Điều dễ dàng nhận thấy là tuyến đường từ Trung Quốc sang nước ta qua Lạng Sơn xuống Quỷ Môn Quan tuy đã được mở từ trước thế kỷ X, nhưng chưa bao giờ được sử dụng cho các cuộc hành quân, chuyển quân lớn. Đặng Xuân Bảng trong sách Sử học bị khảo cho biết khá cụ thể: “Con đường từ Thăng Long lên bắc, sang Trung Quốc, đời Đinh, đời Lê về trước đi qua Quảng Yên (......). Đời Lý về sau có khi đi đường Quảng Yên, có khi đi đường Lạng Sơn (đường Lạng Sơn bắt đầu từ năm Thuận Thiên thứ 9 đời Lý (1018) sai Phí Trí đi Quảng Tây đón kinh Tam Tạng, về sau Doãn Tử Tư, Nghiêm Thường cũng đi đường này)” (1).
Con đường bộ truyền thống mà các triều đại Trung Quốc tiến đánh nước ta suốt nghìn năm bắc thuộc vẫn chỉ là con đường ven biển Đông bắc. Sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống xác định rõ Quỷ Môn Quan ở cách huyện Bắc Lưu 30 dặm và đời nhà Tấn ai đi sang Giao Chỉ cũng đều phải qua đấy. Nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII làm sách Vân đài loại ngữ cho rằng: “Nay xét huyện Bắc Lưu gần châu Tân Yên thuộc tỉnh Yên Quảng của nước ta, Quỷ Môn Quan này phải ở chỗ ấy. Nay tục truyền nói cửa Quỷ Môn Quan ở xã Bình Lang thuộc châu ôn, tỉnh Lạng Sơn là sai” (2).
Như thế hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định rằng đoàn quân bộ của nhà Tống vào nước ta, xuất phát từ Quảng Đông (Trung Quốc) men theo đường bờ biển tiến vào địa đầu Quảng Ninh, qua vùng Đông Triều, Phả Lại rồi tiến xuống trung tâm châu thổ sông Hồng (3). Trên đường tiến quân Hầu Nhân Bảo dừng lại ở núi Lãng Sơn đúng như sách Đại Việt sử lược chép “quân Hầu Nhân Bảo đến đóng ở núi Lãng Sơn (4).
Vị trí cụ thể của Lãng Sơn có lẽ còn phải được khảo cứu kỹ thêm, tuy nhiên tìm Lãng Sơn trên con đường bộ men theo bờ biển Đông Bắc vẫn theo “con đường của những kẻ xâm lược” hằng đi suốt thời kỳ Bắc thuộc như một số nhà nghiên cứu gần đây chủ trương là hoàn toàn có cơ sở. Điều đáng lưu ý là khu vực Vạn Kiếp thời thuộc Đường là Lãng Châu (5), có nhiều thông tin để dự đoán khu vực Vạn Kiếp, Lục Đầu Giang có liên quan mật thiết đến vùng chiến trường Lãng Bạc thời Trưng vương.
Mục tiêu số một của cuộc tiến quân của quân Tống là kinh đô Hoa Lư và con đường tiến quân chủ yếu của cả hai đạo quân thuỷ bộ là con đường men theo bờ biển vào khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Hai đạo quân này đều đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Hầu Nhân Bảo và luôn luôn tìm cách phối hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau, tạo thành nguồn sức mạnh tuyệt đối để có thể đánh thật nhanh, giải quyết thật nhanh.
Chặn địch trên cả hai tuyến thuỷ, bộ trên vùng đất địa đầu miền Đông Bặc, phá tan âm mưu phối hợp hai đạo quân thuỷ bộ và kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Hầu Nhân Bảo là công việc đầu tiên có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của toàn bộ cuộc kháng chiến.
_______________________
(1) Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, bản dịch Nxb Văn hoá thông tin, N. 1997. trg.246. Về con đường truyền thống của các triều đại Trung Quốc tiến đánh nước ta: Đặng Xuân Bảng cũng thống nhất cho rằng: “Vì từ đời Hán về sau (Trung Quốc dụng binh ở Giao Châu thường dùng thuỷ quân từ Khâm Châu ra biển, vào Quảng Yên, thẳng vào sông Lục Đầu tỉnh Hải Dương, đến Bắc Ninh...” (Sử học bị khảo. Sđd. tr 261)
(2) Lê Quý Đôn : Vân đài loại ngữ, T 1. quyển 3 , bản dịch của Tạ Quang Phát. Sài Gòn 1972, tr. 212.
(3) Tham khảo C.L.Madrone: Xứ Bắc kỳ cổ đại (trích dịch BEFEO tập XXXVIII (1937) trang 263. Tư liệu khoa Sử. Đại học Quốc gia Hà Nội. TL 170.
(4) Đại Việt sử lược (bản chữ Hán do Trần Kinh Hoà biên khảo, giới thiệu). trg. 44. Sách chép rõ chừ “lãng” nghĩa là sóng nước, gồm bộ chấm thuỷ bên chữ lương. Lưu ý có mộl số bản chép nhầm là Ngân Sơn hay Lạng Sơn.
(5) Trần Phu (sứ thần nhà Nguyên) trong An Nam tức sự chép Vạn Kiếp là Lãng Châu thời thuộc Đường. Nhiều nguồn tư liệu di tích và truyền thuyết cho phép dự đoán khu vực Lãng Châu (Kiếp Bạc - Lục Đầu Giang) cũng có thể là Lãng Sơn (hay Lạng Sơn trong một số bộ sử cũ của ta) - nơi Hầu Nhân Bảo đóng quân là vùng Lục Đầu Giang.