Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Kiểu kết cấu trò chơi trong 'Lá diêu bông'
Lá Diêu bông
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông
Mùa đông sau Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời!...
... ới Diêu Bông!...
(Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc, NXB Văn học, Hà Nội, 1994)
Đi suốt chiều dài bài thơ "Lá diêu bông", ta bắt gặp một Gã trẻ con đương tuổi dậy thì, tóc cao ba chỏm, chân sáo trên đồng, si mê và ngu ngốc một cách dễ thương.
Gã trai làng Kinh Bắc cố tìm cho bằng được chiếc Lá diêu bông - lá tình yêu, “lá phiêu bồng” từ câu nói vô tình của người Chị. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, ngày một, ngày hai, rồi đến cả mùa đông của năm cùng, tháng tận. Gã trẻ con cá biệt và đáng thương ấy vẫn cố níu kéo, cố tìm cho bằng được chiếc lá hư vô ở cõi nhân gian này. Ta đâu trách cứ được Gã trai si tình và mê muội. Bởi ta thấy, hình như trong tâm hồn trong trắng và thật thà kia có một nửa của chính mình.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”. Phải chăng Hoàng Cầm đã kết cấu nên một thế giới bí mật, một cánh cửa có bản lề cực kỳ chắc chắn và những mã khoá bí ẩn khêu gợi sự tò mò, khám phá của độc giả.
Ấn tượng đầu tiên tràn về trong ta là chiếc váy yêu kiều của cô gái vùng quan họ. Chiếc váy của vùng đất Kinh Bắc hàm chứa nhiều tầng nghĩa khác nhau. Trước hết, nó là một loại trang phục thân thương gắn liền với những bà, những mẹ, những liền chị trong làng quê cổ truyền xứ Bắc. Thứ hai, nó còn phô bày những sắc màu hội hè, đình đám và góp phần tô điểm cho vẻ đẹp nhân văn của con người. Tầng nghĩa thứ ba nằm ở bề sâu triết lý của tín ngưỡng phồn thực qua biểu tượng “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” - như một thứ “bùa ngải” mê dụ người đọc, nó đập vào thị giác và khêu gợi những ham muốn thầm kín của cái tôi trữ tình.
Đã vậy, nhân vật Chị lại quá lãng mạn và đẫm chất “huê tình”. Nhất là cái dáng điệu “thẩn thơ đi tìm” như ám ảnh và hớp hồn người thi sĩ vốn dĩ mang trong mình kiểu “gen” của dòng giống đa tình. Cấu trúc tuyến tính trong bài thơ giống như một mô típ “trò chơi”. Diễn biến của câu chuyện bắt đầu từ cặp phạm trù nhân - quả, từ câu nói bâng quơ “chết người”.
“Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
từ nay ta gọi là chồng”
Theo bước chân của cái tôi - em, thời gian đi tìm lá được kết hợp các kiểu thời gian cơ học “Hai ngày”, thời gian mùa màng “Mùa đông sau” và cả dòng thời gian tâm lý, thời gian định mệnh báo hiệu cuộc đời chị đã nhẹ bước sang trang “Ngày cưới Chị”. Đọc đến đây, người đọc tưởng chừng mọi biến cố trong cuộc tình trẻ con - người lớn đã chấm hết. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng thời gian ám ảnh, ngầm chảy, mà ta khó đong đo hết được; nó hiển hiện trong tiềm thức như một phạm trù “siêu thơ” (chữ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh) và bị chi phối mạnh mẽ bởi ma lực của chiếc lá vô hình.
Chiều sâu của bài thơ không dừng lại ở chuyện tình thơ dại mà nó đã chuyển sang một vẻ đẹp đã trở thành “nguyên lý mẹ” trong tâm thức của người Việt Nam. Đây là vẻ đẹp thanh cao và nhân hậu của người mẹ đất Việt nói chung, mà khi nghe đến ta cứ phải nghiêng mình. Để minh định cho những điều vừa phân tích, chúng tôi cho rằng “không thể nghiên cứu mối liên quan giữa bản sắc văn hoá với ngôn ngữ mà lại bỏ qua vấn đề nhận thức, vấn đề tư duy của những người thuộc một cộng đồng văn hoá - ngôn ngữ đang được xem xét” [2, tr. 160]. Như vậy, khi tìm hiểu bài thơ Lá Diêu bông, ta không chỉ xem xét thi phẩm này ở các góc độ như: mối tình trẻ con - người lớn, ở cấu trúc trò chơi, mà ta còn nghiên cứu cả một quá trình tư duy của con người. Qua một khoảng thời gian nhất định, cuộc đời chị đã “mấy độ sang trang”, với ba con, tất yếu nhân vật trữ tình sẽ chợt “ngộ” ra ở chiều sâu của hành trình đi tìm cái Đẹp không chỉ ở một cá nhân cụ thể nào đó, mà còn hiện diện bên trong “hồn xưa đất nước”.
