Ký hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam

Pokemon_kute

New member
Xu
0
[h=2]Ký hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam[/h]

Báo nhân dân số ra ngày chủ nhật 28-1-1973 đã in trên trang nhất những dòng chữ to, nét đậm, in hai màu đỏ và đen nổi bật:


Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được thắng lợi vĩ đại.


Hiệp định Pa-ri đã được ký chính thức.


Từ 7 giờ sáng nay, chiến tranh chấm dứt ở cả hai miền nước ta.


Thế là "Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa! ý chí bất khuất đã thắng bạo tàn! Việc đạt một Hiệp định như vậy là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam" - như tuyên bố của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại cuộc họp báo lớn vào chiều ngày 24-1-1973 ở thủ đô Pa-ri.


Trong những ngày tháng Giêng năm bảy mươi ba đó, tất cả các báo chí, các đài phát thanh và vô tuyến truyền hình ở Pa-ri cũng như ở trên thế giới đều liên tiếp đưa tin về Hội nghị Pa-ri và bản Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trung tâm các hội nghị quốc tế ở đại lộ Clê-be đã trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới.


Những ngày lịch sử nối tiếp nhau dồn dập.


Ngày 22-1-1973, các chuyên viên của Việt Nam và Hoa Kỳ so lại lần cuối củng các văn kiện đã thỏa thuận xong giữa hai bên.


Ngày 23-1-1973, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ.


Ngày 27-1-1973, đúng 11 giờ (giờ Paris) Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa các bộ trưởng ngoại giao của các bên.


Cùng ngày, bốn Nghị định thư của Hiệp định cũng đã được ký kết.


Như thế là sau 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, cuộc đấu tranh của nhân dân ta trân bàn thương lượng đã giành được thắng lợi. Tập văn bản Hiệp định và Nghị định thư bằng hai thứ tiếng Việt và Anh đã được thỏa thuận xong. Buổi lễ ký kết đã diễn ra trong khung cảnh tranh nghiêm tại phòng họp lớn của trung tâm các hội nghị quốc tế Clê-be. ở bên ngoài, dọc đại lộ Clê-be, hàng ngàn đại biểu Việt kiều và nhân dân Pháp đã nồng nhiệt vỗ tay, vẫy cờ đỏ sao vàng và cờ xanh đỏ có sao vàng ở giữa, hô khẩu hiệu chào mừng các đại biểu Việt Nam chiến thắng.


Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương vừa ký còn chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã nhảy vào, nhanh chóng hất cẳng thực dân Pháp và âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Từ đó, nhân dân ta đã phải đương đầu chống lại tên đế quốc đầu sỏ, giàu mạnh nhất trong phe đế quốc chủ nghĩa, đã lần lượt đánh bại mọi chiến lược chiến tranh cực kỳ tàn bạo và xảo quyệt của kẻ thù - chiến lược thống trị miền Nam bằng những thủ đoạn điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, chiến lược chiến tranh "đặc biệt" chiến lược "chiến tranh cục bộ" và chiến lược chiến tranh "Việt Nam hóa".


Năm 1968, sau những thất bại nặng nề của chiến lược chiến tranh cục bộ và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, ngày 31-3-1968, tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải tuyên bố ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào; ngày 1-11, Mỹ phải chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc. Vì vậy, từ ngày 13-5-1968 ta đồng ý ngồi nói chuyện với Mỹ ở Pa-ri. Sau đó, khi Mỹ đã phải chấp nhận đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng (từ 6-1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), hội nghị bốn bên đã được bắt đầu tư ngày 18-1-1969. Những cuộc thương lượng đã kéo dài với cuộc đấu tranh hết sức gay go phức tạp, do phía Mỹ luôn luôn theo đuổi chính sách "đàm phán trên thế mạnh", đòi ta phải chấp nhận những điều kiện do Mỹ đặt ra. Năm 1969, sau khi lên cầm quyền, Ních-xơn đã thi hành chiến lược chiến tranh "Việt Nam hóa", mở rộng và đẩy mạnh cuộc chiến tranh lên tới mức ác liệt nhất, hòng cứu vãn tình thế nguy ngập của Mỹ và tay sai. Nhưng Mỹ vẫn thất bại và bọn tay sai ngày càng suy sụp nghiêm trọng.


