“ Lẽ ghét thương” ( trích Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu.

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
“ Lẽ ghét thương” ( trích Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu.




Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong một bài viết nhân kỷ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu, năm 1963, đã đánh giá rất cao cuộc đời và thơ văn của nhà thơ. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu có mấy phân đoạn. Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu cho phân đoạn cho sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu trước ngày Pháp đánh vào Nam bộ. Chan hòa trong toàn bộ tác phẩm là những tình cảm hết sức đẹp đẽ, hồn nhiên, của những con người biết cứu giúp nhau trong hoạn nạn, yêu thương nhau lúc khó khăn, những con người sống chí tình, chí nghĩa. ( LSVHVN – nửa cuối thế kỷ XIX – NXB ĐH và THCN _ HN 1976 – Nguiyễn Lộc – trang 106).

Lẽ ghét thương là đoạn trích từ câu 473 đến 504 trong tác phẩm. Đây là đoạn ông Quán chê cười mỉa mai Trịnh Hâm và Bùi Kiệm sau cuộc đọ tài thi phú với Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực . Qua đó, ông Quán bộc bạch nỗi lòng thương ghét phân minh của mình.

Như đã nói, tình cảm yêu thương, đùm bọc, cứu giúp nhau trong khó khăn hoạn nạn..là điểm nổi bật, chan hòa torng tác phẩm Lục Vân Tiên, nên khi nói ra quan niệm của mình, ông Quán đã khẳng định, vì chưng hay ghét cũng là hay thương. Chính tiêu chuẩn lớn nhất này đã làm nên bản chất tư tưởng chủ đề tác phẩm.

Qua Lục Vân Tiên, gần như các nhân vật chính diện đều thể hiện điều này. Tuy vậy, là người thông kinh sử, biết suy ngẫm việc đời, ông Quán rất phân minh bộc bạch quan điểm của mình khi Vân Tiên hỏi về lẽ thương, lẽ ghét:

Quán rằng: Ghét việc tầm phào,
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang,
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.
Ghét đời Ngũ bá phân vân,
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn,
Ghét đời thúc quý phân băng,
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân.

Ở đây ta gặp nhiều điển cố sách vở của Trung Quốc thời xa xưa, nhưng với người đương thời, khi tác phẩm ra đời đều là những kiến thức, những chuyện thông thường. Vì vậy, nó không có gì khó hiểu. Qua lời ông Quán về những điều đáng ghét, ta lại thấy rõ hơn quan điểm, tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu về chữ trung trong trong đạo đức phong kiến. Trung ở đây là trung quân, trung với vua, nhưng với Nguyễn Đình Chiểu cái trung này có điều kiện. Không thể trung với vua, khi vua đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Theo nhà thơ, trung quân, trước hết không phải xuất phát từ vua mà chính là từ nhân dân, từ lợi ích thiết thực của người dân. Do vậy, lời ông Quán ở trên là sự phê phán, căm ghét, không thừa nhận những loại vua chúa đã được ông dẫn ra. Tuy nhiên, quan điểm, tư tưởng của ông Quán không phải đơn giản là căm ghét những ông vua trong sách vở, lịch sử ghi lại. Nếu chỉ như thế thôi, phỏng có ích gì? Thật ra, Nguyễn Đình Chiểu rất có tâm ý trong sự liên tưởng với thời đại mình đang sống ! Nếu chúng ta biết đối chiếu với thực trạng nhà Nguyễn suy tàn phản động bấy giờ…thì quả là phải ghét. Cái thái độ của ông Quán như ở trên, kỳ thực là quan điểm tư tưởng đầy tính phê phán, chủ định của Nguyễn Đình Chiểu.

Ông Quán tiếp tực bộc bạch quan điểm tư tưởng của mình về lẽ thương:

Thương là thương đức thánh nhân,
Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông.
Thương thầy Nhan Tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt đã đành phui pha.
Thương thầy Đồng Tử cao xa,
Chỉ thời có chí, ngôi mà không ngôi.
Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi,
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày.
Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa.
Thương thầy Liêm, Lạc đã ra,
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân.
Xem qua kinh sử mấy lần,
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương.

Ngược lại với các bậc vua chúa, triều đại đã làm cho người dân cơ hàn, đói khổ, ở đây, những bậc hiền tài, các trí thức có tâm huyết, các vị quan liêm khiết, trung trực…đều là những người biết hướng tới nhân dân. Nhưng tất cả vì nhiều lý do khác nhau, vì nhiều mâu thuẫn khác nhau đã bị đối xử thậm tệ và không có cơ hội tốt nhất để giúp nước, giúp dân, giúp đời theo sở nguyện của mình, họ chính là những tấm gương sang về phẩm chất và nhân cách mà ông Quán rất ủng hộ, ngợi ca. Dựa vào tiêu chuẩn căn bản nhất là tình thương dân, làm việc có lợi cho dân, ông Quán đã bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình.

Như đã nói, các nhân vật chính diện trong Lục Vân Tiên đều thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm. Ngoài Lục Vân Tiên, nhân vật vừa có tính tự nguyện, vừa lý tưởng của Nguyễn Đình Chiễu, các nhân vật khác như. Vương Tử Trực, Hớn Minh, Nguyệt Nga, rồi những nhân vật bé nhỏ như ông Quán, ông Ngư, ông Tiều, chú Tiểu…đều góp phần thể hiện tình thân ái, hành động quên mình vì nghĩa lớn. Ở đây, lời ông Quán về lẽ ghét, lẽ thương thực ra chính là phát ngôn gián tiếp của Nguyễn Đình Chiểu qua nhân vật của mình. Và như vậy, theo tác giả, ghét là ghét những kẻ hại dân, làm cho nhân dân lầm than, khốn khổ, thương là thương những người biết lo nghĩ, yêu thương, chăm chút cho đời sống nhân dân. Việc tốt hay việc xấu, người tốt hay người xấu đều được đánh giá trên cơ sở có lợi hay có hại cho nhân dân. Cũng do vậy, Lục Vân Tiên chủ yếu không phải là tác phẩm đề cao Trung, Hiếu, Tiết, Hạnh mà là tác phẩm đề cao nhân nghĩa, tình thương và phê phán tất cả những việc làm bất nhân bất nghĩa.

Với đoạn trích Lẽ ghét thương, qua nhân vật của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bộc lộ rõ thái độ về lẽ ghét thương. Trên cơ sở có lợi hay có hại cho nhân dân, nhà thơ trình bày tư tưởng của mình. Đó là quan điểm tư tưởng kiên định, nhất quán của nhà thơ, nên đoạn trích vẫn đem lại những nhận thức tích cực, truyền đến người đọc tình cảm và tư tưởng thương dân rất tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu trước khi giặc Pháp đánh vào Nam Bộ.



Nguồn: NXBTPHCM
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top