Lang thang chữ nghĩa

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
1.Ngày ngày Lang thang chữ nghĩa

Trong văn học Pháp, Lang thang chữ nghĩa thuộc loại Carnet của nhà văn, thi sĩ, triết gia. Lúc viết, họ hay giả vờ : ghi cho mình đừng quên thôi, không có ý đăng. Như Pensées của Pascal ấy mà. Nhưng nhiều người thầm kín mong sẽ được người đời đăng và quan tâm, thậm chí mê, sau khi mình đã đi chầu Diêm Vương. Ở Alain, thường là những châm ngôn (aphorismes). Ở Sartre thì mỗi đề tài són thành vài... trăm trang : Carnets de la drôle de guerre, Carnets pour une morale et tutti quanti. Sartre trung thực với triết lý của chàng khi chàng cho phép đăng tất cả thư từ, bản nháp et tutti quanti mà chàng đã từng viết : chúng đã từng là (est été) chính mình, sao phải phụ nhận chúng ?

Ở tôi, Lang thang chữ nghĩa là triết dưới hình thái... mì ăn liền ! Nó chỉ khác mì ăn liền thông dụng ở một điểm thôi : thiếu bột gia vị phong phú của công nghiệp đánh chén. Muốn thưởng thức nó một cách trọn vẹn, phải tưới nước dùng độc nhất hợp khẩu vị với nó : Tư duy tự do (Nxb Đà Nẵng, 2006) và https://amvc.free.fr/PHD/TDTD/TuDuyTuDoTable.htm.
2009-05-30. PHD

2.Ngôn ngữ đời thực và nghệ thuật bằng ngôn ngữ

Ngày nào con người biết nói chuyện thật thà với nhau vì biết tin cậy, quý trọng và trìu mến nhau bất kể khác biệt thậm chí đối kháng nhau, ngày ấy thơ văn tiêu vong.

Chính vì ngôn ngữ chính trị và ý thức hệ, trong đó có thơ văn, là công cụ hữu hiệu nhất cho phép con người lừa nhau, giả dối với đời, giả dối với chính mình, một cách rất văn chương, mà trong thế giới ngôn ngữ[1] còn có đất sống cho thơ văn.
Khi người ta gọi một kế hoạch đào thải con người ra ngoài xã hội, biến nó thành kẻ thất nghiệp, không cần thiết nữa cho xã hội – môi trường tồn tại, nên người và làm người của nó – và, vì thế, không có quyền kiếm ăn để tồn tại bằng lao động của mình, không có quyền sống như một con người, là kế hoạch xã hội tính (plan social, hàm ý : một kế hoạch nhân ái bảo vệ con người trong xã hội), thơ văn sẽ còn điều đáng nói với người đời.

Sau đó, chỉ còn những điều chưa hề có ai nói tới mà vẫn đầy người khát khao hướng tới, trên khắp thế giới, ở cả loài người hôm nay. Như em chẳng hạn, hè hè. Khó lắm đấy, bạn đời văn chương Ziao Chỉ ơi… Có mấy nhà văn nhà tư tưởng Ziao Chỉ đã làm được điều ấy cho người đời không Ziao Chỉ trong thế kỷ 20-21 ? Trong lĩnh vực tư tưởng, nếu có, ta xin lạy thầy cho con được làm đệ tử.
Trong khi chờ đợi, ta đành lang thang chữ nghĩa.

Bạn đời ơi, hãy cùng ta lang thang nhé. Chẳng vinh hiển gì, nhưng cũng zui zui, và chẳng chết ai cả. Biết đâu cũng có lúc gặp nhau.

Ngoài chuyện ấy, ta chẳng gì, gì, còn ai. Hè hè…
2009-04-09.PHD

[1] quan hệ hoàn hảo nhất giữa người với người trong tư cách người. Không có nghĩa là tốt đẹp nhất, chỉ có nghĩa là đầy đủ nhất, kể cả dưới dạng "nghệ thuật" nhất, đểu nhất : văn chưong.

3. Quán tính của ngôn ngữ

Ta tư duy bằng ngôn ngữ. Quan tính của ngôn ngữ của người đời trong đầu ta, rất đáng sợ. Nhưng quán tính của ngôn ngữ của chính ta trong đầu ta, có lúc còn đáng sợ hơn.

Ta bấp bênh tự do giữa hai sự lệ thuộc ấy.

2009-04-11.PHD

4.Một loại nhà văn

Chúng ta nặng tình chữ nghĩa, sống với nội tâm nhiều hơn với đời thực người thực. Chữ nghĩa quay cuồng trong đầu ta, tỏa vào cơ thể, lộ thành nét vui nỗi buồn trong vẻ mặt, hơi thở, cử chỉ, lời nói… Thỉnh thoảng tuôn vào ngòi bút. Năm thì mười họa biến thành văn.

Máu thịt của ngôn từ ở ta là như thế. Nó cũng cho phép con người thương nhau.

2009-04-13.PHD

5.Ngôn ngữ của tiềm thức

Khi viết văn tiếng Việt hay tiếng Pháp, tôi không bao giờ dịch từ tiếng này qua tiếng kia. Tuy vậy, trong văn tiếng Việt của tôi, thỉnh thoảng có cách nói đúng là "Tây con". Rõ ràng tiếng Pháp đã ngấm vào tiềm thức của tôi nên ngay khi viết chính mình bằng tiếng Việt, nó cũng hồn nhiên tự phát. Trong lĩnh vực này, con người chưa tự do ở đó. Nó mãi phải vươn tới tự do ngay ở chính mình. Thỉnh thoảng đọc văn tiếng Pháp của mình, tôi phát hiện điều ngược lại : rõ ràng có ý, có câu, gốc gác VN. Tôi không bao giờ sửa : đó là tiếng Pháp của tôi và tôi không có nhu cầu đầu quân Hàn lâm viện Pháp.

Giao lưu văn hoá có thể như thế đó.

Học thuyết Darwin hiện đại hoá + Khoa học về neuron + Ngôn ngữ học có thể giải thích được Freud lắm.

Nếu như Marx nói, "gốc gác của con người chính là con người"[1], thì bản-thể của ta là ngôn ngữ của loài người đọng ở trong óc não của ta. Ngoài vài tiếng nói đang tiêu vong của các bộ lạc đang ngắc ngoải trong rừng thẳm vùng Amazonie, mọi ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt, đều lai căng vì không ngôn ngữ nào phát triển và tồn tại được cho tới ngày nay một cách biệt lập với các ngôn ngữ khác. Ai muốn đi tìm bản-thể của mình, chỉ cần trực diện đối đầu với ngôn ngữ đanh hoành hành trong đầu mình, tri phối tình cảm và tư duy của chính mình.
Không dễ nhé, bạn đời ơi.

2009-04-13.PHD

[1] Mais la racine pour l’homme, c’est l’homme lui-même. Marx Engels,
Études Philosophiques, Éditions Sociales, 1974, p. 27


6. Sợ - 2

Nỗi sợ cho thân phận của chính mình tự nó đã khủng khiếp.
Nhưng có lúc nỗi sợ cho thân phận của thân nhân – cha mẹ, anh chị em, con cháu, bạn bè… chẳng hạn, hay cho những người ta quý trọng đang đứng mũi chịu sào trong hoàn cảnh khác hoàn cảnh êm ả của ta, còn kinh hoàng hơn nữa : nó có khả năng thắt họng ta, người dám liều cầm bút.
Không có phương trình giải đáp toàn hảo, tuyệt đối, vĩnh cửu. Ứng xử thế nào đi nữa cũng đượm mùi ngụy biện. Hậu sinh nhớ nhé.
Làm gì, nói gì bây giờ đây ? Đến bao giờ kiếp người mới hết là kiếp nhục ?
Hè hè…

2009.04.22.PHD

7.Hành động bằng văn chương

Khi hành động vì những giá trị, ý tưởng, tri thức đáng khiến ta hành động, vẫn phải biết nhắm hiệu quả trong bối cảnh nào đấy.
Khi viết văn, chỉ có thể yêu điều "vô tư" và, nếu được, zui zui !
Câu hỏi nan giải của kẻ muốn hành động bằng văn chương một cách có ý thức đó.

