• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Kiến thức cần nắm vững khi làm dạng bài đọc hiểu

Kina Ngaan

Active member
Dạng bài đọc hiểu là một trong hai dạng của đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn. Để làm tốt dạng bài này, mỗi học sinh cần có một kỹ năng vững chắc để xử lý. Nắm chắc câu hỏi nhận biết để tránh bị mất điểm. Dạng bài đọc hiểu này lại chia nhỏ làm nhiều dạng hơn, học từ cái nhỏ tới cái lớn. Giúp bạn làm tốt hơn dạng này, sau đây là bài viết về kiến thức cần nắm vững khi làm dạng bài đọc hiểu.


I. CÁC PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT:


* Có 4 phương thức thường xuất hiện trong các đề thi/ đề kiểm tra: biểu cảm, tự sự, miêu tả, nghị luận. (Trong thơ: chủ yếu sử dụng hai phương thức: biểu cảm và miêu tả. Còn phương thức tự sự có sử dụng nhưng không nhiều. Trong văn xuôi: chủ yếu sử dụng các phương thức: tự sự và miêu tả, biểu cảm.)

1. Phương thức tự sự (kể chuyện, tường thuật):
– Khái niệm: Tự sự là kể lại, thuật lại sự việc, là phương thức dùng lời kể tái hiện lại sự việc đã xảy ra, hoặc trình bày 1 chuỗi các sự việc, sự việc này đẫn đến sự việc kia, cuối cùng kết thúc thể hiện 1 ý nghĩa.
– Đặc trưng:
+ Có cốt truyện.
+ Có nhân vật tự sự, sự việc.
+ Rõ tư tưởng, chủ đề.
+ Có ngôi kể, điểm nhìn, giọng điệu phù hợp.

2. Phương thức miêu tả: Miêu tả là dùng ngôn ngữ khắc họa cụ thể đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật, hiện tượng, con người (đặc biệt là thế giới nội tâm của con người).

3. Phương thức biểu cảm: Là trực tiếp bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người tạo lập văn bản về thế giới xung quanh, về người khác và về bản thân.

4. Phương thức nghị luận: Là phương thức chủ yếu dùng lập luận, lí lẽ, dẫn chứng để bàn bạc phải, trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết.

5. Phương thức thuyết minh: Được sử dụng khi cần cung cấp, giới thiệu, giảng giải những tri thức về 1 sự vật, hiện tượng nào đó cho người đọc , người nghe

6. Phương thức hành chính - công vụ: Là phương thức dùng ngôn ngữ để tạo lập những văn bản theo một hình thức khuôn mẫu nhất định, nhằm trình bày ý muốn, quyết định nào đó, thể hiện quyền hạn giữa người với người. Phương thức này chỉ sử dụng trong các văn bản thuộc phong cách hành chính.

II. CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN:

1. Thao tác lập luận giải thích:

– Là dùng lí lẽ cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, khái niệm để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề.
– Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ được tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ cần
được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm.
– Cách giải thích: Tìm đủ lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa vấn đề đó. Đặt ra hệ thống câu hỏi để trả lời.

2. Thao tác lập luận phân tích:

- Là cách chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện về nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong bên ngoài của đối tượng (sự vật, hiện tượng, vấn đề).
- Khi phân tích, cần chia, tách đối tượng thành các yếu tố theo những tiêu chí, quan hệ nhất định (quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng có liên quan, quan hệ giữa người phân tích với đối tượng được phân tích…)
- Phân tích cần đi sâu vào từng yếu tố, từng khía cạnh, song cần đặc biệt lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau trong một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất.

3. Thao tác lập luận chứng minh:

- Chứng minh: là cách dùng dẫn chứng và lí lẽ để khẳng định về vấn đề đang bàn luận, giúp cho người nghe/ đọc tin vào điều mình đang nói.
– Cách chứng minh: Xác định vấn đề chứng minh để tìm nguồn dẫn chứng phù hợp. Dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, toàn diện sát hợp với vấn đề cần chứng minh, sắp xếp dẫn chứng phải lô gic, chặt chẽ và hợp lí.

