Lào từ sau 1945

Thandieu2

Thần Điêu
LÀO TỪ SAU 1945


Văn Ngọc Thành

a, Thời kỳ đấu tranh bảo vệ nền độc lập và hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945 - 1975).

- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954).

Tháng 8 - 1945 phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, ở Việt Nam, cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi. Chớp thời cơ thuận lợi đó nhân dân Lào đã vùng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn phong kiến tay sai (2-10-1945). Nhân dân Viêng Chăn đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền (được gọi là cuộc “cách mạng Tu la”, tức là cách mạng tháng Mười), Chính phủ Lâm thời nhà nước Lào độc lập được thành lập. Ngày 12 - 10, Chính phủ Lào ra mắt quốc dân ở thủ đô Viêng Chăn và trịnh trọng tuyên bố trước thế giới về nền độc lập của Lào.

Trên thực tế, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Lào đã bắt đầu ngay trong quá trình tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Đến tháng 3 - 1946, thực dân Pháp chuyển từ chính sách lấn chiếm sang chính sách vũ trang xâm lược Lào, cuộc kháng chiến toàn quốc ở Lào chính thức bùng nổ. Được sự hỗ trợ của nhân dân, cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ trang Lào đã diễn ra ở nhiều thành phố lớn nhằm giam chân địch, tản cư dân chúng, sau khi Thà Khẹt (nằm trên bờ sông Mêkông) bị thất thủ, Chính phủ cách mạng lâm thời Lào phải chuyển sang Na Khon (Thái Lan), phong trào tiêu thổ kháng chiến diễn ra khắp nơi.

Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng các thành phố Lào, thực dân Pháp đưa vua Lào Xixava trở lại ngôi vua và con trai vua Xixavang Vatthana làm thủ tướng Chính phủ bù nhìn tay sai. Trước tình hình đó, Chính phủ cách mạng lâm thời Lào bắt đầu phân hoá. Sự phân hoá trong hàng ngũ kháng chiến ở các quân khu của tỉnh cũng diễn ra. Cách mạng Lào đang đứng trước sự thử thách lớn.

Thực hiện chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, cách mạng Lào chuyển hướng hoạt động về các vùng nông thôn, rừng núi. Tháng 10-1946, được sự giúp đỡ của Việt Nam, các lực lượng kháng chiến ở Savana Khẹt, Khăm muộn, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa đã tiến hành Đại hội thành lập Uỷ ban giải phóng Đông Lào (tại Vinh, Việt Nam) bầu Nuhắc Phumxavẳn làm chủ tịch. Đến năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các chiến khu dần dần được thành lập ở Tây Lào, Thượng Lào và Đông Bắc Lào. Sang năm1948, các căn cứ địa kháng chiến đã xuất hiện trên tất cả các địa bàn ở Lào tạo thành thế cài răng lược của cuộc chiến tranh nhân dân.

Ngày 20-1-1949 tại Sầm Nưa, đồng chí Cay Xỏn Phomvihẳn chính thức tuyên bố thành lập đơn vị đầu tiên của Quân giải phóng nhân dân Lào, lấy tên là “Látxavông”. Sự ra đời của Quân giải phóng nhân dân Lào đã thống nhất các lực lượng vũ trang ở Lào vào một tổ chức thống nhất, tiếp tục đưa cách mạng Lào phát triển. Đội Latxavông nhanh chóng phát triển, mở rộng nhiều khu du kích rộng lớn ở Mường Xinh, Luông Phabăng, Sầm Nưa, Viêng Chăn, Khămmuộn, Atôpơ, Xaravan, Xavana Khẹt...

Trên cơ sở thống nhất các tổ chức kháng chiến ở Lào, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1950, hơn 100 đại biểu của các căn cứ kháng chiến trong toàn quốc đã tiến hành Đại hội đại biểu quốc dân Lào. Đại hội đã quyết định: thống nhất các tổ chức quần chúng, thành lập mặt trận Lào tự do (Neo Lào Itxala) và bầu Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do; thành lập Chính phủ kháng chiến Lào, do Hoàng thân Xuphanuvông đứng đầu; ra bản cương lĩnh 12 điểm, xác định mục tiêu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Lào; xác định tên đất nước là Pathét Lào, quy định quốc kỳ, quốc ca và thông qua bản Tuyên ngôn của Đại hội. Rõ ràng đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân các bộ tộc Lào, nó có tác dụng cổ vũ, đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong toàn quốc, đánh dấu bước chuyển biến cơ bản của cuộc kháng chiến, mở ra giai đoạn phát triển toàn diện về quân sự, chính trị của cuộc kháng chiến. Với sự ra đời của Pathet Lào (nước Lào) một quốc gia dân tộc Lào mới đang thực sự hình thành.

