Maruko Dương
New member
- Xu
- 0
Kimono trang phục truyền thống mang đậm bản sắc Nhật Bản
Trang phục của bất kỳ quốc gia nào đều chứa đựng nét văn hoá riêng, mang đậm bản sắc quốc gia đó. Với kimono trang phục truyền thống của Nhật Bản, dường như nó đã thoát ra khỏi khuôn khổ những trang phục thông thường để trở thành một tác phẩm nghệ thuật công phu, tỉ mỉ và tinh tế ở xứ sở Phù Tang. Kimono có nghĩa là: “đồ để mặc”, hoặc Hòa phục, nghĩa là “y phục Nhật“. Kimono ban đầu chỉ là quần áo nói chung, trải qua thời gian và nhiều biến động, Kimono đã trở thành tên gọi riêng cho trang phục truyền thống Nhật Bản này để phân biệt với “yofuku” – trang phục phương Tây.
Kimono vốn có 12 lớp áo với nhiều màu sắc kết hợp hài hòa. Tuy nhiên, khi mặc Kimono không nhất thiết phải mặc tất cả 12 lớp áo này. Kimono đã được người Nhật sử dụng các đây vài trăm năm. Ngày nay, Kimono được người Nhật sử dụng chủ yếu trong các dịp lễ tết hay trong những ngày quan trọng. Kimono của nữ có 8 mảnh, của nam có 5 mảnh. Những mảnh này được khâu thủ công lại với nhau trên đường thẳng để tạo ra hình dáng cơ bản cho Kimono. Ngoài sự khác nhau về số mảnh, Kimono của nam và nữ còn có sự khác nhau về màu sắc và họa tiết. Kimono của phụ nữ thường có các họa tiết hoa lá và các họa tiết thiên nhiên khác. Kimono của nam giới thường có màu tối – thông thường là màu đen, không có hoa văn và trên Kimono có in hình gia huy của dòng họ. Để nhận biết được vị trí xã hội hay tuổi tác của người mặc, ta có thể căn cứ vào màu sắc của Kimono. Những màu sáng, đặc biệt là màu đỏ được dùng cho trẻ em và phụ nữ chưa có gia đình. Màu sắc của Kimono biểu thị các mùa trong năm.
Kimono có nhiều loại khác nhau: Furisode, Yukata, Houmongi, Tomesode, Shiromaku, Tsumugi, Tsukesage. Mỗi loại có một ý nghĩa, đặc trưng riêng và được người Nhật Bản mặc vào những dịp khác nhau.
Kimono Furisode:
Dành cho thiếu nữ còn độc thân, ống tay áo rộng và dài, màu sắc tươi tắn với nhiều hoa văn trang trí trên vải lụa tốt, thường được dệt thủ công. Furisode thường được mặc trong các buổi lễ lớn, các buổi tiệc trà và đặc biệt là được mặc trong lễ thành nhân.
(Trang phục Kimono furisode Nhật Bản)
Kimono Tomesode:
Là loại y phục trang trọng dành cho phụ nữ đã có gia đình. Điểm đặc trưng của trang phục này đó là ống tay áo ngắn, thân áo chủ yếu là màu đen, phần vạt áo bên dưới có họa tiết hoa văn đơn giản, trang nhã. Với Tomesode màu đen, trên áo được đính gia huy tượng trưng cho gia tộc và thường được mặc vào những dịp quan trọng như đám cưới của một người thân. Với Tomesode màu khác thì không được đính gia huy.
(Trang phục Kimono Tomesode Nhật Bản)
Kimono Houmongi:
Dành cho mọi đối tượng phụ nữ (nhưng thông dụng nhất là phụ nữ đã có gia đình), thường mặc trong tiệc trà, họp mặt người thân hoặc các cuộc viếng thăm theo nghi thức. Màu sắc trang nhã, hoạ tiết trang trí có trên khắp mặt vải nhưng mật độ hoa văn không bằng Furisode. Houmongi cũng thường được cha mẹ dùng làm món quà trao cho con gái khi đi lấy chồng.
(Trang phục Kimono Houmongi Nhật Bản)
Kimono YuKata:
Đây là loại Kimono thông thường, mặc trong mùa hè, thường làm bằng vải cotton với tay áo ngắn. Ngoài ra còn thường được mặc trong các quán trọ truyền thống của Nhật Bản. Đây cũng là loại Kimono duy nhất được may bằng vải cotton, các loại Kimono khác được may bằng vài lụa.
(Trang phục Kimono YuKata Nhật Bản)
Kimono Shiromaku:
Là loại lễ phục trắng cô dâu mặc trong đám cưới với phần đuôi áo khá dài và toả tròn ra. Màu trắng tượng trưng cho sự bắt đầu của một chuyến đi. Bộ lễ phục này thường đi kèm băng vải trắng trên đầu có tên là tsunokakushi. Ngày nay, cô dâu có thể chọn màu của Shiromaku là màu đỏ hoặc màu đen thay cho màu trắng truyền thống.
(Trang phục Kimono Shiromaku Nhật Bản)
Kimono Tsukesage:
Loại Kimono này được mặc trong các buổi tiệc, tiệc trà, cắm hoa và đám cưới của bạn bè. Tsukesage thường có hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo, đắp ở đỉnh vai, họa tiết trên áo sáng và nổi rõ.
(Trang phục Kimono Tsukesage Nhật Bản)
Màu sắc của kimono thường để biểu thị cho các mùa trong năm, ngoài ra mỗi một tầng lớp trong xã hội cũng có một loại màu áo kimono riêng.Tùy theo tuổi tác của người mặc mà màu sắc được chú ý rất nghiêm ngặt, những màu có gốc sáng, đặc biệt là màu đỏ, được dùng cho trẻ em và phụ nữ trẻ chưa chồng.
Đối với người dân thường, khi mặc kimono vào các dịp lễ tết, họ phải đeo một mảnh vải nhỏ có trang trí con dấu riêng của gia đình ở tay áo.
Khoảng từ 30 đến 100 ngày sau khi đứa bé chào đời, gia đình và người thân mang đứa trẻ đến đền thờ để làm một nghi lễ nhỏ. Khi đó đứa trẻ được mặc một chiếc kimono, bên dưới là màu trắng, bên trên là màu sáng (thường là màu đỏ) nếu là bé gái, hoặc màu đen nếu là bé trai. Ngoài ra, vào ngày lễ Shichigosan (15/11) các bé trai và bé gái cũng được mặc kimono.
Đối với những người bước sang tuổi 20, vào ngày lễ Thành Nhân ( ngày thứ 2 của tuần thứ 2 trong tháng 1 ), họ cũng buộc phải mặc kimono.
Ngày nay, người dân Nhật Bản vẫn thường xuyên mặc kimono trong những dịp lễ truyền thống của Nhật Bản. Kimono trang phục truyền thống Nhật Bản đã đi vào tiềm thức của con người nơi đây như một phần không thể thiếu trong tâm hồn Nhật Bản.
Sưu tầm tổng hợp