2009-04-24.PHD

Phan Huy Đường
 
Lang thang chữ nghĩa - 2

1.Tự truyện của Barack Obama

Vũ khí chính trị có thể tồi tệ như thế nào, ai mà chẳng biết ? Tự truyện của chính khách là một trong những vũ khí mà họ ưa dùng. Ở Pháp ngày nay, người có tài viết lách thì tự viết. Người kém tài viết lách thì thuê hay "nhờ" một anh "mọi chữ" (nègre) viết và cho xuất bản dưới tên mình. Anh "mọi" kia thường là phóng viên hay người có nhiều quan hệ với média. Tuy không lên mái nhà la lối cho mọi người biết điều ấy, họ cũng không cần giấu giếm. Cũng chẳng ai phiền hà. Chính trị mà.

Như thế, nhà phê bình văn học không nên lẫn lộn tự truyện của chính khách với tác phẩm văn chương, văn học, huyên thuyên bát sát về nó với những "chuẩn" của văn chương, văn học.

Điều trên không có nghĩa là tự truyện của chính khách đều không có giá trị văn chương hay văn học. Tác phẩm Mémoires de guerre của De Gaulle có giá trị văn học, văn chương : nó thể hiện cách nhìn lịch sử và chính mình của một còn người không tầm thường.

Nhưng có lẽ còn lâu ta mới lại có dịp đọc một tự truyện như Những giấc mơ của bố tôi của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người vừa lên nắm quyền lực tối cao của "siêu cường quốc duy nhất" ở đời nay. Lý do ? Ông viết nó khi còn trẻ, vừa mới ra trường, chưa có ý độ chính trị. Tác phẩm chỉ đề cập tới đời tư của ông và kinh nghiệm hoạt động xã hội của ông ở thành phố Chicago, với lương 10 000 $ / năm. Qua đó, ta thấy chất người ở ông trước khi ông bước vào chính trường.

Chất người ấy là chất người Kenya lai Mỹ, đã sống tuổi thơ ở Indonésia, trưởng thành tại Mỹ trong những 70-80, đã dấn thân bảo vệ quyền công dân (droits civiques) của người da đen ở Mỹ. Và đã giải đáp những vấn đề "căn cước" hay "bản thể" (identité) của chính mình ? Giá trị của giải đáp ấy thế nào ? Câu trả lời, phần nào, nằm trong sự chất vấn giữa hoài bão của người thanh niên và hành động của vị nguyên thủ cường quốc số một đương thời.

Vấn đề này không chỉ là vấn đề của người da đen hay da màu ở Mỹ. Nó còn là vấn đề của toàn bộ những người di dân, ngụ cự trên khắp thế giới, một phần không nhỏ tí nào của nhân loại hôm nay. Đi thêm một bước, nó cũng là vấn để của bất cứ ai cảm thấy chính mình và cộng đồng của mình đã mất khả năng định đoạt tương lai của mình, bầu cho ai cũng… thế thôi : mình là cái giống gì mà phải khốn đốn đến thế này, không còn ngay cả quyền sống cho ra người ngay trên đất nước của mình với người mình ? vì sao ? et tutti quanti

Ai quan tâm tới vấn đề ấy có thể tìm thấy trong tự truyện này nhiều nhận xét, suy ngẫm sắc, sâu, thấm thía, không nhại lý thuyết văn học đủ kiểu, đủ trường phái, mà rút từ nghiệm sinh từng ngày của một con người muốn sống sòng phẳng với đời, với mình. Lại dám đem nghiệm sinh ấy đối chiếu với suy luận của nhiều nhà văn và nhà tư tưởng da đen không xoàng : Richard Wright, James Baldwin, W.E.B Dubois, Malcom X, Frantz Fanon… Và có lúc chân tình đến mức chữ nghĩa biến thành… văn.

Đặc biệt, ta có thể suy ngẫm về cách Barack Obama giải thích cuộc đời thất bại của ông nội và bố, hai người có bản lĩnh và thông minh (bố B. Obama cũng xuất thân Harvard) : một sự sợ hãi đặc thù. Gắn chặt với vấn đề này.

Có điều chắc chắn : khác hẳn Bush, Barack Obama là người có văn hoá.

2009-06-17.PHD

2. Xin lỗi

Có tội lỗi chỉ có thể được tha nhờ xin lỗi. Vì nó đời đời ngấm vào ngôn từ, ghim trong óc não, xé xác tư duy, tràn vào giác quan, trào ra da thịt, ngày ngày tra tấn cách cảm-nhận và tư-duy thế-giới và chính mình của con người từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ngoài lời xin lỗi, không có gì gỡ được mối thù truyền kiếp ấy. Nô lệ hoá tha nhân là một tội lỗi loại ấy.

Sau Hạ viện Mỹ năm ngoái, năm nay Thượng viện Mỹ nhất trí tỏ lời xin lỗi về chế độ nô lệ xa xưa ở Mỹ (1619).

Cũng phải gần 400 năm sau !

Đó là bước đầu, bước cơ bản nhất, vì con người cảm nhận và tư duy thế giới xuyên qua ngôn ngữ. Đường còn dài : sau lời nói, phải có hành-động thích ứng để khôi phục lại sự bình đẳng, tôn trong và trìu mến nhau, không chỉ trong tâm linh và suy luận thôi, mà cả trong đời sống thực nữa.

Một dân tộc biết xin lỗi là một dân tộc không nỡ quên quá khứ và không đành sợ tương lai.

2009-06-19.PHD


3.Tìm

Bạn bảo ta :

Tôi cảm thấy tôi cần tìm cho tôi một thế giới quan mới mẻ nào đấy, chưa có gì thuyết phục được tôi hoàn toàn, tại sao, tôi không biết, tôi cứ nhận xét thôi.

Ta mừng bạn. Không có đại văn hào nào có thể mang lại cho bạn điều ấy : họ đâu có thể sống thay bạn được, trong hoàn cảnh của bạn, với tấm thân của bạn ! Chỉ bạn mới cho được bạn điều ấy. Vậy, cứ tìm.

Có khi giá trị của một đời người thu gọn trong quyết tâm tìm kiếm ấy.

2009-06-13.PHD

4. Subprimes

Định nghĩa giá trị sử dụng của hàng hoá như sau nghe cũng được lắm :

Mải quên kiếp nhục thể hữu hạn của mình để mê man đeo đuổi hồn đôla bất tận ảo cũng của mình nốt, ắt có ngày đời người biến thành giấy lộn.

2009-06-11.PHD

5. Mao Hương

Nước Ziao Chỉ có nhiều dân tộc thiểu số hay ít người. Thí dụ : người Minh Hương, gốc Hán, đã ôn hoà sống lâu đời ở miền Nam.

Đến đầu thế kỷ 21 thì có thêm người Mao Hương. Anh này cũng gốc Hán, thuộc một bộ lạc chỉ mới bành trướng cách đây hơn nửa thế kỷ. Anh vốn hung hăng, coi mạng người như rác, rất sành nắm bắt tâm lý của quan lại Ziao Chỉ, đang trong đà cường thịnh, lại tới lập nghiệp ngay trên Mái Nhà của Đông Dương mà bàn dân Ziao Chỉ chẳng hay biết gì cả. Đến lúc chuyện vỡ lở, nhiều người Ziao Chỉ lo lắng : có thể dân Kinh sẽ trở thành dân tộc thiểu số ngay trên đất nước của mình ? Chí ít cũng dễ trở thành dân tộc bị trị… Từ đất đai cho đến óc não !