Bước sang năm 1951, một sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, đó là Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp vào tháng 2-1951. Căn cứ vào sự trưởng thành cũng như sự đòi hỏi khách quan của cách mạng mỗi nước, Đảng Cộng sản Đông dương quyết định giao phó cho giai cấp công nhân mỗi nước trách nhiệm lãnh đaọ cách mạng ở nước mình. Tiếp đó, tháng 3 -1951, Liên minh Việt - Lào - Khơ me được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau. Những sự kiện này đã thúc đẩy những hoạt động chung, phối hợp chiến đấu giữa quân và dân ba nước Đông Dương, đưa cách mạng Lào phát triển cả bề rộng và bề sâu.

Bước sang năm 1953, cục diện chiến trường Lào phát triển tạo điều kiện cho sự phối hợp trên quy mô toàn Đông Dương, chiến dịch Thượng Lào (8-4 đến 3-5-1953) liên quân Lào - Việt đã giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phongsalì, tiêu diệt 2800 tên địch ( 1/5 tổng số quân Pháp ở Lào đầu năm 1953), tạo thế uy hiếp đối với thực dân Pháp.

Phát huy thắng lợi, cuối thu 1953, liên minh chiến đấu Việt- Lào - Khơ me đã nhất trí mở cuộc tiến công chiến lược mùa khô 1953-1954 nhằm đập tan kế hoạch Nava. Với tư tưởng “quan điểm toàn cục”, “lợi ích bộ phận phục tùng lợi ích chung”, cách mạng Lào đã đóng góp to lớn của mình vào thắng lợi chung thông qua các chiến dịch lớn: chiến dịch Trung Lào tháng (12-1953) tiêu diệt 2200 tên địch, giải phóng phần lớn tỉnh Xavanakhẹt, Khăm muộn, đẩy địch về cố thủ ở Sênô; chiến dịch Nam Lào (cuối tháng 1-1954 đến cuối tháng 2-1954), tiêu diệt 3000 tên địch, giải phóng Atôpơ, cao nguyên Bôlôven và phía Nam Xaravan, nối vùng giải phóng Trung Lào với Nam Lào; ở Bắc Lào, phối hợp với bộ đội Việt Nam, tháng 1-1954 quân đội Lào đã tấn công Mường Khoả, quét sạch quân địch ở Nâm Hu, tiến sát Luông Phabăng, giải phóng tỉnh Phongsalỳ. Khu giải phóng mở rộng thêm 10.000km[SUP]2[/SUP], nối liền một dải với Sầm nưa và với vùng Tây Bắc của Việt Nam. Những thắng lợi này đã đẩy quân Pháp dồn về căn cứ Điện Biên Phủ. Trong cuộc tấn công 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, những hoạt động phối hợp chiến đấu ở Lào, Campuchia tiếp tục được đẩy mạnh. Nhân dân Lào tự hào xem chiến thắng Điện Biên Phủ “là thắng lợi của tình đoàn kết liên minh chiến đấu toàn diện giữa quân đội và nhân dân ba nước mà Việt Nam là trụ cột.” (1)https://user.hnue.edu.vn/editor/fckeditor.html?InstanceName=content&Toolbar=Default#_ftn1

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, ở Lào quân Pháp rút khỏi nhiều vị trí, hơn 1/2 đất đai và 1/2 dân số đã được giải phóng. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Hiệp định quy định: Các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Lào, Việt Nam, Cămpuchia; ngừng bắn đồng thời trên cả ba nước Đông Dương, quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, không được phép lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ ba nước Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước. ở Lào, lực lượng kháng chiến được tập kết tại 2 tỉnh Sầm Nưa và Phong salỳ.

