Kiến thức cơ bản về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
1. Nguyễn Dữ là người nghệ sĩ – trí thức sống trong một thời kì lịch sử có nhiều biến động. Trong các sáng tác của mình, ông đã thể hiện những tư tưởng sâu sắc, tiến bộ về hiện thực cuộc sống, về con người trong một hình thức nghệ thuật với nhiều sáng tạo. Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” trích “Truyền kì mạn lục” là một thành công nổi bật của Nguyễn Dữ. Truyện đã từ một cuộc đời bất hạnh, một số phận oan khuất của Vũ Nương, đã cùng lúc vừa làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam; thể hiện sự quan tâm, thương xót của tác giả đối với nhân vật phải chịu khổ đau, thiệt thòi; vừa lên án tố cáo, phê phán một cách sâu sắc xã hội phong kiến có nhiều nghịch lí, bất công.2. Tác phẩm được viết theo thể truyền kì – một loại văn xuôi tự sự, có nguồn gốc từ văn học Trung Quốc, thịnh hành từ thời Đường. Truyện truyền kì thường mô phỏng những cốt truyện dân gian hoặc dã sử vốn đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Sau đó bằng tài năng sáng tạo của mình, các tác giả sắp xếp lại những tình tiết, bồi đắp thêm cho đời sống của các nhân vật, xen kẽ những yếu tố kì ảo…Bởi thế, truyện dù có ma quỉ, thần tiên hay yêu tinh, thủy quái, nhưng mạch chính vẫn là những chuyện có thực, chuyện trần thế, và nổi lên trên hết vẫn là những con người thực, có đời sống, có số phận…”Truyện kì mạn lục” là đỉnh cao của thể loại này, từng được xem là một áng “thiên cổ kì bút” ( áng văn hay của ngàn đời ).
3. “Chuyện người con gái Nam Xương” là truyền thứ 16, có nguồn gốc từ một truyện cổ tích Việt Nam có tên là “Vợ chàng Trương”. Truyện xoay quanh cuộc đời, số phận của Vũ Nương – một người con gái đẹp người đẹp nết. Nàng có chồng là Trương Sinh – một người thất học, có tính đa nghi. Khi chồng đi lính, Vũ Nương hết lòng nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ chồng. Giặc tan, Trương Sinh trở về quê nhà, đau buồn khi nghe tin mẹ mất vội tin lời con nhỏ mà cho rằng vợ thất tiết nên la mắng, đánh đập, đuổi xua Vũ Nương. Uất ức nàng trầm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Vũ Nương được Linh Phi cứu sống rồi nàng gặp một người cùng làng tên là Phan Lang. Vũ Nương kể lại chuyện xưa và nhờ Phan Lang khi trở về nói hộ với Trương Sinh lập đàn giải oan, Khi Trương Sinh lập đàn giải oan Vũ Nương hiện về trần gian một lúc rồi biến mất. ( phần tóm tắt )
4. Vũ Nương là người phụ nữ có vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất đáng quí. Xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng ở Vũ Nương đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam theo quan điểm Nho giáo ( có đủ tam tòng tứ đức ). Đặc biệt, tác giả đã đặt nhân vật trong tất cả các mối quan hệ để làm toát lên vẻ đẹp ấy. Với chồng, nàng là người vợ hiền thục, thủy chung, một lòng yêu thương chồng ( khi mới về làm vợ, khi Trương Sinh đi lính, trong khoảng thời gian Trương Sinh đánh trận nơi xa, khi hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ, rồi những năm tháng sống ở chốn làng mây cung nước sung sướng nàng vẫn không nguôi nỗi thương nhớ chồng con ). Với con, nàng là người mẹ dịu dàng, giàu tình thương yêu ( chi tiết nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản cũng xuất phát từ tấm lòng của người mẹ; để con trai mình bớt đi cảm giác bị thiếu vắng tình cảm của người cha ). Với mẹ chồng, nàng đã làm tròn bổn phận của người con dâu hiếu thảo ( thay chồng chăm sóc mẹ, động viên khi mẹ buồn, thuốc thang khi mẹ ốm, lo ma chay chu đáo khi mẹ qua đời ). Nguyễn Dữ đã dành cho nhân vật một thái độ yêu mến, trân trọng qua từng trang truyện, từ đó khắc họa thành công hình tượng người phụ nữ với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp.