4. Thao tác lập luận bình luận:

– Bình luận là bàn bạc, nhận xét, đánh giá về một vấn đề .
- Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người nghe/ đọc tán đồng với nhận xét, ý kiến, đánh giá, quan điểm, bàn luận của mình về một hiện tượng/ vấn đề trong đời sống hoặc trong văn học nghệ thuật.
- Yêu cầu khi bình luận: Người bình luận phải:
+ Trình bày rõ ràng, trung thực hiện tượng/ vấn đề được bình luận.
+ Đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đáng giá của mình là xác đáng.
+ Có những lời bàn luận sâu rộng về chủ đề bình luận, thể hiện rõ chủ kiến của mình.

5. Thao tác lập luận so sánh:

- Mục đích của so sánh là làm sáng rõ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục.
- Khi so sánh phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí mới thấy sự giống nhau và khác nhau giữa chúng đồng thời phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của người viết/ nói.

6. Thao tác lập luận bác bỏ:

- Bác bỏ là dùng lí lẽ và dẫn chứng cụ thể để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác… từ đó, nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe/ đọc.
- Có thể bác bỏ một luận điểm, luận cứ hoặc cách lập luận bằng cách nêu ra tác hại, chỉ ra nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lệch, thiếu chính xác… của luận điểm, luận cứ, lập luận ấy.
- Khi bác bỏ cần tỏ thái độ khách quan, trung thực.

III. CÁC PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT:

Thường xuất hiện trong các văn bản truyện kể: truyện, tiểu thuyết.

1. Trần thuật từ ngôi thứ nhất, người kể chuyện xuất hiện trực tiếp (thường xong “tôi” trong tác phẩm)
VD: “Ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ tôi đứng. Một người đàn ông và một người đàn bà rời chiếc thuyền. Họ phải lội qua một quãng bờ phá nước ngập đến quá đầu gối. Bất giác tôi nghe người đàn ông nói chõ lên thuyền như quát: “Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”. (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)

2. Trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện giấu mình

Các nhân vật thường được gọi bằng tên gọi hoặc bằng một đại từ nào đó: hắn, y, thị, nó..
VD: “Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô hẳn lên, nén một tiếng thở dài. Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên, thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa
bộn cả trên giường, dưới đất. Hắn quay lại nhìn thị cười cười:
- Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!” (Vợ nhặt – Kim Lân)

3. Trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện giấu mình, nhưng điểm nhìn, lời kể, giọng điệu là của nhân vật. Nhà văn vẫn trần thuật là ngôi thứ ba, người kể chuyện không xuất hiện trực tiếp nhưng cách cảm, cách nhìn, cách nghĩ vẫn là của nhân vật. Các nhân vật vẫn được gọi bằng tên hoặc bằng những đại từ khác.
VD1: “Bà lão cúi đầu nín lặng Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc tỏng nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước măt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.” (Vợ nhặt – Kim Lân).
VD2: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ… Mị phảng phất nghĩ như vậy.”
(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

IV. CÁC PHƯƠNG THỨC MIÊU TẢ TÂM LÍ:

1. Miêu tả tâm lí trực tiếp: Tái hiện tâm lí nhân vật qua dòng độc thoại nội tâm (những suy nghĩ thầm kín bên trong)
VD: “Hình như có một thời hắn đã có một ao ước…” (Chí Phèo – Nam Cao)

2. Miêu tả tâm lí gián tiếp: Tái hiện tâm lí nhân vật qua nét mặt, hành động, lời lẽ, cử chỉ bên ngoài…
VD: Chi tiết: bà cụ Tứ trở về thấy có ngƣời đàn bà lạ trong nhà: “đứng sững lại”, “hấp hãy cặp mắt”… thể hiện tâm lí ngạc nhiên của nhân vật.

Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top