Lão Tử (Tiếng Trung Quốc 老子, cũng được chuyển tự thành Lao Tzu, Lao Tse, Laotze, Laotsu, và một số cách khác) là một nhân vật chính trong Triết học Trung Quốc, sự tồn tại của ông trong lịch sử hiện vẫn đang còn tranh cãi. Theo truyền thống Trung Quốc, ông sống ở thế kỷ thứ 6 TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỷ thứ 4 TCN, thời Bách gia chư tử và Thời Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết cuốn sách thuộc Đạo giáo rất có ảnh hưởng, cuốn Đạo Đức Kinh (道德經), và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo (Đạo tổ 道祖).
Cuộc đời
Rất ít điều được biết về cuộc đời Lão Tử. Sự hiện diện của ông trong lịch sử cũng như việc ông viết cuốn "Đạo Đức Kinh" đang bị tranh cãi rất nhiều. Lão Tử đã trở thành một anh hùng văn hoá quan trọng đối với các thế hệ người Trung Quốc tiếp sau. Truyền thống cho rằng ông sinh ra ở huyện Khổ (苦縣) nước Sở (楚), hiện nay là Lộc Ấp (鹿邑) thuộc tỉnh Hà Nam, trong những năm cuối Thời Xuân Thu. Một số truyền thuyết nói rằng khi sinh ra tóc ông đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ tám hay tám mươi năm, điều này giải thích cho cái tên của ông, có thể được dịch thành "bậc thầy già cả" và "đứa trẻ già".
Theo truyền thống, và một tiểu sử gồm cả trong cuốn sử của Tư Mã Thiên, Lão Tử là người đương thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử và làm chân giữ sách trong thư viện triều đình nhà Chu. Khổng Tử đã có ý định hay đã tình cờ gặp ông ở Chu, gần nơi hiện nay là Lạc Dương, nơi Khổng Tử định đọc các cuốn sách trong thư viện. Theo những câu chuyện đó, Khổng Tử, trong nhiều tháng tiếp sau, đã tranh luận về lễ nghi và phép tắc, vốn là những nền tảng của Khổng giáo, với Lão Tử. Những điều mà Lão Tử phản đối mạnh mẽ và cho là vô ích. Truyền thuyết Đạo giáo kể rằng những cuộc tranh luận đó có ích cho Khổng Tử nhiều hơn so với những gì có trong thư viện.
Sau này, Lão Tử thôi việc, có lẽ bởi vì quyền lực của triều đình nhà Chu đã sụp đổ. Một số lời giải thích cho rằng ông đã đi về phía Tây trên lưng con trâu nước qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn. Những lời giải thích đó cho rằng có một người gác cửa ở cửa phía tây của Vạn lý trường thành thuyết phục Lão Tử viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Cho tới lúc ấy, Lão Tử mới chỉ nói ra các triết thuyết của ông mà thôi, và giống như trường hợp của Jesus, Phật, và Khổng Tử (những cuốn văn tuyển của họ hầu như được hoàn thành bởi các đệ tử). Theo yêu cầu của người lính đó, Lão Tử đã viết để lại cuốn "Đạo Đức Kinh". Nhiều cuốn ghi chép và bức tranh về Lão Tử còn lại đến ngày nay, thường thể hiện ông là một người già hói đầu với một chòm râu trắng hay đen và rất dài; ông thường cưỡi trên lưng một con trâu nước.
Một số cuộc tranh luận hiện tại liên quan tới cuộc đời Lão Tử gồm:
Cuộc tranh luận với Khổng Tử có thể do những người Đạo giáo tạo ra nhằm nâng cao vị thế triết học của họ so với Khổng giáo.
Tác giả đích thực của cuốn "Đạo Đức Kinh" có thể đã tạo ra những đặc tính hư cấu để nguồn gốc cuốn sách mang nhiều vẻ huyền bí hơn, và nhờ thế sẽ dễ dàng đưa nó vào cuộc sống hơn.
Những tranh cãi đã nổ ra về việc "Lão Tử" là một bút danh của Đam, Thái sử Đam (太史儋); hay một ông già từ Lai, một quận thuộc nước Tề (齊); hay một nhân vật lịch sử nào đó.
Cũng có người tin rằng "Đạo Đức Kinh" được viết như một cuốn sách hướng dẫn dành cho các Hoàng đế về việc họ phải cai trị đất nước như thế nào theo một cách thức tự nhiên hơn: "Cai trị bằng cách không cai trị". Điều này có thể thấy trong nhiều đoạn trong "Đạo Đức Kinh", khi nói rằng: "Không tán dương người quyền quý thì người dân không tranh tụng" và "Không đề cao giá trị đồ quý thì người dân không tranh cướp" và "Dân chúng đói khổ là kết quả của thuế nặng. Vì thế, không có nạn đói
Đạo giáo
Tác phẩm của Lão Tử, cuốn Đạo Đức Kinh, là một trong những cuốn chuyên luận đáng chú ý nhất trong lịch sử triết học Trung Quốc. Nó là kiệt tác của ông, đụng chạm tới nhiều vấn đề của triết học từ tính chất duy linh của cá nhân và động lực giữa các cá nhân cho đến các kỹ thuật chính trị.
