Lê Qúy Đôn và học thuyết “lý - khí”

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0

Cao Xuân Huy
Tư tưởng phương Đông
gợi những điểm nhìn tham chiếu
Nxb. Văn học, 1995
--- o0o ---

LÊ QUÝ ĐÔN VÀ HỌC THUYẾT
“LÝ - KHÍ” (*)

Vân đài loại ngữ là một “loại thư ” quan trọng của Lê Quý Đôn, tập hợp và sắp xếp những tri thức về triết học, văn học, sử học, địa lý, kỹ thuật, khoa học,v.v… dưới 9 đề mục: 1. Lý khí (vũ trụ luận); 2. Hình tượng (vũ trụ học); 3. Khu vũ (địa lý); 4. Vựng điền (chế độ); 5. Văn nghệ; 6. Âm tự (ngữ ngôn văn tự); 7. Thư tịch; 8. Sĩ quy (thuật làm quan); 9. Phẩm vật (vật kiện tự nhiên và xã hội).

Các đề mục được sắp xếp từ rộng đến hẹp, từ lớn đến nhỏ. Mục đầu tiên là vũ trụ luận, dĩ nhiên đó là một vấn đề triết học. Nhưng tại sao lại đặt cho mục ấy cái tên là “Lý - Khí”? Vì vấn đề “Lý - Khí” là một thứ nhị nguyên luận trong tư tưởng triết học của Tống Nho.

Triết học của Tống Nho được các nhà triết học sử Trung Quốc gọi là Đạo học, và các nhà triết học sử tư sản phương Tây gọi là Tân Nho giáo (néo – confucia-nisme). Nói cho đúng thì Nho gia hầu như không có vũ trụ luận. Khổng Tử chỉ có một vũ trụ quan rất sơ sài, đơn giản (Chudịch là một tác phẩm của những nhà Lão học). Trong cuộc đấu tranh tư tưởng rất sôi nổi (bách gia tranh minh) ở thời Xuân thu – Chiến quốc, nhà Nho rất bị lép vế về mặt lý học nói chung và về mặt triết học nói riêng. Đời nhà Hán và nhà Đường, Khổng giáo được tôn làm quốc giáo nhưng Nho gia vẫn không sản sinh được một vũ trụ luận nào có giá trị có thể làm cho các học giả thật tâm phục. Đứng trước hiểm tượng ấy, các nhà Nho đời Tống phải cố gắng xây dựng một nền triết học có thể đối địch với Lão học và Phật học, nhưng làm sao tìm được ở trong tư tưởng của Khổng Tử những khái niệm, những phạm trù có thể làm cơ sở cho một hệ thống triết học đúng nghĩa? Tống Nho đã lợi dụng sách Chu dịch để gán cho Khổng Tử những tư tưởng triết học của Lão Tử. Ngoài ra, Tống Nho lại còn vay mượn cho Nho giáo nhiều khái niệm về bản thể luận và tâm lý học của Phật giáo. Do đó, cái mà người ta gọi là Tống học, hay Đạo học, hay Tân Nho giáo này thật ra chỉ là một hỗn hợp phẩm giữa Lão, Phật và Khổng.
*
* *
Người khai sáng ra vũ trụ luận của Tống Nho là Chu Đôn Di (hiệu Liêm Khê). Theo họ Chu thì căn nguyên của vũ trụ là Thái cực, nhưng bản chất của Thái cực là vô thủy vô chung, vô hình vô tượng, cho nên họ Chu lại đặt cho nó một cái tên nữa là Vô cực. “Vô cực” hay “Huyền” là một phạm trù của Lão Tử. Thái cực và Vô cực chỉ là một, nhưng lấy cái “thể” mà nói thì là Vô cực, lấy cái “dụng” mà nói thì là Thái cực. Sở dĩ phải đặt tên khác nhau, là vì Thái cực phân hóa làm hai khí (âm và dương), sợ rằng độc giả có hiểu lầm mà cho nó là biểu tượng chăng, cho nên phải kèm vào bên nó một cái Vô cực không có biểu tượng, để giữ tính chất hình nhi thượng của nó. Thế nhưng nếu chỉ nói Vô cực, thì sợ nó trở thành hư vô, không thể thuyết minh được cái lý phát triển của âm và dương, cho nên Liêm Khê lại đặt ra một đề xảo diệu, là “Vô cực mà Thái cực ”. Thái cực lại tự nó khai triển vận động, một sự vận động gồm cả động và tĩnh, do đó phát sinh ra âm và dương. Quá trình ấy lại tiến lên một bước nữa mà gây nên “thủy, hỏa, mộc, kim, thổ”– Liêm Khê không theo quá trình phát triển của Kinh dịch là: “Thái cực, lưỡng nghi (âm dương), tứ tượng, bát quái”, mà lại theo quá trình phát triển của Lão Tử: “Một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”. đó là một trong những sự dị đồng nhỏ giữa Chudịch và Đạo đức kinh (tên gọi khác của sách Lão Tử), cùng ở trong hệ thống Lão học cả.

