Kiếp cá - Bài thơ đầy suy tư cuộc sống - Phan Bá Ất

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
View attachment 15277

Đọc "Kiếp cá" của Quang Hoài, tôi vừa bật cười vừa muốn khóc, thấy thấm thía nỗi đời, ám ảnh khôn nguôi, nhưng cũng thức dậy những cảm xúc mới mẻ trong mình. Và tôi nghĩ: "Kiếp cá" là một bài thơ hay!


KIẾP CÁ

Giương vây
vọng
mảnh trăng
trôi

Ơi hồ ao
hỡi bóng người
chài đơm

Giã từ
kiếp cá
om tương

Hoá rồng
chép vụt
bay lên
đỉnh trời...

Thăng thiên
ngỡ biệt
xứ Người

Nào ngờ
hạ địa
lại bơi
ao hồ

Lại lẩn lưới
lại lách lờ

Dưới dao
trên thớt
lại lo
vẩy
trầy!

QUANG HOÀI


Tôi gặp bài thơ "Kiếp cá" của nhà thơ Quang Hoài trên tờ "Văn Việt" số 21 năm 2010 - Chuyên đề văn chương, Nhà xuất bản Văn Học - Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học Nghệ thuật, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội xuất bản.
Đọc "Kiếp cá" vài lần, gần như tôi thuộc ngay và không hiểu sao cứ muốn được viết, được nói một điều gì đó về bài thơ này.
Ngay từ câu thơ đầu, ta như được đứng trước bức tranh cổ "Lý ngư vọng nguyệt". Cá chép ngắm trăng! Đẹp, thơ mộng và "sang trọng"! Một loài cá đã từng đi vào cổ tích "Vượt vũ môn" làm rung động những trái tim ấu thời cắp sách. Nhà thơ Quang Hoài đã nảy thi tứ và phát triển nó để có một thi phẩm đầy suy tư và triết lý sống!

Trong một môi trường yên bình, cảnh vật đầy thơ mộng, cá chép sung sướng, thoả mãn tận hưởng Giương vây / vọng / mảnh trăng / trôi. Chắc chắn cá chép đang ôm ấp những khát vọng đẹp đẽ. Hình ảnh hư thực, chân ảo của mảnh trăng trôi như một cái gì vừa nhỏ nhoi, trôi nổi, vừa ảo giác. Môi trường là ao hồ, nhân vật chính là cá vọng, mảnh trăng trôi và... người chài đơm! Khát vọng tự do, khoáng đạt, bứt phá khỏi sự tù hãm, chật chội, cùng với sự lãng mạn và hoài bão của cá dường như rất cao quý, đáng khích lệ. Tuy nhiên, hình như cá đang chạy theo những ước mơ hư ảo, trên một cơ sở không thực tế; hơn thế nữa, không lường hết những biến cố, hiểm hoạ "người chài đơm" giăng bẫy!

Hy vọng và ước mơ khiến người ta đủ sức vượt qua mọi trở lực để sống và vươn lên, cho dù hy vọng, ước mơ ấy thế nào chăng nữa. Và có thể là ước mơ hay hiện thực, cá "thoát hiểm", hoá thân được để trở thành Rồng - biểu tượng quyền uy, vượng phúc, đẳng cấp tối linh, thành đạt. Cũng hợp lý thôi, khi mà tài năng của anh đủ sức vượt vũ môn đứng đầu thiên hạ! Có lẽ ở vị trí này cá hoàn toàn tin rằng mình đã có thể thoát khỏi môi trường chật chội tù hãm, và quan trọng hơn, thoát khỏi hiểm hoạ mà con người đang giăng bẫy, thoát khỏi cái "kiếp" "om tương" như một định mệnh của số phận: Hoá Rồng /chép vụt / bay lên/ đỉnh trời. Thế nhưng Thăng thiên / ngỡ biệt / xứ Người, một xứ sở mang lại hiểm hoạ đầy lo âu cho cuộc sống của nó; không hiểu do tỉnh giấc mơ, ngộ ra mình đang ở đâu, hay hiện thực phũ phàng của số phận, những biến cố cuộc sống khiến cho cá Nào ngờ / hạ địa / lại bơi / ao hồ. Thăng giáng, biến động hình như là quy luật của cuộc sống muôn loài. Và thế là cá lại trở về cuộc sống cũ. Lại quẩn quanh, bế tắc. Lại môi trường chật chội, tù hãm. Lại hiểm hoạ rình rập. Và cá lại lẩn lưới / lại lách lờ,lại phải trổ tài luồn lách, thoát hiểm. Lại cũng cao cả, cũng thấp hèn, cũng đua tranh. Và lại khát vọng tự do, lại mộng mơ, hy vọng để lại sống và vươn lên!

