Làm thế nào để học tốt các môn triết học - chính trị
Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, hình thành phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng nhân loại và tổng kết thực tiễn của thời đại; là thế giới quan và phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động và tiến tới giải phóng con người.
Triết học luôn là bộ môn "khó nuốt" đối với những sinh viên không chuyên ngành.
Năm học này là năm đầu tiên nhà trường chuyển đổi phương phức đào tạo từ niên chế học phần sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đồng thời cũng là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cơ cấu lại chương trình từ ba môn khoa học Mác-Lênin trước đây thành một môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin . Với sự thay đổi đó, chắc chắn làm cho các em không thể tránh khỏi những băn khoăn lo lắng làm thế nào để học tốt môn học này với một dung lượng kiến thức lớn như vậy. Xuất phát từ suy nghĩ đó, với tư cách là người đi trước, là người đã từng được nghiên cứu chúng tôi mạnh dạn trao đổi cùng các em một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, xác định rõ đối tượng, động cơ, mục đích của việc học tập
Bước vào học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin , đầu tiên chúng ta cần có một sự khái quát chung, trả lời cho câu hỏi: Học cái gì, học để làm gì? Trước khi bàn tới học như thế nào? Nội dung môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin bao quát các lĩnh vực tri thức hết sức rộng lớn, nhưng trong đó có ba bộ phận lý luận cơ bản có mối quan hệ thống nhất với nhau, đó là: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.
Triết học Mác-Lênin nghiên cứu những quy luật vận động, phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; xây dựng thế giới quan, phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng. Kinh tế chính trị Mác-Lênin nghiên cứu những quy luật kinh tế của xã hội, chủ yếu là các quy luật kinh tế về sự ra đời, phát triển, suy tàn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và quá trình hình thành, phát triển của phương thức sản xuất mới. Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu những quy luật của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, quá trình chuyển biến từ xã hội cũ sang xã hội mới (xã hội chủ nghĩa) và tiến tới chủ nghĩa cộng sản.
Hàng ngày, chúng ta luôn đứng trước những sự kiện, hiện tượng, những vấn đề, những công việc mà cuộc sống đặt ra cần phải suy nghĩ, nhận biết và tìm biện pháp giải quyết. Muốn giải quyết tốt, đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn nhận sự việc đúng đắn, sâu sắc và tìm ra biện pháp phù hợp. Việc học tập, nghiên cứu Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin là để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Nói một cách nôm na, tức là học cách nhìn nhận sự việc, học cách xử lý công việc của chủ nghĩa Mác để áp dụng vào giải quyết những công việc thực tế hàng ngày của chúng ta một cách có hiệu quả. Việc nắm vững những nội dung của môn Những nguyên lý cơ bản chủ nghĩa Mác-Lênin chẳng những là điều kiện tiên quyết để hiểu rõ cơ sở lý luận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là nền tảng cơ sở để học tập, nghiên cứu các môn khoa học khác, đặc biệt các môn kinh tế chuyên ngành; vận dụng nó một cách sáng tạo trong hoạt động thực tiễn của đời sống. Như vậy, rõ ràng việc học tập, nghiên cứu Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin là hết sức cần thiết đối với bản thân mỗi người. Một khi đã thấy rõ được tầm quan trọng, tính thiết thực của môn học thì cần phải xác định đúng động cơ, thái độ của việc học tập ngay từ đầu. Học không cốt chỉ để đủ điểm mà cái chính yếu là để vận dụng nó vào giải quyết những công việc hàng ngày của cuộc sống, từ đó bản thân cần nêu cao quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực, tích cực trong quá trình học tập để lĩnh hội tri thức.
Thứ hai, xây dựng phương pháp học tập phù hợp
Qua theo dõi và trao đổi với sinh viên, đặc biệt là tìm hiểu nguyên nhân đối với những sinh viên có kết quả học tập không đạt yêu cầu, chúng tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên nguyên nhân là do không xây dựng được phương pháp học tập phù hợp. Những em này vẫn tiếp tục duy trì thói quen “học vẹt, học dồn, học tủ” từ các bậc học phổ thông. Nhiều em cố học thuộc lòng từng câu, từng chữ y nguyên như trong sách giáo khoa, nhưng không nắm được nội dung cốt lõi của vấn đề học tập. Học như thế là học vẹt, học mà không hiểu. Một số khác có thói quen chủ quan ỷ lại, quá tự tin vào sức mình, hoặc do lười nhác, hoặc cũng có thể do không nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của môn học, cho rằng đây là môn học phụ chỉ cần học đủ điểm là được nên không tập trung nỗ lực học tập ngay từ đầu mà để đến cuối kỳ, cận sát ngày thi mới học, để “nước đến trôn mới nhảy”. Với một khối lượng nội dung học tập lớn lại dồn vào trong một thời gian quá ngắn, trong khi còn phải chịu áp lực từ phía nhiều môn học khác nữa nên chắc chắn là sẽ bị rơi vào tình trạng “bức xô” quá tải. Một khi rơi vào tình trạng quá tải, để đối phó với việc thi, kiểm tra trước mắt các em thường phải chọn “giải pháp tình thế” đó là học tủ, lựa chọn một vài vấn đề, nội dung mà các em cho là sẽ ra thi để học, kiến thức hoàn toàn không có tính hệ thống, kết quả đem lại không như ý muốn.