Cái “Chân” của Vô cực và cái “Tinh” của âm dương ngũ hành “diệu hợp” với nhau và sinh ra hình tượng và gây nên “tính” nam và “tính” nữ, từ đó vạn vật hóa sinh mãi mãi, không biết đến đâu là cùng.

Trương Tải (hiệu Hoành Cừ) tiếp liền với Chu Liêm Khê nhưng xây nên một vũ trụ luận rất đặc sắc. Nguyên lý của thế giới là Thái hòa, nó có năng lực “chìm nổi, lên xuống, động tĩnh” ngược nhau. Trong Thái hòa có hai thành phần đối lập với nhau, đó là Hư và Khí. Hư “không phải là vô, cũng không phải là vật, nó là Lý, nhưng chỉ vì nó là vô động, vô cảm, vô cùng, vô hình cho nên gọi nó là Hư”(1). Quan hệ giữa Hư và Khí như thế nào? Trương Tử cho rằng Khí không phải do Hư mà sinh ra, lại cho rằng Hư không có Khí thì không đứng được. Khí tụ lại thành vạn vật, mà vạn vật tan đi thì trở về Hư, như thế là “bất đắc dĩ” (bất đắc bất nhiên, tất nhiên). Như thế là cho rằng giữa Hư và Khí có quan hệ nhờ dựa vào nhau, và nói rằng Hư tức là Khí, thì cũng là cho rằng giữa động và tĩnh có quan hệ “hai mà không hai”.

Mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng là một vấn đề cơ bản của triết học. Parmenide khẳng định bản thể (cái bất dịch) mà phủ định hiện tượng (cái biến dịch). Nhà triết học Bà-la-môn của Ấn-độ Xan-ka-ra (Cankara) cho rằng bản thể là hiện thực tuyệt đối mà hiện tượng chỉ là hiện thực tương đối, nhưng cũng có khi Xan-ka-ra phủ định tính hiện thực của hiện tượng. Những nhà triết học Ấn-độ trong Phật giáo Đại thừa như Long-thụ (Nagarjuna), Vô-trước (Asanga), hay ở Trung Quốc những nhà tư tưởng của phái Hoa nghiêm, Thiên thai và Thiền cũng cố gắng giải quyết vấn đề này nhưng cũng chưa thật dứt khoát và nhất trí. Riêng Lão Tử có một giải đáp chính xác và tinh tế về vấn đề này: Đạo là bản thể, nó bất dịch nhưng không phải là một tử vật (vật chết), nó rất năng động mà các hiện tượng đều là những biến dịch sản sinh từ tính năng động ấy (tính năng động ấy gọi là Đức).

Khổng Tử không hề có ý thức về vấn đề này. Trương Tải là một nhà Nho, nhưng cũng đặt vấn đề này và cố gắng giải quyết trên cơ sở biện chứng pháp của Chudịch, Lão Tử và Đại thừa. Thế nhưng giải đáp của Trương Tải rất nhập nhằng giữa nhất nguyên luận và nhị nguyên luận, duy vật luận và duy tâm luận: “hai mà không hai”.

Đến hai anh em Trình Hiệu (Minh Đạo) và Trình Di (Y Xuyên) thì không đối lập Hư và Khí, mà lại đối lập Lý và Khí. Lý và Khí khác nhau như thế nào, có quan hệ với nhau như thế nào? Minh Đạo rất lúng túng nhập nhằng về chỗ đó, và tỏ ra là duy tâm chủ quan. Y Xuyên thì nói một cách dứt khoát rằng Lý là hình nhi thượng, Khí là hình nhi hạ.

