- Xu
- 458
Họ tên: Lê Thị Hiệp
Tuổi thơ tôi gắn liền với vùng ngoại ô thành phố Huế- thành phố được mệnh danh là “dịu dàng pha lẫn nét trầm tư”. Giờ đây, nơi đất khách quê người, thời gian đang dần trôi về với cái tết cổ truyền của dân tộc- Quý Tỵ, bỗng dưng tôi nhớ về nơi ấy da diết- một vùng quê được vắt ngang bởi con sông Bồ thơ mộng bên lở- bên bồi và có Quốc lộ 1A đi qua. Sự sâu lắng sao mà duyên dáng, với cái tên nghe rất dịu ngọt- mặn mà: Hương Trà. Cái tên mà hồi nhỏ tôi từng hỏi mạ ( mẹ) tôi: Mạ ơi, có phải quê mình trồng nhiều cây Thành Trà, mà hương của nó thơm như mùi hương nên gọi là Hương Trà phải không mạ? Mạ tôi chỉ cười mà rằng: Lớn lên, con sẽ hiểu!
View attachment 11126
Tôi còn nhớ như in cái tết năm ấy- năm 1976- năm tôi vừa tròn 10 tuổi, cũng là năm đất nước hồi sinh sau 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi xúng xính trong tay mạ suốt mấy ngày tết cổ truyền, từ làng nội sang làng ngoại mà không hề mỏi chân và rét lạnh. Hồi đó, đâu có cảm nhận gì về tết, về sự thiêng liêng vốn có của tết, ngoài việc được ăn ngon ( mứt, bánh tét), mặc đẹp ( có áo quần mới), được đi chơi không phải bồng ( bế) em và càng không hề nghĩ đến lì xì.
Ngày 30 tết, là ngày đón ông bà về nhà mình ăn tết, sum họp với con cháu, là ngày thiêng liêng nhất, ấm cúng nhất. Mới sáng sớm, trong cái lạnh đến run người, từ trong cái mền dạ (cái chăn) tôi vùng dậy, khi nghe tiếng ba gọi “ Đứa mô (nào) đi cồn (nơi chôn ông bà đã chết) thắp hương với ba thì dậy đi, không thôi mặt trời lên là hết đi (theo quan niệm của người dân quê tôi, ban đêm là cõi âm, là ngày của người đã chết, nên đi mới gặp để mời). Từ nhà lên đến mộ của ông bà tôi khoảng 02km, tôi vừa đi, vừa nhảy nên khoảng cách như gần lại, chỉ biết khi đi về là phải ngồi nhổ cỏ may găm ở ống quần mất không ít thời gian. Gần trưa, khi mạ tôi nấu mâm cỗ xong, ba tôi bày biện lên bàn thờ và thắp hương. Không biết ba tôi nói gì lầm rầm trước bàn thờ ông bà, mà nét mặt vẻ nghiêm trang lắm, lúc này chị em chúng tôi chỉ được đứng ở nhà bếp nhìn lên thôi, chứ không được lên nhà trên khi ba tôi đang cúng. Khói hương nghi ngút, nghe đượm nồng, khi hương trên bàn thờ vừa hết, là lúc đã cúng xong, ba tôi gọi chị em tôi dọn cỗ xuống nhà dưới và cả nhà quây quần bên mâm cơm cuối năm thật là đầm ấm, như báo cho cả nhà biết rằng: cái cũ, cái xấu đã ra đi, cái mới, cái tốt sắp về. Cảm giác này đan xen mãi trong tôi và cho đến hôm nay khi một cái tết nữa sắp về và tôi đang xa Huế!
Đêm 30 tết, không gian yên ắng lạ thường, trời tối đen, không trăng, không sao, nhìn xung quanh chỉ là ánh đèn dầu với đèn dầu, đường vắng không một bóng người có vẻ huyền bí. Từ các ngôi nhà tỏa lên những làn khói của những nồi bánh tét đang được mọi nhà vội vã, quạt quạt, thổi thổi, mong bánh chín để cúng đón giao thừa hòa vào không gian rồi tan biến trong màn đêm.
