Xin nhắc lại một số sự kiện chính:
Năm Thiên Phúc thứ nhất tức năm 981 Tống triều phát binh xâm lược Đại Cồ Việt. Ở mặt đường bộ, lực lượng tiến quân của Tống triều gồm hai đạo, một do Háu Nhân Bảo chỉ huy, một do Tôn Toàn Hưng chỉ huy. Về quan hệ giữa hai đạo quân này thì những cách chỉ định của sử Trung Quốc như:
“Hầu Nhân Bảo đem tiền quân trước”, và “Tôn Toàn Hưng đóng quân lại ở Hoa Bộ”. . . khiến có thể hiểu được rằng đấy là các bộ phận trước sau của một cánh quân cùng triển khai các hoạt động trên một hướng.
Tuy nhiên, căn cứ vào “trách nhiệm trọng thần để đảm nhận công việc” đánh lấy nước Đại Cồ Việt của Hầu Nhân Bảo, và với chi tiết: “Nhân Bảo thúc giục mãi nhưng Toàn Hưng không tiến binh”, thì rõ ràng Hầu Nhân Bảo là người phụ trách cả hai đạo quân khác nhau này, cũng như cả các đạo quân thủy bộ khác nữa. Với cương vị đó, Hầu Nhân Bảo đã chủ động tách ra một lực lượng bộ binh, thực hiện phương thức tiến binh tạo thành nhiều mũi nhọn, chọn con đường từ Ung Châu xuống miền rừng núi bây giờ thuộc Cao Bằng.
Đạo bộ binh do Hầu Nhân Bảo chỉ huy đại để đã theo con đường trùng với quốc lộ số 3 ngày nay mà “tiến lên trước”- như Tống sử đã ghi. Nó đã vượt được qua miền rừng núi phía Bắc nước Đại Cồ Việt, vượt được sông Cầu ở mạn Thái Nguyên ngày nay, để tràn qua miền trung du mà xuống tới rìa phía Bắc đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, rồi sau đó mới “lui giữ Ninh Giang” tức sông Cầu - như Việt sử lược đã chép.
Đấy là mũi tiến quân thứ nhất trên mặt bộ của binh lực viễn chinh Tống triều. Nó, rất cần được sự hỗ trợ, yểm hộ của mũi tiến quân thứ hai trên mặt bộ của binh lực viễn chinh Tống triều, do Tôn Toàn Hưng chỉ huy. Đạo quân này - như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi, tiến binh theo ngả Lạng Sơn, Chi Lăng, đại để theo con đường trùng với quốc lộ số 1 ngày nay mà tràn xuống đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng các điểm tiến quân xa nhất của nó trên trục đường này chỉ là Hoa Bộ rồi Đa La-như Tống sử đã ghi.
Hoa Bộ, theo sự chỉ dẫn của sách Quế hải ngu hành chí dẫn trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 1, thì ở phía nam trại Thái Bình tức vùng Tả Giang, giáp biên giới Lạng Sơn và ở gần Quang Lang tức vùng Ôn Châu thuộc Lạng Sơn.
Theo tự dạng ghi chép của sách Tống sử thì Hoa Bộ có nghĩa là “bến sông Hoa”. Sách Đại Nam nhất thống chí, đoạn chép về sông Nhật Đức, tức sông Thương, có nói về một trong ba nguồn của sông này, là “từ khe nhỏ châu Ôn tỉnh Lạng Sơn vào phía tây Bắc huyện Hữu Lũng, chảy 12 dặm làm thành sông Hoá” (1, 2).
Về cả tự dạng và nhất là về phát âm, trong ngôn ngữ, văn tự Trung Quốc, Hoa và Hóa rất gần nhau. Vì vậy “bến sông Hoa” cũng có thể hiểu là “bến sông Hóa”. Do đó, Hoa Bộ có thể là vùng sông Hóa, gần phía nam Chi Lăng, trên quốc lộ số 1 ngày nay.
Còn Đa La thì phải tìm ở phía nam Hoa Bộ, cũng trên trục quốc lộ số 1 bây giờ, Đa La là tên chỉ thấy ở nguồn sử liệu Trung Quốc. Chắc chắn đó là một tên phiên âm. Do đó, Đa La có thể là vùng Đa Mai (Đa Mỗi) gần Bắc Giang ngày nay, trên sông Thương. ở đó còn nhiều truyền thuyết về sự tích đánh giặc phương Bắc (3).
Đấy là những con đường và địa điểm có thể xác định được tươngđối rõ, liên quan đến hai mũi tiến quân trên mặt bộ của Tống triều. Cùng trên mặt đường bộ có thể còn có một đạo quân nữa, chưa được nghiên cứu thấu đáo. Đó là đạo quân do tướng Trần Khâm Tộ chỉ huy.
___________________
(1) Đại Nam nhất thống chí, Quyển XIX.
(2) Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam. Tập 1. Lê Thị Nhâm Tuyết : Phụ nữ 7 Việt Nam qua các thời đại. Hà Nội. 1975 , tr. 11 .
(3) Ý kiến của Lê Văn Lan trong bài: Bức tranh chiên cuộc mùa xuân 981 trong sách Lê Hoàn do Sở VH-TT Thanh Hoá xuất bản, 1985.