Xét cho cùng, tất cả chúng ta biến thành người Mao Hương chưa chắc là điều dở : cường quốc kinh tế số hai tới nơi rồi mà.

Nhưng trước hết phải quên tiếng Việt. Hè hè…

2009-06-18.PHD


6. Chính thống

Ở đời chẳng có cái gì chính thống hết.

Vấn đề của chúng ta hiện nay không là đi tìm cái chính thống, làm quái gì có, toàn chuyện hão thôi, mà là tự mình, hôm nay, xây dựng cho chính mình, cho dân mình một hệ giá trị xứng đáng với thời đại, một phương pháp suy luận xứng đáng với kiến thức ngày nay của thiên hạ và, trên cơ sở ấy đề ra những phương hướng và đường lối trong mọi lĩnh vực của tư duy và hành động.

2009-06-02.PHD

7. Thế giới thực và…

Nếu tác giả không viết "trong thế giới thực" mà viết "trong thế giới thực này" thì đâu phải vì tác giả thích lắm lời nên viết thừa chữ ! Tuy thế giới thực này là thế giới của ta hiện nay, ta chẳng thể có thế giới nào khác để làm người, nó đâu phải là thế giới duy nhất và vĩnh cửu cả loài người ! Bên cạnh nó đã có, đang có và sẽ có nhiều thế giới thực khác lắm. Tất cả những thế giới ấy chụm lại, gọi là thế-giới cũng được.

Tư duy biện chứng chỉ khác tư duy hình thức bấy nhiêu thôi.
2009-05-30.PHD

8. Làm bạn

Để làm bạn với người đời, ta không cần nó đồng ý với ta về mọi chuyện, nhất là trong lĩnh vực lý trí, tình cảm. Không như thế, ta sẽ chết trong cô đơn. Hoặc phủ nhận chính mình, điều ta chưa bao giờ làm được. Ta chỉ cần yêu một điều gì ở người đó thôi. Và người đó, đối xử với ta, chưa hề có điều gì ta không thể chấp nhận được.
Tuy vậy, khi quá sợ cô đơn, khi quá thèm yêu, ta cũng có thể chấp nhận quá nhiều điều không nên chấp nhận.
Làm bạn với đời khốn nạn thế đấy. Làm người, có lúc đểu thế đấy.
Hè hè…

2009-05-26. PHD

9.Giao thời

Ta đang sống trong buổi giao thời. Một đống giá trị, tình yêu chẳng hạn, đã bắt đầu lỗi thời nhưng vẫn là giá trị phổ biến làm nền tảng đạo đức cho quan hệ hàng ngày trong xã hội. Một vài giá trị mới, đã có sơ sở hiện thực, cũng cho phép yêu nhau có nhân cách nhưng thoải mái hơn. Sống thế nào đây ? Trong lòng thời đại cũ, với những giá trị cũ ? Bên lề xã hội, với những giá trị mới ? Ở cả hai, tuỳ vấn đề, tuỳ trường hợp, tuỳ hoàn cảnh ? Lựa chọn hàng ngày ấy tạo dựng nhân cách của riêng ta trong thời đại này. Mệt…

2009-05-08. PHD
 
Lang thang chữ nghĩa - 3

1.Thảo luận


Muốn thảo luận với nhau tận gốc một vấn đề, cần rất nhiều lý và… một tí tình.
Chút tình ấy khiến ta không rơi vào tị hiềm vô bổ, bất kể cuộc thảo luận ngã ngũ hay không.

Mọi cuộc thảo luận đều có thể kết thúc như sau :


a/ có đúng có sai. Nghĩa là : ta đã hiểu nhau, đã được cho nhau một điều đáng cho.
b/ ta vẫn nghĩ ta đúng, bạn cũng vậy : chưa hiểu nhau. Chẳng có gì đáng buồn phiền, đời người thường thường vốn thế thôi.
c/ chưa khẳng định được. Nghĩa là : ta đã cho nhau điều đáng cho nhau nhất ở đời : một câu hỏi.

(2009-06-23. PHD)

2. Trung thực

Ở đời, trung thực chẳng dễ tí nào.
Mỗi lần ta trung thực vời người đời, ta dại.
Mỗi lần ta trung thực với chính mình, ta đau.
Mỗi lần ta trung thực với chữ nghĩa, ta… thất bại !
Hè hè.

( 2009-06-03. PHD)

3. Già rồi…

Ăn gì cũng bớt ngon.
Ngắm đàn bà mà bớt thèm.
Nhớ em mà bớt đau.
Nhìn đời mà bớt giận, bớt tởm.
Bớt một bước nữa : Niết Bàn.
Ta mong ta sẽ chẳng bao giờ bớt chính mình đến thế.
Hè hè.

( 2009-07-14. PHD)

4. Làm Tổng thống Mỹ da đen

Barack Obama, con của một người trí thức da đen xứ Kenya và một đàn bà trí thức da trắng Mỹ, đã trở thành tổng thống Mỹ.
Chỉ ở Mỹ mới có thể có chuyện tày trời như thế. Đó là vinh dự mà, cho tới nay, chỉ có Mỹ có thôi. Riêng ở điểm này, Mỹ xứng đáng làm ngọn cờ tiên phong của nhân loại.
Mỗi người, dù tải ba tới mấy, mỗi ngày cũng chỉ có 24 giờ để tiếp cận thế giới, tư duy và hành động thôi. Duy vật đấy, hè hè…
Mỗi ngày, trên thế giới, có hàng tỷ người hành động. Làm sao biết được họ làm gì và vì sao ? Để mà hành-động một cách có ý thức như một con người ?

Sau khi nhậm chức, Obama đã chỉ định khoảng 7000 người vào những cơ quan chính quyền. Đọc tự truyện của chàng, chàng quen thân chưa tới vài chục người. Chàng sẽ phải nhìn thế giới, con người xuyên qua lăng kính của 7000 người kia. Và sẽ phải hành-động trong bối cảnh ấy. Lại "duy vật biện chứng" ! Sẽ còn gì của người thanh niên đã viết "Những giấc mơ của bố tôi" tồn tại trong hành-động của thủ lĩnh siêu cường quốc duy nhất của đời nay ? Và vì sao ?

Câu hỏi văn học đích thực. Thú vị và bổ ích hơn tán gẫu và ẩu đả về những lý thuyết hiện đại và hậu hiện đại về "căn cước" của con người.
Để xem sao.

( 2009-07-12. PHD)


5. Đành vậy

Ta cảm nhận tha nhân qua lăng kính cá biệt của ta. Chẳng thể nào khác được.

Nếu ta may mắn, nhờ tha nhân, nên người đôn hậu, khi gặp tha nhân, ta thường thấy ngay điều đáng yêu, đáng trọng ở nó. Chỉ nghiệm sinh, ta từng trả giá, mới khiến được ta cầm lòng : rất có thể, đằng sau vẻ đáng yêu đáng trọng đó, có một con người tồi "khác".

Nếu ta, vì tha nhân, đã nên người trong sự ngờ vực người khác, ta thường thấy ngay điều tồi hay hèn kém ở tha nhân. Cũng chỉ nghiệm sinh, ta đã được trả giá, mới khiến ta tìm ra được ở nó điều đáng thương nếu chưa là đáng yêu, đáng trọng.
Người đời, kể cả ta, ai mà không có cả hai mặt người ấy ?