Mặc dù Hiệp định Giơnevơ không phản ánh đúng những thắng lợi của nhân dân Lào cũng như nhân dân ba nước Đông Dương nhưng nó đánh dấu sự thắng lợi vẻ vang của 9 năm kháng chiến của dân tộc Lào. Từ hai bàn tay trắng, lực lượng cách mạng Lào đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế, và có 2 tỉnh làm căn cứ địa. Đó là những tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo của cách mạng Lào.

- Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và tay sai (1954 - 1975).

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, âm mưu giành giật Đông Dương của Mĩ bộc lộ ngày càng rõ rệt. Viện trợ Mĩ cho thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương ngày càng tăng (1950:19%, 1952: 35%, 1953: 43%, 1954: 73%). Ngoài sự giàu có tài nguyên, Lào có biên giới tiếp xúc với Trung Quốc và Việt Nam nên Mĩ càng quyết tâm thay thế thực dân Pháp ở đây. Bằng “viện trợ” về kinh tế và quân sự, Mĩ đã dần dần nắm được quyền chi phối về kinh tế và quân sự của Chính phủ phản động phái hữu do Kàtày đứng đầu. Ngày 19-8-1954, Mĩ ngang nhiên đặt Lào dưới sự bảo hộ của khối quân sự SEATO.

Trong suốt thời kỳ từ 1954 đến 1975, cách mạng Lào phát triển với sự vận động của ba lực lượng chính trị trong xã hội: lực lượng cách mạng - lực lượng phản cách mạng - và lực lượng dân chủ tiến bộ theo xu hướng dân chủ tư sản. Sự lớn mạnh của các lực lượng dân chủ tiến bộ theo xu hướng dân chủ tư sản ở giữa sẽ giải thích hiện tượng cách mạng Lào có sự thành lập và tan rã nhiều lần của các Chính phủ Liên hiệp. Trong những năm 1954-1975 cuộc đấu tranh cách mạng chống đế quốc Mĩ và tay sai của nhân dân Lào phát triển qua 4 giai đoạn chủ yếu sau đây:

Giai đoạn từ 1954 đến 1959: Thắng lợi cơ bản của cách mạng Lào trong giai đoạn này là việc bảo vệ hai tỉnh căn cứ cách mạng Sầm Nưa, Phong salỳ và triển khai lực lượng cách mạng ở 10 tỉnh, sự ra đời và tan rã của Chính phủ Liên hiệp lần thứ nhất.

Sau khi dựng lên Chính phủ Kàtày, Mĩ sử dụng số viện trợ 50 triệu đô la cho bọn tay sai tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống lại các lực lượng cách mạng Lào và đàn áp mọi xu hướng yêu nước. Trong suốt hai mùa khô 1954 - 1955, 1955 - 1956 chúng tập trung 14 tiểu đoàn với cố vấn Mĩ, Pháp tấn công vào khu tập kết của lực lượng kháng chiến ở Sầm Nưa và Phong salỳ, đồng thời chúng đàn áp đẫm máu những người kháng chiến cũ ở 10 tỉnh còn lại. Tuy nhiên, lực lượng cách mạng Lào vẫn không ngừng lớn mạnh, liên tiếp bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt 5000 tên. Về chính trị, ngày 22-3-1955, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào được khai mạc ở HủaPhan (Sầm nưa). Sau 16 ngày làm việc, Đại hội đã quyết định thành lập Đảng Nhân dân Lào (tháng 2-1972, Đại hội II đổi tên là Đảng Nhân dân cách mạng Lào). Đây là bước phát triển mới của cách mạng Lào. Tiếp đó, ngày 6-1-1956, Đại hội Mặt trận Lào tự do (NeoLào Itxala) tiến hành ở Sầm Nưa, đề ra các biện pháp thu hút đông đảo các lực lượng tiến bộ vào cuộc cách mạng. Đại hội quyết định đổi tên thành Mặt trận Lào yêu nước (NeoLào Hắcxạt), bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch.

Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng cách mạng Lào không chỉ được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân cả nước mà còn tranh thủ được các tầng lớp trung gian và lôi kéo nhiều nhân vật trong Quốc hội và trong Hoàng tộc. Do vậy, ngày 4-7 -1956, trước sức ép của Quốc hội Viêng Chăn, Kàtày buộc phải từ chức. Ngày 9 - 8- 1957, Chính phủ mới do Hoàng thân Suvana Phuma làm Thủ tướng được thành lập, tạo cơ sở cho sự ra đời Chính phủ Liên hiệp ngày 19 -11 -1957.

Với sự ra đời của Chính phủ Liên hiệp, Neo Lào Hắcxạt cùng các lực lượng kháng chiến nhanh chóng tỏa về các địa bàn nông thôn, thành thị ở khắp 10 tỉnh, tích cực hoạt động. Uy tín của Neo Lào Hắcxạt ngày càng lên cao trong cả nước. Trước “nguy cơ cộng sản ở Lào”, ngày 16-8-1957 Mĩ giật dây, gây sức ép lật đổ Chính phủ Liên hiệp, lập Chính phủ mới do Phủi Sananicon cầm đầu, âm mưu tiêu diệt lực lượng kháng chiến Lào. Với viện trợ Mĩ, Phủi Sananicon đưa số ngụy quân từ 17.000 tên lên 40.000 tên, điên cuồng chống phá cách mạng Lào.

Giai đoạn từ 1959 - 1962: Thắng lợi cơ bản của cách mạng Lào ở giai đoạn này là đã bảo toàn được lực lượng, chuyển hướng đấu tranh cách mạng đưa đến Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào và sự thành lập Chính phủ Liên hiệp lần thứ II.

Trước sự phản bội của bọn Phủi Sananicon, lực lượng kháng chiến Lào đã nhanh chóng phá vòng vây rút về các vị trí tập kết để bảo toàn lực lượng, chuyển hướng đấu tranh: từ hợp pháp công khai sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, phát động nhân dân nổi dậy chống đế quốc Mĩ và bọn tay sai. Theo đề nghị của cách mạng Lào, quân tình nguyện Việt Nam lại sang sát cánh cùng quân, dân Lào chống kẻ thù chung

Phía chính quyền tay sai: mâu thuẫn, xung đột ngày càng trầm trọng. Ngày 28-12-1959, Mĩ đưa Phumi Nôsavăn lên thay Phủi Sananicon. Tuy nhiên mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Kết quả là ngày 9-8-1960, sỹ quan, binh lính tiểu đoàn dù số 2, “con cưng” của ngụy quân, do đại uý Koongle chỉ huy, đã tiến hành đảo chính, đưa Hoàng thân Suvana Phuma trở lại làm thủ tướng. Bọn Phumi Nôsavăn tháo chạy sang Thái Lan, dựa vào Mĩ, Thái lập nên một Chính phủ khác ở Savanakhẹt. Trong lúc đó cách mạng Lào vẫn phát triển mạnh mẽ. Lực lượng Pathét Lào đã giành chính quyền ở nhiều nơi, nhất là Bắc Lào. Mặt trận yêu nước (Neo Lào Hắc xạt) đã gặp gỡ với Chính phủ của Savana Phuma ở Viêng Chăn, ra tuyên bố cần thiết về việc thành lập Chính phủ Liên hiệp.

Hoảng sợ trước tình hình đó, được Mĩ, Thái Lan giúp đỡ, bọn Phumi Nôsavăn tấn công vào Viêng Chăn lấn chiếm các vùng ở Nam Lào. Chính phủ Suvana Phuma đã rút khỏi Viêng Chăn an toàn. Đến đây ở Lào xuất hiện ba chính quyền cùng tồn tại. Lực lượng cách mạng Lào vẫn tiếp tục phát triển và vươn lên giành nhiều thắng lợi. Về quân sự, mùa khô năm 1960 - 1961, bộ đội Pathét Lào cùng các lực lượng yêu nước phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam đã mở chiến dịch tấn công ở nhiều nơi. Kết quả đã giải phóng được cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, kiểm soát một vùng rộng lớn bao gồm các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Sa Lỳ, phần lớn Luông Pha Băng, một phần tỉnh Nậm Thà, Viêng Chăn, Khăm Muộn, Savanakhẹt và 1/2 khu Nam Lào. Về chính trị, Neo Lào Hắc Xạt đã lập trụ sở cho Chính phủ trung lập ở Khang Khay (thuộc cánh đồng Chum). Nhờ đó nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã đặt quan hệ ngoại giao và cơ quan đại diện kinh tế, văn hoá bên cạnh Chính phủ ở Khang Khay. Bọn Phumi Nôsavăn bị cô lập cao độ. Đến năm 1962, quân dân Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam tiếp tục giáng trả cho bọn Phumi Nôsavăn những đòn chí mạng ở Nậm Thà. Vùng giải phóng được mở rộng 2/3 lãnh thổ và 1/2 số dân. Tình hình này buộc Mĩ và bọn Phumi Nôsavăn phải tìm cách đàm phán.