“Rời khỏi âm và dương thì không còn gì là Đạo nữa; cái làm cho có âm có dương là Đạo, mà bản thân cái âm cái dương là Khí. Khí là cái gì hình nhi hạ. Đạo là cái hình nhi thượng…”(Toàn thư). Đạo ở đây tức là Lý, vậy chúng ta muốn biết Lý là gì, thì phải biết Đạo là gì. “Đạo thì có hai, hoặc là nhân, hoặc là bất nhân, thế thôi. Cái lý tự nhiên là như vậy. Đạo không bao giờ là vô đối: có âm thì có dương, có thiện thì có ác, có thị thì có phi, không phải là một cũng không phải là hai…” (Toàn thư, 16).

Trương Tải đối lập Hư (tức là Lý, cũng tức là tâm) và Khí (vật chất), nhưng lại tổng hợp hai cái đó trong một thực thể gọi là Thái hòa. Cái Thái hòa ấy chứa đựng cả Lý (Hư) và Khí, nhưng thực chất của nó là gì? Câu hỏi ấy bị Trương Tải bỏ lửng.

Y Xuyên không đối lập Lý và Khí nữa mà bao gồm Khí vào trong Lý và cho rằng Khí được Lý sản sinh ra trên một quá trình biện chứng. Do đó, cái thuyết Lý Khí của Y Xuyên có tính cách nhất nguyên luận duy tâm khách quan. Nhưng cái Lý ở đây có phải là bản thể của vũ trụ hay là hệ thống của những quy luật tự nhiên không? Khi Y Xuyên nói Đạo chỉ có nhân hay là bất nhân, thiện hay là ác, thì chữ nhân, chữ bất nhân, chữ thiện, chữ ác tức là luân lý phong kiến: tam cương, ngũ thường. Chữ “nhân” của Khổng Tử bao trùm cả “nghĩa”, “lễ” và “trí”. Thuyết tính thiện của Mạnh Tử thì nói chữ “nhân” bắt nguồn ở lòng trắc ẩn, chữ “nghĩa” bắt nguồn ở lòng tin, chữ “lễ” bắt nguồn ở lòng từ nhượng, chữ “trí” bắt nguồn ở ý thức phân biệt thị phi. Những phạm trù “nhân”, “nghĩa”, “lễ”, “trí” gắn liền với quan hệ xã hội dưới chế độ phong kiến ở Trung Quốc gọi là ngũ luân (quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu). Những phạm trù và những quan hệ này đã được hậu Nho cấu trúc lại thành “tam cương”, “ngũ thường”. Trong tư tưởng của Y Xuyên nói riêng và của Tống Nho nói chung, nội dung của chữ Lý tức là tam cương, ngũ thường. Thế là Tống Nho đã bản thể hóa, tuyệt đối hóa, vũ trụ hóa những phạm trù luân lý phong kiến của Trung Quốc. Riêng Y Xuyên đã chứng minh một cách cụ thể rằng chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “lễ” cũng là những quy luật của thế giới tự nhiên như con ong, cái kiến có bản năng trung quân, con quạ có hiếu với mẹ già (bón mồi cho quạ già), con rái cá cũng biết cúng tế (vì đến mùa xuân, băng giá tan, con rái cá bắt được cá, xếp thành từng chồng, rồi đứng trước chồng cá mà ngúc đầu). Lý là tam cương, ngũ thường; Khí là phi tam cương, ngũ thường; đó là phần đóng góp của Nho gia trong vũ trụ luận của Tống học.

Sang đến đời Nam Tống thì Chu Hy (hiệu Hối Am) tiến hành một sự tổng hợp đại quy mô giữa thuyết Thái cực của Liêm Khê, thuyết Hư Khí của Hoành Cừ và thuyết Lý Khí của hai anh em họ Trình.

Chu Hy thấy rằng đối với cái tính chất của Thái cực cần phải có một sự thuyết minh. Nói một cách khác, thì Liêm Khê chỉ nói một câu choẳn hoẳn “Vô cực mà Thái cực” chứ không hề giải thích cái thuộc tính của Thái cực là gì. Nói một cách khác nữa, nếu muốn đem Thái cực làm chủ tể cho Lý và Khí, thì việc trước hết là phải giải thích cái bản thể của Thái cực.

