Trả lời chủ đề

Liên tiếp trong nhiều thế kỷ như vậy vùng Đan Nê có nhiều những đầm nước  tự nhiên trong các làng xóm. Theo quy luật của tự nhiên và kinh nghiệm  của cơ dân trồng lúa nước, những rãnh thoát nước cho ruộng đồng cùng sự  chảy từ cao xuống thấp đã tạo ra những con lạch thoát nước. Cứ lớn dần  lớn dần thành con sông nhỏ chạy vòng vèo quanh vùng Đan Nê. Tự nhiên và  con người đã tạo ra con đường thoát nước và dẫn nước cho vùng từ Bùi Xá  đến sông Mã ở Đan Nê (tức là từ xã Yên Phú đến Đan Nê hạ thuộc Yên Thọ).


Phía nam làng Bùi thuộc xã Yên Phú có núi Lời cao 200-300m. Do đó, cánh  đồng có độ cao hơn. Phía tây núi Lời có hai nhánh sông của sông Cầu Chày  từ Ngọc Lặc qua Thọ Xuân xuống vùng Phúc Tỉnh (xã Yên Đạo) thường gọi  là sông Sen, sông Bèo tạo thành ranh giới tự nhiên của hai huyện Yên  Định-Thọ Xuân.


Để nối sông Mã ở vùng Đan Nê với sông Cầu Chày thuận tiện dễ dàng nhất  là nạo vét khơi rộng dòng chảy từ vùng trũng làng Bùi để nước sông Mã  chảy vào và đào một đoạn kênh mới từ phía nam làng Bùi xuống Phúc Tỉnh  thông ra sông Cầu Chày.


Ở làng Bùi hiện nay có đền thờ Đào Lang. Theo thần tích được truyền lại  ông là tướng của nhà Đinh và nhà Lê có nhiều công lao trong trận mạc.  Khi tổ chức đào kênh, Lê Hoàn đã cử ông chỉ huy công việc này (1).

 

Như vậy tuyến kênh từ hữu ngạn sông Mã trên khu vực Đồng Cổ đào thông  với sông Cầu Chày ở khu vực xã Yên Lạc (Yên Định) và Định Tăng (Thiệu  Hoá) như sau: Từ Đồng Cổ thẳng đến làng Bùi, từ đó xuống Phúc Tĩnh. Nối  sông Mã với sông Cầu Chày thường được gọi là kênh Bùi Đỉnh. Dọc các làng  Bùi, làng Trịnh Lộc ngày nay con kênh còn để lại một dọc ruộng sâu rất  dễ nhận. Còn đoạn từ làng Bùi đến Hà Xá đi qua vùng đồng trũng nên dấu  vết không rõ.


Điều đáng lưu ý là đoạn từ Hà Xá đến Đan Nê thượng, kênh đi theo đường  thẳng cho nên làng Ngọc Luật thuộc Hà Xá bị chuyển sang phía tả kênh  đào, liền với các làng Lại Xá, Điền thôn, Đô thôn xã Hà Đô. Sau này do  nước sông Mã nhiều lần có thế nước mạnh đã phá cửu kênh lại cắt làng  Ngọc Luật ra khỏi các làng trên và làm biến dạng kênh đào. Đồng thời  cũng tạo nên một con sông tự nhiên nhưng lại theo hướng cơ bản của kênh  đào mà dân trong vùng gọi là sông Mạn Định.


Để khai thông đường thuỷ về phía nam từ vùng Đan Nê nối với sông Cầu  Chày (cự ly khoảng gần 10km), Lê Đại Hành cho lực lượng nạo vét, nắn  thẳng, khơi rộng các lạch nước vốn có và phải đào một đoạn kênh mới  khoảng 2km. Từ khu vực Đồng Cổ, con kênh đào đi qua các làng Bùi, Hà Xá  (nay thuộc xã Yên Trung, Yên Giang)... nối với sông Cầu Chày ở các làng  Bốc, làng Cát, Kẻ Vọc, Bái Trai thuộc các xã Yên Lạc, Định Tăng (2).

 

Đến thời Tiền Lê vùng Đan Nê không chỉ là nơi có đền thờ trống đồng linh  thiêng của cả nước, điểm hội tụ của giao thông thuỷ bộ từ bắc vào Thanh  Hoá mà đã trở thành điểm khởi đầu của con đường giao thông thuỷ nội địa  chiến lược từ Thanh Hoá vào nam.


Sau khi thông tuyến với sông Cầu Chày, Lê Đại Hành cho quân lính chọn  điểm nối sông Cầu Chày với sông Lường (tức sông Chu). Cùng chảy theo  hướng tây bắc-đông nam, sông Cầu Chày và sông Lường có đoạn gàn nhau  nhất ở Thiệu Ngọc (huyện Thiệu Hoá) và Xuân Vinh (huyện Thọ Xuân khoảng 2  Lưn. Không chỉ có chiều dài ngắn nhất mà khi nối thông sông Cầu Chày  với sông Lường thì bờ nam sông tường đó chính là khu Vực Trung (thuộc 2  xã Xuân Khánh, Thọ Nguyên huyện Thọ Xuân). Theo GS. Đào Duy Anh đó là:  “một điểm có nhiều dấu ấn liên quan đến huyện trị Cư Phong (3) thời Hán  và Cổ Lôi ở thế kỷ X”. Đoạn kênh đó ngày nay được gọi là kênh Ngọc Quang  có tác dụng quan trọng trong giao thông và thuỷ lợi hiện tại.



_____________________

(1) Lịch sử thanh Hoá. Tập 2. Nxb KHXH, N.1994. tr. 109. 120.

(2) Lịch sử Thanh Hoá, Tập 2 Nxb KHXH . N. 1994, tr. 109. 120.

(3) Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Khoa học.  H.1965. tr 52.


Top