Và thời khắc giao thừa đã đến- 00 giờ ngày 01 tháng 01 Âm Lịch! Thời khắc mà con nít chúng tôi phải ngồi trên giường chưa được bỏ chân xuống đất, khi chủ hộ gia đình ( ba tôi chưa bỏ chân xuống đất)- đó là tục đạp đất ( xông đất), mặc cho ngoài kia tiếng pháo đang nổ râm ran như thúc giục tính tò mò, ham chơi của chúng tôi, càng nghe càng gần. Tôi giật mình khi nghe đứa em út hết lên: Ba đạp đất rồi! Vừa la, nó vừa vùng ra khỏi mùng ( màng), nhảy xuống đất, chạy ra sân ngay. Cả 4 chị em tôi chạy theo và reo lên khi nghe thấy pháo nổ sáng từng góc trời của làng quê. Ba tôi lúc này lại đang thắp hương xung quanh nhà, trước ngõ, trước mâm trái cây đang được bày biện rất công phu ở giữa sân để đón giao thừa ( ở quê tôi có tục cúng đón giao thừa lúc 0 giờ của ngày đầu năm, rất linh thiêng, cúng đến khi cây hương tàn mới thôi). Sau khoảng 30 phút pháo ngừng nổ, không gian trở lại tĩnh mịch, trời tối bưng, lúc này chúng tôi mới thấy lạnh và lục tục kéo nhau vào nhà. Các nghi lễ được ba tôi làm chầm chậm, có vẻ lung linh, huyền bí lắm, như một bức tranh được thêu dệt nên bởi những câu chuyện thần thoại ly kỳ. Nhưng, tất cả đó là sự thật- một sự thật hiển nhiên mà người dân quê tôi bao giờ cũng vậy, mỗi khi tết đến- xuân về, họ tín ngưỡng và tin rằng sau những nén hương đón giao thừa là sự ấm cúng, may mắn, bình an sẽ đến với họ, vì thế họ sống trong trầm mặc và phải chăng con người Huế trầm tư là vậy! Cũng chính từ đó, hình ảnh tết quê luôn ám ảnh, khi tôi đang sống xa quê, tôi sợ tết đến! Nhưng cái sợ vẫn đến, bởi đó là quy luật và những người con xa xứ như tôi chỉ biết khóc thầm và nấc lên 2 chữ “giá như”.Vâng, giá như hồi đó mình cảm nhận được giá trị của cái tết ở quê và giá như mình đang được ở quê.
Đúng như vậy, “ Mùng một tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”! Sáng tinh mơ của ngày đầu năm mới, chúng tôi được mặc quần áo mới cùng ba, mạ đi thăm ông, bà và họ hàng bên nội; ngày thứ hai mới thăm ông, bà và họ hàng bên ngoại ( chỉ đi bộ chứ thời đó đâu có xe máy), nhưng đường sá nhộn nhịp hẳn lên bởi sắc màu quần áo con nít như chúng tôi ( tết ở Huế là mùa lạnh, mưa phùn và là mùa khoe sắc áo). Và rồi ngày mùng 3 tết đến- là ngày của riêng mình, chúng tôi mạnh ai thì đi. Bạn bè chúng tôi cả lớp đến chúc năm mới thầy cô bằng những tiếng cười vô tư, trong sáng, vào nhà ai không may không đủ ghế thì nháo nhào, nhưng không ai rầy la chúng tôi cả, bởi người dân Huế cho rằng: con nít tới nhà đầu năm là may mắn ( bởi hồn nhiên và vô tư). Chúng tôi cứ thế đi bất kể trời tối và chơi cho đến ngày đi học! Lúc này, vào giữa tháng Giêng Âm lịch, mà trong cặp đứa nào cũng đầy ắp mứt gừng, bánh kẹo, càng ăn càng thấy ngon, nhất là vị thơm của bánh tét chiêng, vị cay cay ấm dạ của mứt gừng, vị bùi bùi của ngào sắn ( củ mỳ cắt nhỏ từng miếng bằng ngón tay út, luộc lên, phơi khô, rang giòn rồi tẩm đường – đặc sản tết Huế đó).
Tất cả giờ đây không còn nữa, có chăng chỉ là dư âm và có chăng chỉ là ký ức tết tuổi thơ. Một tết thơ đẹp, hồn nhiên đã mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại với tôi và càng thấm thía hơn với những người lập nghiệp phương xa như tôi, tết không được về quê “ăn tết”, thay vào đó, là sự lo toan cho một cái tết của đời người, không nghĩ nhưng nó vẫn đến như một quy luật của thời gian và định mệnh của một đời người.