Ngày 12- 6 - 1962, tại cánh đồng Chum, đại biểu ba phái đã ký kết văn kiện thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc lần thứ hai, Chính phủ gồm 19 thành viên, do Hoàng thân Suvana Phuma làm Thủ tướng. Ngày 24 - 6 -1962, Chính phủ Liên hiệp họp phiên đầu tiên, ra lệnh đình chỉ chiến sự trên toàn lãnh thổ, cử bộ trưởng ngoại giao Kinim Phônsêna đến Giơnevơ tham gia ký kết vào các văn bản của Hội nghị quốc tế về Lào (họp từ 16 -5 -1961 với sự tham gia của 14 nước). Ngày 23-7-1962 các nước tham gia Hội nghị quốc tế về Lào đã ký kết hai văn kiện: Tuyên bố về nền trung lập của Lào và Nghị định thư kèm theo tuyên bố đó. Sự kiện này là bước phát triển mới của cách mạng Lào, địa vị quốc tế của cách mạng Lào được củng cố, vị trí trong Chính phủ được tăng cường cả thế và lực.

Giai đoạn từ 1963 - 1973: Thắng lợi cơ bản của cách mạng Lào trong giai đoạn này là đã đánh bại cuộc “chiến tranh đặc biệt” cũng như “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mĩ và tay sai, phát triển mọi mặt ở các khu giải phóng và sự thành lập Chính phủ Liên hiệp lần thứ ba.

Trên thực tế, chỉ 9 tháng sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ về Lào, Chính phủ Liên hiệp ba phái không còn tồn tại. Ngày 19-4-1964, theo lệnh Mĩ, bọn Phumi Nôsavăn, Kuprasit, Xihổ đã tiến hành đảo chính lật đổ Chính phủ Liên hiệp. Đế quốc Mĩ dùng tiền của xây dựng một đội quân ngụy đông 7 vạn tên, lập “đội quân bí mật” (còn gọi là “lực lượng đặc biệt” do Vàng Pao chỉ huy với 2 vạn tên...). Từ ngày 11-6-1964, Mĩ tiến thêm một bước cực kỳ nghiêm trọng trong việc trực tiếp xâm lược Lào, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân tại thị trấn Khang Khay, sau đó lan rộng ra các vùng giải phóng ở Lào. “Mỗi ngày có tới 300 lượt máy bay ném gần 1000 tấn bom và rốc két xuống vùng giải phóng Trung và Hạ Lào” (2)https://user.hnue.edu.vn/editor/fckeditor.html?InstanceName=content&Toolbar=Default#_ftn2. Với công thức ngụy cộng với cố vấn Mĩ và hoả lực Mĩ, từ năm 1963 Mĩ và bọn tay sai đã liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng như chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (tháng 5-1963) Nậm Thôn (cuối 1963), “Xam Xơn”, “Xòn Xay” (1964)... Cùng với các cuộc càn quét là chính sách “bình định” nhằm dồn dân, tách nhân dân ra xa lực lượng cách mạng.

Trước sự phá hoại của Mĩ và bọn tay sai, phối hợp với nhân dân Việt Nam, Cămpuchia, cách mạng Lào vẫn phát triển những bước vững chắc. Nhân dân Nam Lào đã góp phần bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh, các lực lượng vũ trang Pathét Lào đã đóng vai trò nòng cốt trong việc bẻ gãy các kế hoạch “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Những chiến thắng vang dội như Cánh Đồng Chum (1965-1966), Nam Lào (1966-1967), Nậm Bạc (11-1967), Pha thi (1967-1968)... đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang yêu nước Lào. Đặc biệt, chiến thắng Nậm Bạc (1-1968) đã đập tan phương thức tác chiến của Mĩ ở Lào (lực lượng cơ động Ngụy + “lực lượng đặc biệt” + hoả lực tối đa của Mĩ).