Chu Hy nói rằng:
“Vô cực mà Thái cực, điều đó chỉ có nghĩa là vô hình mà hữu lý. Vì Chu Tử (Liêm Khê) sợ rằng ngoài Thái cực, người ta lại muốn tìm một Thái cực nữa, cho nên nói đến vô cực …”.

Lại nói:
“Chu Tử (Liêm Khê) nói “Vô cực mà Thái cực ” không phải bảo rằng ở trên Thái cực lại còn có Vô cực nữa, mà chỉ muốn nói rằng Thái cực không phải là vạn vật…” (Ngữ loại, 44).

Xét ra thì Chu Hy muốn nói rằng Thái cực là cái gì siêu việt cả không gian và thời gian, khó lòng mà nói được bản thể của nó, nhưng nếu dùng ngôn ngữ thì có thể khép nó vào trong một chữ Lý. Trước khi âm và dương xuất hiện, thì tất nhiên phải có một cái Lý đã, nghĩa là sau lưng hiện tượng, phải có một thực tại:

“Thái cực chỉ là cái Lý của trời đất và vạn vật. Lấy trời đất mà nói thì trong trời đất có Thái cực; lấy vạn vật mà nói thì trong vạn vật đều có Thái cực. Trước khi có trời đất, đã có sẵn cái Lý ấy. Động mà làm dương, chỉ là cái Lý ấy; tĩnh mà làm âm cũng chỉ là cái Lý ấy ” (Tính lý đại toàn, 26).

Nói đến vấn đề tại sao Thái cực lại sản sinh được Lý và Khí thì Chu Hy giải đáp một cách rất lúng túng, rời rạc. Đại khái họ Chu nói rằng Thái cực tuy là Lý nhưng nếu cho nó là cái Lý ở trong hai vế Lý và Khí đối lập với nhau thì không được, vì rằng Lý và Khí là những trạng thái đã phân hóa, cũng như Âm và Dương của Dịch. Thực ra, Thái cực là cái Lý có chứa đựng khả năng phát sinh ra sự vận động gồm cả hai mặt là động và tĩnh.

Thế thì quan hệ giữa Lý và Khí là như thế nào?
“Trong khoảng trời đất, có Lý có Khí, Lý là cái thế hình nhi thượng, là cái gốc của vạn vật; Khí là cái vô hình nhi hạ, là cái khí cụ làm nên vạn vật. Cho nên khi người và vật sinh ra, phải bấm được cái Lý ấy thì mới có tính, và phải bấm được cái Khí ấy thì mới có hình” (Tính lý đại toàn, 26).

Cứ theo đấy mà phân tích những thuộc tính của Lý và Khí, thì Lý là tính của vật, nó là hình nhi thượng, mà Khí là cái hình tượng rập vào vạn vật, nó là hình nhi hạ. Nói một cách cụ thể thì Khí là ngũ hành: thủy, hỏa, mộc, kim, thổ, mà Lý là ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Cũng như Minh Đạo và Y Xuyên, Chu Hy đã vũ trụ hóa tam cương và ngũ thường. Và sở dĩ Tống Nho phải dựng lên học thuyết Lý – Khí là để biện hộ cho thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử: bản tính, bản năng của con người là thiện (tam cương, ngũ thường). Thế nhưng, trong thực tế, mọi người đều phải công nhận rằng có những bản năng rất ác (phi tam cương, ngũ thường). Vậy phải nói cho ra cái ác ấy do đâu mà sinh ra. Tống Nho đã đỗ cái ác ấy lên trên đầu chữ “Khí” (vật chất).

Lê Quý Đôn có một vũ trụ luận rất dặc sắc, nó giải quyết các vấn đề Vô cực và Thái cực, Hư Khí và Lý Khí một cách gọn gàng, hẳn hoi và dứt khoát.