Tháng 10-1972, Mỹ đã phải chấp nhận bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, do ta chủ động đưa ra. Ngày 22-10-1972, văn bản Hiệp định đã được hoàn thành giữa ta và Mỹ. Nhưng, ngày ngày hôm sau, Mỹ lại tráo trở, lật lọng. Đầu tháng 12-1972, Mỹ lại ngang ngược đòi sửa đổi nhiều điểm quan trọng trong nội dung Hiệp định, đồng thời tính toán bước leo thang mới, hòng gây áp lực đối với ta trên bàn thương lượng.


Cuối tháng 12-1972, Ních-xơn tàn bạo và tráo trở đã huy động một lực lượng lớn không quân chiến lược và chiến thuật mở cuộc tập kích đánh phá có tính chất hủy diệt dã man thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng và nhiều địa phương khác trên miền Bắc. Trong mười hai ngày đêm đọ sức quyết liệt của trận "Điện Biên Phủ trên không" ấy, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B.52 và 5 chiếc F.111 - những con chủ bài cuối cùng của Mỹ.


Trước những thất bại hết sức nặng nề trong cuộc tập kích chiến lược ấy, bị lên án và cô lập hơn bao giờ hết về chính trị trên thế giới và ngay cả trong nước Mỹ, tập đoàn Ních-xơn đã phải từ bỏ thái độ "thương lượng trên thế mạnh", cuối cùng phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam vào ngày 27-1-1973.


Hiệp định nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.


Hoa Kỳ phải hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Rút hết quân đội của Mỹ và của các nước khác, cố vấn và nhân viên quân sự, vũ khí và dụng cụ chiến tranh, hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự.


Tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ.


Không bao lâu sau Hội nghị Pari, từ ngày 27-2 đến 2-3-1973, cũng tại trung tâm các hội nghị quốc tế đại lộ Clê-be đã tiến hành Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Với sự tham gia của các vị bộ trưởng ngoại giao thay mặt 12 chính phủ (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Hungari, Pháp, Hoa Kỳ, Anh...) và với sự có mặt của ông Tổng thư ký Liên hợp quốc, Hội nghị đã chính thức ký "Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam". Bản Định ước trịnh trọng ghi nhận, tuyên bố tán thành và ủng hộ Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký ngày 27-1-1973 và bốn Nghị định thư kèm theo, khẳng định rằng hiệp định và các Nghị định thư phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh: công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.


Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973 là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng sau 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là sau hơn 18 năm kiên trì chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vượt qua muôn vàn hy sinh gian khổ và ghi lại những trang rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc.


Đó là thắng lợi vĩ đại của tinh thần "không có gì quí hơn độc lập tự do" của sức mạnh đoàn kết dân tộc trong cả nước, từ Bắc chí Nam. Là thắng lợi rực rỡ của chủ nghĩa Mác - Lê-ninbách chiến bách thắng, của đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đứng đắn, sáng tạo của Đảng ta.


Đó cũng là thắng lợi vẻ vang của nhân dân ba nước Đông Dương - những người bạn chiến đấu cùng chiến hào chống kẻ thù chung.


Đó cũng là thắng lợi có ý nghĩa thời đại của phong trào cách mạng thế giới, của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình, của nhân dân yêu chuộng tự do, công lý trên toàn thế giới.


Với việc ký kết Hiệp định Paris, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã phải chấp nhận những thất bại hết sức nặng nề, nhưng chúng vẫn chưa chịu từ bỏ những âm mưu duy trì chủ nghĩa thực dân kiểu mới đối với miền Nam nước ta. Ngay từ khi Hiệp định Paris vừa được ký kết, Mỹ - ngụy đã liên tiếp vi phạm, phá hoại trắng trợn các điều khoản chủ yếu của bản Hiệp định. Chúng đã tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới trên qui mô lớn bằng các kế hoạch cực kỳ tàn bạo. Đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ quân sự cho ngụy quyền tay sai, vẫn duy trì bộ máy chỉ huy chiến tranh với hàng vạn cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ đội lốt dân sự. Chúng ôm ấp hy vọng chỉ ba năm sau đó, đến năm 1976, sẽ có thể ung dung xây dựng và củng cố chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam và thực hiện chia cắt lâu dài đất nước ta.


