LÀM SAO ĐỂ HỌC TỐT MÔN HÓA
Để học tốt hay học giỏi môn Hóa đối với nhiều người là khó khăn. Nhưng có một thực tế là môn Hóa không khó để có thể học được. Một số kinh nghiệm đưới đây có thể giúp bạn cải thiện môn hóa một cách hiệu quả, giúp bạn học tốt hơn môn Hóa của mình:
- Bất kỳ một môn học, công viêc nào cũng cần có lòng đam mê, hăng say và hăng hái. Để có thể học tốt được chúng ta cần phải thích môn học đó và cố gắng để có thể đưa lại kết quả cao nhất
- Sắp xếp thời gian học một cách hợp lý cũng chính là giúp cho chúng ta thay đổi thói quen của mình.
- Cách học: Các bạn có thể tham khảo cách như sau:
Đầu tiên bạn nên đọc kỹ và học thuộc lý thuyết trước, cần nắm định nghĩa, khái niệm, quan trọng hơn là phải hiểu được bản chất của vấn đề, biết cách vận dụng được các khái niệm - định luật trên.
Ví dụ như phần về các chất, bạn nên học kỹ về tính chất lý tính, hóa tính, cách điều chế,…và ứng dụng của nó.
Sau đó bạn dựa trên các lý thuyết đã học để có thể làm các bài tập trong sách giáo khoa, bạn nên làm kỹ các bài tập đó để vừa học lại lý thuyết vừa nắm được các phương pháp giải và giải nhanh các dạng tương tự.
Khi các bạn đã học kỹ lý thuyết và bài tập SGK bạn nên làm thêm các bài tập ở các sách tham khảo. Nếu công thức khó nhớ bạn có thể dùng giấy nhớ để giúp bạn ghi nhớ các công thức. Ngoài ra bạn cần kiểm tra kiến thức xem mình bị hổng ở chỗ nào thì nên học kỹ lại phần đó.
- Cách làm bài tập:
Một bài toán Hóa học là tập hợp của nhiều dữ kiện giải toán khác nhau mà cách giải bị chi phối bởi 2 yếu tố chính là: các phản ứng Hóa học xảy ra trong bài và các phương pháp cần dùng để giải bài toán đó. Để giải được một bài toán sao cho nhanh và chính xác, nhất thiết phải giải quyết cho được 2 yếu tố đó, nếu nắm được phương pháp giải bài toán mà không biết tính chất Hóa học thì không thể giải được và ngược lại, nếu nắm được bản chất Hóa học mà không lựa chọn được phương pháp phù hợp thì việc giải toán sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian.
Cũng chính bởi vì thế mà việc học phương pháp giải toán Hóa học không thể cứng nhắc thành những “dạng bài” hay “công thức tính” như Toán hay Lý, cùng là phương pháp giải toán ấy nhưng đặt vào một bài toán cụ thể với những phản ứng Hóa học cụ thể thì cách tính sẽ khác, chứ không thể máy móc “thay số vào công thức” hay “áp dụng biển đổi như dạng bài” theo kiểu Toán và Lý được. Các công thức hay dạng bài trong giải toán Hóa học có rất nhiều nhưng phạm vi áp dụng cho mỗi công thức lại khá hẹp và đòi hỏi rất nhiều điều kiện, chỉ cần bài toán thay đổi một dữ kiện nhỏ là công thức tính hay cách biến đổi cũng phải thay đổi theo và do đó, thầy không khuyến khích các em giải toán theo các công thức cứng nhắc nếu như phạm vi ứng dụng của nó không nhiều, nhất là khi các em còn chưa nắm được bản chất và các điều kiện làm cho công thức ấy đúng.