Lê Quý Đôn không nói Vô cực mà chỉ nói Thái cực:
“Thái cực là một, nó là một khí hỗn nguyên…, một mở một khép gọi là biến, qua lại không cùng gọi là thông, khép lại là vô, mở ra là hữu, qua rồi là vô, đang đến là hữu, thấu xưa đến nay không có lúc nào là không tồn tại… Như thế mà bảo rằng “hữu sinh ư vô” (cái hữu là từ cái vô mà sinh ra) thì có được không?” (Lý khí, 4).

“Hữu sinh ư vô” là chữ của Lão Tử. Trong vấn đề “hữu vô” của triết học, Lê Quý Đôn đứng hẳn về bên “hữu”, cho nên bác truất cái mệnh đề “hữu sinh ư vô” của Lão Tử, và cả cái phạm trù Vô cực cũng của Lão Tử.

Trong mệnh đề “Thái cực là một cái Khí hỗn nguyên” (hỗn hợp và nguyên thủy), chúng ta thấy một giải pháp linh lợi và hoạt bát đối với vấn đề sự quan hệ giữa Thái cực và Lý Khí hay là giữa Thái hòa và Hư Khí, một vấn đề rất là tối tăm và rắc rối như chúng ta đã thấy trên kia.

Thái cực là Khí, mà khí là vật chất. Khí hỗn nguyên là cái vật chất bao gồm tất cả mọi sự vật và có trước mọi sự vật, vì nó là điều kiện sinh thành của mọi vật. “Đầy dẫy giữa khoảng trời đất đều là khí cả” (Lý khí, 3).

“Trời chỉ là khí tích lại, không có phương sở, không có hình tượng. Nhật nguyệt tinh tú chỉ là một thứ khí tích lại mà có ánh sáng đó thôi” (Lý khí, 6 – dẫn sách Liệt Tử).

“… Giữa khoảng trời đất, không có chỗ nào là không có khí[…]Giữa khoảng trời đất, bụi bay rối rít, không ngừng nghỉ, không đứt quãng, đó đều là do cơ động của khí khiến nên như vậy. Xem mặt trời bắn tia qua cửa sổ và nóc nhà thì thấy…” (Lý khí, 8 – dẫn sách Thông luận của Tiết Tuyên).

Khí là vật chất, thế thì Lý là gì, quan hệ giữa Lý và Khí như thế nào?

Trương Hoành Cừ đối lập Hư và Khí tong lòng Thái hòa, anh em họ Trình và Chu Hy thì đối lập Lý và Khí trong lòng Thái cực. Lê Quý Đôn cho rằng không thể đối lập Lý và Khí được:

“Đầy dẫy trong khoảng trời đất đều là Khí cả. Còn chữ Lý, thì chỉ để mà nói rằng nó (Khí) là thực hữu, chứ không phải là vô. Lý không có hình tích, nhờ Khí mới nhận ra được, Lý ở ngay trong Khí. Âm và dương, chẵn và lẻ, tri và hành, thể và dụng thì có thể cặp đôi được, chứ Lý và Khí thì không thể cặp đôi được” (Lý khí, 3).

Lê Quý Đôn không những không đối lập Lý và Khí, không những không đề cao Lý đối với Khí (Lý là hình nhi thượng, Khí là hình nhi hạ) như bọn Trình, Chu, mà lại còn sáp nhập Lý vào trong Khí, đem Lý làm một thuộc tính của Khí. Cái thuộc tính ấy là gì? Nếu dùng thuật ngữ ngày nay thì đó là quy luật tính, Lý là quy luật tính của Khí, của vật chất. Lê Quý Đôn không dùng những danh từ quy luật, định luật, nhưng trong tư tưởng của ông đã có những khái niệm ấy.

“Chim bay thì dùng cánh để rẽ khí, như người dùng tay rẽ nước bể bơi… Người ta vụt tay trong không khí thì có tiếng; nếu ở trong không không có khí thì ắt không còn có vật gì khác sinh ra tiếng được nữa. Trong không im lặng không có gió mà thấy ánh sáng nơi kẹt cửa có hạt bụi lên xuống cuồn cuộn, đó tất là khí làm nên như vậy. Kể ra mấy điều này để chứng minh rằng Khí là thực hữu” (Lý khí, 8).

Đó là ý nghĩa của câu “Lý […] để mà nói rằng nó (Khí) là thực hữu, chứ không phải là vô”.