********************
KÝ ỨC TẾT THƠ
Tuổi thơ tôi gắn liền với vùng ngoại ô thành phố Huế- thành phố được mệnh danh là “dịu dàng pha lẫn nét trầm tư”. Giờ đây, nơi đất khách quê người, thời gian đang dần trôi về với cái tết cổ truyền của dân tộc- Quý Tỵ, bỗng dưng tôi nhớ về nơi ấy da diết- một vùng quê được vắt ngang bởi con sông Bồ thơ mộng bên lở- bên bồi và có Quốc lộ 1A đi qua. Sự sâu lắng sao mà duyên dáng, với cái tên nghe rất dịu ngọt- mặn mà: Hương Trà. Cái tên mà hồi nhỏ tôi từng hỏi mạ ( mẹ) tôi: Mạ ơi, có phải quê mình trồng nhiều cây Thành Trà, mà hương của nó thơm như mùi hương nên gọi là Hương Trà phải không mạ? Mạ tôi chỉ cười mà rằng: Lớn lên, con sẽ hiểu!
View attachment 11126
Tôi còn nhớ như in cái tết năm ấy- năm 1976- năm tôi vừa tròn 10 tuổi, cũng là năm đất nước hồi sinh sau 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi xúng xính trong tay mạ suốt mấy ngày tết cổ truyền, từ làng nội sang làng ngoại mà không hề mỏi chân và rét lạnh. Hồi đó, đâu có cảm nhận gì về tết, về sự thiêng liêng vốn có của tết, ngoài việc được ăn ngon ( mứt, bánh tét), mặc đẹp ( có áo quần mới), được đi chơi không phải bồng ( bế) em và càng không hề nghĩ đến lì xì.
Ngày 30 tết, là ngày đón ông bà về nhà mình ăn tết, sum họp với con cháu, là ngày thiêng liêng nhất, ấm cúng nhất. Mới sáng sớm, trong cái lạnh đến run người, từ trong cái mền dạ (cái chăn) tôi vùng dậy, khi nghe tiếng ba gọi “ Đứa mô (nào) đi cồn (nơi chôn ông bà đã chết) thắp hương với ba thì dậy đi, không thôi mặt trời lên là hết đi (theo quan niệm của người dân quê tôi, ban đêm là cõi âm, là ngày của người đã chết, nên đi mới gặp để mời). Từ nhà lên đến mộ của ông bà tôi khoảng 02km, tôi vừa đi, vừa nhảy nên khoảng cách như gần lại, chỉ biết khi đi về là phải ngồi nhổ cỏ may găm ở ống quần mất không ít thời gian. Gần trưa, khi mạ tôi nấu mâm cỗ xong, ba tôi bày biện lên bàn thờ và thắp hương. Không biết ba tôi nói gì lầm rầm trước bàn thờ ông bà, mà nét mặt vẻ nghiêm trang lắm, lúc này chị em chúng tôi chỉ được đứng ở nhà bếp nhìn lên thôi, chứ không được lên nhà trên khi ba tôi đang cúng. Khói hương nghi ngút, nghe đượm nồng, khi hương trên bàn thờ vừa hết, là lúc đã cúng xong, ba tôi gọi chị em tôi dọn cỗ xuống nhà dưới và cả nhà quây quần bên mâm cơm cuối năm thật là đầm ấm, như báo cho cả nhà biết rằng: cái cũ, cái xấu đã ra đi, cái mới, cái tốt sắp về. Cảm giác này đan xen mãi trong tôi và cho đến hôm nay khi một cái tết nữa sắp về và tôi đang xa Huế!
Đêm 30 tết, không gian yên ắng lạ thường, trời tối đen, không trăng, không sao, nhìn xung quanh chỉ là ánh đèn dầu với đèn dầu, đường vắng không một bóng người có vẻ huyền bí. Từ các ngôi nhà tỏa lên những làn khói của những nồi bánh tét đang được mọi nhà vội vã, quạt quạt, thổi thổi, mong bánh chín để cúng đón giao thừa hòa vào không gian rồi tan biến trong màn đêm.