Trên cơ sở đó, ta có thể làm bạn với tha nhân trong giới hạn có thể làm bạn với nhau được, không bao giờ quên những khả năng khác ở tha nhân.

Dù thế, cũng có lúc ăn đòn. Hè hè…
Đành vậy.

( 2009-07-16. PHD)

6. Làm người

Ta làm chính ta xuyên qua người đời.
Người đời xua đuổi ta về chính ta.
Đời nay nó vậy.
Thảm nào văn chương đời nay, bói không ra được một tác phẩm yêu đời.
Hè hè…

(2009-07-16. PHD)

7. Hiểu nhau

Bạn bảo ta :
Chả bao giờ dân Việt có thể hiểu nhau được.
Có thể thế thật. Hiện nay, nói chung, thế thật. Điều ấy không ngăn cản chúng ta thương nhau. Chỉ cần chân tình, đàng hoàng tử tế với nhau thôi. Thế cũng đủ cho phép ta thương người đời trong hoàn cảnh và môi trường văn hoá của nó. Thậm chí, thương mình luôn.

Nếu điều ấy hão, ta quẳng bút liền.

Nhưng than ôi, chân tình, đàng hoàng tử tế với chính mình là điều khó nhất ở đời.
Hè hè…

(2009-06-13. PHD)


8. May mắn

Ở đời, được gặp người hơn mình là điều may mắn. Điều ấy nghĩa là : kiếp người không nhất thiết sáng láng hay tăm tối như mình tưởng.

Ta đã từng được may mắn ấy, không chỉ qua sách vở.

( 2009-06-17. PHD)

9. Như ai ?

Ta không có hoài bão được người đời suy luận như ta về mọi chuyện. Chán chết.
Em yêu mà nghĩ y hệt như anh trong mọi chuyện thì anh yêu em thế quái nào được ? Trong khao khát yêu, không ai nhạt nhẽo vô duyên hơn chính mình. Vì thế mà mình có nhu cầu yêu người khác ! Vì thế chẳng mấy ai yêu chính mình lâu dài được. Trừ Narcisse, những người điên, một loại thi sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, triết gia, trí giả et tutti quanti. Hay những người tuyệt vọng. Chán thấy mồ.

Ta chỉ mong những điều ta viết khích người đời tư duy tự chính mình và, trên cơ sở đó, nếu muốn, có với ta một quan hệ còn quá hiếm ở đời nay : bình đẳng, chân tình và trìu mến. Thậm chí : chưa hề có ở đời ! Hè hè.
Khó lắm, người đời ơi.

( 2009-06-11. PHD)
 
Lang thang chữ nghĩa -4

1. Một tấm gương muôn mặt

Với tôi, văn chương nghệ thuật như một tấm gương muôn mặt. Nó là tình đời của nhà văn.
Mỗi độc giả tự soi mình trong tấm gương đó.

Và bình luận văn chương là chia sẻ với người đời một cuộc gặp gỡ giữa riêng mình với tác giả. Làm điều ấy, người bình luận ắt phải ít nhiều cho chính mình cho nhà văn và độc giả của mình. Ai dám nhận gì thì nhận.
Ngoài ra chỉ còn chuyện khoe khoang kiến thức hão hay gà đá vặt thôi.
(2009-08-12.PHD)

2. Dị đoan

Tôi không tin dị đoan. Nhưng tôi chưa hề coi thường ai tin nó vì tôi đành chấp nhận điều sau.
Xưa nay, loài người chỉ sáng tạo ra ba kiểu suy luận thôi : « lôgích duy lý hình thức », « lôgích biện chứng hình thức » và « lôgích duy vật biện chứng ». Cả ba, ngay trên cơ sở lý luận của chính mình, đều không phủ nhận được niềm tin bói toán, dị đoan et tutti quanti của người đời.

Lôgích duy lý hình thức thông thường khẳng định : mọi sự đều có nguyên nhân « khách quan » máy móc hay xác suất, có thể hiểu được, chí ít xử lý được. Về lý thuyết, điều gì không sẵn có trong những nguyên lý nền tảng của nó, nó không có khả năng phủ nhận. Nếu có điều gì có thật mà nó chưa hiểu được thì là vì những nguyên lý làm nền tảng cho nó sai hay thiếu hụt, thế thôi. Nó chỉ cần sửa đổi những nguyên lý ấy, nó sẽ hiểu hết. Chính vì thế nó không thèm và cũng không có khả năng bàn tới niềm tin dị đoan của người đời : nó không có khả năng phủ nhận niềm tin ấy.
Hai kiểu suy luận sau, hiện nay, mung lung tới mức ta không biết nó có… dị đoan không ! Miễn bàn.

( 2009-03-03.PHD)


3. Kiêu ngạo

Tôi không khinh những kiến thức người đời đã dạy cho tôi. Ngược lại. Tôi quý trọng nhiều điều. Và tôi đã sống thuỷ chung với những điều hợp với tôi, ngay khi thiên hạ bĩu môi coi thường. Marx và Sartre chẳng hạn.

Nhưng tôi chưa hề dùng chúng để lòe đời.

Trong bất cứ lĩnh vực nào, tôi chỉ khao khát viết chính mình thôi. Dù kém cỏi, thô sơ đến mấy, đó là một thoáng nhân cách trong cuộc phiêu lưu làm người của mọi người.
Đành vậy.
(2009-08-12.PHD)

4. Khinh mình và yêu người

Nhờ biết khinh chính mình mà ta biết yêu người đời một cách trung thực với… chính ta.
( 2009-08-18.PHD)

5. Khinh

Dường như kẻ ưa khinh người thường là kẻ hận thù chính mình.
Phải chăng vì vậy mà kẻ mải mê hận thù người khác ắt có ngày khinh chính mình ?
( 2009-08-12.PHD)

6. Giấc mơ cuối cùng của nhà văn ?

Thuở xa xưa, đây đó, có nhà văn đeo đuổi giấc mơ khổng lồ : tìm hiểu, thậm chí giải thích thế giới.
Ở PhuLăngXa, thế kỷ 19, nhiều đại văn hào khiêm tốn hơn : mô tả thế giới, coi tác phẩm của mình như một tấm gương phản ánh thế giới.

Thế kỷ 20, lại có nhà văn kiên quyết dùng ngòi bút của mình góp phần thay đổi thế giới.
Có lẽ đã đến lúc nhà văn phải khiêm tốn hơn nữa để đeo đuổi một giấc mơ cao đẹp hơn : duy trì, phát triển và sáng tạo nhân-giới. Đó là thế giới đặc thù của nhà văn vì con người cảm nhận và tư duy thế giới bằng… ngôn ngữ, chất liệu duy nhất hay cơ bản nhất của nghệ thuật hành-văn.
Chẳng dễ tí nào.
( 2009-08-18.PHD)

7. Nhớ bố

Ở nửa đầu thế kỷ 20, bố tôi là dược sư Tây và là nhà thơ Ta.
Bố tôi đã dạy cho tôi hai điều : phải biết quý trọng kiến thức khoa học, phải dám làm người tự do.
Có thể giá trị đời tôi, nếu có, cũng nhờ điều dạy bảo ấy.

( 2009-08-28.PHD)
 
Lang thang chữ nghĩa 5

1.Hành động đi trước tư duy

Tin : LEMONDE.FR avec AFP | 10.09.09 | 07h43 • Mis à jour le 10.09.09 | 08h42
Le groupe japonais de boissons Suntory confirme, jeudi 10 septembre, être en négociations pour acheter le français Orangina aux fonds d'investissement américains Blackstone Group et Lion Capital.

