Trả lời chủ đề

Đến các sử thần triều Nguyễn, vẫn sự kiện ấy song không thấy họ bình  luận gì nữa, chỉ thấy họ nghi ngờ về việc nhà Lê, nhà Lý khi lên ngôi có  những huyền tích giống với nhà Tống bên Trung Quốc và cho rằng “hay là  người làm sử thấy thế, gò ép gán gẩm vào với nhau để cho thần dị câu  chuyện” (1).


Tương tự như vậy, khi cùng bình luận về sự kiện Lê Hoàn phong đất, phong  vương cho các hoàng tử (trong số ấy có người con nuôi là Phù Đái  vương), Ngô Sĩ Liên luận rằng nhà vua nhận và phong đất cho con nuôi,  chẳng qua là vì vua ưu Ái riêng mà thôi. Thế nhưng Ngô Thì Sĩ lại đánh  giá rằng vua Lê làm việc ấy là “nhằm tránh cái nạn của nhà Đinh, phong  tước vương và đất cho 13 người con, để nơi lớn nhỏ ràng buộc lẫn nhau,  lúc nguy cấp thì cứu nhau, chống kẻ khinh rẻ mà giữ được sự bền lâu,  không để cho thừa cơ nhòm ngó, như mình đối với nhà Đinh”.


Song, dù đã lo nghĩ chu đáo, dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng Lê Đại Hành  cũng không lường hết được chữ “ngờ” khi chính những người con trai của  ông lại “tranh nhau lên ngôi”, “đấu đá lẫn nhau’ khiến cho vương quyền  rơi vào tay họ Lý. Lỗi ấy theo Ngô Thì Sĩ là do Lê Đại Hành đã “làm mười  điều ác không có một điều thiện” và không thể đổ cho  ai được” (2).


Khi bình xét sự kiện này, Đặng Xuân Bảng lại cho rằng nhà Lê sở dĩ rút  bài học từ chính mình đối với họ Đinh nên không đặt chức quan Thập đạo  tướng quân, mà sai các con làm vương ở các châu theo lối phân phong của  người xưa.  Nhưng từ khi Trung Tông lên ngôi, các anh em trong vương  thất đã tranh giành, đem quân đánh lộn lẫn nhau. Nhà vua tin kẻ hầu cận  hơn tin người thân trong nhà, và cái hoạ nhà Lý thay nhà Lê đã xảy ra”  như một điều tất yếu (3).


2.5. Điều cuối cùng nhận thấy qua lời bình của các sử gia, là giữa họ,  hệ thống các giá trị, chuẩn mực đạo đức, luân lý được sử dụng khi bình  xét, bên cạnh những yếu tố đồng nhất, xuyên suốt bởi sự bao trùm, chi  phối của lề lối Nho gia, thì những sử gia ấy, ở những thời đoạn khác  nhau, chịu những tác động của bối cảnh lịch sử khác nhau lại có những  khác biệt nhất định khi nhìn nhận, đánh giá về lịch sử. Điều đó được thể  hiện cụ thể, dễ nhận thấy trong cách hành văn, trong việc sử dụng các  thuật ngữ, khái niệm Nho-Hán, trong việc biện dẫn các điển tích, điển  cố, các sách kinh điển của nhà Nho trong từng lời, từng câu bình sử.


Không hiểu hai lời bình của Lê Văn Hưu về Lê Hoàn được dẫn lại trong tác  phẩm của Ngô Sĩ Liên có đúng là của chính tác giả hay không, hay nếu  đúng thì mức độ chính xác về mặt văn bản học như thế nào? Đọc cuốn chính  sử có niên đại gần nhất với thời của Lê Văn Hưu là Việt sử lược thì chỉ  thấy tác giả bộ sử này ngoài những mô tả đơn thuần các sự kiện lịch sử,  không thấy có bất kỳ sự bình phẩm, đánh giá nào.

Dẫu sao hãy cứ tin rằng đó là những lời bình của chính Lê Văn Hưu, cho  dù như trên đã nói, nó có thể đã được thêm thắt, nhấn mạnh bởi những sử  gia hậu sinh. Điều đó không phải không có căn cứ, khi ta đem so sánh  chúng với những lời bình của các sử gia thời sau.


Trong 2 lời bình về 2 sự kiện của Lê Văn Hưu, chúng tôi chỉ thấy tác giả  sử dụng 1 thuật ngữ Nho - Hán (đức,); 1 lần biện dẫn điển tích về chiến  công của nhà Hán, nhà Đường và 1 lần so sánh nhà Lê với nhà Lý xem đức  của họ nào dày hơn. Mật độ xuất hiện các thông tin này có một tỷ lệ khác  biệt hẳn trong những lời bình của các sử gia thời Lê.  Trong số 13 lời  bình về 10 sự kiện khác nhau, các tác giả triều Lê đã sử dụng đến 21  từ/cụm từ là các khái niệm Nho giáo.  Những thuật ngữ quen thuộc của đạo  Nho: “Trung - tín - nhân nghĩa”, “quân - thần”, “đạo vợ - chồng”, “nhân  luân”, “cương thường”... xuất hiện một cách thường xuyên, đậm đặc trong  các lời bình sử của họ.




_____________________

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định việt sử thông giám cương mục Sđd. tr.248.

(2) Ngô Thì Sĩ : Đại Việt sử ký tiền biên. Sđd. tr. 175.(3) Đặng Xuân  Bảng: Việt sử cương mục tiết yếu. Khoa học xã hội: Hà Nội. 2000. tr.73.


Top