” ông biết dừng lại. Hay là ông đã vượt quá mà mỹ cảm dung tục của tôi không nhận ra được. Thơ Đinh Hùng là “cơn mê trường dạ” (Tạ Tỵ). Với tiêu chí của một Valéry xác định “phẩm cách đích thực của một nhà thơ đích thực là ở những gì khác hẳn với trạng thái giấc mê” [5] thì chắc chắn tư cách thi sĩ của Đinh Hùng, cả tư cách phê bình thơ của Đặng Tiến nữa bị nghi ngờ. Tôi không lấy tiêu chí của Valéry làm chuẩn. Tôi xem đây là những “gu” khác nhau. Tề Bạch Thạch có “gu” của Tề Bạch Thạch, Valéry có “gu” của Valéry, Đặng Tiến có “gu” của Đặng Tiến… Và Hoài Thanh có “gu” của Hoài Thanh. Đi vào thi giới của một Đinh Hùng, Hoài Thanh thấy “đi trong đó, mới đầu thì cũng thấy hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở“. Tôi không khỏi ngạc nhiên thấy Đặng Tiến trước việc Hoài Thanh chê thơ Đinh Hùng bèn đắc ý như muốn nói với bạn đồng nghiệp của mình: “Tôi mới là người có trong tay chìa khóa đi vào thi giới Đinh Hùng, bác cóc có…” (xem tr. 396). Có thể tôi không hiểu hết ý của Đặng Tiến, có khi ông nói chuyện chìa khóa để nói chuyện khác.
Cách phê bình thơ của Đặng Tiến chung quy lại vẫn là “diễn nghĩa“, “bàn góp“, “tán rộng“… (những phân tích âm pháp, tiết điệu khá tinh tế của tác giả vẫn là những điều quá giản đơn so với những điều tinh vi hơn rất nhiều mà những độc giả bình thường cảm nhận được bằng trực giác của họ, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng những phân tích đó không phải là thừa). Số phận của những người viết phê bình ở nước ta là trở đi trở lại vẫn là ba cái trò: “diễn…”. “bàn…”, ” tán…”. Hơn nhau là ở chỗ biết “diễn…”, biết ” bàn…”, biết “tán…”. Không biết “diễn” thì thành “diễn thuyết” dạy tác giả, độc giả, không biết “bàn” thì thành “bàn suông” hoặc “nói leo”, không biết “tán” thì thành “tán phét” (đành rằng biết tán phét không phải là dễ). Đặng Tiến có một nền văn hóa, kiến văn rất tốt, thuận cho sự “hoạt ứng” của tác giả trong sự ” diễn…,bàn…, tán…”, tất nhiên nhân tố quyết định vẫn là cái “gu” của tác giả. Thế nào là biết “diễn…, bàn…, tán…” Tôi chỉ nêu lên ở đây mấy điều kiện:

Điều kiện thứ nhất, đúng hơn căn bản thứ nhất do Đặng Tiến khẳng định: “Những câu chữ bao giờ cũng đặt trên một nền chung: niềm tin vào văn học, lẽ phải, tình người, dân tộc và đất nước” (tr. 8). Lẽ phải, tình người bao giờ cũng đẹpthật. Đã đẹp và thật thì không thể không lương thiện. Nghệ thuật cũng như tình yêu không thể sống được ngoài cõi “đẹp và thật”. Bắt chước Lão tử tôi nói rằng: đến lúc cảm thấy không đẹp nữa, không thật nữa thì người ta bắt đầu nói đến cái “thiện”.

Ngoài ra phải tin ở chủ quan của mình, chủ quan này càng phong phú, sâu sắc càng tốt, nhưng trước hết nó phải “vô tư” (hiểu theo nghĩa câu “vô tư đi!” tuyệt vời của người Hà Nội), “vô tư” còn có nghĩa là không vướng mắc những món nợ “lần khân”: không mắc nợ những ý đồ ngoài văn học của chính mình, không vấn vương những hệ lụy của “ngụy tín”, không mang nợ những lý thuyết triết học, mỹ học, nhân học, văn học… “thời thượng“: phân tâm học, ký hiệu học, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa hậu hiện đại, cấu trúc luận, chủ nghĩa “tân hình thức”… kể cả lý thuyết thơ của Jakobson.

Câu văn phê bình thơ cũng phải có thi tính. Những câu văn có hoạt tính thơ đã phả tươi mát vào cuốn sách Thơ dày cộp của Đặng Tiến:

- “Vũ trụ thơ của Ức Trai là một áng mây bên suối, một ánh trăng trong khoang thuyền, tiếng chim kêu trong rặng hoa, là giọt sương trên chồi cúc” (tr. 113).

- “Thế giới của Đinh Hùng nghe như lúc nào cũng xôn xao; thiên nhiên đợi đổi mùa, tình yêu đến giờ gặp gỡ hay lúc chia phôi, nắng chiều đợi tàn phai, tiếng dương cầm hắt hiu lời vĩnh biệt, hoặc vàng thu sắp sửa làm thương nhớ, Gió mùa thu sớm bao dư vị, Soi mầu trăng cũ lẫn vào đêm(tr. 385).

- “… Quang Dũng đã đến giữa lòng cuộc đời, dịu dàng như một nét hoài nghi, rồi anh lại đi nhẹ nhàng như một thoáng mơ phai” (tr. 241).

- “Niềm tin Văn Cao đi từ những giấc mơ thét gào thực tại, là những rạn vỡ đòi lại toàn bích, là chiếc lá gào gọi trời xanh” (tr. 285).

- “Và Quang Dũng không phải… là người duy nhất, ba mươi năm sau còn ngất ngây trong một cơn say, còn sống chưa tàn một đêm hóa mộng” (tr.247).



Phê bình thơ…, họa chăng còn lại trong ký ức độc giả là những câu thơ hay được trích dẫn, những câu chữ có thi tính của người viết, cái sáng trong vô tư trong chủ quan người viết,… phần còn lại là… “phôi pha“.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top