Thứ năm 10 tháng 9, tập đoàn Nhật sản xuất nước uống Suntory xác nhận đang thương lượng để mua tập đoàn Pháp Orangina của những quỹ đấu tư mỹ Blackstone Group và Lion Capital.

Anh Mỹ đã mua lại Orangina của tập đoàn Anh Cadbury từ năm 2006.
Thế mà bấy lâu nay, uống một chai Orangina, ta cứ tưởng tượng rằng ta tiêu thụ hàng hoá của một hãng tư bản Pháp ! Nay mai nó biến thành hàng hoá của một anh tư bản Tàu cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Nhưng báo chí vẫn cứ gọi nó là Pháp và người đời vẫn nghĩ là thế !

Xưa nay, ngôn ngữ của con người thường phát triển chậm hơn hành động của nó. Ngày nay, hành động ấy lại là hành động của những tác nhân vô danh vô diện. Kinh thật.

Như Malraux nói : Hành động đi trước tư duy !

2009-09-10

2.Dầu cù là toàn cầu hoá

https://www.lemonde.fr/opinions/article/2009/09/07/regle-mondiale_1236865_3232.html

Nội dung đại khái thế này : nguyên thủ 20 quốc gia lớn nhất, G20, họp nhau để tìm cách giới hạn tự do của các ngân hàng.
Rất tiêu biểu cho tư duy kinh tế thời thượng ngày nay.
Sau một cuộc khủng hoảng "đẫm máu" – bao nhiêu chục hay trăm triệu người trả giá nào, kể cả sinh mạng ?, biến biết bao nhiêu trăm triệu người thành con nợ của "các thị trường tài chính" mà chỉ biết kêu gọi thoa dầu cù là ngoài da, không hề có khả năng "tưởng tượng" thôi đó là bệnh gan phồi !
Hai cuộc khủng hoảng vì giá dầu lửa tăng "có thể" coi như do lý do ngoại tại. Rất dễ tin nhưng rất hão! Một hệ thống kinh tế "lệ thuộc" nó đến thế thì bảo nó là ngoại tại sao được ?
Sau đó, mấy cuộc khủng hoảng sau đều vì lý do nội tại hết.
Sự bành trướng của Trung Quốc trong lĩnh vực này cũng vậy. Hiện nay, kinh tế Trung Quốc, một phần là kinh tế tư bản tư nhân rừng rú, một phần là kinh tế tư bản nhà nước, và, đây là điều mới, một nhà nước quan lại kiểu Trung Quốc truyền thống nhưng hiểu rõ lôgích vận động của Tư Bản nhờ… Marx ! Do đó, nó vừa khôn khéo hữu hiệu, vừa tàn bạo, vừa thiếu văn hoá nhân bản của nền văn minh tư sản. Rất thích hợp với chủ nghĩa tư bản đời nay.

2009-09-20

3.Nụ cười Quốc hữu – Tư hữu

Khi các ý thực hệ gia tư bản đòi hỏi tư hữu hoá tất cả các công ty quốc doanh ở Châu Âu, họ viện lý luận cao siêu này : công ty tư nhân phải cạnh tranh với nhau trong thị trường nên giá cả phải hạ xuống, năng xuất lao động phải tăng và quản lý phải chặt chẽ, hiệu quả. Điều ấy khiến nó vừa bán rẻ vừa có lời, buộc nó phải phát huy sáng tạo trong mọi lĩnh vực để tăng hiệu quả của lao động và, như thế, không chỉ có lợi cho riêng nó mà cho cả xã hội. Công ty quốc doanh chỉ có thể bán rẻ hơn nó khi lấy thuế của dân để bù lỗ cho các công ty quốc doanh, cứ coi kinh tế xhcn thì thấy ! Nghe rất bùi tai. Nhưng, tiếc thay, xem xét thực tế thì ngược lại, ít nhất là đối với một số công ty quốc doanh gộc của Pháp suốt 30 năm liền. Một thí dụ cụ thể : Electricité de France (công ty điện lực của Pháp). Nó bán điện rẻ hàng chục năm, đảm bảo cho toàn dân Pháp có điện, có lúc cho không cho nhân viên của nó để bù đắp đồng lương khiêm tốn – nhưng không chết đói nhe, chưa kể đủ thứ phúc lợi xã hội dành riêng cho nhân viên của nó. Thế mà nó chưa hề lỗ vốn, lại còn thừa sức lôi cổ công nghệ này lên hàng đầu thế giới. Vì sao thế ? Nó lấy tiền của dân làm vốn đầu tư, nó bán điện với giá đủ đảm bảo : giá thành (trong đó có lương bổng của nhân viên), khấu hao, và đầu từ phát triển trong giai đoạn 10-50 năm tới. Thế thôi ! Nó đếch cần có lời… Vì có lời thì cũng chẳng ai thủ túi được ! Nó làm ăn như thế, tư nhân nào cạnh tranh nổi ? Và làm gì có anh tư bản sẵn sàng nhận rủi ro đổ tiền ra để… khổng thủ lợi. Phải chăng vì thế mà trước khi tư hữu hoá EDF, Nhà nước phải :

a/ ráo riết giảm số nhân viên, hạn chế tăng lương bổng
b/ ráo riết tăng giá điện ?

Để gánh thay cho "các thị trường" cái tội vừa đuổi nhân viên vừa làm điện tăng giá khi công ty quốc doanh biến thành tư doanh ?
Tại Anh đã có chuyện tiếu lâm sau. Nhà nước ồn ào tư hữu hoá hệ thống đường sắt. Không biết sau đó giá cả xuống hay… lên và, nếu xuống, xuống được bao nhiêu mà chẳng ai ca ngợi cả. Có điều chắc chắn : một vài năm sau, số tai nạn giao thông chết người tăng đột ngột khiến dư luận xôn xao. Điều tra, thì té ra anh chủ tư bản không thèm bỏ tiền bảo trì hệ thống đường sắt. Để làm gì ? Cứ thu vốn tóm lời cho nhanh rồi zông có đỡ mệt và hiệu quả hơn không ?

Kết quả : Nhà nước Anh quốc hữu hoá lại hệ thống đường sắt, tức là mua lại với "giá thị trường" để sửa chữa với tiền của dân ! Lấy tiền dân sửa chữa xong, nó dám tư hữu hoá lại lắm. Đương nhiên là vì lợi ích của bàn dân, tự do của con người và phát triển kinh tế tối ưu đúng theo quy luật khách quan khoa học của kinh tế thị trường toàn cầu hoá !
Thôi mà, lải nhải nữa làm gì ? So với cơn khủng hoảng tài chính vừa qua, toàn là chuyện vặt thôi mà, có gì phải bàn với tán.
Hè hè…

2009-09-20


4.Khi ta lao động kiếm ăn… chỉ để sống

Từ tháng 2-2008 tới giữa tháng 9-2009 thôi, tại công ty France Télécom, đã có 23 người làm thuê tự tử ngay tại công sở. Đại bộ phận là những "công nhân" trong lĩnh vực "kinh tế chất xám" ! Một hiện tượng chưa từng thấy bao giờ, rất mới cho ai thích tìm hiểu cái mới, không chỉ thời trang thôi mà gắn liền với sự tồn sinh của con người trong lòng một xã hội, một nền văn minh. Điều mới nhất : họ tự tử, ở nơi làm việc, vì những lý do chẳng dính dáng gì hết với "khoa học" kinh tế thống trị tư duy đời nay.
Mấy ngày qua, trong nhật báo Le Monde đã có 4-5 bài về đề tài này.