Trước nguy cơ phá sản của “chiến tranh đặc biệt”, Mĩ chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào với nội dung là đẩy mạnh đến mức cao nhất cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Viện trợ Mĩ tăng gấp đôi, đưa số quân Ngụy từ 130 tiểu đoàn lên 150 tiểu đoàn, “lực lượng đặc biệt” từ 64 tiểu lên 86 tiểu đoàn, 12.000 “cố vấn” Mĩ và hơn 40.000 lính Thái Lan tham chiếm, mở các cuộc hành quân càn quét qui mô lớn nhằm tiêu diệt cách mạng Lào: Cuộc hành quân “Samakhi II” (3 -1969), chiến dịch Cù Kiệt (8 - 1969)...

Trước âm mưu mới của kẻ thù, cách mạng Lào càng tăng cường sự gắn bó, đoàn kết với nhân dân Việt Nam và ngày càng thu được nhiều thắng lợi lớn hơn. Các cuộc hành quân của địch lần lượt được bẻ gãy. Từ tháng 2 - tháng 4-1970, Liên quân Lào - Việt đã chủ động mở cuộc tiến công vào sào huyệt của “lực lượng đặc biệt” ở Sảm thông, Long Chẹng và giải phóng hoàn toàn hai vùng này. Từ ngày 8 - 2 đến 23 - 3 - 1971, quân đội Lào - Việt mở chiến dịch phản công, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” ở đường Chín Nam Lào, mở ra triển vọng mới cho cách mạng Đông Dương. Tiếp đó, tháng 12 - 1971, chiến dịch Cánh Đồng Chum bắt đầu, sau ba tháng đã giải phóng một khu vực rộng lớn với hơn 1 vạn dân, đẩy quân ngụy Viêng Chăn và quân Thái Lan vào tình trạng không thể phục hồi.

Với những thắng lợi to lớn về quân sự, vùng giải phóng được mở rộng với 4/5 lãnh thổ và hơn 1/2 số dân. Tại các vùng giải phóng đã có sự phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá. Có thể nói công cuộc xây dựng một nước Lào mới đã được triển khai ở đây. Trên cơ sở đó từ ngày 3 - 2 - 1972 đến 6 - 2 - 1972, Đại hội Đảng Nhân dân Lào được triệu tập tại Sầm Nưa đã đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Lào là “Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, làm cho nước Lào trở thành một nước hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”. Đại hội cũng thông qua bản sửa đổi Điều lệ và đổi tên thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào

Thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, ngày 27 - 1 - 1973, Mĩ buộc phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. ở Lào, đế quốc Mĩ và bọn tay sai phải ký hiệp định Viêng Chăn ngày 21 - 2 - 1973 về lập lại hoà bình và hoà hợp dân tộc. Chính phủ Liên hiệp (lần thứ ba) và Hội đồng quốc gia chính trị Liên hiệp được thành lập... Thủ đô Viêng Chăn và kinh đô Luông Phabăng được trung lập hoá theo quy chế đặc biệt. Đây là những điều kiện mới đưa cách mạng Lào tiến lên một bước phát triển mới.

Giai đoạn từ 1973 - 1975: Nội dung cơ bản của giai đoạn này là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.