Và thời khắc giao thừa đã đến- 00 giờ ngày 01 tháng 01 Âm Lịch! Thời khắc mà con nít chúng tôi phải ngồi trên giường chưa được bỏ chân xuống đất, khi chủ hộ gia đình ( ba tôi chưa bỏ chân xuống đất)- đó là tục đạp đất ( xông đất), mặc cho ngoài kia tiếng pháo đang nổ râm ran như thúc giục tính tò mò, ham chơi của chúng tôi, càng nghe càng gần. Tôi giật mình khi nghe đứa em út hết lên: Ba đạp đất rồi! Vừa la, nó vừa vùng ra khỏi mùng ( màng), nhảy xuống đất, chạy ra sân ngay. Cả 4 chị em tôi chạy theo và reo lên khi nghe thấy pháo nổ sáng từng góc trời của làng quê. Ba tôi lúc này lại đang thắp hương xung quanh nhà, trước ngõ, trước mâm trái cây đang được bày biện rất công phu ở giữa sân để đón giao thừa ( ở quê tôi có tục cúng đón giao thừa lúc 0 giờ của ngày đầu năm, rất linh thiêng, cúng đến khi cây hương tàn mới thôi). Sau khoảng 30 phút pháo ngừng nổ, không gian trở lại tĩnh mịch, trời tối bưng, lúc này chúng tôi mới thấy lạnh và lục tục kéo nhau vào nhà. Các nghi lễ được ba tôi làm chầm chậm, có vẻ lung linh, huyền bí lắm, như một bức tranh được thêu dệt nên bởi những câu chuyện thần thoại ly kỳ. Nhưng, tất cả đó là sự thật- một sự thật hiển nhiên mà người dân quê tôi bao giờ cũng vậy, mỗi khi tết đến- xuân về, họ tín ngưỡng và tin rằng sau những nén hương đón giao thừa là sự ấm cúng, may mắn, bình an sẽ đến với họ, vì thế họ sống trong trầm mặc và phải chăng con người Huế trầm tư là vậy! Cũng chính từ đó, hình ảnh tết quê luôn ám ảnh, khi tôi đang sống xa quê, tôi sợ tết đến! Nhưng cái sợ vẫn đến, bởi đó là quy luật và những người con xa xứ như tôi chỉ biết khóc thầm và nấc lên 2 chữ “giá như”.Vâng, giá như hồi đó mình cảm nhận được giá trị của cái tết ở quê và giá như mình đang được ở quê.
Đúng như vậy, “ Mùng một tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”! Sáng tinh mơ của ngày đầu năm mới, chúng tôi được mặc quần áo mới cùng ba, mạ đi thăm ông, bà và họ hàng bên nội; ngày thứ hai mới thăm ông, bà và họ hàng bên ngoại ( chỉ đi bộ chứ thời đó đâu có xe máy), nhưng đường sá nhộn nhịp hẳn lên bởi sắc màu quần áo con nít như chúng tôi ( tết ở Huế là mùa lạnh, mưa phùn và là mùa khoe sắc áo). Và rồi ngày mùng 3 tết đến- là ngày của riêng mình, chúng tôi mạnh ai thì đi. Bạn bè chúng tôi cả lớp đến chúc năm mới thầy cô bằng những tiếng cười vô tư, trong sáng, vào nhà ai không may không đủ ghế thì nháo nhào, nhưng không ai rầy la chúng tôi cả, bởi người dân Huế cho rằng: con nít tới nhà đầu năm là may mắn ( bởi hồn nhiên và vô tư). Chúng tôi cứ thế đi bất kể trời tối và chơi cho đến ngày đi học! Lúc này, vào giữa tháng Giêng Âm lịch, mà trong cặp đứa nào cũng đầy ắp mứt gừng, bánh kẹo, càng ăn càng thấy ngon, nhất là vị thơm của bánh tét chiêng, vị cay cay ấm dạ của mứt gừng, vị bùi bùi của ngào sắn ( củ mỳ cắt nhỏ từng miếng bằng ngón tay út, luộc lên, phơi khô, rang giòn rồi tẩm đường – đặc sản tết Huế đó).
Tất cả giờ đây không còn nữa, có chăng chỉ là dư âm và có chăng chỉ là ký ức tết tuổi thơ. Một tết thơ đẹp, hồn nhiên đã mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại với tôi và càng thấm thía hơn với những người lập nghiệp phương xa như tôi, tết không được về quê “ăn tết”, thay vào đó, là sự lo toan cho một cái tết của đời người, không nghĩ nhưng nó vẫn đến như một quy luật của thời gian và định mệnh của một đời người.
********************