Bài hôm nay "thú vị" ở chỗ :
a/ nó dùng tư tưởng "cũ mèm" của… Hannah Harendt ! về… hệ thống toàn trị (Le système totalitaire) ! để phê phán… tài năng quản lý kinh tế của các công ty "hiện đại" như France Télécom, lại liên quan tới khái niệm lao động cực cũ mèm trong kinh tế học.
b/ có những đoạn, nhìn với một tư tưởng "cũ mèm" hơn nữa, tư tưởng của Marx, mà tôi cũng thấy là đúng, chí ít trong lĩnh vực này. Cho độc giả không sành tiếng Pháp, xin nói gọn thế này : con người là một thể thống nhất, không thể tách kích thước kinh tế của nó ra một xó biệt lập để lý luận với đủ thứ "khái niệm" trời ơi đất hỡi mà có thể hiểu được nó hay kích thước kinh tế của nó thôi.
https://www.lemonde.fr/societe/article/2009/09/16/si-on-ne-repense-pas-le-travail-il-faut-s-attendre-a-pire-que-des-suicides_1241431_3224.html


5.Tình yêu và tình bạn

Tình bạn chẳng khác tình yêu bao nhiêu : nó không có nhu cầu chiếm hữu. Bạn càng có nhiều bạn, ta càng mừng. Thế thôi.
Nhưng chúng ta đang sống ở thời đại mà giá trị phổ biến của con người được đo bằng khả nắng chiếm hữu. Ta chẳng có thế giới nào khác để sống cả. Đành vậy.
Vì thế, có lúc tình bạn quý hơn tình yêu: nó không giới hạn ai cả.

2009-09-20

6. Chiếm hữu và yêu

Con người, trong tư cách người, là một thực thể quái đản : chỉ có thể yêu hay ghét mà thôi. Không bao giờ chiếm hữu được. Nó tự do ở đó.
Hè hè.

2009-09-08

7. Lập ngôn

Thế gian chờ được lập ngôn,
Và mi đến với đời chẳng qua để nói.[1]
Chính vì thế, ngoài ngôn ngữ thơ của F. Cheng, còn biết bao ngôn ngữ thơ khác : nếu không như thế, thơ F. Cheng không thành ngôn được.
Mỗi thế hệ, mỗi cuộc đời phải lập ngôn của chính mình, khiến vườn thơ không chỉ trơ trơ vài bông hồng đơn độc mà trùng trùng điệp điệp hoa cỏ lạ. Cho tới ngày thế giới lặng tan trong cõi vô ngôn.

2009-09-02


[1] thơ tiếng Pháp của F. Cheng, Chân Phương dịch, https://amvc.free.fr/Damvc/ChanPhuong/GioiThieu/DocThoFrancoisCheng.htm
 
Lang thang chữ nghĩa- 6

1. Darwin, từ tư duy hình thức tới tư duy biện chứng

Nhật báo Le Monde và nhà xuất bản Flammarion đăng và bán, trong một ngày thôi, quyển L'origine des espèces của Darwin với giá 1 €, mở màn đăng "những quyển sách đã thay đổi thế giới", mỗi thứ 5 một quyển. Ôi, thế thì, mỗi tuần ta chỉ bỏ 5€ thôi và chịu khó đọc một quyển trong bộ sách này thì sau một năm, ta có thể bớt ngu nhiều. Tôi đã mua quyển sách ấy với giá ấy. Nay đã đọc "lại". Phải nói : rất chán ! Cơ bản, đây là một cuộc tranh luận giữa Darwin với những thành kiến của thời ông, những thành kiến mà, hôm nay, người làm khoa học chẳng mấy ai tin nữa. Nhưng đấy cũng là giá trị lớn nhất của quyển sách : một cuộc tranh luận khổng lồ giữa nhiều thế kỷ tín ngưỡng của một nền văn minh với một cá nhân muốn hiểu.

Cuộc tranh luận ấy có thể tóm tắt, một cách thô bạo, như thế này.
Nói chung, tới thời Darwin, hầu hết trí giả đều chấp nhận sự mô tả thế giới tự nhiên của Linné : "vật giới", thảo giới, thú giới (règne minéral, végétal, animal) và, trong thú giới, sự sắp xếp của ông (Wikipedia) :
(vivant, sinh giới) → règne (giới) → embranchement (ngành) → classe (lớp) → ordre (bộ) → famille (họ) → genre (chi) → espèce (loài)
Thí dụ, cho loài người đời nay (Homo sapiens) :
(vivant, sinh giới) → règne animal (thú giớ) → embranchement des vertébrés (ngành có xương sống) → classe des mammifères (lớp có vú) → ordre des primates (bộ khỉ) → famille des hominidés (họ người) → genre Homo (chi người)espèce Homo sapiens (loài người hiện đại).
Thêm bước nữa, có giống nòi : variétés.

Đậy là một bước đường kinh điển trong quá trình tiến tới tri thức : quan sát thế giới, đặt tên cho sự vật, sự kiện, mô tả chúng, sắp xếp chúng theo một thứ tự dễ nhớ, dễ chấp nhận vì nó dựa vào một số đặc tính chung có thể quan sát được của những sự vật. Nét đặc thù của cách tiếp cận và suy luận này là : phi thời gian tính, phi lịch sử tính. Người ta trải kiến thức trong không gian, thế thôi. Với cách suy luận này, không thể tưởng tượng ra được học thuyết của Darwin. Mỗi loài đã được tạo ra như nó , không ai tưởng tượng được rằng con ruồi, con giun, con ếch và con người có một "cụ tổ" chung !

So với thời ông, trong lĩnh vực sinh học, học thuyết của Darwin có hai nét đặc biệt :
1/ Ông muốn tiếp cận "sự sống" trong thời gian tính của nó, tìm hiểu quá trình vận động khai sinh ra và dẫn tới sự tiêu vong của các hình thái của nó. Đây là nét đặc thù của cách tiếp cận và tư duy biện chứng : nó không tìm hiểu bản thể của sự vật hay sự kiện vì đối với nó không có gì tự tại, trường tồn, sự vật và sự kiện chỉ là những hình thái tồn tại tạm thời ổn định đối với nhãn quan giới hạn của ta ; nó tìm hiểu quá trình vận động khai sinh ra và dẫn tới sự tiêu vong của sự vật, sự kiện.

2/ Trong nhiều môn khoa học, đơn vị đo lường thời gian có thể là ngày, tháng, năm, 10 thế kỷ. Trong môn sinh học, với cách tiếp cận và suy luận của Darwin, đơn vị đo lường thời gian là 100 triệu năm[1] ! Quá trình vận động của sự sống trong thời gian ấy chẳng để lại bao nhiêu dấu vết, chắc chắn không đủ để chứng minh học thuyết của Darwin đúng.

Thực tế, Darwin đã quan sát sự vận động của những hình thái sống ngay trong thời đại của mình, xuyên qua những kinh nghiệm, kiến thức mà loài người đã tích lũy được. Từ đó ông suy diễn ra lôgích vận động của sự sống nói chung, từ thuở xa xưa hàng trăm triệu năm, dẫn tới những hình thái sống có thực ngày nay. Và ông đưa ra một quan điểm biện chứng để giải thích sự hình thành của các loài vật. Quan điểm ấy dựa trên hai khái niệm "sự tiến hoá" (vận động trong thời gian) xuyên qua "sự chọn lọc tự nhiên" (hành-sự trong môi trường, trong không gian ở một thời điểm nhất định). Hai khái niệm này thống nhất với nhau nhờ khái niệm "sự di truyền có thêm sự thay đổi[2]").