5. Vũ Nương có một cuộc đời bất hạnh, một số phận oan trái. Nàng là nạn nhân của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do. Nàng là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa. Đỉnh điểm của bi kịch là khi gia đình tan vỡ, bản thân phải tìm đến cái chết để giải nỗi oan ức, thoát khổi cuộc đời đầy đau khổ,oan nghiệt.Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự, có nỗi tuyệt vọng đắng cay, nhưng cũng có sự chỉ đạo của lí trí, không phải là một hành động bột phát trong cơn nóng giận. Nếu đối với Thúy Kiều, bi kịch cuộc đời nàng ập đến bởi những nguyên nhân xã hội cụ thể, thì qua hình ảnh cái bóng và tấn bi kịch của Vũ Nương, ta nhận ra cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến quá đỗi mong manh. Vũ Nương làm sao né tránh được những tác nhân phá hoại đời mình khi nó nằm ngay trong cái bóng của mình, nằm ngay trong cảnh mình vui đùa với con, nằm ngay trong khi mình còn muốn gắn bó kéo sơn với người chồng xa cách, nằm ngay trong một câu nói hồn nhiên, vô tư của đứa con trong sáng. Lí giải về nguyên nhân bi kịch của người phụ nữ, Nguyễn Dữ đã chạm được vào những nghịch lí ngang trái đến mức oái oăm trong xã hội phong kiến, đày ải, giày vò, bức tử họ. Từ cái nhìn nhân đạo, đến thái độ căm ghét lên án cái bất công, đến sự xót thương vô hạn hướng về người phụ nữ. Đó là nguyên nhân chính khiến cho vấn đề người phụ nữ, nhân vật Vũ Nương ( như Thúy Kiều ) đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc.
6. Tác phẩm còn đề cao triết lí nhân nghĩa “ở hiền gặp lành” qua phần kết thúc có hậu giống như rất nhiều câu chuyện cổ tích Việt Nam. Với đặc trưng riêng của thể loại truyền kì, Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm phần cuối của câu chuyện. Vũ Nương đã không chết, hay nói đúng hơn, nàng được sống cuộc sống khác bình yên và tốt đẹp hơn ở chốn thủy cung. Có thể thấy rõ ước mơ của người xưa ( cũng là của tác giả ) về một xã hội công bằng tốt đẹp mà ở đó, con người sống và đối xử với nhau bằng lòng nhân ái; ở đó nhân phẩm của con người được tôn trọng đúng mức. Oan thì phải được giải, người hiền lành lương thiện như Vũ Nương phải được hưởng hạnh phúc. Tuy kết thúc có hậu những tác phẩm vẫn mang màu sắc bi kịch. Vũ Nương vĩnh viễn không thể trở về trần gian, nàng chẳng bao giờ được làm vợ, làm mẹ như mong muốn lớn nhất của đời nàng; chàng Trương vẫn phải trả giá cho hành động phũ phàng của mình, sống trong cảnh phòng không vắng vẻ…ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya; bé Đản mãi mãi không còn mẹ…Đó là sự thật đau đớn, là một lời tố cáo sâu sắc thói đời ích kỉ, ghen tuông mù quáng, nêu ra bài học xương máu mà cho đến nay vẫn còn ý nghĩa.
7. Thành công về nghệ thuật: Xây dựng được cốt truyện kịch tính với đủ ba phần: khai đề - thắt nút – mở nút; tạo được tình huống đơn giản mà đặc sắc làm nổi bật được tính chất éo le, bi kịch trong cuộc đời người phụ nữ thời xưa; làm rõ được cái trớ trêu đối với hạnh phúc của con người. Có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực. Miêu tả tính cách nhân vật một cách sắc sảo, vận dụng linh hoạt ngôn ngữ đối thoại, độc thoại.