Rõ ràng nhân dân ta không có cách nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của chúng. Để bảo vệ và thi hành Hiệp định Paris, quân và dân ta đã trừng trị đích đáng mọi hành động phá hoại đầy tội ác của chúng, không những ở các nơi chúng lấn chiếm mà còn ở tất cả các căn cứ xuất phát của chúng.


Thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất vào mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta đã đập tan mọi hành động phá hoại của Mỹ - ngụy, lật đổ toàn bộ chế độ kìm kẹp thực dân kiểu mới của chúng, và đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến vĩ đại nhất trong lịch sử 4000 năm của dân tộc.

Nguồn sưu tầm
 
Từ sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào miền Nam, thế chân thực dân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Việt Nam một lần nữa trải qua cuộc chiến tranh trường kỳ, bền bỉ chống Mỹ để đi tới việc ký kết Hiệp định Pari, ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Năm 1968, sau hàng loạt những thất bại nặng nề của chiến lược "chiến tranh cục bộ" và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức diễn ra ở Pari. Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Xuân Thuỷ đứng đầu, đã khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam là trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan của hai bên. Phái đoàn Mỹ do Hariman đứng đầu.

Hội nghị hai bên ở Pari sau nhiều phiên họp trong năm 1968 vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản, nhưng đã mở đầu cho một thời kỳ Việt Nam tiến công trực diện Mỹ về ngoại giao trên bàn hội nghị. Trong quá trình đấu tranh đó, phái đoàn Việt Nam luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam, hành động phá hoại hiệp định Giơnevơ của Mỹ; đòi Mỹ rút quân và chư hầu ra khỏi Việt Nam; chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam; từ bỏ ngụy quân Sài Gòn; đáp ứng lập trường của Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên quyết của phái đoàn Việt Nam, cùng với những thất bại nặng nề trên chiến trường và tình hình nước Mỹ trước ngày bầu cử Tổng thống, ngày 1/11/1968, Giôn- xơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Sau sự kiện này, cuộc đấu tranh giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất tổ chức Hội nghị Bốn bên bao gồm: Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hoà (chính quyền Sài Gòn).

Tháng 1 năm 1969, Hội nghị 4 bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu tiên tại Pari. Lập trường bốn bên, mà thực chất là của hai bên, Việt Nam và Mỹ, giai đoạn đầu rất xa nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn hội nghị, đến mức nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Trong thời gian này, trên chiến trường cả hai bên Việt Nam và Mỹ đều tìm mọi cách giành thắng lợi quyết định về quân sự để thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh mà cả hai phía đang giành giật trên bàn đàm phán nhưng chưa đạt kết quả. Những thắng lợi quân sự của ta trong các chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, Đông Bắc và Đông Nam Campuchia trong năm 1971; các chiến dịch tiến công Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Bình Định, Khu 8 Nam Bộ… trong năm 1972 đã làm quân Mỹ - nguỵ bị thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” và tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán.

Ngày 8-10-1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho Mỹ bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam” và đề nghị thảo luận để đi đến ký kết. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22-10-1972 phía Mỹ lật lọng viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Đêm 18-12-1972, tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là "Trận Điện Biên Phủ trên không" kết thúc bằng việc 38 pháo đài bay B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ bị bắn rơi ngay trên bầu trời Hà Nội. Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội, đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng nổi, buộc chúng phải chấp nhận thất bại, nối lại đàm phán tại Pari. Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định đã thoả thuận.

Cuối cùng, ngày 22 - 1 - 1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pari) Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kit-xinh-giơ ký tắt. Ngày 27-1-1973 Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.

Hiệp định nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

Hoa Kỳ phải hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Rút hết quân đội của Mỹ và của các nước khác, cố vấn và nhân viên quân sự, vũ khí và dụng cụ chiến tranh, hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự.

Tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ.

Ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Đơn vị cuối cùng của quân đội viễn chinh Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam dưới sự kiểm soát của sĩ quan Việt Nam Dân chủ cộng hoà trong Uỷ ban Liên hợp quân sự bốn bên.

Trong thời gian khoảng 5 năm, Hiệp định Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân Mỹ và quân 5 nước thân Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khỏi miền Nam, đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ, trước sau vẫn nêu quan điểm “có đi có lại”, đòi hai bên (cả quân đội miền Bắc có tại miền Nam) “cùng rút quân”.

Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Pari là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị Pari và Hiệp định Pari mãi mãi đi vào trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top