penguins knok
New member
- Xu
- 0
Kỹ thuật công trường : làm thế nào để hài hoà ? Anh em kỹ thuật ở công trường như người “ trên đe – dưới búa” , trên thì có lãnh đạo công ty và giám sát, dưới thì là anh em công nhân trực tiếp lao động. Làm thế nào để giải quyết các mối quan hệ một cách hài hoà để công việc tiến triển thuận lợi ? đó là điều mà không phải ai mới đi làm cũng có thể xử lý ổn thoả được. Xin đưa ra một số ý kiến của bản thận mình để mọi người cùng bàn bạc.
Đối với giám sát / chủ đầu tư: Luôn có thái độ nhã nhặn và sẵn sàng sửa sai.
Nhiều trường hợp giám sát chủ đầu tư chỉ qua trung cấp hoặc sơ cấp có chút chuyên môn kinh nghiệm Tuy nhiên bạn đừng nghĩ rằng mình đã đi làm nhiều hay có trình độ chuyên môn cao hơn người giám sát của chủ đầu tư mà bạn có thể làm việc tuỳ ý mình hoặc có thái độ thiếu tôn trọng họ. Bạn nên hiểu rằng họ là những người đại diện cho chủ đầu tư thuê mình làm và họ có quyền quyết định. Bạn nên thường trực trên mặt một nụ cười chào đón với thái độ nhã nhặn, luôn lắng nghe những ý kiến của họ và sẵn sàng sửa sai. Tuy nhiên không phải lúc nào mình cũng vậy, nếu giám sát chủ đầu tư yêu cầu làm những việc sai với hợp đồng và không hợp lý, bạn có thể “vặn” lại họ nhưng bạn nên khéo léo một chút để công việc của mình trôi chảy hơn. Với những người giám sát có trình độ chuyên môn và năng lực kinh nghiệm thì bạn nên tạo mối quan hệ tốt với họ, luôn có thái độ học hỏi và sẵn sàng sửa chữa những sai sót trong công việc của mình vì rằng trong xây dựng thì khó có thể tránh khỏi sai sót mà người giám sát thì bao giờ cũng nhìn thấy cái sai của bạn.
Với anh em công nhân
Đây là một mối quan hệ phức tạp đối với những người làm kỹ thuật trực tiếp, mình cũng có khoảng thời gian không nhỏ ăn nằm trên công trường nên mình rất hiểu. Nếu bạn biết cách vận dụng và khéo léo trong mối quan hệ này thì công việc của bạn sẽ suôn sẻ rất nhiều và ngược lại: nó sẽ rất tệ hại đấy.
Hầu hết các công trường xây dựng hiên nay không có công nhân chuyên nghiệp được đào tạo bài bản qua trường lớp ( ngoại trừ các công trường của các tổng công ty lớn có trường đào tạo công nhân cho riêng mình ), mà chỉ có công nhân thời vụ trong nông thôn ra làm việc do đó, họ mang theo cả những tập tục của địa phương mình ra theo khi làm việc. mức độ tự giác và chuyên nghiệp không cao, tính chất kỷ luật lao động cũng vậy, họ có thể sẵn sàng bỏ việc khi phật ý hoặc xảy ra xô xát nhẹ với đội trưởng hoặc với kỹ thuật mà đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công nhân xây dựng đang khan hiếm. Trong mối quan hệ với anh em công nhân, bạn nên chú ý :
- Luôn giữ thái độ nhã nhặn, tôn trọng người lao động: bởi ai cũng có nhân phẩm và cái tôi của mình, dù là người làm thuê thì họ cũng cần được tôn trọng và bạn nên biết rằng bạn cũng sẽ được người khác tôn trọng nếu bạn biết tôn trọng người khác.
- Không bao giờ được cáu gắt trực tiếp với công nhân: Người lao động họ bỏ công sức ra làm việc cho mình, họ cũng muốn làm được sản phẩm để được trả công xứng đáng. Tuy nhiên do không được đào tạo bài bản nên khó có thể tránh được sai sót. Khi họ làm sai thì sao? Bạn nên trao đổi trực tiếp với đội trưởng – người thuê họ và quản lý họ trực tiếp để họ nhắc nhở, thậm chỉ yêu cầu phải làm lại. Nhắc nhở đội trưởng tức là bạn đã gián tiếp nhắc nhở người công nhân đó, thậm chí bạn có thể cáu gắt với đôi trưởng một chút cũng không sao vì đội trưởng thì không thể bỏ công trường giữa chừng còn công nhân thì lại khác đấy.
- Sẵn sàng chỉ bảo khi họ cần: Công nhân cũng rất nhiều người ham học hỏi, họ sẽ hỏi bạn những gì họ không biết hoặc đôi khi, bạn yêu cầu họ làm một công việc bạn phải hướng dẫn trực tiếp cho họ biết mình phải làm gì. Nếu bạn chỉ bảo tận tình và họ hiểu mỗi khi bạn muốn yêu cầu họ làm gì – họ sẽ rất tôn trọng bạn, ngược lại nếu bạn không thể giải đáp được thắc mắc của họ về công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của bạn thì trong mắt họ, bạn chỉ là một ông “ký sư giấy” thôi đấy.
- Mềm mỏng nhưng cương quyết: Các cụ vẫn nói “ lạt mềm buộc chặt” rất đúng, nhưng trong công việc mình không được mềm mỏng quá mức, nhiều lúc trong bạn phải thể hiện cái tôi của bạn, phải biết tận dụng và sử dụng quyền bạn có, bạn có thể không trách mắng khi họ làm sai nhưng cương quyết yêu cầu sửa lại, đừng mềm lòng hay cho qua khi họ nói rằng “ cái này sai lệch một chút cũng không sao, chắc giám sát cũng không để ý đâu, có gì bác/chú chịu trách nhiệm” . Bạn hãy hiểu rằng trên mình còn giám sát và chất lượng công trình quyết định uy tín và sự tồn tại của công ty cũng như của chính bạn. Khi xảy ra sự cố thì bạn biết quy buộc trách nhiệm cho người công nhân đó như thế nào ?
Trong xây dựng luôn có nhiều vất vả và các mối quan hệ luôn phức tạp, tuy nhiên nếu bạn biết cách xử lý các mối quan hệ một cách khéo léo thì bạn đã thành công một nửa rồi đấy. Đây chỉ là ý kiến và một số điều mà mình nhận ra trong quá trình làm việc mong muốn chia sẻ và được các bạn góp ý.
Chúc các bạn thành công .!