Dòng thời gian tâm lý trong bài thơ như một cột mốc buông neo vào lòng cái tôi trữ tình. Khoảng thời gian “Từ thuở ấy” có lẽ không mất đi mà còn bất tử, đồng hành cùng nhân vật trữ tình đi đến tận “đầu non cuối bể”, chạm đến bến bờ của cái Đẹp. Trong văn học lãng mạn phương Tây, tìm về với thiên nhiên thanh sạch để đối lập với cái ồn ào của đô thị phồn tạp là một đề tài quen thuộc. Mô típ này cũng được một số nhà Thơ mới như Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ sử dụng khá thành công với các chủ đề chính như: tìm về với mảnh hồn làng, với những ao bèo, giếng thơi, chợ Tết, cổng làng đã mở...
Và Hoàng Cầm là người đã góp thêm vào bộ sưu tập bằng thơ với các đề tài được “gẩy” ra từ rơm rạ, từ làng xã Việt Nam cổ truyền. Nét độc đáo trong hai câu kết của bài thơ Lá Diêu bông không chỉ ở sự phối thanh bằng - trắc “hời”, “ới” tạo ra âm hưởng ngân vang khi kết lại bài thơ, mà “Sử dụng âm vang cuối cùng của bài thơ, để ngỏ bài thơ, để kéo dài đến vô cùng nỗi đau của tình yêu đơn phương, của cái cô đơn đó là một đặc trưng phong cách thơ Hoàng Cầm ”. Lá Diêu bông là một thi phẩm có rất nhiều “khoảng lặng”, chưa nói hết những điều muốn nói. Nó miên man như một nỗi niềm hoài vọng và thoát thai từ thuở xa xưa của loài người.
“ Diêu Bông hời....
...ới Diêu bông...!”
Trở lại với luận điểm hành trình đi tìm cái Đẹp trong “hồn xưa đất nước”. Một điều hiển nhiên là trong bốn lần cái tôi - em tìm thấy Lá Diêu bông, đều là bốn lần gã trai làng Kinh Bắc trở về với con số không. Cả bốn lần Hoàng Cầm đưa người đọc đến với niềm hy vọng, để rồi trở về với sự tiếc nuối như đi vào một cõi siêu hình. Chiếc Lá Diêu bông như một ảo ảnh, nó không rụng về cội mà rụng vào lòng người, nó vùi sâu vào tiềm thức với bao kỷ niệm xót xa, ngậm ngùi. Mỗi lần cái tôi - em tìm được báu vật với mong muốn giải được “lá bùa” thách cưới “Đứa nào tìm được lá Diêu bông / từ nay ta gọi là chồng”, lại có một hành động vô ngôn của người Chị như “chau mày”, “lắc đầu”, “cười”, “xoè tay phủ mặt Chị không nhìn”. Từng có học giả viết rất hay về cuộc phiêu lưu đầy đau khổ này: “Sao bi kịch của con người kéo dài quá vậy ! Cái đẹp hiện lên, cái đẹp biến đi..., ước mơ, con người không bao giờ tìm thấy; nó ngẩn ngơ đi tìm quanh quẩn. Đó là bi kịch muôn thuở của con người” [1, tr.116]. Tuy nhiên, điểm sáng thẩm mỹ mà Hoàng Cầm mơ hồ nghe thấy được ở cõi xa xăm là tiếng “Gió quê vi vút gọi”. Tiếng gọi ở nơi cội nguồn như một niềm tin tuyệt đối, góp phần tiếp thêm sức mạnh; nó giúp nhà thơ vượt qua mọi sự ngăn trở của thứ luật chơi vốn tồn tại dai dẳng và mạo hiểm. Để theo đuổi và chạm đến được với cái Đẹp, cái giá mà ta phải trả cho đời, cho người quả là không nhỏ. Cũng có lúc ta phải đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân và số phận của mình.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bài thơ Lá Diêu bông của Hoàng Cầm là một kiểu kết cấu trò chơi. Trò chơi tình yêu. Trong cuộc chơi này, người Chị đã đưa ra luật chơi với điều kiện cuối cùng là tìm được lá Diêu bông. Và những luật chơi trong tình yêu, trong hành trình đi tìm cái Đẹp nhiều khi quá hà khắc, như những lời nguyền định mệnh mà con người không thể vượt qua.
----------------------------
[1] Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp hiện đại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.,
[2] Lý Toàn Thắng, Bản sắc văn hoá : Thử nhìn từ góc độ Tâm lí - Ngôn ngữ, trong sách Văn hoá Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận - Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu), NXB Giáo dục, TP HCM, 2003.,
Theo Lương Minh Chung
Nguồn: EVan
Nguồn: EVan