Vì thế, học thuyết của Darwin không là một môn khoa học. Nó "chỉ là" một lý thuyết khoa học (théorie scientifique) theo định nghĩa của Gerald Edelman : một giả thuyết đi đôi với những biện luận phải được sự kiểm nghiệm khẳng định hay phản bác. Điều ấy dễ hiểu : lý thuyết của Darwin chỉ có thể đứng vững nếu ta hiểu được một cách khoa học "sự di truyền" là gì. Chưa kể tới chuyện di truyền có thêm sự thay đổi trong lý thuyết ấy. Thời ông, sự di truyền là một niềm tin vu vơ, một khái niệm mơ hồ, một "nguyên lý" không có cơ sở khoa học. Chính ông biết rõ điều ấy nên ông mong đợi rằng ngành cổ sinh vật học tương lai sẽ mang lại những thông tin cho phép khẳng định lý thuyết của ông. Hôm nay, mong đợi ấy đã được đáp ứng nhưng nhờ một kiến thức… khác !

Người đầu tiên tạo ra một nền tảng khoa học khẳng định lý thuyết của Darwin là Mendel với công trình nghiên cứu sự di truyền của ông, công bố năm 1865, chỉ 6 năm sau sự chào đời của quyển Nguồn gốc của các loài ! (1859). Nhưng thời đó không ai quan tâm tới tác phẩm của Mendel.

Đến thế kỷ 20, người ta mới có khả năng tìm hiểu sự sống ở mức phân tử, định nghĩa, kiểm chứng bằng cách thao tác vào chương trình gien của các loài sinh vật, xác định "sự di truyền" là gì và vận động ra sao. Dựa vào những kiến thức ấy, ngành cổ sinh vật học khám phá được trong ADN của nhiều di thể những bộ gien cho phép khẳng định quan điểm của Darwin. Lúc ấy lý thuyết của Darwin mới được dứt khoát khẳng định : đây là một cách tiếp cận và tư duy khoa học có thể làm sợi chỉ đỏ hướng dẫn suy luận của con người trong nhiều ngành khoa học của môn sinh học.
Darwin lớn ở đó.

Văn hoá Anh sau thời Phục Hưng quả là đồ sộ. Newton, một đỉnh cao của khoa học vật lý. Darwin lập nền tảng cho sinh học. Adam Smith lập nền tảng cho kinh tế chính trị học. Shakespeare và biết bao nhân tài khác trong những lĩnh vực của nghệ thuật và tư duy !

sửa lần cuối : 2009-10-30.

[1] Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng tất cả các thú vật có trên mặt đất đều xuất thai từ một sinh thể đã sống cách đây 600 triệu năm.
[2] Một cá thể truyền lại cho con cháu những đặc tính dị biệt của mình đối với đồng loại, thuận lợi cho cuộc tồn sinh.

2. Đọc cổ nhân

Hôm nay, tôi ghé một sạp báo mua tác phẩm lừng danh của Darwin. Tôi ngượng chín người. Trong 20 quyển sách đầu mà Le MondeFlammarion tuyên bố sẽ đăng mỗi thứ 5 tới một quyển, có gần ½ tôi chỉ biết tên, chưa hề đọc. Sống hơn 40 năm ở Paris mà âm u như thế thì chán thật. Ngay tác phẩm trứ danh của Darwin, tôi nhớ mang máng là tôi đã đọc ở tuổi thanh niên khi tôi mới qua Pháp, khi tiếng Pháp ở tôi còn ba xí ba tú, tôi chẳng còn nhớ gì thật rõ ràng, vì thế mà tôi mua để đọc "lại". Những gì tôi biết về Darwin đều qua những nhận định của các nhà khoa học sinh học mà tôi đọc sau này, và… Marx-Engels !

Tôi bật cười khi thấy quyển số 19 lại là Tuyên ngôn cộng sản (Le manifeste communiste, sau được tái bản dưới tên Le manifeste du Parti Communiste, của Marx và Engels). Thực chất, đây là một bài hịch, không là một quyển sách lý luận, tuy Marx-Engels không bao giờ viết suông bất cứ gì hết. Chính hai tác giả, trong mấy đề tựa, đã giải thích phần cơ bản (lý luận) và phần ứng dụng tạm thời, tuỳ bối cảnh (hịch). Người đời trong thế kỷ 20 đã dùng nó như thế nào, hôm nay, khỏi cần bàn nữa. Để xem Le MondeFlammarion sẽ đăng những gì trong quyển sách ấy. Nếu chỉ có bài ấy thôi, quá ngắn, đăng thành sách để kinh doanh sao được ? Có điều chắc chắn : tư tưởng của hai con người này, xuyên qua cách hiểu của người khác, đã góp phần thay đổi thế giới trong thế kỷ 20. Phần tích cực nhất là ở… các nước tư bản ! Hầu hết các môn "khoa học" nhân văn đã chịu ảnh hưởng của nó ! Chưa kể tới các thành quả chính trị và xã hội. Phần tiêu cực nhất là ở… các nước gọi là xã hội chủ nghĩa, toàn là những nước lạng quạng đi vào thời đại khoa học và công nghiệp từ một thực tế kinh tế xã hội chính trị và văn hoá của thời Trung cổ Âu hay Á. Đây là một câu hỏi đau điếng đối với người xuất thân Ziao Chỉ như tôi nhưng lại trưởng thành giữa Tháng năm 68 tại PhuLăngXa khi thanh niên và nhiều trí thức ào ạt đặt lại vấn đề với đủ thứ giá trị, niềm tin, hệ tư tưởng, học thuyết…

Có người nhận định rất đúng : nếu chỉ dựa vào tiêu chuẩn khách quan "Les livres qui ont changé le monde" thì nên đăng lại Mein Kampf của Hitler và Le petit livre rouge của Mao et tutti quanti. Bản thân tôi tán thành chuyện đó nếu, đồng thời, ta trang bị cho độc giả khả năng đọc sách, nghĩa là khả năng tư duy tự do, kể cả đối lập với… chính mình. Sau đó, như ta, mọi người tự do. Hi hi…
Tôi hỏi bà bán hàng ở quầy báo : bán được không ? Bà bảo : chạy lắm. Dường như hôm nay bàn dân PhuLăngXa đang ý thức rằng mình đang khủng hoảng văn hoá nên mới có nhu cầu đọc lại một đống những văn kiện kinh viện như vậy. Thật đáng mừng.
Không biết đến ngày nào bàn dân Ziao Chỉ mới được "thoải mái" như thế ?
Nước ta, dân ta, hôm nay, nó vậy ? Đành vậy ?

Không. Hơn 60% người Việt đời nay dưới 25 tuổi. Hầu hết họ xa lạ với tất cả những chuyện này. Không phải vì vậy mà họ không có nhu cầu sống cho ra người. Chúng ta, những đàn anh khốn khổ, có gì đáng nới với họ không ?

2009-10-18. PHD


3. Khi trưng cầu dân ý chửi khoa học kinh tế

Cách đây không lâu, đầy nhà tư tưởng VN, sau vô vàn nhà tư tưởng quốc tế, hùng hồn khẳng định : phát triển kinh tế chỉ có thể có được với thể chế dân chủ pháp quyền. Nói toạc móng heo thì thế này : phải thành lập thể chế dân chủ pháp quyền tư sản mới có cơ may phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường tư bản toàn cầu hoá này. Vì kinh tế thị trường tư bản là nền kinh tế áp đảo nhân loại ngày nay ? Ai lại nói thế, tuy đó là sự thực ! Một tiên đoán của Marx đó, trong trường hợp này không sai – nhưng dù quý trọng Marx, tôi cũng không đành sống vậy, cũng vì một ý tưởng khác của Marx về con người.