Phận kiếp của cá có thể là Dưới dao / trên thớt. Và ngay cả lúc đó - có thể lắm chứ - cá vẫn nuôi hy vọng thoát hiểm và biết đâu đấy, vẫn có cả giấc mơ hoá Rồng! Và nếu như thế, tâm lý Lại lo / vẩy / trầy sao không thể không có? Tôi như thấy cả sự khôi hài, nặng trĩu xót xa và cả lẽ tự nhiên lẫn sự tất nhiên ở đây vậy!
"Kiếp cá" hay kiếp nhân sinh? Có cái gì đó như bài học cho hết thảy chúng ta về kinh nghiệm cũng như lẽ sống: Hãy chấp nhận hoàn cảnh. Hãy gắn bó và đừng quên cuộc sống thực tại này. Cuộc sống muôn màu hấp dẫn nhưng đầy hiểm hoạ, phức tạp và bất trắc thử thách chúng ta. Điều gì cũng có thể xảy ra! Không thể chủ quan khinh suất, thoả mãn, coi thường. Phải cẩn trọng, tự tin và hy vọng, vươn lên cải tạo cuộc sống, chiến thắng số phận! Có thể tôi suy diễn quá chăng, nhưng đó là phần chìm của bài thơ, tôi nghĩ vậy!

Nhà thơ Quang Hoài có nhiều bài thơ tôi yêu thích. Đây không phải là bài thơ duy nhất ông đề cập đến "kiếp". Nói đến "kiếp", người ta có cảm giác như một phận số an bài và thường không mấy tươi vui. Trong bài thơ "Bài ca chim gõ kiến" của Quang Hoài, ta gặp những câu như thế này:
"Ta đã từng đầu thai làm kiếp hổ "oai linh rừng thẳm"... Ta đã từng đầu thai làm kiếp diều hâu... Ta đã từng đầu thai làm kiếp thông / như Uy Viễn tướng công hằng mong ước/ giữa trời mây bát ngát... Ta đã từng đầu thai làm kiếp người... Và giờ đây ta đầu thai làm kiếp chim/ một loài chim bình thường - chim gõ kiến/ sau giấc mơ làm kiếp cá hoá Rồng.

Hình như tất cả các "kiếp""ta" đã từng đầu thai, thì hoặc "ta" rơi vào cảnh ngộ này, hoặc "ta" rơi vào cảnh ngộ kia. Tất cả đều làm "ta" không yên tĩnh, không thoả nguyện. Những câu thơ trên trợ giúp người đọc hiểu thêm bài thơ "Kiếp cá " và hiểu thêm ít nhiều về tâm trạng của nhà thơ. Tôi thực sự cảm động và trân trọng nhà thơ với những trải nghiệm sống và những ký thác tâm sự của ông. Ông đã viết "Ta đã từng đầu thai làm kiếp người / đã chứng kiến những số phận trớ trêu và đen bạc / những cảnh huynh đệ tương tàn, chiến tranh nồi da nấu thịt / coi mạng người như cỏ rác / càng thương Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... ta càng chán ngán kiếp Người".

Vâng, thực trạng cuộc sống, "kiếp Người" đầy những hiện tượng đau lòng, những bức xúc cần cải tạo, tháo gỡ. Chữ Người thật không dễ viết hoa! Vậy nhưng ta được "làm Người", đó là điều hạnh phúc. Ta chấp nhận những thử thách và nghĩa vụ làm người. Trái tim ta có lửa, và ta biết thắp lên ngọn lửa hy vọng ngay cả lúc hiểm nguy và tưởng như vô vọng để vươn lên xứng đáng “làm Người”. Phải chăng "Kiếp cá" gọi ta về triết lý ấy và như cảnh tỉnh ta giữ gìn nhân cách trước cuộc sống muôn màu đầy bất trắc trong xã hội hiện đại ngày nay.

Bài thơ "Kiếp cá" được viết dưới dạng lục bát biến thể, tạo nên một thể bậc thang cách tân truyền thống khá hiện đại, phù hợp với nhịp thơ, âm vận và cách diễn ý. Ngôn ngữ thơ giản dị nhưng chọn lọc. Hình ảnh và cấu tứ chặt chẽ, gợi cảm, ta liên tưởng tới văn học dân gian thấm đậm thành ngữ, điển tích "Cá hoá Rồng", "Trên thớt dưới dao"... Bài thơ ngụ ngôn pha chút khôi hài, trào lộng và không khỏi trầm tư nghĩ đến kiếp nhân sinh, lẽ sống.
Đọc "Kiếp cá" tôi vừa bật cười vừa muốn khóc, thấy thấm thía nỗi đời, ám ảnh khôn nguôi, nhưng cũng thức dậy những cảm xúc mới mẻ trong mình. Và tôi nghĩ: "Kiếp cá" là một bài thơ hay!
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top