Trả lời chủ đề

VAI TRÒ CỦA THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT HỒI THẾ KỶ X


TS. Nguyễn Thị Phương Chi

Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam


Trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời Cổ - Trung đại, Thái hậu Dương Vân  Nga, người phụ nữ ở thế kỷ X và vai trò của bà đối với lịch sử dân tộc,  đặc biệt là việc bà trao ngôi báu của nhà Đinh cho Lê Hoàn vào thời điểm  đất nước Đại Cồ Việt đứng trước họa xâm lăng của nhà Tống đã được các  sử gia phong kiến và các nhà nghiên cứu nhìn nhận, đánh giá. Nhưng các ý  kiến lại khá khác nhau.


Sử gia Lê Văn Hưu không trực tiếp đưa ra những lời bình luận về Thái hậu  nhưng đối với Lê Hoàn, ông đánh giá tài đức và công lao của Lê Hoàn còn  hơn cả nhà Hán, nhà Đường: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bắc,  bắt Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy  vài năm mà cõi bờ yên ũnh, cái công đánh ấy tuy nhà Hán nhà Đường cũng  không hơn được” (1).


Ngô Sĩ Liên với tư tưởng Nho giáo cũng không trực tiếp bàn luận về Thái  hậu nhưng lại cho rằng việc lên ngôi của Lê Hoàn là do quan hệ bất chính  với Thái hậu họ Dương: “Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước,  dẹp giặc bên ngoài để yên dân, trong nước lặng yên, Bắc Nam vô sự” (2).

 

Sau đó vua Lê Đại Hành lập Hoàng Thái hậu Dương Vân Nga làm Đại thắng  minh hoàng hậu thì sử thần Ngô S Liên còn nặng lời hơn: “Đạo vợ chồng là  đầu của nhân luân, mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm  quẻ Hằng lên đầu là tỏ rằng lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành  thông dâm với vợ vua, rồi nghiễm nhiên lập hoàng hậu, thì không còn có  lòng hổ thẹn gì nữa. Lấy lối ấy truyền lại đời sau, chính con mình lại  bắt chước mà gian dâm quá độ đến nỗi mất nước, há chẳng phải do Đại Hành  gây mối họa loạn ơ?” (3).


 Nguyễn Văn Tố trong bài: Đinh Tiên Hoàng, theo quan điểm Nho giáo dưới  ngòi bút của cụ, Lê Hoàn và Thái hậu họ Dương và mối quan hệ tình cảm  của họ là do tư thông, còn Lê Hoàn thì cậy quyền cậy thế không biết  kiêng sợ ai.


Tác giả viết: “Sử chép: . . . Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Lê Hoàn đều là  đại thần phụ chính, nhưng Lê Hoàn chuyên giữ binh quyền, ra vào trong  cung, không ai ngăn cấm. Thái hậu (tức người đàn bà họ Dương, là mẹ Đinh  Toàn) trông thấy đẹp lòng, rồi cùng tư thông. Thái hậu cho Lê Hoàn  quyền làm việc vua như bên Tàu Chu Công giúp Thành vương, từ bấy giờ Lê  Hoàn cậy thế được Thái hậu yêu không kiêng sợ ai tự xưng Phó vương” (4).


Về việc lên ngôi của Lê Hoàn, cụ Nguyễn Văn Tố sau khi dẫn lại đoạn  tư  liệu chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về việc quân lính đồng lòng ủng  hộ Lê Hoàn lên ngôi trước khi xuất quân đi đánh quân Tống, cụ không khỏi  luyến tiếc: “Thế là ngôi báu của nhà Đinh trong giây lát đã hóa ra nhà  Lê rồi” (5).

 

Tác giả Song Cối thoa Bằng) trong bài: Tôi bào chữa cho Dương Thái hậu  là một trong những tiếng nói đầu tiên trong những năm bốn mươi của thế  kỷ trước đánh giá được phần nào công lao của Dương Thái hậu đối với đất  nước: “Dương hậu đối với nhà Đinh tuy có khuyết điểm, nhưng đối với quốc  dân, bà là một người hoàn toàn vô tội nếu không kể là có công” (6).


__________________________________________________  ____________

(1) Đại việt sử ký toàn thư. Tập 1. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.  tr 167.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 1. Sđd. tr. 166.

(3) Đại việt sử ký toàn thư. Tập 1. Sđd. tr. 168.

(4) Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố. Đinh Tiên Hoàng. trong Đại Nam dật sử (Sử ta  so với sử tàu). Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội. 1.997. tr. 230. 

(5) Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố. Đinh Tiên Hoàng. trong Đại Nam dật sử (Sử ta  so với sử tàu). Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội. 1.997. tr. 232. 

 (6) Song Cối. Tôi bào chữa cho Dương Thái hậu. Tạp trí Tri Tân. số 41 (7-4-1942), tr. 18-19.


Top