Đối với môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin , khi học các em sẽ phải tiếp cận với hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học, trong đó có nhiều khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật mang tính trừu tượng cao, bao hàm các lĩnh vực tri thức hết sức rộng lớn, trong khi quỹ thời gian học tập thì không nhiều, cho nên các em không thể áp dụng phương pháp học thuộc lòng từng câu từng chữ, kinh viện, giáo điều như trước được nữa. Vì vậy, ngay sau khi chuyển lên bậc học cao đẳng, dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo các em cần phải nhanh chóng đổi mới phương pháp học tập, xây dựng cho mình phương pháp học tập phù hợp, từ bỏ những thói quen xấu, học vẹt, học dồn, học tủ, chuyển sang phương pháp học tập mới, hình thành thói quen chủ động nghiên cứu, tạo lập kỹ năng sưu tầm, tra cứu tài liệu, sử dụng các phương tiện học tập, tìm kiếm, phát hiện và giải quyết vấn đề để lĩnh hội tri thức. Khi học trên lớp, không cần phải ghi chép nhiều, chỉ cần ghi tóm lược những ý chính và phải cố gắng lắng nghe để hiểu đúng tinh thần, thực chất của vấn đề. Khi về nhà cần đọc nhiều tài liệu, sách báo, tạp chí...; trước hết là đọc lại giáo trình để hiểu rõ các thuật ngữ, khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật; tiếp đến là đọc các tài liệu tham khảo có liên quan; đối chiếu, liên hệ với thực tiễn để bổ sung kiến thức. Để có kiến thức sâu rộng và nhớ lâu, không những cần phải lắng nghe bài giảng của thầy, sử dụng các phương tiện học tập để tự học mà còn cần phải tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận cùng với bạn bè trong nhóm, trong lớp. Ông cha ta từ xa xưa đã từng có câu “học thầy không tày học bạn” là cũng vì lẽ đó.
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt việc thảo luận, tranh luận
Trong xu thế dạy học hiện đại, hầu hết các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước đặc biệt chú trọng hình thức thảo luận. Hoạt động thảo luận có tác dụng phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong quá trình lĩnh hội tri thức; tạo nên môi trường hợp tác, tương trợ giúp đỡ giữa các thành viên với nhau, hình thành tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể, tạo lập thói quen chủ động, tự giác học tập, làm việc; hình thành thói quen, kỹ năng tổ chức, giao tiếp, tự đánh giá kết quả hoạt động của cá nhân và của tập thể. Thông qua hoạt động thảo luận, tranh luận trong tập thể, vốn hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực, trình độ của mỗi cá nhân sẽ bộc lộ, đồng thời quá trình nhận thức cá nhân sẽ được điều chỉnh, phát triển nâng lên trình độ cao hơn; nguồn tri thức của các cá nhân sẽ được tối đa hóa do nhờ kết hợp được trí tuệ, sức sáng tạo cá nhân với tập thể nhóm và lớp. Hình thức thảo luận đòi hỏi phải có sự phân công và hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên, các nhóm tổ; nhờ đó sẽ làm cho học viên thích ứng dần với sự phân công và hợp tác trong đời sống lao động xã hội.
Để việc thảo luận, học nhóm có kết quả, các em cần phải chủ động bàn bạc thành lập nhóm, xây dựng kế hoạch học tập, phân công giao nhận nhiệm vụ thảo luận, tổ chức phối hợp hoạt động trong nhóm; tự giác chuẩn bị tốt từ trước nội dung những vấn đề thảo luận, sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, suy nghĩ chuẩn bị trước các ý kiến cá nhân; chủ động, tích cực trao đổi thông tin, nỗ lực cao độ trong quá trình phối hợp hoạt động thảo luận nhóm và tranh luận trước tập thể lớp, nhận xét đánh giá kết quả.
Thứ tư, hình thành thói quen, kỹ năng sưu tầm, tra cứu tài liệu, sử dụng các phưong tiện học tập
VI.Lênin đã từng nói: “Không có sách thì không có tri thức”. Câu nói ấy không những đã chỉ cho chúng ta nơi cất giữ một khối lượng tri thức khổng lồ, mà còn chỉ cho chúng ta con đường để đi tới tri thức của nhân loại. Không đâu có thể giúp chúng ta có nguồn tri thức dồi dào, phong phú bằng thư viện nếu ta biết khai thác và sử dụng tốt nó cho việc học tập của mình. Nhớ lại thời bao cấp, khi còn là học sinh phổ thông nguồn sách, tài liệu ít, chỉ tập trung ở các thư viện lớn. Nhân có dịp vào thư viện Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tôi loay hoay mất cả giờ đồng hồ để tìm kiếm mà vẫn không tìm mượn được cuốn sách mình mong ước, chỉ vì không biết cách tra cứu tài liệu, trong khi cô thủ thư thì luôn bận rộn với việc giao trả sách. May thay khi vào giảng đường đại học, được nhà trường dành cho cả lớp hơn một tuần đầu để học và thực hành cách tra cứu tư liệu cũng ở tại thư viện này. Việc tìm mượn sách trước đây đối với tôi sao quá ư là khó khăn, giờ chỉ chưa đầy năm phút tôi đã tìm thấy nó rồi. Ngày nay, hầu hết các địa phương và các trường đại học, cao đẳng đều có các trung tâm thư viện với trữ lượng sách khá dồi dào và trang thiết bị hiện đại. Đây là một thuận lợi lớn, vì vậy các em cần nhanh chóng tiếp cận, tạo lập kỹ năng sưu tầm, tra cứu tài liệu, sử dụng các phương tiện hiện đại, khai thác tốt thư viện để phục vụ cho việc học tập của mình.
Nguồn: Sưu tầm