Định luật là phép tắc bất biến của vật chất, trong những trường hợp ưu việt thì biểu hiện bằng những công thức số học. Lê Quý Đôn không dùng chữ định luật nhưng dùng chữ thường độ (độ thường; chữ thường nghĩa là bất biến), hay là nói “cái đạo (đường đi) của nó thì hữu thường”. Cái thường độ ấy, cái “đường đi hữu thường” ấy, tức là cái Lý ở trong cái Khí:

“Chữ Cụ là bão do chữ Cụ là đủ, nghĩa là đủ bốn thứ gió: Đông, Tây, Nam, Bắc. Nếu bão bắt đầu có vào buổi sáng, thì kéo dài ba ngày; bắt đầu vào buổi chiều thì kéo dài bảy ngày; bắt đầu vào buổi trưa thì chỉ có một ngày. Nếu bắt đầu từ phía Đông bắc, thì thế nào cũng đi từ Bắc sang Tây; nếu bắt đầu từ Tây bắc, thì thế nào cũng đi từ Bắc sang Đông, rồi đều quay sang hướng Nam mà tắt, gọi là “lạc Tây” và “hồi Nam”. Nếu không “lạc Tây”, không “hồi Nam”, thì hơn một tháng sau lại nổi bão. Nổi và tắt cân kéo với nhau: nổi ban ngày thì ngày hôm sau tắt; nổi ban đêm thì đêm hôm sau tắt. Bão là gió bất chính, là biến thể của một cái khí trái ngược, thế mà còn có thường độ như vậy” (Lý khí, 13).

“Trời thì cao và cách đất không biết mấy vạn dặm. Cái học trắc nghiệm thì ngang dọc, ngược xuôi, thêm bớt, nhân chia, chẳng qua một nắm con số, thế mà biết được đường đi và vị thứ của thất chính và nhị thập bát tú. Như thế chẳng phải là cái thể thì rất to lớn, cái dụng thì rất nhiệm màu, mà đường đi thì có phép thường (bất biến) hay sao? không thường thì sao được yên, không yên thì sao được lâu dài? xem như gió là do cái khí của trời đất khi tan khi tụ mà phát ra thành tiếng. Đời xưa có truyền lại các phép xem khí hậu, ấy là nói xem ở trong lục địa; còn như ở ngoài biển cả mông mênh, không còn biết đâu là đâu, mà các lái thuyền, các chân sào cũng biết được ngày nào, giờ nào nên tránh, nên đi. Được như thế là vì có cái gì thường nghiệm (đúng luôn luôn) vậy” (Lý khí, 14).

Những sự kiện như vậy chứng minh rằng: “Lý ở trong Khí, mà số thì từ Lý mà sinh ra” (Lý khí, 36).

Định luật không phải là một vật gì cụ thể, hữu hình, nó chỉ là cái phương thức vận động của vật chất. Sở dĩ chúng ta biết định luật, là nhờ quan sát hiện tượng và suy lý:

“Lý không có hình tích, nhờ có Khí nó mới hiện ra được. Lý ở ngay trong khí” (Lý khí, 3).

Lê Quý Đôn quan niệm bản thể của vũ trụ là Khí, là vật chất. Nhưng Lê Quý Đôn quan niệm Khí và vật chất là như thế nào?

Cũng như nhiều học giả cổ đại Hy-lạp hay ở Trung Quốc, Lê Quý Đôn còn có cái tư tưởng vật chất hữu sinh chủ nghĩa (hylozoisme) nghĩa là vật chất cũng có tính hữu cơ và có sự sống:

“Khí trời thì bay xuống, khí đất thì bay lên. Khí trời và khí đất đều là sinh ý cả” (Lý khí, 9).

“Đất mà không có vận động thì chỉ là một vật nằm lỳ, mà sinh ý hầu như tắt nghỉm vậy” (Lý khí, 5).

Từ chỗ “vật chất có sinh ý”, rất dễ đi đến chỗ vật chất có tính tình, có tri thức:

“… Sấm sét vang động, gió mưa thấm nhuần, nhật nguyệt vần xây, rét rồi lại nực, phân phát sinh dưỡng, vận động mở đóng. Xét cho đến cùng, chẳng qua là “dị giản” mà thôi. Tính tình của trời đất, đạo đức và sự nghiệp của thánh hiền đều không ngoài hai chữ ấy… (Lý khí, 19).

