Kẹo Siêu Nhân
Moderator
- Xu
- 0
Kỹ thuật xây thành
Theo sử cũ, thành được xây quanh co chín lớp, chu vi chín dặm, sâu nghìn trượng, xoáy tròn như hình ốc, cho nên được gọi là Loa Thành ("loa" có nghĩa là con ốc). Thành còn có tên nôm là Chạ Chủ và nhiều tên khác như Khả Lũ ("lũ" có nghĩa là quanh co nhiều lớp), Côn Lôn thành (ý nói thành cao như núi Côn Lôn bên Trung Quốc) hoặc Việt Vương thành (thành của vua xứ Việt), dân địa phương gọi bằng tên nôm là thành Chủ.
Để có đất xây thành, An Dương Vương phải cho dời dân tại chỗ đi nơi khác. Theo truyền thuyết thì làng Quậy hiện nay nguyên vốn ở tại Cổ Loa đã phải dời xuống vùng đất trũng cuối dòng sông Hoàng để An Dương Vương xây thành.
Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của nước ta"
Vào thời Âu Lạc, con người chỉ mới làm quen với một ít kỹ thuật sơ khai, công cụ lao động còn rất thô thiển, ít hiệu quả, tất cả công việc đều do bàn tay người mà ra. Muốn xây được công trình với "quy mô lớn vào bậc nhất" này, phải có một số lượng khổng lồ đất đào đắp, đá kè và gốm rải, như vậy, nhà nước Âu Lạc hẳn đã phải điều động một số nhân công rất lớn để lao động trong một thời gian rất dài mới có thể hoàn thành được. Các nhà khảo cổ học cho rằng đã phải có đến hàng vạn người làm việc hàng năm cho công trình này.
Khi xây thành, người xưa đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm. Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng. Chiếc Đầm Cả rộng lớn nằm ở phía Đông cũng được tận dụng biến thành bến cảng làm nơi tụ họp cho đến cả hàng trăm thuyền bè.
Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác. Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền núi. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy một số lượng gốm khổng lồ gồm ngói ống, ngói bản, đầu ngói, đinh ngói. Ngói có nhiều loại với độ nung khác nhau. Có cái được nung ở nhiệt độ thấp, có cái được nung rất cao gần như sành. Ngói được trang trí nhiều loại hoa văn ở một mặt hay hai mặt.
Tường thành phía ngoài được xây dựng đứng để gây khó khăn cho đối phương, còn mặt trong thì được xây thoai thoải để dễ dàng lên xuống.