Lão Tử đã phát triển khái niệm "Đạo", thường được dịch trong tiếng Anh là the Way ("con Đường"), và mở rộng nghĩa của nó thành một trật tự vốn có hay tính chất của vũ trụ: "(Đạo) là thiên nhiên". Ông nhấn mạnh khái niệm vi-vô-vi, hay "hành động thông qua không hành động". Điều này không có nghĩa là mọi người chỉ ngồi một chỗ và không làm gì cả, mà có nghĩa là họ phải tránh không để cho ham muốn, ý định và sự hăng hái xuất hiện; mọi người chỉ có thể đạt tới hiệu quả thực sự bằng cách đi theo con đường của mọi vật, tự động tăng và tự động giảm. Những hành động được thực hành theo Đạo rất dễ dàng và có hiệu quả hơn mọi cố gắng để chống lại nó. Lão Tử tin rằng cần phải tránh bạo lực khi có thể, và rằng chiến thắng quân sự là một cơ hội để bày tỏ sự dằn vặt vì buộc phải sự dụng vũ lực chống lại những người khác, hơn là một cơ hội để nhảy múa ăn mừng.
Giống với những lý lẽ phản đối do Plato đưa ra trong cuốn Cộng hoà về nhiều hình thái chính phủ, Lão Tử chỉ ra rằng các luật lệ để chuẩn hóa và cai trị chỉ dẫn tới một xã hội khó kiểm soát hơn.
Tương tự như nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc khác, cách giải thích tư tưởng của ông luôn sử dụng sự nghịch biện, loại suy, sử dụng các câu nói từ trước, lặp lại, đối xứng, vần và chuỗi sự kiện lặp lại. Những đoạn văn được cho là của ông rất giống thơ và khó hiểu. Chúng được coi là những điểm khởi đầu cho sự suy xét về vũ trụ học hay quan sát nội tâm. Nhiều lý thuyết mỹ học trong nghệ thuật Trung Quốc bắt nguồn từ những ý tưởng của ông và người kế tục nổi tiếng nhất của ông là Trang Tử.
Một số người nghĩ rằng trường phái triết học Tây phương có tính chất tương tự nhất với Đạo giáo là Trường phái truyền thống, đặc biệt là các tác phẩm của Ananda Coomaraswamy và Rene Guenon.
Những ảnh hưởng
Người kế tục nổi tiếng nhất của Lão Tử, Trang Tử, đã viết một cuốn sách có ảnh hưởng lớn tới Giới trí thức Trung Quốc, mặc dù các ý kiến về chủ nghĩa cá nhân, tự do, sự thảnh thơi, và, thậm chí nếu tác giả không bao giờ đề cập đến nó, nghệ thuật, nó có thể chính là nền tảng của Mỹ học Trung Quốc.
Tác phẩm Đạo Đức Kinh của ông là một tác phẩm triết học kinh điển.
Các tên
Cái tên "Lão Tử" là danh xưng kính trọng. Lão (老) có nghĩa "đáng tôn kính" hay "già". Tử (子) dịch theo nghĩa đen là "chú bé", nhưng nó cũng là một thuật ngữ chỉ một đẳng cấp quý tộc tương đương với tử tước, cũng như là một thuật ngữ tỏ ý tôn kính được gắn với những cái tên của những bậc thầy đáng kính trọng. Vì thế, "Lão Tử" có thể được dịch tạm thành "bậc thầy cao tuổi".
Tên riêng của Lão Tử có thể là Lý Nhĩ (李耳), tên tự của ông có thể là Bá Dương (伯陽), và tên thụy của ông là Đam, (聃) có nghĩa là "Bí ẩn".
Lão Tử cũng được gọi là:
Lão Đam (老聃)
Lão Quân 老聃)
Lý Lão Quân (李老君)
Thái Thượng Lão Quân (太上老君)
Lão Tử Đạo Quân (老子道君)
Ở thời nhà Đường họ Lý, để tạo mối liên hệ với Lão Tử, coi ông là tổ tiên của hoàng gia, ông được trao tên thuỵ là Huyền Nguyên Hoàng Đế (玄元皇帝), có nghĩa "bậc tiền bối thâm thúy;" và miếu hiệu là Thánh Tổ (聖祖), có nghĩa "Bậc tiền bối Thánh thiện/Uyên bác
Sưu tầm! Chẵng hiểu sao mấy chử hán bị lỗi mọi người thông cảm