Với việc ký kết Hiệp định Viêng Chăn, Lào tạm thời bị chia thành 3vùng: vùng giải phóng, vùng trung lập (Viêng Chăn, Luông Phabăng) và cùng do phái hữu kiểm soát, với ba chính quyền cùng tồn tại. Sau khi ký kết Hiệp định, Mĩ vẫn tiếp tục ngoan cố dính líu quân sự ở Lào, tiếp tục viện trợ quân sự (310 triệu đô la trong năm tài khoá 1973- 1974), thúc ép bọn phái hữu lấn chiếm vùng giải phóng. Thậm chí chúng còn giật dây cho bọn Thaoma, Sananicon làm đảo chính quân sự ở Viêng Chăn ngày 20-8-1973... Tuy nhiên, tình thế không thể đảo ngược đã buộc chúng phải ký tiếp Nghị định thư ngày 14 - 9 -1973 về việc quy định tổ chức Chính phủ lâm thời. Trên cơ sở đó, ngày 5-4-1874, Chính phủ Liên hiệp được thành lập do Hoàng thân Suvana Phuma làm Thủ tướng, Hoàng thân Suphanuvông được cử làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương.

Trong điều kiện mới, cách mạng Lào tiến hành đấu tranh chính trị, chĩa mũi nhọn vào lực lượng phái hữu trong Chính phủ, kết quả, ngày 10-7-1974, “Quốc hội Viêng Chăn” - thành trì chính trị của bọn tư sản thân Mĩ - bị giải tán. Đồng thời, Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương tích cực chuẩn bị lực lượng, tạo thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Xuân hè 1975, cuộc tổng tiến công chiến lược của quân và dân Việt Nam đã nổ ra và giành thắng lợi hoàn toàn, tạo thêm những điều kiện hết sức thuận lợi cho cách mạng Lào. Trước tình hình đó, ngày 5-5-1975, Bộ chính trị trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã họp và nhất trí với đánh giá của Tổng bí thư Cayxỏn Phomvihẳn: “Hiện nay cách mạng Lào đang trực tiếp đứng trước thời cơ hiện thực và tình thế cách mạng, vấn đề giành chính quyền đã đặt ra rõ ràng và cấp bách” (3)https://user.hnue.edu.vn/editor/fckeditor.html?InstanceName=content&Toolbar=Default#_ftn3.

Thực hiện lời kêu gọi của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, từ tháng 5 đến tháng 8-1975 phong trào khởi nghĩa đã diễn ra ở nhiều nơi như Sêđôn, Chămpasắc, Attôpơ, Păcsê, Viêng Chăn, Luông Phabăng, Savanakhẹt... Toàn bộ chính quyền từ trung ương cũng như 15 tỉnh, 4 thành phố, 67 mường đã về tay nhân dân. Cuối cùng, ngày 23-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Viêng Chăn, đánh dấu việc hoàn thành cơ bản việc giành chính quyền trong cả nước. Chính phủ Liên hiệp tỏ ra không còn thích hợp nữa.

Trong hai ngày, 1 và 2-12-1945, 246 đại biểu tiến hành Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại thủ đô Viêng Chăn. Đại hội đã quyết định xoá bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ Cộng hoà dân chủ nhân dân, cử Xuphanunvông là Chủ tịch nước và thành lập Chính phủ mới do Cayxỏn Phomvihẳn làm Thủ tướng. Đảng Nhân dân cách mạng Lào trở thành Đảng cầm quyền (4).

Sự kiện lịch sử này đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển của Lào - “thời kỳ nhân dân các dân tộc ở Lào thực sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình và tiến bước trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa rạng rỡ dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Nếu tính từ năm 1778, khi bọn phong kiến Xiêm đặt ách thống trị ở Lào, sự kiện này đã kết thúc vẻ vang cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các bộ tộc Lào kéo dài suốt 197 năm. Đây là thắng lợi trọn vẹn nhất, to lớn nhất, đưa dân tộc Lào bước vào kỷ nguyên mới.

b, Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở Lào từ 1975 đến nay.

Sau 1975, tình hình kinh tế - xã hội ở Lào gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu, sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá, nền kinh tế Lào càng trở nên lạc hậu hơn: trên 90% cư dân vẫn sống với nghề trồng lúa truyền thống mà tổ tiên để lại, nền công nghiệp dân tộc hầu như chưa có gì ngoài một số ngành khai thác lâm sản mà bọn thực dân đã sử dụng để vơ vét tài nguyên. Bên cạnh đó, trình độ văn hoá của nhân dân còn hết sức thấp kém, 97% dân số mù chữ, người dân vẫn sống với những tập tục lạc hậu của họ từ cổ xưa.