Từ chỗ vật chất có tính tình, lại đi đến chỗ vật chất là thần diệu:
“Tác dụng của Khí, thật là thiêng thay,thật là nhiệm thay. Khí mà thịnh, tất nhiên thư thái;khí mà suy thì phải co rút, xem nơi cây cối tươi hay khô thì biết. Khí trong thì thông, khí đục thì tắc, xem ở lòng người sáng hay mờ thì biết. Khí đầy thì lớn lên, khí vơi thì tiêu đi, xem nước biển lên xuống buổi sớm, buổi chiều thì biết. khí hoà thì hợp, khí trái thì lìa, xem cuộc trị hay loạn thì biết” (Lý khí, 20)

“Cái Khí thần dịu của trời đất thấu suốt xưa nay, lưu thông chuyển biến không chỗ nào là không có… cho nên hiền giả đời xưa cho rằng trời biết, đất biết” (Lý khí, 30)

Ý thức, tâm lý của con người là do Khí quyết định, mà vì Khí là thần dịu, cho nên cái tâm của con người cũng là thần diệu:

“ … Đất cứng thì người cương nghị, đất mềm thì người nhu nhược […] Khí ở gò thì hay sinh người cuồng […] khí ở cồn thì hay sinh người tham […] trung thổ thì hay sinh thánh hiền” (Lý khí, 17)

“ Lòng người thật là lớn, trên thì có thể thông với trời đất, giữa thì có thể trắc lượng quỷ thần, dưới thì có thể xem xét muôn vật. Cái diệu lý của tượng và số phân tản ra ở nơi Hình và Khí, từ cái không ra cái có, từ cái có vào cái không” (Lý khí, 30)

Do cái nguyên lý “đồng loại tương động” của tư tưởng nguyên thuỷ, lòng người thiện hay ác đều có ảnh hưởng đến sự vận hành của Khí trong vũ trụ:

“Nhật thực có thường độ (định luật), nhưng nhân sự biến đổi thế nào, vẫn liên quan đến nó. Con người sắp làm điều bất thiện mà hễ mặt trăng đi vào độ giao thực thì nó liền lấn át và che lấp mặt trời. Đó là cái Khí của con người động đến trời vậy” (Lý khí, 21)

Cái quan niệm vật chất hữu sinh, vật chất thần dịu đã đưa Lê Quý Đôn đi đến chỗ biện hộ cho thuyết luân hồi, tiền định, cho các phương thực như bố phệ (bói), tính mệnh (phối hợp giờ sinh với các sao để đoán số), phong thuỷ, v.v… Phong thủy là cái thuật xem hình đất để đặt mồ mả, mà trong dân gian thường gọi là địa lý. Lê Quý Đôn rất tin phong thuỷ. Trong Lý khí, Hình tượng và Khu vũ (sách Vân đài loại ngữ) có mấy chỗ nói kỹ về phong thuỷ. Lê Quế Đường tiên sinh tiểu sử(2) có nói năm Cảnh Hưng thứ 25 Lê Quý Đôn được phái đi “xem đất” ở Thạnh Hoá, và ở Tây Hồ. Đăng khoa lục sưu giảng nói Lê Quý Đôn có làm sách Địa lý tinh ngôn (Tiểu sử nói thêm sách Địa lý toản yếu).
Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là một thời kỳ thịnh phát của tư tưởng hỗn hợp nguyên thuỷ ở Việt Nam, biểu hiện trong nhiều tác phẩm như Tục truyền kỳ, Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tuỳ bút, Thoái thực ký văn v.v… và thu hút vào trong phạm vi của nó những người như phạm vi của nó những người như Phạm Viên, Lãn Ông, Nguyễn Thiếp, v.v… và cả Lê Quý Đôn nữa.

(còn tiếp)


Nguồn: Cao Xuân Huy. 1995.Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu. Hà Nội: Nxb. Văn học, tr.177 - 194.

(*) In trên tạp chí văn học, số 4, kỷ niệm 250 năm sinh Lê Quý Đôn, tháng VII và VIII - 1976
(1) Xem sách Chính mông.
(2) NC: Xem Nam Phong XXV, 1929 (phần chữ Hán)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top