Kinh tế kinh tế, khoa học, còn chính trị chính trị, là những trò chơi ta nên xa lánh ! Kinh tế chính trị học là chuyện phiếm, không đáng bàn đối với một nhà khoa học. Một số những vị đó cũng đã từng nêu giả thuyết rằng muốn phát triển kinh tế phải có một chính sách thống nhất lâu dài đúng đắn và đưa trường hợp Đài Loan và Nam Triều Tiên như ví dụ, quên béng rằng những nước đó đã phát triển kinh tế dưới thể chế độc tài, thậm chí quân phiệt. Còn Trung Quốc hôm nay, ai dám phủ nhận vị trí kinh tế hạng 3 trên thế giới của nó và đồng thời coi nó là một thể chế dân chủ pháp quyền tư sản ? Thôi mà, đó là tiểu tiết, bàn làm chi. Dù sao thì Đài Loan và Nam Hàn đã đạt mức kinh tế cao của thời đại và đã ít nhiều biến thành những nước dân chủ tư sản. Đó là điều đáng mừng cho họ. VN ta làm được như thế, tôi đành vỗ tay hoan hô liền. Tuy, nói trước, tôi rất đau, nỗi đau nhân tình dấm dớ ấy mà…

Theo những nhà tư tưởng ấy thì cách tốt nhất để tăng trưởng kinh kế là Nhà nước nên rút lui khỏi lĩnh vực kinh tế để thị trường tự điều tiết. Trừ khi thị trường điên loạn tới mức Nhà nước phải lấy tương lai của bàn dân để cứu vãn thị trường. Thị trường là ai, bố ai biết được, chứ bàn dân đóng thuế để cứu vãn thị trường là những ai, hôm nay và ngày mai, ai cũng biết.

Cũng theo những nhà tư tưởng ấy, nên tư hữu hoá tất cả những xí nghiệp quốc doanh. Đó là điều Pháp và Châu Âu ráo riết thực hiện từ hơn 20 năm nay, nhiều khi bằng lời dối trá với bàn dân : khẳng định Gaz de France (Công ty quốc doanh Khí đốt Pháp) sẽ mãi mãi thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Pháp 100% và, vài năm sau, bán cho tư nhân).
Bàn dân PhuLăngXa đáng yêu thật. Chúng nó đáng là hậu duệ của Descartes. Chúng nó điên điên dân chủ đến thế này : chúng nó tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xem có nên biến một cộng ty quốc doanh phục vụ dân sinh (service public) do tiền của chúng nó lập ra, Bưu điện Pháp, mỗi năm đem lại không ít tiền lời cho chính phủ Pháp, thành một "hội vô danh" (société anonyme, công ty kinh doanh của những người chủ vô danh) hay không ? Nếu chúng nó ok, thì quyền sở hữu Bưu điện Pháp không vĩnh viễn là của bàn dân PhuLăngXa đã tạo ra nó nữa mà có thể trở thành quyền sở hữu của một vài tư nhân. Kết quả sẽ thế nào, nó đã từng nghiệm sinh với một quá trình tương tự của công ty quốc doanh Gaz de France (Khí đốt Pháp).

Kết quả ? Hơn 2 triệu bàn dân PhuLăngXa đã tham gia cuộc trưng cầu ý kiến và hơn 90% đã tỏ ý chống lại quy chế mới của Bưu điện Pháp do chính phủ chủ trương. Chuyện này chỉ có thể hiện thực khi hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội cho phép một phần của thượng từng kiến trúc của nó hiện thực : cách đây, chỉ 10 năm thôi, đừng hòng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như thế[1] ! Bàn dân PhuLăngXa thật ngu xuẩn, không biết điều, dám có ý kiến của mình về tương lai của một cơ cấu hoạt động xã hội do chính mình tạo ra với tiền của chính mình để phục vụ mọi người PhuLăngXa. Nó chẳng hiểu biết gì hết về quy luật kinh tế thị trường khoa học cả !

Chưa bao giờ nguyên lý dân chủ chửi bới khoa học kinh tế thống trị tư duy hiện hành đến thế này ngay trong một nước chủ trương dân chủ ở mức toàn cầu, nêu chính mình như một tấm gương, và biểu dương khoa học trong mọi lĩnh vực của tư duy !

Tất nhiên, cuộc Trưng cầu dấn ý này, trong chế độ dân chủ pháp quyền tư sản của PhuLăngXa hiện nay, không có giá trị pháp luật nào hết. Trong chế độ đó, thực tế, chỉ có một người thôi có quyền tổ chức Trưng cầu dân ý, đó là… tổng thống đương thời, là… Sarkozy thánh nhân. Trước đó có… Mitterrand và… De Gaulle. Trong những vĩ nhân ấy, chỉ có De Gaulle đã chấp nhận buông chính quyền, tuy không có gì bắt buộc, khi dân ý không đồng tình. Ông hơn chính giới PhuLăngXa ở đó. Người ta quý trọng ông ở đó : dám sống với niềm tin của mình ngay khi niềm tin ấy bị người đời bác bỏ.

Chưa bao giờ, ở PhuLăngXa, hoài bão dân chủ lại chửi kiến thức khoa học kinh tế thời thượng đến thế này. Ta nên nghĩ gì về chuyện ấy khi ta dựa vào "khoa học" kinh tế của đủ thứ trường phái thời thượng từ sau Keynes để khẳng định rằng thành lập một nền dân chủ tư sản kiểu Tây Âu là cần thiết nếu muốn phát triển kinh tế ở đời nay ?

Để bạn đời, nếu có, đừng lầm lẫn về tôi, tôi xin nói thẳng : tuy không mấy hứng thú, hiện nay, VN có được một thể chế dân chủ pháp quyền tư sản đích thực, với những giá trị văn hoá của nó, là điều đáng mừng. Bản thân tôi đã được hưởng điều đó, rất biết ơn nhưng không mãn nguyện. Tôi cầu mong mọi người Việt cũng được hưởng điều ấy, trước mắt, và, lâu dài, cũng không mãn nguyện như tôi.
2009-10-06.

[1] Vụ Bauxite ở VN cũng vậy !

4. Chết

Hôm nay ta tự-nhiên chết là chuyện bình thường, chẳng có gì phải thắc mắc. Làm sao khác được ?

Nhưng nếu ta còn một điều gì đáng nói mà chưa nói được nên lời, ta chưa đành chết.
Ngoài ra, hè hè…

2009-10-04.

5. Lòng người

Lòng người thường quá nặng với quá khứ, quá hời hợt với tương lai.
Nên quá khứ thắt họng tương lai.

2009-10-09.

6. Nghiên cứu

Nghiên cứu, đương nhiên là tìm hiểu một điều gì chưa ai hiểu được. Nhưng, quan trọng hơn, là sáng tạo một cách tiếp cận, những giả thuyết và một cách suy luận mới mở đường hiểu biết một lĩnh vực chưa ai hiểu được.
Darwin khác đời ở đó. Freud cũng vậy.

2009-10-09.

7. Thơ, ý, tình

Thơ "có ý" có đầy, thường thiếu nhục cảm, chỉ lý luận suông, không có tình. Thơ tràn trề "nhục cảm" không thiếu, thường rỗng tuếch, không có ý, chỉ ví von nhạc điệu và chữ nghĩa thôi, rất thường tình, tôi có thể thích, ai mà chưa hề ? nhưng không mãn nguyện. Dường như văn ngày nay cũng vậy ! Petri György hơn đời ở đó. Vì thế tôi thích thơ Chân Phương.

Nhưng tôi không là nhà thơ, tôi ít khi dám dịch thơ, bốc phét về thơ, chỉ biết rung cảm thôi. Đành vậy.

2009-10-10. PHD

Theo Phan Huy Đường - VCV
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top