Với sự giúp đỡ của Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thực hiện đường lối xây dựng và phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, do trình độ thấp kém cả về kinh tế lẫn xã hội nên quá trình xây dựng nền kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô đưa ra đã diễn ra với tốc độ chậm chạp ở Lào. Cho đến năm 1985 ở Lào mới xây dựng được 2932 hợp tác xã công nghiệp với 195.576 hộ, chiếm khoảng 30,6% hộ nông dân. Trong nông nghiệp, theo thống kê năm 1986, khu vực nhà nước chiếm 66,1%, tư nhân chiếm 30% công tư hợp doanh chiếm 3,9% duy nhất có ngành tài chính ngân hàng là do nhà nước nắm giữ.

Với sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trong những năm 80 của thế kỷ XX, công cuộc xây dựng đất nước đã thu được những thành tựu đáng kể, vững chắc. Trong nông nghiệp, hàng năm thu hoạch khoảng 1,2 đến 1,4 triệu tấn thóc. Về cơ bản Lào đã tự túc được lương thực từ năm 1984. Về công nghiệp, đã có bước tiến đáng kể, nhất là công nghiệp nhẹ. Năm 1986, ở Lào có 407 xí nghiệp các loại, thu hút khoảng 20% số dân và cung cấp khoảng 10% thu nhập quốc dân.

Bước vào thập kỷ 90, cũng như các nước trong khu vực, Lào nhanh chóng tìm cách mở cửa, hoà nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Tính đến năm 1999, Lào đã thu hút được 766 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 3 tỷ đô la (Mĩ, 1,5 tỷ đôla, Hàn Quốc 633.000 đô la,... Việt Nam xếp thứ 14 trong số các nước đầu tư Lào). Năm 1997-1998 Lào chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đặc biệt là từ Thái Lan, một nước láng giềng và cũng là bạn hàng lớn nhất của Lào. Đến nay, nền kinh tế Lào vẫn đang gặp khó khăn song đang đi dần vào ổn định. Năm 1999, theo báo cáo của Quốc hội Lào, tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Lào tăng 5,2%, trong đó sản xuất nông - lâm nghiệp tăng 5%, công nghiệp và thủ công nghiệp tăng 7,5%, dịch vụ tăng 4%. Năm 1999, diện tích gieo trồng lúa đạt 687,000 ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn, cà phê đạt 19,5 nghìn tấn... Các nhà máy sản xuất phân bón, điện năng, bia,... được xây dựng mới và chuẩn bị hoạt động. Ngoài nhà máy thuỷ điện Nậm Ngừng công suất 921 triệu KW/giờ, nhà máy thủy điện Nam hưng - Hỉn Bun (công suất 210KW), nhà máy thủy điện Nam Lực (công suất 60MW) cũng sắp đưa vào hoạt động. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không được củng cố và mở rộng. Các ngành giáo dục, y tế, văn hoá cũng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, đến nay đời sống nhân dân Lào vẫn đang ở mức độ thấp, bình quân thu nhập quốc dân tính theo đầu người mới đạt 258 đô la. Bên cạnh đó, lạm phát còn quá cao (Năm 1999 là 140%), nợ nước ngoài là 2,2 tỷ USD (Dự trữ ngoại tệ chỉ khoảng 0,2 tỷ USD).

Về đối ngoại, Lào có quan hệ gắn bó chặt chẽ với Việt Nam. Nhìn chung Lào đang thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, lấy đối ngoại làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Từ tháng 7-1992, Lào đã trở thành quan sát viên của tổ chức ASEAN và năm 1997 đã trở thành thành viên chính thức đầy đủ của tổ chức này.


(1) Điện mừng của Khămtày Siphănđon, Bộ trưởng Bộ quốc phòng nước CHDCND Lào; Báo Quân đội nhân dân, ngày 8- 5 - 1984.
(2) Theo Hãng thông tin A.P, ngày 8 -1 - 1966

(3) Biên niên sự kiện chiến tranh cách mạng Lào, tập3, trang 313.
(4) Cayxỏn Phomvihẳn, Một vài kinh nghiệm chính trị và một số vấn đề về phương hướng mới của cách mạng Lào, NXB Sự thật, Hà Nội 1975. Trang 30.

Nguồn: Internet
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top